Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

“Sự giàu có không sinh ra văn hóa...”

Ủng hộ quan điểm của TS Thành, chính vì vậy mà ngay từ đầu tôi đã ủng hộ nữ thương gia Nguyễn Thị Liễu trong việc tổ chức đám cưới sang trọng cho con trai. Người giầu chính đáng có quyền tiêu tiền theo cách của mình miễn là không vi phạm pháp luật; báo chí không nên xoi mói, cạnh khóe. Tôi nghĩ người dân bình thường cũng không suy nghĩ nhiều đến chuyện này mà lo kiếm sống, chỉ đám phóng viên không nghĩ được cái gì hay hút khách mới tìm cách khai thác những chuyện thế này để kiếm tiền, đó mới là đám bất nghĩa.

“Sự giàu có không sinh ra văn hóa...” 

 

Tiến sĩ Lê Kiên Thành, người sáng lập Ngân hàng Techcombank chia sẻ góc nhìn về câu chuyện nhà giàu và hiện tượng phô trương, khoe của.
Là con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, Tiến sĩ vật lý Lê Kiên Thành được biết đến như người sáng lập ra ngân hàng Techcombank, rồi rời khỏi ngân hàng. Ông Thành hiện là chủ doanh nghiệp tư nhân Thái Minh, và là thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Tiến sĩ Lê Kiên Thành chia sẻ góc nhìn khá thú vị về mối liên hệ giữa văn hóa và sự giàu có từ những vụ phô trương, khoe của thời gian gần đây.
Thói quen xấu trong xài tiền
Ông là một trong những doanh nhân thích xe xịn và chơi xe xịn, như chiếc xe Bentley mà ông từng sở hữu có giá nhiều tỷ đồng, nhưng hình như ít người biết ông chơi xe xịn. Còn một số người khác thì luôn được báo chí "update" về xe cộ mà họ sở hữu? Vì sao vậy? Họ thích khoe hay báo chí "lắm chuyện"?
Chúng ta nhìn tài sản theo một góc độ nào? Khi nói đến một ai đó nổi tiếng mua một chiếc xe xịn thì đúng là đập vào mắt người ta ngay, lỗi ở người làm báo khi muốn độc giả chú ý vào việc đó. Có ai hiểu rằng dù một chiếc xe xịn đến cả triệu đô-la đi nữa thì tiền mua chiếc xe ấy với chủ nhân của nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tài sản mà họ sở hữu không?
Thế nhưng sự thật là ở xã hội ta có quá nhiều người sẵn sàng bỏ nửa tài sản ra mua một chiếc xe máy thì không bị nhắc tới. Mà chuyện này ở nông thôn nước ta rất nhiều và người ta chấp nhận chuyện đó. Báo chí đăng tin về những đám cưới nhiều xe sang của nhà giàu như một sự phô trương xa hoa, vậy báo chí có quan tâm đến những đám cưới cả tuần lễ ở quê, để rồi sau đám cưới, cả nhà dâu rể còng lưng làm trả nợ? Số tiền cho đám cưới quê ấy nghe thì có vẻ không nhiều, nhưng lại quá lớn với thu nhập với cuộc sống của những người dân này.

Tiến sĩ vật lý Lê Kiên Thành
Đây chính là một thói quen xài tiền xấu, sự sĩ diện không cần thiết để được thỏa mãn sự "chịu chơi", sự khoe khoang. Mà cái này đâu chỉ nằm ở giới nhà giàu? Dường như nó nằm đâu đó sâu xa trong dân tộc tính của mình mà nếu không thay đổi, không định hướng đúng thì thói quen ấy sẽ hủy hoại chúng ta. Xã hội đang cần một văn hóa sống lành mạnh, lành mạnh cho cả người giàu và người nghèo.
Sự giấu giàu "lố" hơn cả sự phô trương
Vậy đồng tiền được sử dụng đúng nhất vào việc gì, khi mà chúng ta đang sống trong một xã hội với sự phân cấp giàu nghèo khá lớn? Ông đi một chiếc xe đắt tiền và còn vô số đồng bào của ông đang sống dưới mức nghèo khổ? Doanh nhân có trách nhiệm gì không?
Trước đây chúng ta yên tâm với một xã hội cùng nghèo. Thế nhưng ở một xã hội phát triển văn minh, thì một tầng lớp người giàu lên nhanh, kéo theo sự phát triển mạnh của xã hội. Khi đó khoảng cách giữa người giàu và người nghèo nhất là cực lớn, những tầng lớp trung gian lại rất rộng, lớn hơn rất nhiều thì khoảng cách đó vẫn chấp nhận được. Còn hơn là chúng ta cùng nghèo! Nếu so người giàu nhất nước Mỹ với người nghèo nhất thì khủng khiếp lắm, nhưng sự phân hóa đó lại giúp tạo ra khoảng giữa vô cùng lớn cũng như giúp chính phủ Mỹ khả năng trợ cấp cho người nghèo.

Bộ trang sức 10 tỷ được một người đẹp giàu có khoe với giới truyền thông
Xã hội bứt lên được thì không thể từ từ cùng tiến, nó phải chấp nhận có một số người bứt lên vì trí tuệ, vì năng lực và vì may mắn nữa, những người đó sẽ kéo theo công ăn việc làm, tạo thành sự phát triển rất mạnh của xã hội. Giống như nước ở trên cao thì đổ xuống thì tạo ra điện năng lớn chứ không thể có điện năng từ dòng nước chảy lờ đờ... Tất nhiên, nói một cách lý tưởng thì chúng ta không chấp nhận những người giàu lên bằng mọi cách, dẫm lên, chèn ép, đạp đổ hay thậm chí tiêu diệt người khác để làm giàu.
Làm giàu không có gì xấu, làm giàu là yêu nước mà. Nhưng sự phô trương giàu sang đến mức "lố" có xấu không theo ông?
Tôi nghĩ sự "giấu giàu" của một số quan chức nước ta hiện tại lại "lố" hơn cả sự phô trương. Xã hội rất dễ khó chịu trước một doanh nhân đi đánh golf nhưng một quan chức uống chai rượu vài chục triệu đồng thì lại rất dễ được bỏ qua. Doanh nhân thì khó giấu cái giàu, nhưng quan chức thì giấu giàu giỏi lắm! Không nên và không phải đổ lỗi cho chiến tranh nhưng thực sự chúng ta mới chỉ làm quen với đời sống kinh tế thị trường hơn chục năm trở lại đây. Khoảng thời gian đó chưa đủ để chúng ta làm quen và tạo ra một văn hóa kinh doanh, văn hóa sống đúng nghĩa. Sự giàu có không sinh ra văn hóa, đáng tiếc, nhưng đó là sự thật.
Những méo mó trong xã hội lệch chuẩn
Thì cũng khoảng thời gian đó doanh nhân cũng đã có một vị trí mới, có ngày tôn vinh dành riêng cho họ. Nhưng hào quang của doanh nhân đến hôm nay có đủ át đi những hành xử nhiều phần vô lý từ việc làm đại gia mà trả con dâu vì nghi mất trinh đến một doanh nhân khác nợ thuế nhà nước cả mấy trăm tỷ đồng?
Thực ra mình không phải là họ nên chưa chắc đã hiểu hết họ để nói về họ hoặc phán xét. Doanh nhân cũng là con người và chuyện làm ăn của họ cũng có những bước thăng trầm mà không phải ai cũng biết. Khi dồn vốn cho một dự án nào đó, doanh nghiệp có thể sẽ gặp chuyện thiếu vốn, phân tán vốn một thời gian.
Tất nhiên đã là hành vi xấu thì ở cấp độ nào cũng xấu, nợ một triệu đồng tiền thuế hay nhiều tỷ đồng tiền thuế về bản chất là như nhau. Cô nói xã hội tôn trọng doanh nhân, nhưng thử nhìn xem, phim ảnh, sách báo doanh nhân có một vị trí như thế nào? Hay đa số hình ảnh của họ là béo hú, bia ôm gái gú, xấu xa? Sao ít người biết doanh nhân cũng nhọc nhằn gầy  dựng cơ nghiệp từ số không thế nào, khi thành công thì chia sẻ gánh vác ra sao?
Khác chăng khi anh ở trên cao, cái xấu nếu có cũng dễ bị nhận diện còn ở dưới thấp, cái xấu ấy cũng nhòa đi, đôi khi lẫn vào cái xấu chung của mọi người. Nếu chúng ta muốn chống lại cái xấu, cái tiêu cực thì phải chống ở mọi tầng lớp chứ không phải nhằm vào con số tối thiểu dễ nhận diện kia...
Sắm "siêu xe" là xu hướng gần đây của giới nhà giàu tại VN
Ông bênh doanh nhân quá nhiều, nhưng ông thử đứng ra bên ngoài và đánh giá xem cái nhìn méo mó về doanh nhân VN hiện tại có phải lỗi hoàn toàn thuộc về dư luận không?
Tôi nói thật, so với thế giới, doanh nhân và kinh tế VN còn đơn sơ lắm. Phải thừa nhận rằng khi nói đến một doanh nhân Việt ít người cảm thấy nể phục. Tại sao ư? Doanh nhân nước ngoài, ví dụ như Bill Gates, khi ông ấy giàu thì gắn liền với công việc kinh doanh của ông ấy, mỗi sản phẩm ông ấy đưa ra cho xã hội luôn có một triết lý mới, một cái nhìn mới cho cuộc sống. Sản phẩm của những người như Bill Gates góp phần phá vỡ những quan niệm cũ, đẩy xã hội đi lên. Đâu phải ngẫu nhiên Bill Gates đến đâu cũng được các nguyên thủ quốc gia đón tiếp trọng thị? Không phải chỉ vì ông ấy giàu mà bởi ông ấy là một con người đặc biệt, giàu chỉ là một hệ quả của sự đặc biệt ấy mà thôi.
Sự đặc biệt ấy lại phản ánh tích cực vào sự phát triển của đất nước họ, mà trên thế giới có nhiều doanh nhân như thế ở cấp độ khác nhau. Doanh nhân Việt thiếu hẳn phẩm chất đó. Giàu ở ta hơi dễ, chỉ đi trước một bước đã giàu rồi, chứ không phải giàu từ những sự sáng tạo ghê gớm, ảnh hưởng lớn như đế chế của Apple hay Microsoft. Thế thì không khó hiểu khi ở ta, một doanh nhân giàu chỉ được trầm trồ vì giàu hơn người khác chứ không phải trầm trồ là vì tài trí, vì đức độ. Đó là cái méo mó, nhưng xã hội ta hiện tại lại có không ít cái méo mó như hình ảnh thầy thuốc và nhà giáo hiện nay chẳng hạn. Và chưa biết hình ảnh nào méo mó hơn trong một xã hội lệch chuẩn như hiện tại.
Xin cảm ơn ông!
Viên Thông (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét