Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Thà đau một lần để có tương lai bền vững

Thà đau một lần để có tương lai bền vững


Ông Lê Hồng Giang.

(TBKTSG) - Có ý kiến cho rằng đối với người nghèo, suy thoái (dẫn đến thất nghiệp) còn đáng sợ hơn lạm phát. Điều này cũng có thể đúng vì ở Việt Nam hệ thống bảo hiểm xã hội rất yếu. Nhưng suy thoái sau vài năm sẽ chấm dứt chứ lạm phát nếu không kiên quyết chống có thể sẽ kéo dài và ngày càng tệ hơn.

Bởi vậy xét trên tổng thể xã hội, và về lâu dài, việc chấp nhận suy thoái vài năm chưa chắc là phương án tệ, thậm chí nếu cứ dùng dằng để lạm phát kéo dài, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ như thời 1980. Tất nhiên nếu hàng ngàn tỉ đồng chi tiêu công (cho tượng đài, bảo tàng, lễ hội…) được chuyển sang trợ cấp cho người nghèo thì tốt hơn.
Hiện nay không chỉ người lao động mất việc chịu thiệt mà nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Tuy nhiên, đây chính là cái giá phải trả cho những sai lầm chạy theo tăng trưởng nóng trước đây. Tôi cũng rất thông cảm và cảm thấy áy náy với những “nạn nhân vô tội” này khi mình chỉ ngồi bàn giấy hô hào giữ lãi suất cao chống lạm phát chứ không phải vật lộn trong cuộc sống mưu sinh và kinh doanh như họ.

Trước mắt, Việt Nam cần có chính sách đúng đắn để thoát ra khỏi vòng xoáy lạm phát đã kéo dài hơn năm năm qua, và không chỉ có lạm phát, nền kinh tế còn những bất cân đối vĩ mô cần được cải tổ. Thà đau một lần để có tương lai bền vững và công bằng là điều nên chấp nhận.

Trong số trên 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2011, tôi tin có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chỉ vì không may đơn hàng bị chậm trong khi lãi suất lại cao nên phải đóng cửa. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp dạng như Vinashin, EVN Telecom, Indochina Airlines, Bianfishco… gặp khó khăn hay phải chấm dứt hoạt động vì chọn mô hình kinh doanh sai lầm, vì dùng đòn bẩy tài chính quá cao để kiếm tiền thật nhanh, hay vì lợi dụng sự ưu đãi của Nhà nước để kinh doanh chứ không hề có tinh thần doanh nghiệp. Rồi hàng loạt ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản mọc lên như nấm trong giai đoạn 2003-2007 cũng cần một cuộc sàng lọc mạnh mẽ và điều này chỉ có thể làm được trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn suy thoái.

-----------

phanminhngoc@yahoo.com

Thursday, 15 March 2012

Cần hoan nghênh đồng chí TS Lê Hồng Giang

http://phan-minh-ngoc.blogspot.com/2012/03/can-hoan-nghenh-ong-chi-ts-le-hong.html?utm_source=BP_recent


Thỉnh thoảng tớ có đọc bài của đồng chí này, đa phần thấy đồng chí rất vững trình độ, suy nghĩ thấu đáo, viết đúng và tốt (giống tớ, thế mới chết chứ!), như những bài viết như thế này. Trừ một lần đọc bài gì đó có chi tiết liên quan đến đôla hóa. Đồng chí ấy có nói rằng đại loại đôla hóa không làm giảm tính hữu hiệu của chính sách tiền tệ thì phải, là cái ngược lại với hiểu biết của tớ nên chắc chắn là sai luôn! Nhưng thôi, đó chỉ là tiểu tiết vặt.
Nhân đây, tớ đề nghị các báo chí phải tăng cường hối thúc, đặt bài của đồng chí Giang để làm lợi cho nền kinh tế nước nhà. Tớ chẳng thấy có khuôn mặt nào ở Việt Nam đáng phải hoan nghênh như đồng chí Giang cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét