Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

VỀ MỐI QUAN HỆ VIỆT – MỸ

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

V MI QUAN HỆ VIỆT – MỸ

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ tư, ngày 14/3/2012
TTXVN (Oasinhtơn 6/3)
Ngày 29/2, trang web của Trung tâm Đông – Tây (East West Center) đăng bài viết của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt có tựa đề: “Mỹ-Việt: Những đối tác chiến lược mới bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại khó khăn”. Ông Raymond Burghardt là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2001 đến 2004 và hiện là Giám đốc phụ trách Hội thảo Đông – Tây tại Trung tâm Đông Tây. Sau đây là nội dung bài viết:
Những người Việt Nam và Mỹ gặp nhau tại Hà Nội tháng 12 năm ngoái trong một buổi lễ vui vẻ, kỷ niệm mười năm ngày ký kết Hiệp định Thương mại Song phương Mỹ – Việt. Cuộc gặp mặt của những người từng hoặc đang là nhà đàm phán thương mại, ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp đã trao đổi về những giai thoại xem ai là nhà đàm phán “rắn” nhất. Tuy nhiên, trọng tâm chính của cả những người Mỹ và Việt Nam tham gia buổi lễ là về triển vọng tích cực của tương lai mối quan hệ trong các vấn đề thương mại và chiến lược.
Đối với những người đã từng phục vụ tại Việt Nam trong những năm chiến tranh, buổi lễ này là một lời nhắc nhở về sự thay đổi nhanh chóng của một mối quan hệ từ thù địch căng thẳng sang đối tác chiến lược. Các quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã liên tục cải thiện kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, nhưng tốc độ được đẩy mạnh trong ba năm qua một phần do động lực là mối quan tâm chung đến những tuyên bố hiếu chiến về chủ quyền trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông.
Oasinhtơn coi Việt Nam là một quốc gia trung bình đang phát triển nhanh chóng với 90 triệu dân, và Hà Nội đã và đang tăng cường vai trò lãnh đạo ở Đông Nam Á, một khu vực đã được Mỹ chú ý trở lại. về phần mình các nhà lãnh đạo Việt Nam tìm kiếm sự ổn định khu vực, hội nhập toàn cầu, đầu tư nước ngoài mới và các thị trường cho các ngành xuất khẩu, các mục tiêu đòi hỏi một mối quan hệ tốt với Mỹ.
Sự “chuyển hướng” sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ

Buổi lễ kỷ niệm Hiệp định Thương mại Song phương tại Hà Nội diễn ra ngay sau khi Tổng thống Barack Obama chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Honolulu vào giữa tháng 11, và sau đó vài ngày là việc tổng thống tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Bali, Inđônêxia. Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton qua các cuộc gặp thượng đỉnh này thông báo việc Mỹ “chuyển hướng” trở lại châu Á khi mà nước này rút quân khỏi hai cuộc chiến tranh lâu dài ở Irắc và Ápganixtan. Chính quyền Obama đã nói rõ rằng mặc dù ngân sách quốc phòng tổng thể của Mỹ giảm đi nhưng sẽ không ảnh hưởng đến việc triển khai tiền phương của Mỹ trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Một nội dung quan trọng trong chính sách “chuyển hướng” châu Á của Chính quyền Obama là theo đuổi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một chủ đề lớn tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Chín nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ và Việt Nam, đang đàm phán hiệp định này. Một mục tiêu lớn của Mỹ là chống lại xu hướng trong những năm gần đây trong đó Trung Quốc đã ký các hiệp định thương mại với các nước chãu Á láng giềng mà không có Mỹ.
Việt Nam tham gia các cuộc đàm phán TPP
Tháng 11/2010, Mỹ và các bên tham gia đàm phán khác hoan nghênh quyết định của Hà Nội tham gia đàm phán TPP, mặc dù cả mối quan tâm của Việt Nam lẫn việc các nước khác hoan nghênh là khá bất ngờ. Việt Nam là nền kinh tế kém phát triển nhất trong số các thành viên triển vọng của TPP, và cho đến nay vẫn là nền kinh tế “hỗn hợp” nhất giữa kinh tế thị trường và phi thị trường trong số 9 nước. Các doanh nghiệp nhà nước (SOE) được hưởng sự ưu đãi bằng các khoản cho vay hào phóng từ các ngân hàng nhà nước, và đây là một đặc điểm quan trọng của hệ thống kinh tế Việt Nam, một điều khá giống với mô hình “tư bản nhà nước” của Trung Quốc. Một trong các mục tiêu chính của Oasinhtơn với TPP là một hiệp định thương mại trong đó các công ty tư nhân và nhà nược cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng. Mục tiêu này phản ánh sự bất bình thực sự của Mỹ đối với cái mà họ coi là các lợi thế không công bằng mà các SOE của Trung Quốc có trong thương mại quốc tế.
Vấn đề doanh nghiệp nhà nước này sẽ làm phức tạp khả năng Việt Nam đàm phán thành công để gia nhập TPP. Do sự bất bình với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc – và không chỉ từ phía Mỹ – nên sẽ khó có sự chấp nhận hơn so với trong 5 năm vừa qua đối với việc Việt Nam duy trì lợi thế dành cho các doanh nghiệp nhà nước của mình.
Đối tác Chiến lược
Chính sách “chuyển hướng” hay “tái cân bằng” của Chính quyền Obama về cơ bản là sự chú ý đúng mức đối với khu vực năng động nhất về kinh tế của thế giới này. Nhưng việc tái chú ý tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn bao gồm sự hợp tác với các nước láng giềng đang lo lắng của Trung Quốc trong việc chuẩn bị đối phó với việc Bắc Kính có thể sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng đang gia tăng của mình như thế nào. Với một lịch sử lâu dài của các mối quan hệ không êm đẹp với người láng giềng khổng lồ ở phương Bắc, Việt Nam là một đối tác tự nhiên. Nhiều hoạt động trong ba năm qua, đặc biệt là hải quân, đã báo hiệu sự hội tụ chiến lược Mỹ-Việt.
Sự hội tụ này giữa Mỹ với Việt Nam, trong đó có việc hoan nghênh Hà Nội tham gia nhóm đàm phán TPP, là một nội dung quan trọng trong chính sách “chuyển hướng”. Trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm Hiệp định Thương mại Song phương hồi tháng 12/2011, các quan chức cả Mỹ lẫn Việt Nam đều cho rằng sự tham gia của Việt Nam vào các cuộc đàm phán TPP là một “quyết định chiến lược” của cả Hà Nội lẫn Oasinhtơn. Mặc dù đây là các cuộc đàm phán thương mại, nhưng nó có thể thực hiện được là nhờ sự giao thoa chiến lược và tin tưởng lẫn nhau.
Một mối quan tâm chung về hòa bình và an ninh khu vực có thể giúp giải tỏa bớt những khó khăn trên con đường đi tới hiệp định, nhưng các cuộc đàm phán gay go vẫn ở phía trước. Các đối tác đàm phán của Việt Nam sẽ kiên quyết có một hiệp định thương mại và đầu tư chất lượng cao, đòi hỏi tính minh mạch, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền lao động, bảo vệ môi trường cũng như những hạn chế về lợi thế của các doanh nghiệp nhà nước, về phần Việt Nam, các đòi hỏi phải tự do hóa và hiện đại hóa nền kinh tế xuất hiện đúng lúc có các vấn đề kinh tế nghiêm trọng và sự tranh luận chính trị nội bộ nóng lên về hướng đi của đất nước. Lạm phát tại Việt Nam đã nhiều lần vượt lên ở mức hai con số trong vài năm qua, trong đó hai lần đã vượt quá 20%, Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2011 nằm trong số các thị trường tồi tệ nhất ở châu Á, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, và cả ba cơ quan đánh giá tín dụng lớn đều hạ mức điểm tín dụng của Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra rằng đây là các vấn đề nghiêm trọng, nhưng họ bất đồng sâu sắc với nhau về việc phải đối phó với các vấn đề này như thế nào. Một vấn đề lớn trong tranh luận là cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước đến đâu. Các ngân hàng nhà nước phải chịu các khoản nợ xấu đã cho các doanh nghiệp này vay và nhiều doanh nghiệp đang làm ăn kém. Vụ vỡ nợ hàng tỉ USD của tập đoàn đóng tàu Việt Nam – Vinashin – trong năm 2010 đã làm căng thẳng thêm cuộc thảo luận về doanh nghiệp nhà nước.
Một số người đang đặt câu hỏi rằng các cuộc tranh luận trong nội bộ Việt Nam, cùng với các lo ngại của Mỹ về doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, có cản trở hai nước đạt tới một thỏa thuận trong TPP hay không. Việc đàm phán thành công của Việt Nam sẽ đòi hỏi sự nhượng bộ của Hà Nội cũng như các đối tác đàm phán khác, trong đó có Mỹ. Thành công sẽ đòi hỏi cả hai phải ưu tiên cho quan hệ đối tác chiến lược đã được vun đắp trong những năm gần đây. Mỹ đã xác định Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược mới quan trọng nhất tại châu Á. Việt Nam coi Mỹ là yếu tố chủ chốt để duy trì cân bằng chiến lược tại Đông Nam Á. Nhiều người trong chúng ta, khi đã chứng kiến mối quan hệ song phương đi từ chiến tranh tới đối tác trong 35 năm qua, hy vọng rằng nhãn quan chiến lược chung này sẽ tạo cho các nhà đàm phán thương mại một động lực cần thiết để tìm kiếm điểm chung./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét