Ý thức giao thông của người Việt không hề kém
Tại sao người Việt ta khi ra nước ngoài vẫn chấp hành nghiêm túc luật giao thông? Tại sao có nhiều ông Tây sang VN đi xe máy cũng phóng nhanh, vượt ẩu, cũng lấn tuyến, cũng chen lấn?
Khi chúng ta nói nhiều về ý thức giao thông nhưng không tìm thấy định nghĩa cho từ này trong bộ luật giao thông đường bộ thì làm sao khiến chủ thể tham gia giao thông có thể vận dụng đúng luật.
Chúng ta thường thấy những kết luận: “Người Việt Nam chúng ta có ý thức tham gia giao thông kém”, hoặc là “người dân chưa có ý thức giao thông”, …
Theo từ điển Bách khoa toàn thư thì: “Ý thức theo định nghĩa của triết học Mác - Lênin là một phạm trù song song với phạm trù vật chất, theo đó ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan vào bộ óc con người và có sự cải biến và sáng tạo. Ý thức có mối quan hệ hữu cơ với vật chất”.
Vậy, theo định nghĩa này, ý thức là một khái niệm triết học và được diễn giải bởi các từ ngữ, khái niệm rất là bác học nên hoàn toàn không dễ hiểu cho tất cả chúng ta.
Ý thức là một khái niệm định tính, không cân đo đong đếm được. Khi chúng ta nói nhiều về ý thức giao thông nhưng không tìm thấy định nghĩa cho từ này trong bộ luật giao thông đường bộ. Theo đó cũng chẳng có quy định xử phạt nào đối với hành vi gọi là ý thức giao thông kém.
Có bạn sẽ hỏi, sao đưa ra vấn rắc rối vậy?
Vâng, khi chúng ta nghiên cứu, phân tích và kết luận một vấn đề mà được xem là thực trạng nóng của xã hội mà chúng ta không đưa ra được khái niệm cho chủ thể được kết luận thì liệu rằng kết luận đã chính xác?
Hiện nay, một số hãng xe đang phát triển ôtô tự lái. Một bang của nước Mỹ đã đi đầu trong việc ban hành luật cho phép ôtô tự lái vận hành trên đường. Chúng ta biết rằng một máy tính hay một chiếc rô bốt thì không có ý thức.
Vậy thì tại sao một vật vô tri vô giác không có ý thức vẫn được phép điều khiển phương tiện giao thông? Vậy, việc “không có ý thức giao thông” có phải là còn kém hơn “thiếu ý thức giao thông” hay không?
Theo tôi, và trong khuôn khổ của giao thông, có thể nôm na khái niệm: Ý thức giao thông là sự hiểu biết và tự giác chấp hành các quy định và luật lệ giao thông của người tham gia giao thông.
Theo đó, ôtô tự hành như nói trên là không có ý thức vì nó có hiểu biết nhưng không tự giác. Và, việc chấp hành luật của nó chỉ là sự thi hành các mệnh lệnh do con người lập trình sẵn.
Ý thức giao thông không phải là đạo đức giao thông. Ý thức giao thông có được ban đầu là do nhận thức, sau đó được nuôi dưỡng, rèn luyện và phát triển. Nhận thức tốt, nuôi dưỡng và rèn luyện tốt sẽ tạo ra được ý thức tốt. Ý thức giao thông tốt hay xấu là do tác động trực tiếp bởi nhiều yếu tố cụ thể, chẳng hạn như:
- Giáo dục luật giao thông
- Kiểm tra việc thi hành luật giao thông và chế tài
- Tính khoa học và việc triển khai áp dụng luật giao thông
- Hạ tầng giao thông. (“Ý thức giao thông”, dù sao cũng có cái gốc là “ý thức” và do đó khó mà thoát ra khỏi cái định nghĩa của Mác, theo đó ý thức giao thông bao gồm cả sự phản ứng lại môi trường ngoại cảnh.)
- Sự làm gương của người lớn.
Dĩ nhiên là còn nhiều yếu tố khác nữa. Khi ta nói “ý thức giao thông kém” thì cứ theo sơ đồ xương cá của các yếu tố cấu thành mà phân tích tính nhân quả thì ta sẽ biết kém ở chỗ nào, từ đó đề ra biện pháp khắc phục.
Chúng ta là người Việt Nam, chúng ta thấy xấu hổ và tự ái khi bị kết luận rằng người VN có ý thức giao thông kém. Tôi thì không đồng ý với kết luận như vậy. Vì kết luận này đã chụp mũ lên bản chất người VN.
Tôi thường hỏi các bạn bè rằng, khi các bạn qua Singapore, bạn có đi bộ qua đường ẩu không? Bạn có thấy rất nhiều công nhân Việt tại Malaysia qua đường ẩu không? Tất cả nói là không có, không thấy. Vậy ý thức giao thông kém có phải là bản chất hiện nay của người VN không?
Ngay tại VN chúng ta, hàng ngày chúng ta vẫn thấy mấy ông Tây đi xe máy, cũng phóng nhanh, vượt ẩu, cũng lấn tuyến, cũng chen lấn đấy thôi. Vậy thì ý thức giao thông kém thì đâu riêng gì người VN.
Giáo dục (Bao gồm cả đào tạo và sát hạch)
Có lần hỏi mấy đứa cháu, sao đi xe máy ban đêm trong phố mà cứ bật đèn chiếu xa làm chói mắt người đối diện. Họ trả lời rằng, “đâu có biết đâu, cứ bật có đèn sáng là chạy thôi, mà chiếu xa thì thấy rõ chứ sao”. Rõ ràng họ không biết và chưa được học luật tới nơi tới chốn.
Việc thi sát hạch và cấp chứng nhận đối với người điều khiển xe máy và thậm chí cả ôtô hiện nay hoàn toàn không thực tế. Cơ quan cấp chứng nhận không cần biết là người được cấp chứng nhận có biết vận dụng lý thuyết luật vào thực tế hay không.
Kết quả là (đa phần là xe máy) họ không biết xi nhan trước khi chuyển làn đường; Họ thường tấp xe máy về sát bên phải để quay đầu xe;…. Cứ như thế cách điều khiển này ăn sâu vào tiềm thức của họ hàng chục năm.
Khi gặp những người như vậy, bạn nói họ thiếu ý thức giao thông hay là do họ chưa được học đúng đắn?.
Kiểm tra việc thi hành luật và chế tài
Một số người cứ nhăm nhe vắng bóng CSGT là đạp thẳng ga có thể. Hỏi, “nếu bị phạt thì giam xe à?”. Trả lời: “có sao đâu, nhanh lúc nào hay lúc nấy, đường vắng mà, với lại để sẵn “một xấp” đây rồi, xì ra là xong hết”.
Hàng ngày đi trên đường Quốc lộ bạn hiếm khi thấy CSGT thực thi pháp luật trong khi tuần tra, đa phần họ thực thi tại một điểm cố định mà các xe đến đấy thì rất là ngoan ngoãn.
Bạn đi trên đường có giải phân cách cứng, bạn xin đường mãi nhưng xe trước vẫn ung dung không cho. Cho dù bạn là người có lòng tự trọng và không chấp nhận "bán mình", nhưng rồi bạn cũng phải vượt phải. Bạn bị coi là sai luật và không có ý thức.
Hối lộ được cho CSGT đối với một số người là một sự thành công. Họ chấp nhận sẵn sàng bỏ tiền ra “mua” sự tiện lợi, "mua" thời gian. Sự “ăn tiền” của người thực thi pháp luật in hằn vào trong đầu người tham gia giao thông rằng chúng ta có thể cùng nhau chia chác, cùng có lợi.
Khi gặp những người chạy ẩu, sai làn, lấn, ép bạn như là xe ben, xe vua, xe khách 16 chỗ, bạn sẽ nói rằng họ thiếu ý thức giao thông hay là do họ đã mua đường?
Khi va chạm và tai nạn giao thông xảy ra, CSGT thường khuyến khích hai bên đương sự thương lượng, trong đó hầu hết ưu tiên cho bên xe nhỏ, xe lớn đền xe nhỏ.
Cách xử lý theo lệ như thế này của lực lượng công quyền tạo ra tâm lý ỷ lại của người tham gia giao thông. Kết quả là người đi bộ muốn băng qua đường thì băng, xe đạp học sinh thì dàn hàng ba hàng tư, mấy chiếc xe máy cà tàng thì chạy bất cần đời.
Tính khoa học và việc triển khai áp dụng luật giao thông
Nếu luật giao thông có tính khoa học cao thì sẽ tạo ra sự an toàn, tiện lợi cho người tham gia giao thông và đồng thời thỏa mãn các nhu cầu phát triển văn hóa và kinh tế của xã hội.
Luật giao thông của chúng ta do cơ bản thừa kế luật giao thông của các nước tiên tiến, nên có lẽ không phải bàn cãi nhiều. Luật giao thông hiện nay ít gây khó khăn đối với ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Nói “ít” là do luật được cập nhật chậm.
Chẳng hạn, một số nơi đường phố có hai làn đường mỗi chiều với quy định rất rõ ràng, một làn dành cho ô tô và một làn dành cho xe máy. Đến gần ngã tư, vạch phân làn vẫn là vạch kẻ liền. Khi đó, xe ô tô rẽ phải và xe máy rẽ trái tạo ra một cảnh chen lấn hỗn loạn. Và, khi quan sát tổng thể, bạn phán luôn “người điều khiển phương tiện giao thông kém ý thức quá, chẳng chịu nhường đường cho nhau”.
Ngược lại, việc triển khai áp dụng luật lại là vấn đề gây không ít rắc rối cho người dân. 262 tuyến phố ở Hà Nội, bình thường cho phép gửi xe thu tiền. Đùng một cái ra cái lệnh không cho giữ xe nữa.
Nhưng, người dân đỗ xe cũng bị phạt. Lý do phạt vì đây là những tuyến phố cấm đỗ xe theo Nghị định. Tại sao không gắn biển cấm đỗ xe. Một ông Tây điều khiển xe, liệu có biết có cái nghị định được thông báo trên tivi?
Luật quy định rằng xe gắn máy 2 bánh có vận tốc tối đa theo thiết kế vượt quá 50km/h phải được lắp 2 gương, 1 bên trái, 1 bên phải. Ai cũng biết rằng đa số xe máy tham gia lưu thông hiện nay đều có vận tốc thiết kế trên 50km/h, như vậy xe buộc phải được lắp 2 gương.
Vậy mà, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP chỉ xử phạt hành chính khi xe máy không lắp gương chiếu hậu bên trái. Tai hại chưa? Nghị định này làm cho người dân không cần lắp gương bên phải.
Và như thế, hàng ngày trong thành phố có hàng triệu triệu lượt người rẽ phải mà không có thiết bị quan sát phía sau. Khi va quẹt xảy ra với bạn, bạn sẽ chửi người kia “không có ý thức giao thông”.
Hạ tầng giao thông
Hạ tầng giao thông gây tiêu cực một cách không kể xiết vào ý thức người tham gia giao thông. Điều này thì ai cũng nhận ra và kết luận được. Có lẽ không cần phải bàn cãi thêm làm gì nữa.
Sự làm gương của người lớn
Ở Miền Tây, có một vị quan khi với vai trò là hành khách mà lại ra lệnh cho tài xế taxi vượt đèn đỏ, tài xế không vượt thì bị đánh. Khi ra đường bạn thường thấy xe biển số xanh chạy rất ẩu, lạng lách, vượt phải, quá tốc độ. Có phải là lỗi của tài xế không? Hay là một cán bộ nào đó ra lệnh cho anh ta chạy như vậy?
Trên các quốc lộ, một số tài xế ma mãnh chạy bám theo xe cán bộ. Khi qua những khu thị trấn, khu đông dân cư thì còi xe cán bộ rất có tác dụng dẹp đường cho xe bám theo. Một số anh tài xế xe con còn ma mãnh hơn, dám đánh lừa luôn CSGT bằng cách mua một chiếc nón CS, nón quân đội để ngay kiếng sau để đề phòng “bất trắc”.
Người điều khiển ô tô thì nhìn vào xe cán bộ, người đi xe máy thì nhìn vào xe máy công an phường, dân phòng. Hẳn bạn đã từng thấy cảnh CA phường, dân phòng đi xe máy chầm chậm thành nhóm, không nón bảo hiểm, xe thì không có gương, ngồi lái xe thì cứ như nằm dài ra trước, hai tay chống thẳng, cổ rụt lại - những hình ảnh này nhìn một lần là nhớ mãi.
Chúng ta hiện nay đang cố gắng hoàn thiện một xã hội pháp trị. Tuy nhiên, đây đó trong các văn kiện và nghị quyết vẫn nhắc đến vấn đề đức trị và kêu gọi cán bộ lãnh đạo luôn làm gương cho người dân. Người cán bộ hành xử chuẩn mực sẽ là tấm gương tốt cho người dân, bằng không thì ngược lại với cấp số nhân.
Bạn đưa con trẻ đi học. Con bạn đã mất bao nhiêu công sức để học được luật giao thông ở trường. Vậy mà, chỉ trong một lần vượt đèn đỏ bạn đã xóa tất cả những thứ tốt đẹp mà con bạn dày công có được.
Kết luận rồi thì làm gì?
Kết luận “ý thức giao thông của người Việt Nam hiện nay kém” là không công bằng, là một kết luận theo sự tách rời các yếu tố cấu thành lên nó. Nếu vẫn cứ khẳng định kết luận này là đúng và kết tội vào người dân thì quả là nguy to!
Nguy to thứ nhất, đây không còn là vấn đề nhận thức mà là vấn đề nhân chủng. Kết luận này khác chi là đánh trống bỏ dùi nên nguy to thứ hai là người dân phải tự phục hồi lại ý thức của mình.
Như đã nói ở trên, ý thức giao thông tốt hay xấu là do tác động trực tiếp bởi nhiều yếu tố. Nếu như cơ quan quản lý giao thông phân tích tỉ mỉ, thẳng thắn từng yếu tố đó thì sẽ tìm ra được cách giúp người dân khắc phục tình trạng “ý thức kém” hiện nay. Tự mỗi người dân không thể nào tự “nâng cao ý thức” cho mình được.
Ý thức giao thông của người VN chỉ là một miếng ghép liên kết và chịu tác động của nhiều miếng ghép khác nữa trong bức tranh giao thông hỗn loạn hiện nay mà thôi.
Đào Hữu Xuân
-------------
Ý kiến bạn đọc trên vnexpress.net:
Cách thức tiếp cận vấn đề và đánh giá khách quan
Có lẽ đọc xong bài này, rất nhiều người sẽ chột dạ. Những ai không đồng tình với bài này thì nên tự mình định nghĩa lại "Ý thức" là gì và "Ý thức giao thông" là gì. Tôi đảm bảo hầu hết từng nói câu đó nhưng không hiểu bản chất. Khi mình không hiểu bản chất thì không nên cố tranh luận (cãi). Tác giả đã phân tích rất chính xác toàn cảnh hiện trạng giao thông Việt Nam. Cảm ơn tác giả.
Thắng | 29 phút trước
Giá mà ...
Bài viết của bạn Bùi Hữu Xuân rất hay, Giá mà Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng đọc bài này ...
Viet Hai | 32 phút trước
Bài viết hay quá
Bài viết của bạn quá hay, nói đúng bản chất của vấn đề, ý thức của người tham gia giao thông Việt Nam kém nhưng là do hệ luỵ của cách thi hành pháp luật giao thông không nghiêm minh và đúng mực , người lớn không làm gương cho kẻ nhỏ, lẽ phải không được xã hội tôn vinh, điều trái được dung túng và tư tưởng sống vì lợi ích cá nhân mà làm thiệt hại lợi ích xã hội là chuyện nhỏ đang lên ngôi . . . Hy vọng sẽ có 1 thần ký Việt Nam.------>>> cá nhân tôi sẽ cố gắng nhường nhin khi tham gia giao thông cho dù hiện trạng của giao thông Việt Nam có gì đi nữa.
ttgn | 32 phút trước
theo môi trường
Không phải là ý thức người kém mà chính là luật giao thông của chúng ta trưa nghiêm nên mới vậy
thục | 35 phút trước
Sao ngờ nghệch như vậy
Những người Việt Nam nào được đi nuớc ngòai : thiểu số, thành đạt, có trình độ... ý thức cao là bình thường. Tây nào vào Việt Nam : thiểu số là doanh nhân, đa phần thất nghiệp, không trình độ, tây balô..... kém là đương nhiên.
Truc Ha | 36 phút trước
Đề nghị bỏ từ "Ý thức giao thông"
Giàu và văn minh như Mỹ hay Singapore họ đâu có dùng từ "Ý thức" thế mà quốc gia nghèo như VN hay dùng từ "Ý Thức" như là loài nhai lại.....
ha ngoc son | 39 phút trước
Ý thức kém
Bạn Dào Hữu Xuân đã vô tình nhận xét ý thức con người chỉ gói gọn qua vấn đề giao thông mà thôi. Lập luận đó hoàn toàn không có cơ sở vững chắc. Muốn đánh giá đúng về ý thức con người thì phải dựa theo nhiều yếu tố, ví dụ: Vệ sinh, môi trường, giao lưu ...v..v...và ngay cả trong sinh hoạt, ăn uống.... Tôi lấy một ví dụ để bạn Xuân xem ý thức người VN ra sao nhé: Ta thử đặt một thùng rác ở nơi công cộng xem người dân có ý thức bỏ rác đúng chổ chưa? Hoặc đến một nơi công cộng nào đó cần phải sắp hàng này nọ, thì người Việt mình có được ý thức bằng người ngoại quốc? Câu trả lời có lẻ ai cũng đã biết, không cần giải thích.... Vì thế bài viết này theo tôi nhận xét thì có vẻ "cao", nhưng thực sự thì không hoàn toàn đúng. Ngược lại, cũng phải nói rằng môi trường giáo dục, chất lượng đường sá, cơ sở hạ tầng đầy đủ...thì cũng sẽ làm cho con người ta được nâng cao về ý thức hơn. Nhưng nó không phải là yếu tố quyết định. Nó chỉ là tạo cho con người ta dễ dàng tiếp cận hơn với ý thức tốt mà thôi. Nó cũng gần giống như mot anh con nhà giàu, có đầy đủ điều kiện, cơ sở vật chất để học tập, thì anh ta sẽ dễ dàng học tập tốt hơn là một anh nhà nghèo, thiếu thốn đủ điều. Nhưng không có nghĩa là mọi người con nhà giàu đều học tập tốt, và moi người nghèo hơn là học tập tệ hơn, đôi khi là ngược lại nữa là đàng khác. Chắc là ai cũng đã thấy rỏ điều này. Thế cho nên tôi hoàn toàn không đồng ý với bài viết này khi nhận xét về người VN có ý thức không kém hơn người ngoại quốc.
Quôc Toản | 41 phút trước
Bài viết vớ vẫn
Bài viết vớ vẫn , người việt qua nuớc ngoài chấp hành nghiêm la do họ sợ bị phạt, mức phạt bên nuớc ngoài tính ra vnđ là khá cao. Còn người nuớc ngoài họ qua đây mà đi lung tung là do thấy người ta đi làm sao thì mình đi y như vậy thôi.
Trọng hiếu | 42 phút trước
Do đào tạo
Chủ yếu là do đào tạo. Thực tế cho thấy, các xe ô tô chấp hành tốt luật giao thông hơn xe 2 bánh. Vì sao? Học lấy bằng xe 4 bánh thời gian học luật giao thông nhiều hơn rất nhiều lần xe 2 bánh. Ngoài ra, còn có thời gian thực hành và trong quá trình này, giáo viên sẽ hướng dẫn các thói quen an toàn khi tham gia giao thông. (ý tôi nói là học nghiêm túc thực sự). Trái lại, với việc học bằng lái xe 2 bánh, đa phần là học lý thuyết và chủ yếu là học mẹo để làm bài thi trắc nghiệm. Vì vậy mà hiểu biết về luật giao thông cũng như ý thức cũng nhưng người được cho là đã có bằng 2 bánh sẽ không bằng những người có bằng 4 bánh. Do đó, theo tôi, cần xem xét lại chương trình đào tạo lái xe 2 bánh để nâng cao chất lượng về ý thức giao thông của nhóm này.
Vo Chanh Truc | 43 phút trước
Bao biện
Nói thật, có những người như bạn thì không bao giờ giao thông ở Việt Nam khá lên được, toàn những lý lẽ cùn và bao biện. Bạn đừng lấy những cái cá biệt mà áp đặt lên số đông, thật sự ý thức giao thông của người Việt Nam không phải kém mà là quá kém...
Vũ Hùng | 45 phút trước
Luật pháp
Ý thức của người dân kém (quá kém hay gì gì cũng được) nhưng luật pháp còn kém hơn. Luật pháp không đủ sức răn đe hay điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. Do đó vai trò của luật pháp quá kém. Thiết nghĩ nhà nước nên xem xét lại hệ thống xử phạt và giám sát luật thì đúng hơn. Luật ban hành hằng năm, nhưng hệ thống thực thi pháp luật thì quá kém, chẳng có biện pháp hữu hiệu nào để xử phạt. Chạy xe trốn CSGT thì bị giữ bằng 30 ngày, phạt 1,2 triệu. Thế thì tôi cũng sẵn sàng phạm luật!!! Sao không tịch thu bằng, cấm lái xe, tống giam, phạt lao động công ích, phạt tiền nặng, tịch thu phương tiện???? Hành vi của người ngăn cản, ví như vụ bà chị nào đấy xô đẩy CSGT để cho xe chạy, sao không qui vào tội chống người thi hành công vụ? Khi CSGT ra hiệu lệnh dừng mà không dừng thì qui vào tôi chống người thi hành công vụ thì đố ai dám không dừng. Ma rồi thị khi thực thi tôi chống người thi hành công vụ thì cũng mong các bác làm thẳng tay chứ đừng làm theo cái kiểu giơ cao đánh khẽ như thời gian qua.
PDC | 46 phút trước
Có những điều tốt cho cá nhân, nhưng xấu cho tổng thể
Nếu tại 1 trạm ngã tư đèn đỏ, chỉ có 1 người vì quá vội việc gì đó mà lấn sang làn đường ngược chiều để đi được nhanh => như vậy việc lấn làn là tốt cho cá nhân Nhưng nếu ai cũng "thông minh và vội vàng" như cá nhân kia thì kết quả sẽ thế nào => tắc đường là chuyện tất nhiên => Có những điều tốt cho cá nhân, nhưng xấu cho tổng thể Nếu 1 cậu học sinh nghèo hôm trước chăm mẹ bệnh không học bài được, và cậu không thể rớt được vì hông có tiền học lại nên đã lật tài liệu để thi đậu => đó không phải là điều xấu nếu bạn đứng ở góc độ nào đấy Nhưng nếu ai cũng lật tài liệu, bất chấp mọi hoàn cảnh => đó là tệ nạn học đường => Có những điều tốt đối với cá nhân, nhưng xấu khi áp dụng cho tổng thể ..................................... => Nhiều lúc vô cùng bất bình trước cái phí mà bác Thăng đặt ra. Tuy nhiên bởi vì từng cá nhân ý thức tốt, nhưng khi áp dụng cái tốt ấy cho xã hội thì lại thành ra cái xấu, bác Thăng đặt ra cái phí ấy cũng vì muốn tốt cho tổng thể xã hội thôi mà => Tuy nhiên, nếu gọi là "để giảm sự gia tăng trong phương tiện giao thông", sao bác Đinh La Thăng không đề nghị tăng phí trước bạ, phí cấp biển số, thuế giá trị gia tăng... Để hạn chế người dân MUA THÊM xe cá nhân TRONG TƯƠNG LAI, tại sao lại bắt những người ĐÃ MUA xe cá nhân TRONG QUÁ KHỨ đóng tiền như thế chứ => Mọi người giải thích dùm "BẤT HỒI TỐ" là gì ấy nhỉ ???
Mr Hoàng | 47 phút trước
Ý thức là do vật chất là có ý đúng.
Tôi cũng đồng quan điểm là không phải ý thức người Việt Nam kém mà do cơ sở hạ tầng kém.Lấy một ví dụ cụ thể.Vào các trung tâm thương mại sạch sẽ hoặc nhà hàng, khách sạn sang trọng ý thức nói lăng, ăn mặc lẫn đi đứng khác hoàn toàn.Nếu đường đẹp, rộng thì chẳng phải bon chen làm gì.Sống ở xã hội bon chen như thế mà không biết bon chen thì giờ tắc đường đến 9h tối mới về nhà ăn cơm cùng vợ con được.
Nguyễn Tiến Tiệp | 55 phút trước
Ý thức tham gia giao thông của VN còn kém lắm.
Tôi không đồng tình với quan điểm "ý thức tham gia giao thông của người Việt" không kém, mà phải nói là rất kém là khác, bài báo có lấy dẫn chứng là ý thức tham gia giao thông của người Việt ở nước ngoài là khá cao vì 2 lý do: 1. người Việt rất khôn lỏi (phải công nhận thế đi), họ thừa biết sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh, họ có thể tạo ra vỏ bọc hoàn hảo cho mình, và đương nhiên lạ nước lạ cái chả ai dám manh động cả. 2. đa phần những người Việt ra nước ngoài đều là "thành phần đã qua đào tạo" nhất định, nên dù sao trong họ cũng có một chút gì gọi là ý thức giao thông. Tôi nói thế không biết có làm các bạn phật ý không? nếu đúng thì mong các bạn cùng nhau nâng cao ý thức khi tham gia giao thông tại bất cứ đâu vì chính quyền lợi và sinh mạng của mình.
sondp | 56 phút trước
Dễ hiểu
Dễ hiểu thôi bạn ạ. Nói nghiêm túc, thì không thể nói rằng ý thức chấp hành Luật giao thông của người Việt tại Việt Nam là tốt. Nói vậy là quá chủ quan và duy ý chí. Còn việc “Tại sao người Việt ta khi ra nước ngoài vẫn chấp hành nghiêm túc luật giao thông? Tại sao có nhiều ông Tây sang VN đi xe máy cũng phóng nhanh, vượt ẩu, cũng lấn tuyến, cũng chen lấn” . Ấy là do môi trường chứ từng nơi khác nhau. Ví dụ như, người nghiện thuốc lá có thể hút bất kỳ chỗ nào họ muốn, nhưng một khi đã đã lên máy bay, hoặc vào xe khách bật điều hoà đóng kín thì rất ít ai công khai hút ( dấm dúi làm 1 vài hơi hoặc vào toilet thì có). Cũng giống như, cùng 1 giống cây, trồng đất này thì ra quả chua, đất kia thì ra quả ngọt vậy. Như thế, ta không thể nói hiện tại, ý thức chấp hành luật lệ giao thong của ta là tốt,, không chỉ dựa vào những trường hợp như ở nước ngoài mà bạn chỉ ra để kết luận được.
Nguyen Tran | 59 phút trước
Vấn đề quá dễ hiểu, do Hạ tầng giao thông quyết định 80%
Hạ tầng giao thông tồi tệ trong khi con người ta vẫn phải sống, vẫn phải tới cơ quan công sở đúng giờ. Từ đó làm ý thức giao thông cũng tồi tệ theo. Theo tôi Hạ tầng giao thông quyết định 80% ý thức giao thông của người Việt. Tôi đi ô tô, thấy người ta chê trách người đi xe máy hay lao lên vỉa hè. Nhưng thực sự nếu họ không lên vỉa hè mà đi thì biết đi lối nào? Nếu họ không lên vỉa hè mà đi thì đường còn tắc lâu hơn. Điều này giống quy luật của dòng chảy tự nhiên, bị chặn chỗ này thì nước chảy tràn ra chỗ khác thôi. Chỉ cần cải thiện Hạ tầng giao thông là Ý thức giao thông sẽ tốt lên. Chứ không phải là thu tiền thật mạnh như các vị Quan chức đang làm. Các vị ấy thừa hiểu việc đó nhưng không làm thôi.
Hải Long | 1 giờ 1 phút trước
Thực trạng GT VN
Bài viết của tác giả đã nêu đúng thực trạng của Giao thông Việt nam, những người có trách nhiệm trong vấn đề giao thông cần nghiên cứu kỹ bài viết này để áp dụng, chứ không phải ngồi vặt râu va đưa ra các loại thuế và phí, sau đó hy vọng giao thông sẽ tốt lên. Đây mới là những việc họ cần làm ngay để chấn chỉnh từng bước, đưa giao thông Việt nam trở nên văn minh, tiến bộ như các nước phát triển khác. Xin cám ơn tác giả và Toà soạn đã cho đăng bài viết hữu ích này.
Nguyễn Tiến Dũng | 1 giờ 1 phút trước
ĐỌC VÀ SUY NGHĨ!
Ý THỨC NGƯỜI VIỆT NAM KHÔNG HỀ KÉM MÀ CỐT LÕI CỦA VẤN ĐỀ LÀ " HỆ THỐNG GIÁO DỤC, QUY HOACHJ ĐÔ THỊ..... NÓI CHUNG LÀ NHÀ NƯỚC CẦN PHẢI LÀM GÌ VÀ BỘ MÁY NHÀ NƯỚC ĐỦ TÀI VÀ ĐỨC HAY CHƯA?
NGUYEN HUU THUAN | 1 giờ 3 phút trước
ăn thua ở người quản lý và luật !!!
ý thức là 1 fần nhưng ăn thua ở người wản lý, cách wản lý kém cỏi cộng với thiếu dứt khoác là 1 fần....
@Khánh | 1 giờ 12 phút trước
Ý Thức ở Đâu
Bản thân tôi thấy nguyên nhân tắc đường một phần là do ý thức của người điều khiển phương tiện, Rẽ trái, Rẽ Phải tùy tiện, Cái này thì chắc ai cũng thấy như cơn bữa, Ngành giao thông chỉ thấy lo mở đường xây cầu vượt mà không nghĩ đến phải XÂY DỰNG Ý THỨC của người điều khiển phương tiện giao thông 12 Năm ngồi trên gế nhà trường tôi có thấy môn học nào dạy về ý thức Cộng Đồng, Ý Thức công cộng đâu, 4 năm Đại học tiếp theo đâu có giờ thực tế nào cho SV hiểu thêm về ý thức giao thông đâu?? Chỉ đến khi đi thi họp bằng lái xe thì tôi phải đóng thêm 1 khoản phí mà chỉ có ở VN mới có đó là " Phí chống trượt"
Nguyễn Ngọc Thành | 1 giờ 12 phút trước
Chính Xác!!
Bài rất hay, thực sự lâu rồi mới đọc được bài phân tích gần gũi và chính xác như vầy. Đã lâu nay, người ta vẫn thường kết luận một vấn đề mà mình không giải thích được bằng việc đổ lỗi cho ý thức. Và dần dà mặc nhiên nó trở thành lời giải thích nhanh chóng nhất cho mọi vấn đề, không một chút do dự. Đặc biệt cụm từ này len lỏi một cách nguy hiểm vào học đường, không cho các bạn học sinh có cái nhìn thực tế nhất.
Nguyen Thai Vinh | 1 giờ 18 phút trước
Đi sai luật cho xe đâm chết luôn
Cứ áp dụng cách làm này của táo giao thông thì đảm bảo chỉ cần 1 năm là trật tự và ngăn nắp ngay
Tuệ | 1 giờ 24 phút trước
Ý thức giao thông của người VN kém nhất thế giới
Không phải ý thức tham gia giao thông của người VN kém mà là...kém nhất thế giới. Người VN ta ra nước ngoài thì sợ mất tiền vì bị phạt, sợ bị gọi là...người Việt Nam nên mới đi đúng luật thôi. Còn tây thì lúc đầu sang VN cũng chuẩn lắm, nhưng ở một thời gian dài (những ông tây đã đi được xe máy thì ở VN phải tương đối rồi) thì cũng học thói hư tật xấu của người VN thôi. Mà ý thức người VN ở đây là phần lớn ý thức kém nên tình trạng giao thông mới tệ hại như vậy, cứ có những bài bào chữa thế này thì chả bao giờ khá lên được.
Tuấn | 1 giờ 25 phút trước
Nguoi Viet luc nao cung so minh thiet
Đại bộ phận người Việt có tâm lý số đông và ko có ý thức tự giác, tự mình ý thức một cách độc lập, tự chịu trách nhiệm về hành động của mình... Nền tảng giáo dục về ứng xử XH kém!
Ngoc Ha | 1 giờ 25 phút trước
Tại sao Ý thức kém
Tại sao ý thức lại kém, tại vì luật không đủ mạnh, luật không đủ mạnh dẫn đến những kẻ cơ hợi lợi dụng các kẽ hở của luật pháp để chuộc lợi, để làm những hành đông vi pháp khác. Thử hỏi luật và chế tài đủ mạnh thì tình trạng vượt đèn đỏ đi sai làn đường, và những hành vi trái pháp luật khác có giảm hay không?
Phạm Hồng Đức | 2 giờ 28 phút trước
Ý thức có kém một tý thôi.
Ở VN nếu ý thức tốt thì ra đường không đi được nên có kém một tý thôi mới đi được. Ý thức không kém cũng không được.
hai phong | 2 giờ 28 phút trước
Tôi thấy đúng!
Tôi thấy bài viết nói đúng thực trạng. Khi ra đường, tôi sợ nhất là xe buýt và kế tiếp là xe biển số xanh! Tôi không biết họ làm được gì cho dân mà ra đường giành đường đi với dân, ngang nhiên lấn tuyến gây nguy hiểm cho người khác. "Đầy tớ" là như vậy sao?
Nguyễn Tú | 2 giờ 32 phút trước
Ý thức ?
Không biết đến nào thì ý thức giao thông dc cải thiện tưởng chừng như không thể. Ngay cả việc xếp hàng mua đồ, tính tiền trong siêu thị cũng chẳng ai thèm. Mình gặp cả trăm lần trong khi đứng xếp hàng tính tiển có vài bà chị mặc Vest ra dáng xếp (manager) or CEO vẫn chen lên trên. Ngay cả trong sân bay người VN vẫn chen lên trên khiến du khách nước ngoài rất phản cảm. Ý thức nằm ở đâu ? thế hệ sau ? thưa không dạy đúng bao nhiêu thì xã hội dạy lại sai bét hết
XuanDNA | 2 giờ 40 phút trước
Quá Hay
Bài viết rất hay phản ánh đúng thực tế,
Phan Van Tri | 2 giờ 44 phút trước
Tôi hoàn toàn đồng ý
Khi một người vi phạm thì đó là ý thức, nhưng khi quá nhiều người vi phạm luật giao thông thì rõ ràng là kỉ cương luật pháp không nghiêm rồi
Tôi hoàn toàn đồng ý | 2 giờ 46 phút trước
Rất hay
Cám ơn tác giả đã có bài phân tích rất chính xác về thực trạng GT ở VN. Rất mong bộ trưởng Thăng đọc bài báo này để đưa ra những quyết định đúng đắn khắc phục tình trạng GTVN
Tran Cuong | 2 giờ 47 phút trước
"Tiên trách kỷ hậu trách nhân "
Người xưa có nói "Tiên trách kỷ hậu trách nhân"do lực lượng hành pháp của VN không được thực hiện nghiêm túc, vẫn còn đây đó nạn quan liêu, tham nhũng, hối lộ...làm cho người dân ỷ lại nên mới hình thành ý thức kém và không tuân thủ luật GT vì họ nghĩ nếu bị CSGT thổi phạt thì chung chi một ít rồi đi nên không có tính răng đe người tham gia giao thông, thậm chí người vi phạm còn thách thức CSGT vì họ có người đỡ đầu,người nhà làm quan nên chẳng cần sợ phạt(quan liêu quá mức). Nói chung con người VN không phải không có ý thức nhưng nó bị một số cơ quan công quyền quan liêu đã làm nó mất dần. từ những ý kiến này giải thích tại sao người VN ra nước ngoài thì tuân thủ tốt luật GT còn ở VN thì không là do nước ngoài bạn vi phạm giao thông là bị xử phạt chứ không có đưa tiền là đi như VN.
toàn | 2 giờ 49 phút trước
Chẩn bệnh quá chuẩn
bài quá đúng, quá chuẩn, toàn diện và hay. Giá mà các cán bộ có chức có quyền của các ngành liên kết với nhau và hiểu được vấn nạn giao thông như bài của bác xuân này thì may ra có thể cứu vãn được tình hình.
lê đức ninh | 2 giờ 51 phút trước
Ý thức trong giao thông
Không nói đến ý nghĩa triết học của ý thức ( định nghĩa này rất khó hiểu cho đại đa số người đọc ), Theo tôi, ý thức trong giao thông là sự tôn trọng luật lệ giao thông, còn đánh giá xem người tham gia giao thông có ý thức ( cao, thấp, ít, nhiều ) hay không thì phải xem những điều kiện liên quan để có được ý thức ( tôt ) trong giao thông. Về việc này thì bài viết rất chuẩn ( chuẩn không cần chỉnh ... :D ) Một cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, thì không thể đòi hỏi người tham gia giao thông một ý thức ( tốt ) được. Nói ý thức trong giao thông của người VN kém chỉ là ngụy biện, bào chữa cho những kém cỏi của các nhà quản lý, hoạch định chính sách mà thôi ...
Nguyễn Trung | 2 giờ 53 phút trước
Bài viết không có giá trị
Từng cá nhân ý thức tốt mà lại tạo ra xã hội lôm côm, tác giả suy nghĩ thật hay.
Long | 2 giờ 55 phút trước
Ý thức giao thông kém
Bài Đào Hữu Xuân rất hay. Tuy nhiên theo tôi hiểu thì đơn giản như thế này: vật chất quyết định ý thức. Trong đó, vật chất là đường sá, cầu, phương tiện giao thông... Chừng nào các "vật chất" kia ở Việt Nam tốt thì mới mong ý thức giao thông của người dân tốt lên được. Trong tình trạng đường sá, xe cộ ...chất lượng khó kiểm soát như hiện nay, việc đòi hỏi người dân có ý thức giao thông tốt là điều không tưởng. Người Việt Nam ra nước ngoài học tập và công tác có bị chê ý thức giao thông kém đâu?
Nguyễn Tuấn | 2 giờ 56 phút trước
ex
bộ sống trong môi trường k tốt là phải làm những điều k tốt ah. bài này bắt đúng bệnh rồi, nhưng nói chung ý thức người tham gia giao thông vẫn kém.
an | 2 giờ 57 phút trước
nhap gia tuỳ tục
gửi Đào huu Xuan Toi thay la nhap gia tuy tuc
VIÊTJ HUNG | 2 giờ 58 phút trước
Ý thức người dân Việt còn kém so với người dân ở nước tiên tiến
Người viết bài báo này cần phải đi thêm nhiều nước tiên tiến để xem ý thức chấp hành giao thông của họ như thế nào. Nguyên nhân chính của việc này, theo tôi là do: - Nền giáo dục tốt - Sự tự trọng của cá nhân - Vi phạm sẽ bị phạt rất cao
nguyen Quoc | 2 giờ 59 phút trước
nữa đúng nữa sai
bằng việc lạng lách, lấn tuyến, vượt đèn đỏ,.... thì chứng tỏ ý thức ng việt mình kém rồi. nếu có ý thức tốt thì đã chấp hành đúng luật lệ giao thong rồi. còn những người đc coi là cán bộ thì k những k giúp dân mình cải tạo lại ý thức mà còn tiếp tay thêm cho cái ý thức kém đó của người dân nữa. bài viết của bạn đã rất đúng thực trạng giao thông việt nam mình. tôi rất ủng hộ!
an | 3 giờ 2 phút trước
nữa đúng nữa sai
bằng việc lạng lách, lấn tuyến, vượt đèn đỏ,.... thì chứng tỏ ý thức ng việt mình kém rồi. nếu có ý thức tốt thì đã chấp hành đúng luật lệ giao thong rồi. còn những người đc coi là cán bộ thì k những k giúp dân mình cải tạo lại ý thức mà còn tiếp tay thêm cho cái ý thức kém đó của người dân nữa. bài viết của bạn đã rất đúng thực trạng giao thông việt nam mình. tôi rất ủng hộ!
an | 3 giờ 3 phút trước
Ý thức của người Viết không kém mà là...quá kém!
Ra đường luôn luôn thấy những hiện tượng thiếu ý thức khi tham gia GT là điều ai có ý thức đều nhận thấy. Vượt đèn đỏ, lấn làn xe, lạng lách, đi lên vỉa hẻ, k đội mũ, kẹp 3-4, đi dàn hàng 2-3,... kể ra thì có mà cả ngày. Những lúc đường vắng vẻ (khi về khuya) thì gần như 100% người tham gia giao thông k dừng khi đèn đỏ nữa. Tôi dừng lại thì bị người ta bảo là điên. Lúc đó vừa tức vừa buồn cười, cười vì có kẻ vô văn hóa, thiếu ý thức nói mình điên. Tôi nói vây k có nghĩa nhận mình có học thức, nhận thức sâu xa, mà chỉ muốn để mọi người cùng tôn trọng luật lệ giao thông trong bất kỳ lúc nào. Và quả thực khi tôi dừng, cũng có 1 vài người dừng lại nhu tôi, lúc đó cảm thấy rất thoải mái. Mỗi người có ý thức 1 chút, nhường nhau 1 chút chắc chắn đường về của chúng ta mỗi khi tan tầm sẽ bớt ngột ngạt hơn rất nhiều.
Nguyễn Hoàng | 3 giờ 4 phút trước
Ý thức tham gia giao thông của người Việt
Theo tôi người Việt đa số tham gia giao thông đều tốt và có ý thức, thực tế ngày nay có sự lộn xộn là do các qui định như kẻ vạch cho các làn GT của ta ko có hoặc có rất mờ mịt hoặc ko khoa học, nói chung sự lộn xộn là do quản lý tạo ra, mặt khác chế tài xử phạt của ta quá nhẹ, thử phạt thật nặng cho các hành vi vi phạm đi, chúng ta nói quá nhiều, giáo dục đến bao giờ nữa đồng thời các làn GT cần kẻ vạch cho các làn cụ thể đi để người tham gia giao thông biết để mà đi.
Lê Tuấn Anh | 3 giờ 4 phút trước
bỏ cụm từ
Hy vọng sau khi anh Thăng đọc bài này anh ấy sẽ không dùng cụm từ mà anh Hồ Dũng đã dùng suốt nhiệm kỳ trước. bổ cái cụm từ chủ yếu vẫn là do ý thức của người dân khi tham gia giao thông trong báo cáo trước QH và báo cáo ngành nhé. Nên nhớ vật chất có trước, ý thức có sau. ( không cần phải học lại Triết học Mác, Lê-nin ) nhỉ. anh Thăng ơi
xa hoi loai nguoi | 3 giờ 5 phút trước
Hay...
Bài viết quá hay, xuất sắc, tư duy tuyệt vời
Mr Cong Ly | 3 giờ 8 phút trước
Rat khach quan
Theo tôi bài viết quá khách quan theo quan điểm cá nhân nên không cần đổ đổ lỗi cho 1 phía nào đó. VÌ TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ NGUYÊN NHÂN GÓP PHẦN VÀO VIỆC THAM GIA GIAO THÔNG VÔ Ý THỨC. Nên xem xét việc dạy và thi sát hạch cho người điều khiển xe gắn máy tốt hơn. Ít nhất là cũng phải tương đương người học, thi lấy bằng B trở lên nói chung.
Duc | 3 giờ 8 phút trước
Ý thức ???
Các bạn cứ nói ý thức giao thông của người Việt Nam kém. Các bạn cũng là người Việt Nam,vậy ý thức tham gia giao thông của các bạn đã tốt chưa? Trước khi nói người khác thì hãy nghĩ tới mình trước...
Kiều Chinh | 3 giờ 9 phút trước
Gửi Phương Nam
Tôi đồng ý với tác giả bài viết và góp ý với bạn Phương Nam: thực chất đúng là người VN mình ý thức tốt, nhưng hoàn cảnh nó làm người VN như thế (như người ta vẫn nói là thời thế tạo ra anh hùng hoặc kẻ nổi loạn). Tôi đã đi nhiều nước có cơ sở hạ tầng tốt như Mỹ, Canada, châu Âu... thì ở đâu người VN mình cũng như người địa phương ở đó, không hề có tiếng là vi phạm luật giao thông. Nhưng bạn thử để ý xem, ở đường phố VN mình thường xuyên gặp cảnh mấy anh chàng Tây đi xe không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè khi tắc đường..., trong khi khi họ về nước thì lại cun cút theo đèn tín hiệu như cún con.
hung | 3 giờ 10 phút trước
Chính xác chứ không phải "không chính xác"
Ở Mỹ người ta tuân thủ luật giao thông như vậy bởi vì: - Có hàng triệu camera giao thông phân bổ ở khắp mọi nơi, bạn vi phạm luật giao thông bị quay video tự khắc bị phạt không bị bỏ sót. - Ở Mỹ luật giao thông rõ ràng và áp dụng triệt để, bạn đi bộ qua đường sai luật bạn chết kệ bạn. Ở VN đâm người đi bộ phải đền, ô tô đâm xe máy phải đền, tai nạn xảy ra mồm to tay to thắng, hoặc nhờ mấy người đứng vỉa hè phân xử. Tất cả là do Việt Nam thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật theo dõi và việc thực thi luật giao thông không nghiêm. Nếu tất cả mọi người vi phạm có bằng chứng băng video đều bị phạt nếu không tại chỗ thì gửi đến công an phường, đảm bảo chỉ cần 1/3 tuyến đường lắp camera, 2/3 còn lại ... lắp mô hình camera cũng đủ để đảm bảo chả mấy ai dám vi phạm.
Tuấn | 3 giờ 11 phút trước
Bài viết hay
Tại sao những nhìn nhận này lại không phải là của các nhà quản lý chuyên nghiệp kia?
Pham quoc Nam | 3 giờ 12 phút trước
Con hư tại Cha mẹ
Con hư tại cha mẹ hư.
Viên sỏi | 3 giờ 12 phút trước
Ý thức quá kém
Ý thức giao thông của người Việt không phải kém mà là quá kém. Số người ra nước ngoài chỉ là một bộ phận nhỏ theo tôi là tiến bộ, mặt khác nhập gia phải tùy tục là đương nhiên.
phunglong | 3 giờ 12 phút trước
Không đồng tình
Tôi không đồng tình với ý kiến của tác giả. KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN RẰNG Ý THỨC GIAO THÔNG CỦA NGƯỜI VIỆT RẤT KÉM. Và cần phải hiểu rõ một điều: "Tây" đến VN cũng có năm, bảy loại... và cái kiểu mà cũng chen lấn, vượt, vi phạm.... như người VN ấy là "Tây dởm" mà thôi. Túm lại, cải thiện giao thông cần đồng bộ, trong đó ý thức giao thông chiếm đến 1/2.
Thao Anh | 3 giờ 12 phút trước
Ủng hộ bài viết
Đào Hữu Xuân nói hay lắm, hợp lý...
Nguyễn Văn Ga | 3 giờ 14 phút trước
Bắt đúng "Bệnh" GT VN
Bài viết phân tích rất đúng thực trạng GT VN.
xuân trường | 3 giờ 17 phút trước
Tôi đồng ý với ý kiến bài báo này
Tôi rất đồng ý với ý kiến của bài báo này rằng ý thức của người tham gia giao thông tại VN không hề kém, mà do luật GT xử phạt còn chưa đủ sức răn đe, người thi hành công vụ vẫn còn nể, sợ, đại bộ phận cán bộ vẫn can thiệp vào công tác xử lý của CSGT. Nhiều quan chức không tôn trọng pháp luật. Thiết nghĩ, cần phải có khung hình phạt cao hơn, nghiêm khắc hơn ...
Quang | 3 giờ 17 phút trước
Quả thật là rất kém!
Ý thức người VN tham gia giao thông vào hàng top ten... kém của thế giới.
CigartCuba | 3 giờ 25 phút trước
đúng!
Tôi rất đồng ý với phân tích của tác giả. Mong là những người quản lý sẽ thấy được một bức tranh tổng thể của vấn đề để giải quyết cho có ngọn có gốc chứ không phải cứ thích là cấm.
Hùng Huỳnh | 3 giờ 29 phút trước
Tuyệt.
- Bài viết tuyệt vời.
Bách | 3 giờ 30 phút trước
Không chính xác
Bạn ở Việt Nam chỉ gặp vài người khách nước ngoài mà có thể đánh giá 1 cách tổng quát vậy sao. Chỉ nói ngắn gọn thế này. Mình ở Mĩ 3 năm, chưa bao h gặp 1 ai chen hàng, dưới 5 lần gặp trường hợp vượt đèn đỏ, nghe tiếng xe cứu hoả/cảnh sát từ xa, tất cả đóng băng nhường đường, ngã tư đèn xanh thành đèn đỏ. Còn ý thức cao siêu như bạn nói thì tuỳ bạn đánh giá
Chau | 3 giờ 35 phút trước
Ý thức không kém thì là gì
Tôi thấy bài viết của bạn dài dòng mà chẳng nêu bật được nội dung gì. Ý thức giao thông người dân hiện nay không kém thì là gì? Chẳng lẽ ý thức tốt mà người ta phải chen lấn, mạnh ai nấy đi, coi thường luật lệ giao thông như các thành phố lớn ở VN vậy sao? Còn người nước ngoài sang Việt Nam người ta thích ứng với môi trường ở VN thôi. Bạn đừng nhầm lẫn ý thức và sự hiểu biết. Có nhiều người hiểu biết đấy nhưng ý thức kém, biết sai mà vẫn làm bừa.
Phương Nam | 3 giờ 39 phút trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét