Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Phân cấp đầu tư: Hết thời dễ dãi!

Phân cấp đầu tư: Hết thời dễ dãi!

(VEF.VN) - Sẽ có những điều chỉnh nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc phân cấp đầu tư. Việc này sẽ không hạn chế quyền chủ động của các địa phương nhưng lại ngăn chặn sự quá đà khi quyền được giao nhưng việc giám sát lại chưa cụ thể.

Điển hình Đà Nẵng
Trên bản đồ thu hút đầu tư, Đà Nẵng đang nổi lên như là một trong những điểm đến vàng. Tính đến tháng 2/2012, Đà Nẵng có 213 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3,2 tỷ USD. Còn nếu chỉ tính riêng trong giai đoạn 2007-2011, Đà Nẵng thu hút được 143 dự án còn hiệu lực với số vốn đầu tư khoảng 2,55 tỷ USD.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng nói, nhấn mạnh rằng "một trong những nguyên nhân góp phần cho kết quả đạt được đó là sự phân cấp mạnh mẽ trong quản lý nhà nước và cấp phép đầu tư cho địa phương".
Theo ông Viết, phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương đã tạo ra tính chủ động trong quá trình thu hút, cấp phép đầu tư và quan trọng hơn là giảm thiểu đầu mối trong xét duyệt dự án cấp phép đầu tư, làm giảm chi phí đi, tiết kiệm thời gian, từ đó tạo được sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư.
Đồng thời, bản thân các địa phương cũng phải có những biện pháp để khắc phục, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng hơn như đẩy mạnh cải cách hành chính thực hiện mô hình "một cửa liên thông", đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Nhưng 63 tỉnh thành trên cả nước thì không phải địa phương nào cũng được như Đà Nẵng. Khi một tỉnh thành vượt lên thì cũng đồng thời có địa phương khác tụt lại trong cuộc đua. Từ góc nhìn của các nhà đầu tư, Việt Nam dường như có tới... 63 nền kinh tế khác nhau và chính quyền tỉnh thành nào cũng sẵn sàng hậu đãi.
Ngay cả khi là địa phương hưởng lợi nhiều từ quá trình phân cấp, bản thân lãnh đạo Đà Nẵng cũng nhìn thấy bất cập từ chính sách này, nếu nhìn rộng vấn đề ra trên tầm quốc gia.


Ông Viết nói rằng việc phân cấp quản lý FDI đã đưa tới một loạt hạn chế, chẳng hạn công tác quy hoạch cho từng vùng, qui hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch ngành nghề cho địa phương chưa được hợp lý dẫn đến tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư tràn lan, không tính đến nhu cầu thị trường, gây lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp như cùng trong một khu vực nhưng có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, nhiều sân bay hoặc sân gôn dẫn đến mất cân đối chung.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật và chính sách chưa đồng bộ và đầy đủ, mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau về luật dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. "Các nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về sự không thống nhất chính sách giữa chính quyền Trung ương và địa phương", ông nói.
Phân cấp: điều chỉnh lại?
Sáu năm trước, sau khi Luật Đầu tư 2005 được ban hành, Bộ Kế hoạch và đầu tư, với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo các nghị định hướng dẫn, đã đề xuất rằng nên phân cấp một cách "vừa phải", theo đó chính quyền các tỉnh thành chỉ được phép cấp phép dự án một cách hạn chế ở những lĩnh vực và quy mô vốn nhất định.
Đề xuất này đã không được chấp thuận vì theo hồi tưởng của một chuyên gia am tường về FDI, lúc đó "quyết tâm chính trị về việc phải trao quyền tối đa cho các tỉnh thành là quá lớn".
Cuối cùng thì, những lo ngại của Bộ Kế hoạch và đầu tư, cũng như một số chuyên gia kinh tế, đã được kiểm chứng từ thực tế thu hút và quản lý FDI trong 6 năm qua.
Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài coi những bất cập trong vấn đề phân cấp là một trong 6 nhóm vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực thu hút FDI đã được phát hiện và đang xử lý.
Theo ông Mại, phân cấp quản lý cho UBND tỉnh và thành phố từ năm 2006 vừa có tác động tích cực kích thích chính quyền địa phương khai thác lợi thế, năng động, sáng tạo trong vận động và thu hút FDI, nhưng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ban hành quy định không đúng thẩm quyền, dễ dãi trong lựa chọn nhà đầu tư.
Một hệ lụy dễ thấy là các địa phương đã "vận dụng" quá mức các quy định về ưu đãi đầu tư, trong đó quan trọng nhất là ưu đãi thuế. Nhưng trên thực tế, ưu đãi thuế có tác dụng như một lực hút FDI nhưng không đồng đều đối với các nhà đầu tư và các vùng lãnh thổ.
"Không ít tỉnh, thành phố ở nước ta đã lạm dụng ưu đãi đầu tư miễn là thu hút được FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội của địa phương, thậm chí miễn giảm tiền thuê đất đến mức UBND tỉnh phải vay tiền nhà đầu tư để trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng mà không biết liệu khi dự án đầu tư đi vào hoạt động thì thu ngân sách địa phương có đảm bảo hoàn lại không", ông Mại nêu vấn đề.
Ở chiều hướng ngược lại, lãnh đạo các tỉnh thành lại tỏ ra lúng túng trong cách ứng xử với nhà đầu tư. Về lý thuyết, trong khi nhà đầu tư có quyền lưa chọn quốc gia, địa phương thực hiện dự án FDI kể cả quyền chuyển nhà máy, trụ sở doanh nghiệp từ nước này sang nước khác thì nước nhận đầu tư có quyền lựa chọn dự án, nhà đầu tư, quyền khuyến khích hoặc hạn chế FDI.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo giáo sư Nguyễn Mại, "nhiều địa phương, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn của mình, bị động với ý đồ của nhà đầu tư, do vậy phá vỡ quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, không bảo đảm lợi ích dân tộc trong việc thu hút FDI".
Với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về FDI, Cục Đầu tư nước ngoài cảm thấy mình "mệt mỏi" nhất trong việc xử lý vấn đề này.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, nói việc phân cấp  là chủ trương đúng đắn, nhưng cần phải đi kèm với luật pháp chính sách rõ ràng, hệ thống quy hoạch đồng bộ và năng lực của các cơ quan được phân cấp phải được nâng cao.
Bên cạnh đó, công tác báo cáo, cung cấp thông tin của địa phương lên trung ương phải kịp thời; công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm phải được thực hiện triệt để; tăng cường sự phối hợp hàng ngang và hàng dọc giữa các cơ quan quản lý chung và cơ quan quản lý chuyên ngành, giữa cơ quan quản lý ở Trung ương với cơ quan quản lý ở địa phương.
Nhưng, trên thực tế, theo ông Hoàng, "những công tác này chưa được thực hiện tốt trong thời gian qua, đồng thời có hiện tượng một số địa phương trong quá trình xử lý còn thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến lợi ích lâu dài, vì lợi ích địa phương mà bỏ qua lợi ích tổng thể quốc gia".
Có lẽ vì thế, theo ghi nhận của chúng tôi, liên tiếp trong hai năm qua, những tiếng nói yêu cầu xem lại vấn đề phân cấp dường như ngày càng nhiều, và điều này đã là cơ sở quan trọng để đưa tới việc sửa Luật Đầu tư 2005 một cách căn bản.
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay việc sửa Luật Đầu tư 2005 đã được cơ quan này định hình khá cụ thể, trong đó có vấn đề phân cấp.
Cụ thể, dự thảo luật mới sẽ hoàn thiện các quy định về phân cấp cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo hướng đảm bảo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng lãnh thổ; đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thẩm tra và quản lý hoạt động của dự án.
Với quy định đó, Chủ tịch các tỉnh thành phố trước khi đặt bút ký vào Giấy chứng nhận đầu tư, sẽ phải cùng các đồng sự soi chiếu lại hàng loạt văn bản liên quan.
Trước mắt, việc sửa đổi bổ sung Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2005 sẽ được tiến hành. Điểm nhấn quan trọng nhất trong văn bản này là đưa ra nguyên tắc các Bộ, ngành, địa phương không được phép ban hành các điều kiện đầu tư trái quy định của Luật, Pháp lệnh, Nghị định.
"Đây là quy định quan trọng nhằm minh bạch hóa các điều kiện đầu tư, đồng thời tránh việc cơ quan địa phương áp dụng tùy tiện, gây khó khăn cho nhà đầu tư", ông Tuấn nói
Chủ trương đã rõ ràng, tuy nhiên, không loại trừ khả năng, sẽ có một cuộc chạy đua mới giữa các tỉnh thành trước khi quyền lực địa phương, vốn được cộng hưởng đáng kể trong 6 năm qua, chính thức bị hạn chế bớt. Có thể lắm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét