Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

TS Phan Minh Ngọc: Trao đổi - Nhiều mâu thuẫn

Rất đồng tình với quan điểm của anh Ngọc trong bài viết dưới đây. Ngay khi đọc bài "Để tránh lạm phát đình đốn" của TS Chí và TS Ngoạn", tôi đã viết bình luận như sau: "Nhìn thấy bài này trên báo có cảm giác hơi lạ vì thấy đụng chạm cùng lúc tới cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa, lại thấy có đồ thị minh họa kèm nhiều công thức toán học... chứng tỏ người viết có trình độ rất siêu mới dám đề cập cùng lúc tới 2 loại chính sách nhạy cảm và công phạt để giải quyết tình hình hiện nay. Vội đọc ngay, nhưng càng đọc càng chán vì mâu thuẫn, lủng củng tùm lum. Hết bài mới nhìn tới tên tác giả; tưởng bài của giáo viên nào, hóa ra là 2 bác tiến sĩ mà tôi từng quen biết và cũng từng viết nhận xét trên Blog này. Thấy hai bác khoe kiến thức tùm lum, tôi lại nhớ 1 bác vừa bị báo chí lôi chuyện bằng thật, bằng rởm ra bàn tán; còn bác kia, lần cuối tôi gặp ở Vientiane năm 2004, khi nghe tôi tuyên bố cắt đứt quan hệ sau khi thẳng thừng phê là trình độ dốt, chỉ tìm cách lợi dụng kiến thức của người khác, đã một mực khẳng định bằng TS của anh là bằng thật, của đại học Pennsylvania hẳn hoi... Bác còn dọa nếu có súng thì sẽ bắn chết tôi ngay tại chỗ".

Trao đổi - Nhiều mâu thuẫn 
(Chung quanh bài “Để tránh lạm phát đình đốn” 
đăng trên TBKTSG số 12, ngày 15-3-2012)


Bài này tớ đăng trên TBKTSG số ra hôm nay. Ngay trong cùng số hôm nay, TBKTSG cũng cho đăng lời đáp của đồng chí Phạm Đỗ Chí, một trong hai tác giả của bài “Để tránh lạm phát đình đốn”. Đọc xong lời đáp, thấy .... Nhưng thôi, bạn đọc nào có thể comment giúp tớ tất cả 3 bài liên quan ở đây được không? Tớ cũng đang hỏi lại TBKTSG xem là họ có đồng ý cho tớ phản biện lại ít nhất là thêm một lần nữa được không. Nhưng khả năng này chắc là cực thấp vì đồng chí Chí đã “rào” trước ở cuối bài rằng đại loại không nên tranh luận trên TBKTSG nữa.

Để cho công bằng, tớ sẽ đợi phản hồi của TBKTSG trước khi comment về lời đáp của đồng chí Chí.
---------------------------------
Liên quan đến chủ đề hạ lãi suất, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn và tác giả Phạm Đỗ Chí (“các tác giả”) đã có một bài viết nhan đề “Để tránh lạm phát và đình đốn”, đăng trên TBKTSG số ra ngày 17-3. Bài viết tuy ngắn nhưng lại chứa đựng nhiều vấn đề lớn gây tranh luận về mặt học thuật.


Các tác giả đề cập đến mô hình IS-LM để minh họa cho sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.  Trước tiên, các tác giả cho rằng “có vẻ như khả năng sản xuất và hiệu quả nền kinh tế đang đến các giới hạn đặt ra bởi sự thiếu nhân công có tay nghề cao, đất đai có năng suất cao và công nghệ bị giới hạn… đã đặt ra những trở ngại đáng kể cho chu kỳ sản xuất”. Sau đó, các tác giả đề xuất sử dụng chính sách tài khóa chặt chẽ (di chuyển đường cong IS sang trái) kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng từ từ (di chuyển đường LM sang phải) để nhằm đối phó với lạm phát và giảm lãi suất, đồng thời nâng cao Y (sản lượng) nhằm làm giảm tình trạng “đình đốn sản xuất”.
Với nhận định như ở đoạn trên (“có vẻ như...”) thì các tác giả đã gián tiếp thừa nhận rằng nền kinh tế Việt Nam đã ở (hoặc tiệm cận rất gần đến) mức tiềm năng cho phép (tức nền kinh tế đã (gần) đạt đến mức toàn dụng trong dài hạn, với các yếu tố đầu vào như hiện thời và mô hình tăng trưởng như hiện thời). Từ đây sẽ dẫn đến mấy nghịch lý, mâu thuẫn, bất cập như sau. Thứ nhất, nếu nền kinh tế đã ở (gần) mức toàn dụng rồi thì nó lại mâu thuẫn với chính lập luận ban đầu (và cũng là điều dẫn nhập cho bài viết) của các tác giả rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng đình đốn sản xuất – tức là tình trạng mà nền kinh tế hoạt động ở dưới mức tiềm năng, mức toàn dụng.

Thứ hai, quan trọng hơn, nếu đã thừa nhận rằng nền kinh tế đang ở (gần) mức toàn dụng rồi thì cũng xin được nhắc lại với các tác giả rằng, theo lý thuyết, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ (hạ lãi suất) nhằm thúc đẩy cho sản lượng Y  vượt quá mức  tiềm năng (toàn dụng) thì giá cả (tức lạm phát) sẽ nhanh chóng tăng lên còn sản lượng Y thực tế sau một giai đoạn tăng lên ngắn ngủi sẽ nhanh chóng sụt giảm, trở về mức tiềm năng trong dài hạn.

Nói cách khác, nếu giả sử đúng như Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ là 6%/năm như công bố, và giả sử đúng như các tác giả nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức toàn dụng thì chính sách tiền tệ nới lỏng và hạ lãi suất như đề xuất của các tác giả không mang lại tác dụng gì cho thúc đẩy tăng trưởng sản lượng, ngoài tác hại hiển nhiên và tất yếu là lạm phát tăng lên.


Trên hết, cho dù có biện luận rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn thấp xa so với mức toàn dụng, thì cũng cần phải nhớ lại một điều cơ bản là chính sách tiền tệ dùng để kích thích tăng trưởng sản lượng (GDP) chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, và vô tác dụng đối với tăng trưởng trong dài hạn (ngoài việc làm tăng lạm phát). Tăng trưởng kinh tế trong dài hạn lúc đó sẽ phụ thuộc một phần vào khoảng cách giữa sản lượng Y hiện tại và sản lượng ở mức tiềm năng toàn dụng, cũng như mô hình và cách thức tăng trưởng hợp lý để mở rộng sản lượng tiềm năng hơn nữa, tạo điều kiện tăng thêm “room” cho tăng trưởng Y.


Trở lại với đề xuất kết hợp thắt chặt chính sách tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ như trong lập luận dùng mô hình IS-LM trên của các tác giả. Thực chất của đề xuất này chẳng qua cũng chỉ là dựa vào chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tổng cầu (thay vì dựa vào chính sách tài khóa như trước đây), từ đó hy vọng sẽ làm tăng nhu cầu đầu tư lợi dụng lãi suất thấp, và nhờ đó tăng Y. Lưu ý thêm một điều là, theo đề xuất, thì IS sẽ bị dịch chuyển sang trái, tức là chính sách tài khóa không phải là được sử dụng “chặt chẽ” như đề xuất nữa mà thực ra là bị thắt lại (chi tiêu công bị giảm đi). Điều này có nghĩa là chính sách tiền tệ càng phải được nới lỏng thêm nữa (so với trường hợp chính sách tài khóa không bị thắt chặt) để bù đắp cho phần tổng cầu đã bị  suy giảm bởi thắt chặt chính sách tài khóa. Mà như nói ở trên, chính sách thúc đẩy tăng trưởng dựa vào nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và sẽ để lại hậu quả là lạm phát cao.


Các tác giả áp dụng một cách máy móc mô hình IS-LM. Mô hình này giả định rằng lãi suất là yếu tố duy nhất tác động đến đầu tư. Khi lãi suất hạ thì đầu tư sẽ phải tăng lên.

Thực tế, đầu tư còn phụ thuộc vào các điều kiện liên quan đến tín dụng. Các ngân hàng có sẵn lòng cho vay doanh nghiệp hay không nhiều khi không liên quan gì đến lãi suất. Ví dụ, nếu các ngân hàng nâng tiêu chuẩn cho vay lên thì tổng mức đầu tư trong nền kinh tế sẽ không có phản ứng gì với chính sách tiền tệ nới lỏng cả. Trong trường hợp này, đường IS trở nên rất dốc, và, vì thế, dù có tăng cung tiền làm đường LM dịch chuyển sang phải thì sản lượng Y cũng không tăng lên (đáng kể). Kết quả rõ nét hơn là giá cả tăng lên vì tổng cầu tăng lên. Nói cách khác, trong trường hợp này, chính sách tiền tệ nới lỏng (hạ lãi suất) không kích thích làm đầu tư tăng lên, và do đó, sản lượng Y không tăng lên. Trường hợp kinh tế đình trệ ở Nhật trong thập kỷ 90 và Mexico năm 1994 là ví dụ điển hình cho tình trạng này.


Ở Việt Nam, tình hình hiện nay cũng chính là hiện thân của tình trạng chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng lãi suất cho vay không hạ thấp đi đáng kể hoặc các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phàn nàn khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng (có thể nói rằng Việt Nam đang vướng vào “bẫy thanh khoản” (liquidity trap)). Lúc đó, NHNN có tăng cung tiền nhưng không dẫn đến hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp, do đó không làm tăng sản lượng Y.  Nói cách khác, chính sách tiền tệ nới lỏng trong trường hợp này cũng không có tác dụng làm tăng sản lượng Y. Như vậy, để mô hình trên phát huy tác dụng như trong đề xuất của các tác giả thì có lẽ các tác giả phải đề xuất thêm một biện pháp nữa là bắt buộc các ngân hàng phải cho doanh nghiệp vay theo nhu cầu của doanh nghiệp và theo lãi suất ấn định mà doanh nghiệp cho rằng là chấp nhận được chăng?

---------------

Đọc chi tiết trong bản gốc (không copy vào đây được):

http://www.thesaigontimes.vn/epaper2010/TB-KTSG/726/#/59/zoomed

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét