Lai lịch của thẻ tín dụng
Ngày nay, thẻ tín dụng là một phần không thể thiếu được của cuộc sống hiện đại. Từ điểm xuất phát là nước Mỹ, đến nay thẻ tín dụng có mặt hầu như khắp thế giới.
Sự bùng nổ của loại thẻ tín dụng bạch kim American Express trong thập niên 1980 đã khiến nảy sinh nhiều tin đồn cho rằng, có một loại thẻ đặc quyền rất tiện lợi chưa hề được phát hành rộng rãi mà chỉ dành cho các tỉ phú. Theo lời đồn đại, người có loại thẻ này có thể được mua sắm thỏa thích ở những cửa hàng đặc biệt nhất trên thế giới và có thể triệu tập được máy bay trực thăng ở giữa sa mạc Sahara.
American Express kịch liệt bác bỏ tin đồn đó. Nhưng việc người ta cứ nhất mực tin vào điều đó chứng tỏ rằng thẻ tín dụng hết sức quan trọng đối với nhiều người. Một tác giả chuyên về kinh doanh diễn tả điều đó như sau: “Ngày nay, người bị hủy thẻ tín dụng của mình chẳng khác gì người bị giáo hội rút phép thông công vào thời Trung cổ”.
Hiện nay ở Mỹ, hầu như không có việc gì mà người ta không cần dùng đến thẻ tín dụng. Nhà làm phim Robert Townsend ghi nợ 40.000 đô-la vào 15 thẻ tín dụng của cá nhân mình để có vốn làm bộ phim Hollywood Shuffle (phát hành năm 1987). Ông đã hy vọng rằng bộ phim sẽ thành công, giúp ông sẽ trả hết nợ, và đúng vậy thật. Nước Mỹ hiện sử dụng 100 triệu thẻ Master Card, 149 triệu thẻ Visa. Sách kỷ lục Guinness cho biết Walter Cavanagh ở Santa Clara, tiểu bang California, là người có nhiều thẻ tín dụng nhất, với 1381 loại thẻ khác nhau và cất trong một cái bóp đặt làm riêng mà trải ra dài đến… 75m.
Nước Mỹ bắt đầu thích dùng thẻ tín dụng kể từ năm 1949. Hồi đó, nhà doanh nghiệp Frank X. McNamara sau khi ăn xong ở một nhà hàng New York bỗng phát hiện mình không có tiền mặt. Vào thời đó, thẻ mua hàng và mua xăng đã thông dụng, nhưng tiền mặt vẫn dùng để thanh toán cho hầu hết mọi thứ khác. Ông McNamara bối rối quá bèn gọi điện bảo vợ nhanh chóng mang tiền đến để trả cho ông. Tình trạng khó xử đó đã khiến ông nghĩ ra loại thẻ Diners Club.
Trong vòng một năm đã có 200 người dùng loại thẻ đa công dụng đầu tiên trên thế giới. Về mặt thuật ngữ, đúng ra Diners Club được gọi là thẻ “ghi nợ”(“charge” card), vì khách hàng được yêu cầu phải thanh toán hết hàng tháng. Nếu ngân hàng phát hành loại thẻ tín dụng(“credit” card), hàng tháng khách hàng chỉ phải thanh toán một khoản tối thiểu nào đó, số còn lại sẽ dần dà trả, cộng với lãi… Với lệ phí hàng năm 5 đô-la, những người mang thẻ có thể ghi nợ khi đi ăn ở 27 nhà hàng nằm trong hoặc ven thành phố New York. Đến cuối năm 1951, hơn 1 triệu đô-la đã được tính nợ vào số lượng thẻ ngày càng tăng lên, và công ty này nhanh chóng kiếm lãi.
Nhưng vẫn chưa ai tiên liệu được khả năng của một ngành lãi hàng tỉ đô-la. McNamara đã bán hết cổ phần cho những người hợp danh là Ralph Schneider và Alfred Bloomingdale với giá 200.000 đô-la vào năm 1953. Schneider phát hiện rằng người ta không tin là chỉ cần có yêu cầu là họ được cấp thẻ tín dụng, vì họ nghĩ chắc phải có cạm bẫy gì đó. Quả là có cạm bẫy, nhưng dành cho các điểm nhận thanh toán thẻ chứ không phải khách hàng. Trong một hệ thống chung mà các hãng phát hành thẻ sử dụng đến nay, Diners Club bắt những nhà bán lẻ tính “chiết khấu” hơn 5% trên mỗi món bán ra. Mặc dù lợi nhuận giảm, các điểm nhận thanh toán thẻ cũng chịu ký vì họ bị cám dỗ bởi lý lẽ cho rằng người có thẻ sẽ tiêu xài nhiều hơn người không có thẻ. Vấn đề là phải thuyết phục đủ số người chịu dùng thẻ. Diners Club chuyển sang kế hoạch khuyến mãi. Công ty này đề ra giải thưởng là một chuyến du lịch vòng quanh thế giới cho những người không có thẻ. Người thắng sẽ được bao hết chi phí đi du lịch.
Đến năm 1955, loại thẻ này càng tỏ ra hết sức tiện lợi cho rất nhiều người. Theo chân Diners Club là Trip Charge, Golden Key, Gourmet Guest Club, Esquire Club, và vào năm 1958 Carte Blanche ra đời. Cũng vào năm 1958, thẻ American Express ra đời và bắt đầu thống lĩnh thị trường này. Giống như các loại thẻ “du lịch và giải trí” khác, Carte Blanche dĩ nhiên chỉ dành cho giới doanh nhân. Nhưng các ngân hàng đã cảm nhận rằng người nghèo hơn vẫn có ý thích tiêu xài bị “dồn nén”, và các ngân hàng đã khơi dậy ý thích đó bằng cách phát hành loại thẻ dành cho giới bình dân.
Loại thẻ bình dân đầu tiên trở nên phát đạt là Bank Americard của Bank of America. Những chủ ngân hàng từ khắp nước Mỹ đổ xô về trụ sở của Bank of America ở California để học hỏi bí quyết thành công- nhiều đến nỗi vào năm 1966, Bank Americard, ngày nay gọi là Visa, bắt đầu liên kết với các ngân hàng ở các tiểu bang khác. Mạng lưới Bank Americard chẳng mấy chốc gặp phải đối thủ cạnh tranh khi ngân hàng Wells Fargo liên kết với 77 ngân hàng để thành lập loại thẻ Master Charge, ngày nay là Master Card. Sau khi khuyến khích thêm 1,3 triệu người dùng thẻ “Everything Card”, Master Charge trong một thời gian đã là loại thẻ ngân hàng lớn nhất ở Mỹ.
Không phải tất cả các ngân hàng đều tham gia vào cuộc tranh đua này. Một số ngân hàng Chicago quyết định “đánh lẻ”, nhưng chẳng bao lâu sau họ đã gặp rắc rối. Ngay trước mùa Giáng sinh 1966, ở Chicago đã có 5 triệu thẻ tín dụng được gởi đến cho những ngưới có yêu cầu. Lẽ ra số lượng 5 triệu khách hàng dùng thẻ tín dụng để mua sắm trong dịp này đã có thể giúp các ngân hàng vớ bở, nhưng các ngân hàng này lại bất cẩn trong việc lên danh sách những người được gởi thẻ tín dụng. Một số gia đình nhận được 15 thẻ. Thậm chí người đã chết và trẻ sơ sinh cũng nhận được thẻ. Hàng trăm người Chicago phát hiện ra rằng họ có thể sử dụng và bán thẻ mà họ “tìm thấy”, và căn cứ theo luật pháp, người nào có tên trên thẻ phải chịu trách nhiệm thanh toán số nợ cho dù người đó chưa hề yêu cầu hoặc nhận được thẻ.
Vụ đổ bể này đã dấy lên phong trào đòi chấn chỉnh lại ngành kinh doanh thẻ tín dụng.Vào tháng 10 năm 1970, Tổng thống Richard Nixon ký một đạo luật cấm những hãng phát hành không được gởi thẻ cho người không có yêu cầu và quy định rằng, nếu người mang thẻ báo là mất hoặc bị ăn cắp thì người đó được xóa trách nhiệm thanh toán nợ. Sau này luật thanh toán tín dụng công bằng quy định các thủ tục chuẩn để giải quyết tranh chấp về thanh toán.
Khi lãi suất đạt đến mức cao nhất là 20% vào năm 1981, các ngân hàng nhận ra rằng người tiêu dùng chẳng nề hà việc trả lãi từ 18 đến 20% trên bảng quyết toán thẻ tín dụng của họ. Lãi suất cao như thế đã lôi kéo thêm nhiều người tham gia ngành kinh doanh thẻ tín dụng. Các hãng hàng không, các công ty xe hơi, bảo hiểm, thậm chí cả các công ty điện thoại đường dài cũng liên kết với các ngân hàng để phát hành thẻ tín dụng. Các chuyên gia ước tính hiện nay ở Mỹ có từ 15.000 đến 19.000 loại thẻ khác nhau. Sự cạnh tranh liên tục buộc các nhà phát hành thẻ tín dụng ngân hàng phản công bằng các chiến lược tiếp thị phong phú. Các loại thẻ vàng và thẻ tối ưu khác được tung ra, nhiều ngân hàng đề ra lãi suất thấp hơn và nới rộng mức giới hạn tín dụng. Tuy nhiên, đó không phải là điều thật sự quyến rũ, người ta công nhận rằng họ dùng thẻ vàng vì cái “mã” của nó. Để giữ uy tín hàng đầu, American Express tung ra loại thẻ bạch kim, đặc biệt dành cho những người ghi nợ ít nhất là 10.000 đô-la mỗi năm.
Dĩ nhiên, thẻ tín dụng không chỉ thay thế tiền mặt cho nhiều mục đích mà trong thực tế còn tạo ra tiền mặt, vì ở bất cứ nơi đâu người ta cũng có thể nhanh chóng có được tiền mặt nếu cần – chỉ việc đút thẻ vào máy là sẽ có trong tay hàng trăm đô-la, vô cùng thuận lợi. Cuộc cách mạng khởi đầu từ năm 1949 với một nhà doanh nghiệp lâm vào thế khó xử đến nay dường như đã hoàn tất. Cách đây 30 năm, Alfred Bloodmingdale, khi ấy là chủ tịch của Diners Club tiên đoán một điều mà đến nay đã trở thành sự thật: ở Mỹ chỉ có 2 loại người, một là những người có thẻ tín dụng, hai là những người không có khả năng có thẻ tín dụng.
Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch từ Reader’s Digest
Trích từ tập sách “Một góc nhìn kinh doanh“(trang 95-99), NXB Trẻ 2005. Bài gốc đăng trên Kiến Thức Ngày Nay, ngày 15/8/1994.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét