ĐAU LÒNG QUÁ
Ngày nghỉ, vui vẻ, thư giãn và nghỉ ngơi. Nhưng rồi 2 cái tin trên cùng một tờ báo làm mình không thể nào vui vẻ được. Đến thế này rồi thì không còn gì để nói nữa rồi...
Tin thứ nhất: đau và xấu hổ.
Khi người trẻ quỳ xuống và hôn ghế...TT - Có thể yêu quý và hâm mộ, có thể nhịn ăn xếp hàng mua vé, có thể chen lấn xin chữ ký, mặc áo khoác giữa mùa hè nhiệt đới cho giống thần tượng... nhưng đến mức - xúm xít vào hôn cái ghế thần tượng ngồi thì...
“Hôm qua 10g có chạy chương trình mà chú Bi Rain gì đó (không biết gõ đúng không nhỉ) và bậu xậu của chú ta sang diễn. Bi ngồi cùng cậu nữa ghế A12, A14 trong Nhà hát lớn. Một số cô cậu nhòm thấy. Tối biểu diễn, nhiều quý nữ có vé mời vào rất sớm, xúm nhau cúi xuống ngửi, hôn cái ghế Bi ngồi”...
Sự cuồng nhiệt của khán giả trẻ VN trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn ngày 15-3 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Mấy câu ngắn gọn trên Facebook sau đêm biểu diễn của Bi Rain - ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - tại Hà Nội của một chuyên gia truyền hình nổi tiếng đủ khiến nhiều người trong chúng ta, dù thờ ơ đến mấy với “văn hóa xìtin”, phải giật mình.
Chuyện giới trẻ VN và cả châu Á hâm mộ các sao Hàn đã từ lâu không còn là chuyện lạ. Từ gần 20 năm nay, khi “làn sóng Hàn Quốc” trùm lên khắp phố phường thôn xóm - qua phim ảnh và ca nhạc đi trước, hàng hóa theo sau - xã hội đã quen với “tóc nâu môi trầm”, quen với kim chi và đồ ăn Hàn, thời trang và đồ điện tử, gia dụng, thậm chí quen với cả việc nguyên một buôn làng Vân Kiều đặt tên con bằng nhân vật phim Hàn Quốc.
Trên các phương tiện truyền thông, mỗi lần có ban nhạc hay ngôi sao (điện ảnh, truyền hình, ca nhạc) Hàn Quốc sang VN, tràn ngập hình ảnh các “fan cuồng” “cơm nắm muối vừng” xếp hàng đón ở sân bay, xếp hàng chen mua vé, xếp hàng xin chữ ký..., kèm theo là những lời than vãn tuyệt vọng của các bậc phụ huynh: “Nó đòi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để xem Super Junior”; “Nó bảo nếu mẹ không kiếm được vé cho con thì con sẽ bỏ học”, mà vé nào có rẻ, có những khi lên đến 5-7 triệu đồng/cặp.
“Con nhà giàu, được chiều quá mới thế, chạy ăn từng bữa xem, hết thần tượng ngay” - một vài lời nhận xét, rất vô can; “Trẻ con ấy mà, hãy thử đặt mình vào vị trí chúng nó”, “Chúng nó lớn tự khắc sẽ tỉnh”...- nhiều tiếng tặc lưỡi độ lượng.
“Hãy để lớp trẻ có thần tượng của mình, dù Hàn hay Việt, nếu họ tạo ra giá trị sống mới, nếu họ đại diện cho những vẻ đẹp mới, hay thậm chí đơn giản là họ mang đến niềm vui cho hàng triệu thanh niên đang thiếu vắng thần tượng và thiếu cả không gian giải phóng năng lượng” - nhiều chuyên gia tâm lý và những người “tây học, quan niệm cởi mở” phát ngôn trên các diễn đàn...
Ai cũng có lý nếu xét từ góc nhìn của mình, từ vị trí riêng của mình, từ trải nghiệm của bản thân mình.
Vâng, có thể yêu quý và hâm mộ, có thể nhịn ăn xếp hàng mua vé, có thể chen lấn xin chữ ký, có thể làm mình làm mẩy với cha mẹ để xin được tiền mua chiếc vé cắt cổ, có thể nhuộm tóc xanh, tô môi tím và mặc áo khoác giữa mùa hè nhiệt đới cho giống thần tượng...
Nhưng đến mức - dù là chỉ vài người trẻ - xúm xít vào hôn cái ghế Bi ngồi thì...
Những người nhìn thấy cảnh ấy đã giật mình, các phụ huynh đã giật mình. Nhưng giật mình rồi làm gì nữa? Trong khi các thần tượng mới mà chúng ta thật sự mong ước cho con em mình vẫn chưa xuất hiện.
THU HÀ
Tin 2: Một cái chết đau lòng
TT - Sáng 23-3, tại thôn Ngọc Sơn Tây (xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Tưởng (47 tuổi, không vợ không con) đã tự tử sau khi có những hành vi quá khích do bức xúc chuyện đền bù giải tỏa đất đai.
Ông Nguyễn Xong (90 tuổi) và vợ đau buồn khi con trai qua đời - Ảnh: HỮU KHÁ |
Ông Nguyễn Văn Bình - bạn nối khố với ông Tưởng - kể lại: “Sau khi có quyết định thu hồi đất, anh Tưởng cho rằng không được đền bù thỏa đáng. Buổi sáng, cả làng được mời tham dự họp. Khi đại diện chính quyền vừa trình bày xong phương án tái định cư, nhiều người xin phát biểu nhưng không được. Vì quá bức xúc, anh Tưởng chạy thẳng lên đòi lấy micro để nói. Rồi không hiểu sao anh rút một con dao giấu trong người đâm loạn xạ vào đoàn cán bộ. Sau đó, anh về nhà lấy con dao khác và chạy tìm cán bộ giải tỏa. Khi công an vừa đến, anh lại chạy về nhà. Ít phút sau, tôi nghe nói anh đã chết”.
Xóm nghèo xôn xao
Thôn xóm nghèo xôn xao trước cái chết của ông Tưởng. Trên khu đất đối diện khu đất mà ông Tưởng là chủ nhân, sát vệ đường người ta chỉ kịp dựng lán trại nhỏ vừa đủ để ông nằm, chờ cơ quan chức năng khám nghiệm. Người trong làng hay tin ông chết chạy tới đứng kín lán.
Ông Nguyễn Hoa, anh ruột ông Tưởng, đang cày ngoài ruộng nghe hung tin chạy vội về ôm thi thể em khóc không thành tiếng: “Tưởng ơi, răng dại rứa em ơi. Tau đã nói rồi, họ đền bù cho mi không thỏa thì mi cứ đi kiện, chứ sao lại ra nông nỗi này”. Ông Xong và bà Sung lưng còng chống gậy ngồi bên thi thể con. Ai hỏi gì ông Xong cũng im lặng. Bà Sung cứ lui tới lật chiếc chiếu lên sờ vào chân con.
Là con út trong nhà, ông Tưởng ở với cha mẹ già. Nhà nghèo rớt mồng tơi. “Mấy chục năm chắt chiu làm ăn, con tui mới dành được ít tiền mua một miếng đất. Cái sổ đỏ nó vẫn còn cầm trên ngân hàng để vay tiền trả nợ dần. Từ ngày huyện ra quyết định thu hồi đất, thằng Tưởng không đêm nào ngủ được. Bữa cơm chiều vừa rồi nó có nói với vợ chồng tui: Đất con họ lấy hết nhưng đền chỉ được mấy đồng. Con kiện không được thì con sẽ chết thôi mẹ ạ. Ai ngờ...” - bà Sung đau đớn nói.
Bà Sung (phải) thẫn thờ trước cái chết của con trai Nguyễn Văn Tưởng - Ảnh: Đ.NAM |
Vì sao nên nỗi?
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-3, bà Lê Thị Thanh Mai, phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nói đây là một sự việc hết sức đau lòng. Cả đoàn cán bộ tham gia cuộc họp không ngờ lại xảy ra vụ việc bất ngờ đến như vậy.
Ngay sau khi ông Tưởng chết, Ban thường vụ huyện ủy đã triệu tập cuộc họp để nắm tình hình...
Theo bà Mai, diện tích đất ông Tưởng có sổ đỏ là 562,1m2 (trong đó diện tích đất ở là 87,5m22 đất trồng cây hằng năm). Tuy nhiên, trong dự thảo phương án tái định cư lần 1 mà Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình trình bày, trường hợp của ông Tưởng không được cấp đất tái định cư, chỉ được đền bù toàn bộ diện tích đất là 21 triệu đồng. và 423m
Theo bà Mai, việc không cấp đất tái định cư cho ông Tưởng là thực hiện theo đúng quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Tưởng độc thân, không có nhà trên đất nên không được bố trí tái định cư.
Ngay sau khi nghe trình bày phương án dự thảo lần 1, ông Tưởng đã bức xúc, khiếu nại và cuối cùng được phía huyện Thăng Bình đồng ý bố trí một lô đất tại khu tái định cư. Nhưng ông Tưởng lại có nguyện vọng là được bố trí một lô đất 200m2.
Tuy nhiên, kết luận cuối cùng của chính quyền huyện Thăng Bình đưa ra là bố trí một lô loại 100m2, ông Tưởng phải nộp tiền phần đất chênh lệch là 12,5m2. Điều này thể hiện rất rõ trong biên bản làm việc giữa chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Ngữ với cá nhân ông Tưởng (ngày 27-2): “Những kiến nghị của ông Tưởng là hoàn toàn đúng thực tế, tuy nhiên tham chiếu các quy định của pháp luật thì không thể vận dụng được để giải quyết kiến nghị của ông. Do đó UBND huyện giữ nguyên phương án bố trí cho ông 100m2 đất tái định cư”.
Không riêng gì cá nhân ông Tưởng, rất nhiều hộ dân nằm trong dự án giải tỏa trắng đều lo lắng về việc lấy đâu ra tiền để mua lại đất tái định cư. Theo như lời ông Nguyễn Thám (anh ruột ông Tưởng), với số tiền 21 triệu đồng của Nhà nước đền bù tiền đất, ông Tưởng còn chưa đủ để mua lại một lô đất tái định cư với giá 25 triệu đồng.
Huyện hỗ trợ tiền mai táng
Chiều 23-3, ông Nguyễn Văn Ngữ - chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - đã gặp gia đình nạn nhân để động viên, chia sẻ. Theo ông Ngữ, chính quyền huyện đã quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng tiền mai táng cùng tiền mua lô đất tái định cư của ông.
Huyện Thăng Bình đã có báo cáo toàn bộ vụ việc gửi UBND tỉnh Quảng Nam. Theo báo cáo, sáng 23-3 Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các ngành chức năng huyện Thăng Bình và xã Bình Phục tổ chức họp các hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhằm công khai lấy ý kiến của nhân dân liên quan việc giải quyết bố trí tái định cư.
Sau khi đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện công khai dự thảo phương án bố trí tái định cư thì ông Nguyễn Văn Tưởng đăng ký phát biểu. Ông Phan Ánh (cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình) đưa micro cho ông Tưởng phát biểu, bất ngờ ông Tưởng rút dao trong người đâm ông Phan Ánh và ông Nguyễn Xuân Mai (phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình) nhưng cả hai kịp né. Nhân dân can ngăn nên ông Tưởng bỏ về nhà.
Sau đó ông Tưởng tiếp tục mang dao trở lại cuộc họp nhưng các cán bộ ở đây đã bỏ đi. Ông Tưởng về nhà, sau đó người dân phát hiện ông đã chết. Theo dư luận, ông đã uống thuốc tự tử.
|
NHÓM PV ĐÀ NẴNG
----------
Đều trên Tuổi trẻ hôm nay đấy ạ.
(Theo Blog Văn Công Hùng http://vanconghung.blogspot.com/2012/03/au-long-qua.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét