Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Người Mỹ ngạc nhiên vì những thứ "chỉ có ở Việt Nam"

Người Mỹ ngạc nhiên vì 
những thứ "chỉ có ở Việt Nam" 
 
Bài viết dưới đây là những trải nghiệm rất thật của phóng viên người Mỹ, Julie Hays khi chị có cơ hội lưu lại Việt Nam trong 11 ngày ngắn ngủi.

Tôi ôm chặt người bạn đang cầm lái khi lòng vòng xe máy quanh phố phường Hà Nội. Chúng tôi đi lướt qua một người đàn ông đang cắt tóc bên hè phố. Anh ta ngồi đối diện chiếc gương hình bầu dục gắn trên cây còn người thợ cắt tóc thì nhanh nhẹn đưa từng nhát kéo.


"Nhìn kìa! C.C.O.V.N", bạn tôi nói.


"Gì cơ?", tôi hỏi lại, cố gắng đoán ý bạn tôi từ những gì mình nhìn thấy.


"C.C.O.V.N", anh bạn lặp lại, "Chỉ-Có-Ở-Việt-Nam!"


Đó là ngày đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất hình chữ S để bắt đầu chuyến du lịch 11 ngày của mình. Việt Nam chưa bao giờ nằm trong số những nơi tôi muốn tới cho đến khi một người bạn cũ của tôi hồi còn ở Atlanta tìm được việc làm ở Hà Nội.



h



Chúng tôi đáp máy bay xuống Hà Nội, nơi mà từng con đường, góc phố là trái tim, linh hồn của Thủ đô. Đó là nơi người dân làm mọi thứ, từ ăn tối cho tới sửa giầy. Và cách duy nhất để cảm nhận nơi này chính là hoà vào dòng người nhộn nhịp ấy. Vì thế, chúng tôi đã quyết định dạo một vòng quanh khu phố cổ, nơi những người thợ thủ công xưa kia tụ họp, bày bán hàng hoá của mình. Trở thành khu vực buôn bán sầm uất nhưng những con phố ấy vẫn giữ trong mình nét cổ xưa.

Nhà cửa ở đây hẹp, sâu và chỉ cao vài tầng. Đường trong phố cổ có thể được đặt theo tên của chính hàng hoá bày bán tại đó như đồ thiếc ở Hàng Thiếc. Nhưng rất nhiều con phố không còn tuân theo quy luật này. Hàng Dầu không còn là nơi bán dầu, mà là nơi những người muốn tìm một đôi giày ưng ý lui tới. Trên ban công một quán cà phê gần khu phố cổ, lần đầu tiên, tôi được thưởng thức cà phê sữa đá - một loại cà phê rất Việt Nam. Cà phê đen, đặc giống esspresso nhưng được dùng cùng đá và sữa đặc. Chỉ nhấp ngụm đầu tiên thôi là tôi đã nghiện món này rồi.


Đa phần những thành phố cảng ở Việt Nam đều rơi vào 2 tình trạng: Trở thành một khu cảng công nghiệp sầm uất như Đà Nẵng hoặc tàn lụi theo thời gian. Thế nhưng, Hội An thì hoàn toàn khác biệt. Những con phố nhỏ đầy rẫy các cửa hiệu treo đèn lồng cùng phong cách kiến trúc châu Á truyền thống đem lại cho Hội An vẻ xưa cũ lạ kỳ. Nơi này vốn nổi tiếng với 2 thứ: vải vóc và ẩm thực.





Trước các cửa hiệu trên phố đều có một tiệm may, nơi bạn có thể tự thiết kế quần áo, chọn vải và đặt may qua đêm. Nếu tìm đúng thợ, bạn sẽ có được bộ đồ độc đáo và chất lượng không kém gì hàng bán trong những cửa hàng lớn. Nếu nói về ẩm thực thì Hội An là nơi pha trộn hương vị của 2 miền Bắc - Nam với 2 món đặc sản: Bánh bông hồng trắng và bánh xèo Hội An. Ở đây, nhiều quán cà phê còn mở lớp dạy nấu ăn để bạn có thể học cách chế biến món ăn theo đúng hương vị bản địa. Lớp học nấu ăn bắt đầu bằng việc đi chợ. Chúng tôi mua thực phẩm tươi sống và tìm hiểu văn hoá ẩm thực địa phương ở đó. Theo văn hoá Việt Nam thì nghệ có thể chữa được nhiều bệnh tật, còn sầu riêng - một loại quả nặng mùi - có hương vị rất kén người ăn. Để tới được nơi học nấu ăn, chúng tôi phải đi thuyền. Dưới mái nhà tranh, tôi đã học cách làm bánh tráng, nem, nấu ăn bằng nồi đất và rán bánh xèo. Sau này, khi quay lại Mỹ tôi đã phải trầy trật suốt một buổi chiều mới có thể làm được món bánh tráng ấy.

Từ Hà Nội ồn ào, náo nhiệt cho tới Hội An sâu lắng, đâu đâu trên hành trình chúng tôi cũng bắt gặp những nét độc đáo đậm chất Việt Nam. Việt Nam đang chuyển mình thay đổi. Không biết một thập kỷ sau, đất nước này sẽ như thế nào nhưng hiện tại bản sắc Việt vẫn còn vẹn nguyên.


Theo Kiến thức (dịch từ CNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét