Xét duyệt đề cương nghiên cứu: kinh nghiệm từ Úc |
GS Nguyễn Văn Tuấn:
Hôm 15/3, trước khi ra phi trường, tôi có dịp nói chuyện ở ĐHQG TPHCM về qui trình xét duyện đề cương nghiên cứu và quản lí dự án nghiên cứu ở Úc. Đây là buổi nói chuyện (chỉ 1 giờ) theo sau workshop 3 ngày về cách viết đề cương nghiên cứu. Qua seminar tôi có dịp trao đổi thân tình với các bạn trong ĐHQG về những tiêu chuẩn xét duyệt đề cương nghiên cứu (và kèm theo đây là bài nói chuyện [pdf] tôi post theo yêu cầu của các bạn).
Viết đề cương nghiên cứu càng ngày càng trở thành một nhu cầu cho nhà nghiên cứu (kể cả nghiên cứu sinh) trong thời hội nhập. Nhiều đồng nghiệp thỉnh thoảng hỏi tôi về cách viết một research proposal, mà ở Việt Nam người ta gọi là đề cương nghiên cứu. Tôi gặp nhiều bạn sắp làm nghiên cứu sinh hỏi làm sao viết được một đề cương cho “hấp dẫn” để xin học bổng từ nước ngoài. Từng có dịp đọc qua nhiều đề cương trong nước và những đề cương của nghiên cứu sinh viết bằng tiếng Anh, tôi nghĩ cách viết của “phe ta” rất khó có xác suất thành công cao. Vấn đề thì rất nhiều, nhưng có thể kể đến cách trình bày ý tưởng, cách viết (thậm chí cách hành văn) cho từng mục trong đề cương là những vấn đề nổi cộm nhất. Vì thế, ý tưởng về một workshop về cách viết đề cương nghiên cứu ra đời, và cho đến nay tôi nghĩ mình có lí do để nói workshop đó cũng giúp ích cho nhiều người.
Sự tham gia của các bạn đã vượt qua kì vọng của tôi. Thoạt đầu, ban tổ chức và tôi nghĩ workshop sẽ có khoảng 50 người tham dự. Nhưng chúng tôi đã sai; trong thực tế, số người ghi danh tham dự lên đến gần 180 người, và cho đến ngày cuối cùng số học viên còn “sống sót” là khoảng 150 người. Qua 3 ngày làm việc, tôi phải nói là rút hết kinh nghiệm và tâm tư để trao cho các bạn. Có những trải nghiệm mà tôi nghĩ người phương Tây sẽ không bao giờ chia sẻ với người mình. Có những khó khăn mà tôi nghĩ chỉ có người mình với nhau mới hiểu được. Do đó, tôi thật lấy làm vinh hạnh được chia sẻ những điều “độc” để hi vọng giúp gì đó cho các bạn nay mai sắp viết đề cương xin tài trợ.
Những khác biệt
Qua workshop đó tôi phát hiện rất nhiều khác biệt về bố cục đề cương nghiên cứu giữa VN và nước ngoài. Chẳng hạn như đề cương nghiên cứu bên VN phần dẫn nhập và tổng quan tài liệu thì viết rất dài (có khi 10 trang) nhưng phần lớn thông tin chẳng liên quan gì đến mục tiêu nghiên cứu. Trong khi đó, phần phương pháp của một đề cương nghiên cứu bên VN thì được viết rất sơ sài, cứng nhắc, và ngắn (chỉ độ 2-3 trang – tôi chỉ nói bên ngành y). Đề cương nghiên cứu ở VN không có phần kết quả nghiên cứu sơ khởi (preliminary results). Trong khi đó, một đề cương nghiên cứu ở nước ngoài, cụ thể là Mĩ, thì phần dẫn nhập chỉ 2 trang, phần kết quả sơ khởi 6-8 trang, và phần phương pháp là dài nhất (10-20 trang). Nói cách khác, cách trình bày đề cương nghiên cứu ở VN là một nghịch lí khó hiểu: phần quan trọng nhất thì lại rất ít thông tin, còn phần không quan trọng thì thông tin lại dài lê thê nhưng không có tính liên quan!
Một “phát hiện” thú vị khác (bên lề) là tôi thấy luận án tiến sĩ ở VN chỉ có 3 chương. Chương đầu tiên là tổng quan tài liệu, “cơ sở lí luận”; chương 2 là phương pháp; và chương 3 là kết quả và bàn luận, kiến nghị. Tôi ngạc nhiên về cấu trúc này và có hỏi thêm vài bạn khác thì được xác định đúng thế. Tôi hi vọng đây chỉ là vài trường hợp hi hữu chứ không tiêu biểu cho luận án tiến sĩ ở VN.
Hội đồng xét duyệt đề cương
Một khác biệt khác nữa là hội đồng duyệt đề cương. Ở VN, mỗi hội đồng có khoảng 6-8 người và họ chỉ duyệt 1 đề cương, rất lãng phí. Ở nước ngoài, mỗi hội đồng cũng có 6-8 người nhưng họ phải xét duyệt mấy chục, thậm chí hàng trăm đề cương. Ở VN, đề cương không được gửi ra ngoài cho các chuyên gia độc lập duyệt, mà tất cả chỉ do hội đồng duyệt và quyết định. Ở nước ngoài, mỗi đề cương phải gửi ra ngoài cho 3 người bình duyệt, và hội đồng căn cứ vào báo cáo của 3 chuyên gia và bàn thảo, rồi cho chủ đề tài trả lời, và sau đó hội đồng sẽ họp và ra quyết định.
Tôi không rõ tiêu chuẩn để chọn những người ngồi trong hội đồng xét duyệt ở VN là gì, nhưng ở ngoài thì tiêu chuẩn khá rõ ràng. Nói một cách ngắn gọn, để có tư cách ngồi trong hội đồng xét duyệt đề cương nghiên cứu, thành viên phải hội đủ vài tiêu chuẩn chính như:
- là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu mà hội đồng quan tâm, thể hiện qua lí lịch khoa học và nhất là uy tín trong chuyên ngành qua những công trình nghiên cứu đã công bố;
- có kiến thức chuyên sâu và vị trí tầm quốc tế, thể hiện qua những bài giảng trong các hội nghị quốc tế;
- có khả năng nhận xét chín chắn, thể hiện qua những lần bình duyệt trước đây. Tiêu chuẩn này nhằm chọn “người trưởng thành” chứ không phải những người tuy có chuyên môn cao nhưng hành xử và nhận xét như trẻ con;
- có khả năng làm việc theo nhóm. Vì phải ngồi trong hội đồng cùng nhiều đồng nghiệp khác, nên vấn đề bất đồng ý kiến có thể xảy ra, và thành viên phải đủ bản lĩnh để lĩnh hội và dung hoà ý kiến người khác;
- có ý nguyện phục vụ cho khoa học một cách không vụ lợi, chứ không phải để đánh bóng lí lịch khoa học;
- tỏ ra khách quan, chứ không phải nhận xét thiên vị cho đồng nghiệp trong cùng “bộ lạc”;
- ngoài ra, có khi hội đồng còn có đại diện của các thành phần thiểu số trong xã hội trong hội đồng xét duyệt đề cương nghiên cứu.
Những tiêu chuẩn trên đây rất quan trọng. Dù đã mời người ngồi trong hội đồng xét duyệt, nhưng ban tổ chức vẫn phải nhắc nhở rằng nếu ứng viên được mời không phải là người có kiến thức chuyên ngành thì nên tự nguyện rút lui, chứ không nên nhận. Ở Việt Nam, có nhiều trường hợp mà thành viên hội đồng không cùng chuyên ngành, không có chuyên môn liên quan, thậm chí chưa từng làm nghiên cứu nhưng cũng ngồi trong hội đồng và đưa ra nhiều nhận xét làm chủ đề tài khó ứng xử. Một giáo sư khả kính ở Hà Nội là chỗ quen biết của tôi từng than rằng anh rất sợ phải đối thoại với hội đồng khoa học vì anh không hiểu người ta nói gì!
Tiêu chuẩn xét duyệt đề cương nghiên cứu
Về tiêu chuẩn xét duyệt đề tài nghiên cứu thì tôi nghĩ chắc ngoài này minh bạch hơn trong nước. Ở Úc, cũng như Mĩ và nhiều nước khác, các chuyên gia xét duyệt một đề tài nghiên cứu dựa trên 5 tiêu chuẩn sau đây:
Tầm quan trọng của câu hỏi nghiên cứu. Đây có lẽ là tiêu chuẩn quan trọng nhất, vì cơ quan tài trợ chỉ muốn yểm trợ cho các công trình mà kết quả có thể gây tác động đến chuyên ngành, hay định ra một hướng mới trong chuyên ngành. Khi xét duyệt đề tài nghiên cứu, chúng tôi phân biệt hai loại nghiên cứu: loại thứ nhất thuộc vào nhóm mà tiếng Anh gọi là incremental knowledge (tức góp phần làm tăng tri thức chút ít), và nhóm thứ hai là breakthrough (đột phá). Dĩ nhiên, phần lớn đề cương thuộc nhóm 1, chỉ có rất ít đề cương thuộc nhóm 2. Còn một nhóm khác sẽ không được tài trợ là nhóm me too, tức nghiên cứu lặp lại những gì người khác đã làm.
Cách tiếp cận và tính khả thi. Tiêu chuẩn này chủ yếu liên quan đến phương pháp nghiên cứu và tính khả thi. Đôi khi câu hỏi nghiên cứu rất quan trọng, nhưng nhà nghiên cứu có cách tiếp cận sai, hoặc phương pháp không tối ưu, cũng không được đánh giá cao. Tính khả thi cũng đóng vai trò quan trọng, và nhà nghiên cứu phải chứng minh cho cơ quan tài trợ qua nghiên cứu sơ khởi rằng họ có khả năng thực hiện công trình nghiên cứu theo thời lượng cho phép.
Cái mới trong công trình nghiên cứu. Một công trình nghiên cứu tốt phải đóng góp một điều gì mới cho khoa học; nếu không, thì chỉ là loại nghiên cứu me too. Không một nhà tài trợ nào muốn cấp tiền cho những công trình không có cái mới. “Cái mới” ở đây là mới về ý tưởng, mới về quan niệm, hoặc mới về phương pháp, hoặc mới về cách diễn giải, hoặc mới về kết quả dự kiến. Một công trình nghiên cứu có “chất lượng” cao không chỉ có câu hỏi nghiên cứu tốt, phương pháp tốt, mà còn phải có cái mới. Cái mới còn có thể là một thách thức quan điểm hiện hành hay gây tác động đến cộng đồng khoa học.
Thành tích của nhà khoa học. Tiêu chuẩn này cũng quan trọng, chiếm 25% trọng số của tổng số điểm của một công trình nghiên cứu. Ngoài những ý tưởng và phương pháp, nhà tài trợ còn phải xem xét thành tựu trong quá khứ và hiện tại của nhà khoa học. Thành tựu có thể thể hiện qua chất lượng của các ấn phẩm khoa học trên các tập san khoa học quốc tế; tầm ảnh hưởng (qua chỉ số H); uy tín trong chuyên ngành, thể hiện qua những bài giảng được mời trong các hội nghị quốc tế và phục vụ trong các ban biên tập tập san khoa học; có đóng góp cho chuyên ngành qua bình duyệt bài báo khoa học và phục vụ trong các hiệp hội chuyên môn.
Môi trường nghiên cứu. Tiêu chuẩn này liên quan đến nơi làm việc của nhà nghiên cứu. Nhà tài trợ muốn biết công trình nghiên cứu sẽ được thực hiện ở một trung tâm có đầy đủ cơ sở vật chất và cơ chế quản lí tốt. Thỉnh thoảng, chủ đề tài phải trình bày chứng cứ thực tế cho thấy đã có được sự hỗ trợ về kĩ thuật hoặc phương pháp từ những trung tâm hoặc đồng nghiệp có chuyên môn thích hợp. Tôi từng thấy có đề cương mà nhà nghiên cứu chụp ảnh phòng thí nghiệm và các thiết bị sẵn sàng cho nghiên cứu.
Quản lí
Phải nói ngay rằng nhiệm vụ hành chính của chủ đề tài ở VN rất nặng. Nặng một cách không cần thiết. Nếu được tài trợ, chủ đề tài phải làm những giấy tờ rắc rối để có tiền. Có tiền rồi, mọi chi tiêu lớn nhỏ đều phải có hoá đơn “đỏ”, nghe nói rất phiền phức. Đến giữa kì phải tốn thì giờ viết báo cáo giữa kì, và có “nghiệm thu”. Xong công trình lại báo cáo và lại “nghiệm thu”, tức phải một bước bị “hành” bởi hội đồng. Không biết nơi nào trên thế giới có hệ thống hành chính như thế, nhưng tôi biết chắc ở Úc, Mĩ, Anh, Canada không có hệ thống hành hạ (nếu không muốn nói là tra tấn hành chính) nhà khoa học như thế.
Ở Úc, một dự án nghiên cứu thường 3 năm đến 5 năm. Trong thời gian thực hiện, chúng tôi không phải “chạy” lo hoá đơn, vì tất cả chi tiêu đã có hệ thống quản lí tài chính của viện giúp đỡ. Mỗi năm, chúng tôi chỉ báo cáo tiến độ (khoảng 1 trang giấy), chủ yếu là hành chính. Trong báo cáo, chúng tôi phải báo cho nhà tài trợ biết có thay đổi gì về mục tiêu nghiên cứu, tiến trình không có (hay có) trở ngại và cách khắc phục, số ấn phẩm khoa học công bố, bằng sáng chế đăng kí, hay số sinh viên sau đại học đào tạo, v.v. Chúng tôi không phải ra trước hội đồng (và hội đồng cũng không có thì giờ nghe chúng tôi) báo cáo tiến độ nghiên cứu. Tất cả đã thể hiện qua ấn phẩm khoa học và những “sản phẩm” đầu ra tương tự. Tôi nghĩ cách làm này đơn giản hơn và hợp lí hơn cách quản lí mang tính tra tấn của Việt Nam.
Nói tóm lại, buổi nói chuyện 1 tiếng đồng hồ rất thoải mái. Tôi kì vọng nhiều câu hỏi và trao đổi, nhưng trong thực tế chỉ vài câu hỏi mang tính tìm hiểu. Có câu hỏi nếu kết quả nghiên cứu không phù hợp với giả thuyết thì có vấn đề gì không; câu trả lời là không có vấn đề gì cả. Có bạn hỏi nếu sau khi thực hiện đề án nghiên cứu, chủ trì đề tài không có công bố quốc thì sao? Tôi trả lời khẳng định rằng chủ đề tài đó rất khó (nếu không muốn nói là không thể) xin tài trợ trong tương lai. Ở Úc và Mĩ, không ai tài trợ hàng trăm ngàn hay hàng triệu đôla cho những nhà nghiên cứu lười biếng hay bất tài, không công bố nổi một công trình nghiên cứu, hoặc công bố nghiên cứu loại làng nhàng.
ĐHQG TPHCM có tham vọng trở thành một đại học nghiên cứu trong tương lai. Tôi dĩ nhiên là ủng hộ và mong muốn thấy Trường trở thành một đại học nghiên cứu, và sẽ làm tất cả những gì mình có thể trong giới hạn cá nhân để giúp. Hi vọng rằng những kinh nghiệm tôi chia sẻ và trình bày giúp một phần nhỏ trong hướng cải cách qui trình xét duyệt và quản lí đề án nghiên cứu khoa học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét