Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Giải đáp một số câu hỏi của những người hâm mộ ông tiến sĩ văng tục

Tôi đã xem 1 số đoạn Clip trong bài này thấy cũng bình thường, thỉnh thoảng có vài từ nói tục, song đối với học sinh lớn tuổi (lớp thạc sĩ) thì cũng có thể chấp nhận được, nhất là áp dụng trong giảng bài quản trị kinh doanh có nhiều yếu tố của khoa học tâm lý. Bài giảng của TS khá hay, hấp dẫn, kiến thức vững chắc. Mặc dù có đôi chỗ tôi không đồng tình song nhìn chung tôi đánh giá cao kiến thức của TS. Riêng một số thông tin chưa thật chính xác hay chưa kịp cập nhật thì cũng là bình thường vì đây chỉ là bài giảng trực tiếp, nói vo và đối tượng là sinh viên chứ không phải trong cuộc họp thảo luận chính sách. Điều tôi không thích trong bài giảng của TS là khối lượng kiến thức không nhiều, ngồi nghe thì vui song lãng phí nhiều thời gian quá. Nhưng có thể là do cách học của tôi vì tôi thích học qua đọc mới nhanh và sâu chứ ngồi nghe giảng thì chậm và kiến thức phổ thông quá.

Giải đáp một số câu hỏi của những
người hâm mộ ông tiến sĩ văng tục

  Clip 1:

 : Đáng ra đã dừng vấn đề này, nhưng có tác giả gửi đến với một phân tích cầu thị, xin đăng để bà con tham khảo nểu ai thích. Bà con đọc kỹ và có ý kiến thật đàng hoàng, không nên chửi tục. Đây là ý kiến của tác giả, không hẳn ý kiến của chủ trang. Nhưng đọc rất thích.

Trong thời gian vừa qua trong dư luận xảy ra sự việc một ông Tiến sỹ trong quá trình giảng bài đã văng tục, chửi thề, chửi đệm theo thói quen vào những câu giảng của mình. Tuy nhiên điều đáng nói là ông giảng viên này lại tạo được không khí hết sức vui vẻ trong quá trình giảng bài của mình và từ đó tạo được làn sóng ủng hộ đông đảo, đa số từ phía sinh viên, học viên của ông ta. Còn những nhà giáo lâu năm, những giáo sư, tiến sỹ uy tín, những nhà phê bình văn hóa và những nhà quản lý thì hầu hết đứng về phía đối lập, đó là thẳng thừng phê phán hành vi nói tục chửi thề, tựu chung lại họ cho rằng nói tục là vi phạm chuẩn mực đạo đức, ông giảng viên này không đủ văn hóa và tư cách để đứng trên bục giảng.
 - Trên cơ sở phân tích, tôi xin mạnh dạn chia sẻ cho bạn đọc cái nhìn biện chứng và thật dễ hiểu những vấn đề có tính logich, triết lý mà xin hứa là chỉ dùng tiếng Việt trong sáng, thuật ngữ chính thức để giải thích, không dám văng bậy. Kết cấu cũng theo đề mục dẫn dắt theo chiều từ nông đến sâu chứ không tùy tiện bạ nhớ đâu nói đó.


- Nhân đây cũng sưu tầm và hệ thống lại những ý kiến ủng hộ rời rạc của các bạn trẻ ủng hộ chửi bậy (vì các bạn viết lụn vụn quá, không có biện chứng, không có tổ chức) để trả lời thỏa đáng những thắc mắc của các bạn bằng phương pháp trả lời câu hỏi của các bạn. Tôi nghĩ phần này là quan trọng nhất.
1. Chung về ý nghĩa của việc chửi bậy:
1. Xã hôi: Chửi bậy là hành vi bản năng của con người, mọi người rất dễ gặp và lại khó tránh. Việc nói bậy cũng là một bản năng giống như bản năng tính dục vậy. Về mặt Xã hội, việc nói bậy xảy ra mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, phải nói rằng, đó là tồn tại Xã hội chứ không phải Văn minh Xã hội, nó thể hiện nhận thức yếu mang đầy tính bản thể, bản ngã, bản năng. Có ba yếu tố sau: số lượng càng nhiều người tham gia nói tục, mọi người càng thường xuyên nói tục, xã hội càng dễ chấp nhận nói tục, thì đó là dấu hiệu của Xã hội càng kém văn minh và càng có sàn nhận thức yếu. Rõ ràng, nói tục, chửi bậy là một trong số những thước đo quan trọng của giới hạn văn hóa của con người. Câu này không thể phản bác, vì nó là chân lý.

2. Tâm lý: Chửi bậy, nói tục về mặt tâm lý phản ánh ức chế cá nhân cũng như những bức xúc tâm, sinh lý của con người cần giải tỏa ở mức độ phát ngôn. Tâm lý phổ biến sinh ra nói tục là “bất bình”, “bất mãn”, hoặc đến mức “giận dữ”. Càng xã hội loạn lạc, bất công, ức chế… càng sinh ra chửi tục, chửi thề và đó là biểu hiện cơ bản về mặt ngôn ngữ của sự ức chế. Khi ức chế vượt quá khả năng giải tỏa bằng ngôn ngữ, người ta sẽ hành động như tấn công, ẩu đả, trả thù…

Clip 2:


3. Thêm các quan niệm khác:

Tham khảo việc chửi bậy qua tư tưởng:

- Nho học cho rằng đó là hành vi của kẻ tiểu nhân, không có khí chất. Đó là “thất Lễ”, là trái “Luân thường” và Khổng học không chấp nhận con người như thế.

- Phật học cho rằng đó là hành vi gieo “nhân” xấu và sẽ phải gặt “quả báo” xấu. Cần nói thêm, những câu đệm kiểu như “chết mẹ nó đi”, “muốn vả cho phát” “mẹ nó” “như chó”, “mẹ”, “mẹ kiếp”… đều là những câu tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng theo tư tưởng Phật giáo là rất kỵ. Nó vi phạm chân lý từ bi, đại đồng của Phật. Người ta gọi là “Ác khẩu”, tức là khi phát ngôn nói toàn điều xấu, điều thô tục hoặc điều có thể làm tổn thương người khác (mặc dù họ không nhận ra), gọi là “lộng ngôn” vì khi phát ngôn không suy nghĩ kỹ. Cho nên mới có chuyện người chửi tục nhiều quá, bừa bãi quá kiếp sau không đầu thai được, hoặc có đầu thai thì bị méo miệng vì phải trả nợ do chửi quá nhiều ở kiếp trước… Chửi tục là biểu hiện thô bỉ nhất của “tam độc” nguy hiểm trong Phật giáo (tham, sân, si) khiến cuộc đời con người phải trả giá và đau khổ.

- Xã hội chủ nghĩa: chửi tục không phải hành vi của người tiên tiến, không phù hợp với đạo đức XHCN, người ta gọi là “tha hóa”, “tàn dư”.

- Tư bản: chửi tục là hệ quả của ức chế xã hội, của bất công và bất mãn, là bạn đồng hành của biểu tình, của phản đối của xung đột. Chửi tục chính là thứ lạc loài, là mặt trái của xã hội công nghiệp, là cái trái với sự hào hoa tráng lệ và lịch sự của văn minh Tây Âu. Bản chất khái niệm Văn minh gắn chặt với sự phát triển của xã hội Âu – Mỹ và từ đó người ta bắt đầu đặt ra những tiêu chí về lịch sự, về lịch thiệp, về trí thức… trong đó, chửi tục bị liệt vào dạng “thiếu văn hóa” chỉ phù hợp với những phân vùng kém văn minh, các nước lạc hậu và thuộc địa.

Còn nhiều ví dụ khác nhưng không cần thiết phải nêu quá nhiều.

Như vậy có thể kết luận, quả thực mà nói, “Chửi tục” từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây chưa từng được công nhận là hành vi trong chuẩn mực Xã hội, là sai, là cái tiêu cực, không phải hành vi đáng cổ súy. Và ở đây chúng ta chỉ lên án sự “chửi tục’ giống như từ trước đến giờ và sau này vẫn thế như một việc hiển nhiên.

Clip 3:





2. Những quan điểm ủng hộ chửi bậy

2.1. Một số quan điểm ủng hộ có nội dung rõ ràng

a. Nhiều bạn sinh viên ủng hộ giảng viên nọ sẽ phản biện: cái đó không quan trọng, quan trọng là giảng viên đã mang lại không khí vui vẻ.

Clip 4:




-         Diễn giải: Tức là các bạn cho rằng bộ tứ gồm chửi tục (hiện tượng) – thích thú (kết quả) – giáo dục (phạm vi) – giảng viên (tác nhân) là đi cùng nhau được. 

Clip 5:




Sai lầm ở đây là lắp nội dung không phù hợp hình thức, ví dụ theo các bạn ủng hộ, các bạn có cho phép chửi tục – thích thú đi cùng nhau, vậy ta có tập hợp chửi tục – thích thú – ABC – DEF trong đó ABC và DEF là hai ẩn số cần tìm. Kết quả bạn có thể điền gì vào đây? Chỉ có thể thành các cặp sau: ABC = quán bia, DEF = bạn nhậu, ABC = sân khấu kịch của xóm, DEF = diễn viên quần chúng, ABC = hội hè, DEF = thành viên, ABC = cuộc họp bạn bè, DEF = bạn hữu… còn không đúng nếu ABC = “giáo dục”, DEF = “giảng viên”. Nguyên nhân khiến các bạn hiểu sai nằm ở chỗ tiêu chí “thích thú” quá ít so với đòi hỏi của quan hệ “giáo dục”.

Nếu chỉ yêu cầu “thích thú” thì việc ông giảng viên kia chửi tục không đáng lên án như vậy và người ta không nói “tiến sỹ giảng bài tục tĩu” “giảng viên giảng bài tục tĩu”… vì tiêu chí “thích thú” không đủ để đáp ứng cho cặp giảng viên – giáo dục.

       Vậy kết luận bộ tứ chửi tục – thích thú – giáo dục – giảng viên là không thể đi cùng lúc với nhau. Muốn lắp chửi tục với thích thú thì có thể châm chước lắp theo công thức chửi tục – thích thú – quán bía – bạn nhậu hoặc chửi tục – thích thú – trò chơi – game thủ

Như vậy, không thể cho phép chửi tục – thích thú – giáo dục – giảng viên đứng chung, miễn là vui vẻ như một số bạn nhận định vì đó là sự gán ghép không hợp lý cả về nội dung lẫn hình thức (theo lẽ thường tình, hay theo cái chung của Xã hội được chấp nhận).

Clip 6:




b. Các bạn ủng hộ giảng viên chửi bậy lại lý luận:

Tại sao giáo dục – giảng viên không thể đi đôi với việc chửi tục? Như thế có hợp lý không?

Clip 7:

 


-         Diễn giải: Ở đây thấy rằng, giảng viên không bao giờ đi đôi với chửi tục được (nếu không ở cương vị giảng viên, về nhà với vợ thì không xét ở đây). Đã là giảng viên thực hiện nhiệm vụ (trong quá trình thực thi công vụ) thì không được chửi bậy. Mặc dù hiển nhiên nhưng cùng cần biện luận một chút.


Giảng viên trước tiên cần phải đạt tiêu chuẩn của giảng viên. Điều đó có nghĩa, giảng viên phải có sàn, tức là có giới hạn nhất định, không phải bất kỳ ai cũng làm giảng viên. Tiêu chí đó ở trình độ và tư cách.

Không có trường đại học nào nhận người trình độ kém vào làm giảng viên.

Không có trường đại học nào nhận người tư cách kém vào làm giảng viên.

Nếu trình độ yếu, tư cách kém là do nguyên nhân khác, đó là

-         sau này thoái hóa

-         tuyển chọn không kỹ, không phát hiện ra

-         do chạy chọt nhồi nhét

Việc có tiêu chí tuyển chọn cũng là nguyên tắc chung của hoạt động công tác giáo dục, đào tạo và được qui chuẩn hóa thành những nguyên tắc mà giảng viên được làm, không được làm do Bộ giáo dục quản lý, cục Nhà giáo phụ trách.

Clip 8:



Tức là gì, giảng viên Đại học cũng như bao nghề khác, phải có tiêu chí riêng của mình để tuyển chọn, giống như điểm tuyển sinh thi đại học, như tuyển quân nhân, tuyển công an, tuyển phi công, tuyển thư ký, tuyển giám đốc, tuyển phát thanh viên, tuyển MC… mỗi nghề có tiêu chí riêng, và nghề giảng viên đại học cũng phải có tiêu chí riêng của nó để đảm bảo quá trình hoạt động đạt hiệu quả công tác cao nhất trong khả năng.

Clip 9:




Vậy kết luận, tiêu chí của giảng viên không cho phép giảng viên chửi tục trong quá trình thực thi nhiệm vụ (giảng) là hợp lý và cũng như tiêu chí của bao ngành khác mà thôi. Các ngành khác cũng thế cả, có giới hạn của họ cả.

Clip 10:



c. Các bạn ủng hộ giảng viên chửi tục có thể nói: tại sao không đặt ý kiến của chúng tôi lên hàng đâu, miễn chúng tôi thích là được rồi. Chúng tôi là người mua, ông ta là người bán. Mua – bán cười hỉ hả tại sao lại cấm?

Clip 11:



Diễn giải:

Nhận thức đó nghe có vẻ tiến bộ, kỳ thực lại chậm tiến vì chỉ nhìn thấy cái cụ thể chưa hiểu thấu đáo bản chất.

Lý do: để đảm bảo cho hoạt động của Xã hội được trơn tru, thông suốt thì phải xuất hiện cơ chế quản lý Nhà Nước.

Song song với quản lý Nhà Nước bằng Pháp chế thì trong XH cũng hình thành cái gọi là “điều chỉnh bằng các qui phạm hay chuẩn mực về đạo đức”.

Clip 12:



a- Vậy, nguyên tắc của Nhà nước sẽ can thiệp vào việc giáo dục – đào tạo, điều đó thể hiện ở việc qui định điều giảng viên được làm và không được làm.

b- Chuẩn mực đạo đức – văn hóa tự phát trong Xã hội cũng sẽ can thiệp vào việc giáo dục – đào tạo, và đặc biệt là đánh giá hành vi cụ thể trên phương diện đạo đức và tư cách làm người.

Clip 13:



Một hành vi chỉ cần không phù hợp với một trong hai cái đó đã là có vấn đề và có thể coi là sai trái, còn nếu không phù hợp cả hai, tức là hiển nhiên không phù hợp với xã hội.

Clip 14:



Vài điểm cần lưu ý tránh đánh lận con đen, đổi trắng thay đen:

1. Xã hội và qui tắc của Nhà nước không chấp nhận chửi tục

-         Xã hội không nằm ở mấy nghìn người sinh viên, Nhà nước phụ trách việc điều tiết Xã hội trên toàn bộ lãnh thổ, cân bằng lợi ích và hành vi của nhóm người này với nhóm người khác. Hành vi ủng hộ chửi tục của nhóm người sinh viên này sẽ va chạm với hành vi phản đối của nhóm sinh viên khác, nhóm trí thức, nhóm giảng viên, nhóm quản lý, nhóm người già, nhóm cựu chiến binh, nhóm trẻ em hoặc các nhóm khác. Cho nên trong tổng thể, vài nghìn sinh viên chỉ là cái thiểu số trong con mắt vĩ mô của Nhà nước, và quả thật đó là thiểu số trên toàn dân, không đại diện được cho cả Xã hội. Nhà nước sẽ đặt lợi ích của tổng thể lên trên hết. Chưa kể, một đất nước còn phải cân bằng chính mình so với chuẩn mực của thế giới. Cho nên Nhà nước đề ra qui định cấm giảng viên chửi tục trên giờ giảng mà ngược với mong muốn của một số sinh viên, là chuyện bình thường.

Clip 15:



-         Chưa kể việc phản đối ông giảng viên chửi bậy nằm ở hầu hết mọi tầng lớp Xã hội. Ngoại trừ nhóm các bạn sinh viên đang trong quá trình hình thành cá tính nên nhận thức sai lầm ở việc “cá tính” = “nổi loạn, khác người, gây sốc, liều, chơi hết mình”… thì hầu hết tất cả các vị nhà giáo, giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu… tức là giới khoa học vào giáo dục, các phụ huynh học sinh, các nhà trường, cơ quan, những người cao tuổi đứng đắn… đều phản đối không lưỡng lự. Và Xã hội cấu thành từ những người đó cộng với thiểu số các bạn sinh viên (bao gồm cả ủng hộ và chống việc nói bậy).

Clip 16:


Clip 17:



2. Chuẩn mực đạo đức không chấp nhận chửi tục

-         Chuẩn mực đạo đức cũng qui ước từ “người thầy” sẽ kết duyên cùng cụm từ “không chửi tục” và nó áp dụng cho toàn dân cư (cộng đồng nhất trí như thế) chứ không chỉ riêng vài nghìn người, vậy khi nào có hiện tượng chống lại qui ước đó thì hiện tượng đó sẽ được coi là đi ngược lại chuẩn mực đạo đức trong một xã hội cụ thể.

3. Trên quan điểm dạy và học là mua và bán – chửi tục cũng không ổn

-         Nhận thức dạy – họcmua – bán theo nghĩa thô mộc là sai. Phải hiểu theo nghĩa rộng. Dạy và học không thể do tự ý thích dạy gì, học gì là được. Có những cái dạy, học đi ngược lợi ích của Xã hội thì Nhà nước không cho phép bởi sản phẩm học đó nó ảnh hưởng đến xã hội.

-         Cho dù nhìn dưới góc độ mua – bán thì không phải cứ thuận mua, vừa bán là được. Có những cuộc mua – bán hai bên vui vẻ nhưng Đạo đức (tình) cấm, Nhà nước () cấm, tức là cả không hợp tình lẫn không hợp lý. Hành vi dùng từ tục bậy chửi thề làm cho sinh viên thích nghe giảng đó cũng có thể coi là vi phạm về mua bán, khi người mua và người bán đồng ý nhưng Nhà nước và Đạo đức Xã hội thấy có hại nên không đồng ý. Chuyện đó vẫn xảy ra ở các mặt hàng khác như mua bán hàng cấm, rồi hàng không cấm nhưng hình thức thanh toán không minh bạch nên bị cấm… là hợp lý.


-         Kết luận: ý kiến của người học chỉ là ý kiến tham khảo so với toàn Xã hội, không phải là ý kiến chính để thay đổi Xã hội vì nó chỉ phản ánh được một mặt của vấn đề là cái mà họ đang cần đó là  trả lời được câu hỏi là “giảng thú vị hay không”. Trong khi đó Nhà nước và Đạo đức là những yếu tố quan trọng hơn, đại diện cho cộng đồng dân lớn hơn lại đòi hỏi trả lời câu hỏi khác và việc nói bậy đó không đáp ứng được đòi hỏi nên nó bị stop.


d. Các bạn ủng hộ giảng viên chửi bậy nói: vì chất lượng giảng dạy đơn điệu, nhàm chám, các giảng viên khác không có phương pháp sư phạm nên giảng viên chửi tục mà giảng hay còn hơn nghiêm túc mà giảng tệ.

Diễn giải:

-         So sánh lựa chọn: giảng hay + chửi tục với giảng tệ + nghiêm túc để chọn thì quả thật là bài toán không dễ, đối với mọi người.

Như vậy sau khi trừ cho nhau, ta qui về phép chọn: hi sinh văn hóa để đổi lấy giảng hấp dẫn hay hi sinh tính hấp dẫn để giữ văn hóa?

Tuy nhiên phép lựa chọn này chỉ khó và có vẻ cân bằng khi bài giảng hấp dẫn đó có được kiến thức chuẩn, còn nếu bài giảng mang kiến thức sai thì dĩ nhiên không ai hi sinh văn hóa để nhận kiến thức sai cả. Như vậy, nếu những chứng minh ông tiến sỹ không chỉ chửi bậy mà còn giảng sai, thì tốt nhất là nên chọn văn hóa thay vì chọn hấp dân + sai kiến thức. Hinh sinh cả văn hóa lẫn kiến thức (đúng) để đổi lấy tiếng cười đơn thuần trong giờ học thì quả là sai lầm hoàn toàn.

Ta có bất đẳng thức

giảng tệ (tiếp thu ít kiến thức) + nghiêm túc sẽ tốt hơn giảng vui nhộn + kiến thức sai (còn tệ hơn) + chửi tục.

Lưu ý

Điều quan trọng nhất là kể cả giảng tục tĩu + kiến thức chuẩn thì cũng chỉ là biện pháp đường cùng và xã hội sẽ phải nhanh chóng tìm cách đào thải nó, không cố xúy. Xã hội chuẩn văn minh phải hướng đến giảng chuẩn mực mà vẫn hay + kiến thức chuẩn. Điều này không phải là không thể làm, tất nhiên không phải là đa số nhưng cũng vẫn có nhiều nhà giáo làm được, thậm chí đối với những môn còn khô khan hơn như triết học, toán học, lịch sử còn có thể giảng hấp dẫn… nếu Xã hội cổ xúy thì sẽ cố xúy cho mục tiêu đó và tôn vinh người đó. Cho nên việc giảng bài chửi tục mà bị phản đối là hợp qui luật, hợp thuần phong mĩ tục, hợp với văn minh loài người và mục tiêu của Xã hội. Không bị phản đối thì Xã hội mới nguy.

e. Các bạn ủng hộ nói: Chửi tục nhưng thật lòng còn hơn khối ông ngụy quân tử

Diễn giải:

Thưa, câu này đúng rồi nhưng mệnh đề chưa đủ phản ánh trọn vẹn một vấn đề Xã hội quan tâm. Câu đó mới chỉ là một vế trong một cấu trúc lớn. Đúng ra chúng ra phải nói trọn vẹn như sau:

“Chửi tục như thế đúng ra còn hơn khối anh ngụy quân tử, bởi vì người ta chỉ nói bậy ngoài miệng còn anh ngụy quân tử thì bậy toàn thân nên phải che giấu, cái che dấu đó rất nguy hiểm cho xã hội vì anh lừa dối xã hội còn người kia họ chửi bậy nhưng họ thể hiện cái xấu, không cần che dấu. Tuy nhiên Chửi tục là hành vi bậy, bậy không thèm che dấu, còn ngụy quân tử là cực bậy và cố tình che dâu. Bậy hay cực bậy thì dù mức độ khác nhau nhưng đều đáng lên án, và đó là xu thế của tất cả thế giới”.

Không phải để đối trọng với “cực bậy” mà chấp nhận “bậy” trong xã hội được.

2.2. Những quan điểm ủng hộ tiến sỹ nói tục theo xu thế tâm lý đám đông kích động, vô văn hóa, thiếu trình độ.

Ngoài những quan điểm trình bày ở mục 2.1, được coi là những quan điểm ủng hộ có ý tưởng rõ ràng, còn lại thật đau xót mà nói rằng, đa phần các ý kiến ủng hộ còn lại đều thể hiện việc công kích cá nhân theo lối cuồng tín tôn giáo, bị kích động thần kinh, mù quáng và không rõ ý tưởng. Thể hiện cụ thể quanh quẩn ở một số mẫu câu với nội dung nghèo nàn sau:

-         Đừng ghen ăn tức ở nữa (nói xong rồi nghỉ, không có chứng minh)

-         Đừng xoi mói

-         Hãy làm “được” như tiến sỹ Dương rồi hãy nói

-         Tẩy chay Báo giáo dục

-         Chửi tục (cái này rất phổ biến ở các fans giảng viên chửi bậy – thầy nào trò đó), chửi “con ngu”, “thằng ngu” mà không nói rõ tại sao ngu và ngu như thế nào, so với mình thì ai ngu hơn, ngu hơn ở điểm nào? Rồi văng cả b…, l… ra vô tội vạ (thất đức quá)… Tức là không có trách nhiệm trước phát ngôn của mình.

-         Rỗi hơi ngồi bới móc sao không đi làm việc có ích đi (việc bới móc cái sai chính là việc có ích cho Xã hội, giống như người công nhân nhặt rác, người cảnh sát bắt trộm, người giáo viên kiểm tra bài để tìm sai mà sửa cho học sinh, người thư ký đọc lại diễn văn để sửa sai cho thủ trưởng, người công dân tìm cái tham ô để tố cáo…)

-         Sẵn sàng chửi các giảng viên khác, các nhà giáo dục, các nhà khoa học… trái quan điểm với mình đã phát biểu trên báo như GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Phạm Minh Hạc,TS Trịnh Thu Tuyết, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, PGS.TS Văn Như Cương,TS Lê Thống Nhất, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, PGS.NGND Nguyễn Văn Long… bằng những từ ngữ tục tĩu như: “mấy thằng rỗi hơi”, “bọn cổ hủ”, “bọn trí thức cũ”, “hội trí thức bị báo Giáo Dục dắt mũi”, “lão PGS không biết thì im m mồm đi”, “không xứng đáng làm… về hưu đi” thậm chí còn tệ hơn khi chửi thẳng các giảng viên khác (cũng là thầy giáo của trường HVNH như Lê Tấn Luật), chẳng hạn “thằng Quốc, thằng Luật….”, “thằng chó”… (trái với luân thường đạo lý)

-         Thậm chí khi nhận được phản hồi về việc tiến sỹ nói tục còn có thể giảng sai về chuyên môn thì những fans cuồng của vị giảng viên này còn không đếm xỉa mà thẳng thừng tuyên bố: “chúng tao thích cái sai của thầy”…

Rõ ràng, những biểu hiện này đều phù hợp với quan điểm về “tâm lý đám đông”, có các đặc tính là kích động, dễ xây dựng tâm lý chung mà không cần và không đủ chuẩn bị tâm lý để hiểu rõ về nó, chỉ cần hai người hai bên mình nhất trí là mình sẽ nhất trí…

Đặc điểm của tâm lý đám đông là cuồng tín và kích động nhưng lại không có khả năng độc lập tác chiến. Cá nhân thuộc tâm lý đám đông đều nằm trong phân vùng người “chịu điều khiên”. Tất nhiên kẻ điều khiển đám đông chính là thủ lĩnh, hay lãnh tụ (xin đừng chửi cá nhân tôi, nếu giận hãy chửi các nhà phân tâm học vì đây là điều tôi lấy ra từ môn phân tâm học và trong tác phẩm tâm lý đám đông).

Biểu hiện trong Xã hội rõ nhất về tâm lý đám đông ở mức độ thấp là: hội nhóm, biểu tình, đập phá qui mô, ẩu đả trong cổ động viên bóng đá… cao hơn là tổ chức cuồng tín sùng bái cá nhân, cuồng tín tôn giáo và cao nhất là tâm lý trong lực lượng quân đội (“tâm lý đám đông”).

Tâm lý đám đông chi phối sự sáng suốt và cái “tôi” của cá thế, không cho phép cá thể có sự chuẩn bị tâm lý mà ngay lập tức phải quyết định để tạo cộng hưởng và gây hưng phấn.
Nguy hiểm nhất trong tâm lý đám đông là tính “lây lan tâm lý”. Sự khích động của các cá thể lây lan rất nhanh và bất chấp tất cả để phát triển nó. Trái đất về bản chấy là hình cầu và quay (chuyển động) nhưng sự thật trong một tập thể ngu muội đám đông thì không thể phát huy được chân lý, họ quay lại tấn công Galileo Galilei mà không sao đủ sáng suốt để tiếp thu điều đó.

Sự thật của đám đông được định nghĩa rất giản đơn: cái gì đúng ý đám đông – là sự thật, cái gì ngược lại – là phi sự thật mà không cần chứng minh làm gì cho mệt và thật đáng tiếc, trong đám đông tự phát thì không thể có trí tuệ mặc dù bản thân mỗi cá nhân trong đó có thể là một trí tuệ siêu việt.

Tất nhiên tôi biết bài viết này của mình sẽ thuyết phục được nhiều người nhưng cũng sẽ gặp không ít những người nhận thức yếu kém quen chửi bậy và thiếu văn hóa. Họ sẽ thể hiện việc phản đối bằng cách thậm chí không thèm đọc (và không thể đọc) hết bài viết của tôi và ngay lập tức đưa ra câu cửa miệng: “ngu”, “viết linh tinh” “bài viết ngu nhất tháng”… Như vậy công phu của tôi viết cẩn thận đầy tinh thần chỉ được phán bằng hai ba câu hời hợt mà không chỉ ra được “ngu” ở chỗ nào, “viết linh tinh” ở chỗ nào… nếu trong đầu, trên miệng chỉ thường trực mấy chữ: “ngu”, “im đi” “không biết đừng nói”, “chó sủa hoang”… thì đó là cái đầu rỗng tuêch và không cần đi học cũng có thể nói sõi. Đúng hay sai chỉ có thể vạch ra bằng lý luận thuyết phục. Nếu càng nhiều những người hồ đồ như thế ủng hộ và tung hô cho việc nói tục của vị giảng viên nọ thì đó cũng không hẳn là điều đáng buồn cho khoa học và những người phản đối mà ngược lại đó lại là con số cực kỳ thuyết phục cho các nhà xã hội học dễ dàng thống kê để chúng ta có thể kết luận xem đa phần đối tượng có trình độ nhận thức như thế nào thì sẽ ủng hộ việc nói bậy. Nếu phần đông những người ủng hộ giảng viên nói bậy đều cục cằn, hằn học và không biết lý luận, chỉ chờ người ta nói xong rồi phán “ngu” thì quả là càng khổ cho vị giảng viên nọ mà thôi. Xin mời các bạn cứ chửi tục vì đó là điều tôi đã dự đoán được.
Minh Ngọc
Tác giả gửi cho Cu Làng Cát


----------

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ BÀI GIẢNG
CỦA TS.LÊ THẨM DƯƠNG Ở FSB :

CLC: Một bạn đọc có tên N.L gửi cho Cu Làng Cát blog bản nhận xét của ông, Cu đăng để bà con cùng đọc. Phần cuối bác N.L nhận xét:
Theo tôi, nếu những bài giảng 1 TS tự xưng là chuyên gia chỉ với những kiến thức phổ thông đã rất nhiều sai sót như vậy, nội dung học thuật thì nghèo nàn, phải được sơn phết mua vui một cách rẻ tiền bằng những câu nói tục và những câu chuyện bậy bạ thế này mà được tung hô, được khen là đổi mới thì thật đáng buồn cho nền giáo dục và trình độ học thuật nước nhà. 1 nền giáo dục muốn thành công phải giúp để người học nâng cao được phần Người chứ không phải cố gắng chiều lòng, thỏa mãn được phần Con trong mỗi chúng ta.

Mấy ngày qua, dư luận báo chí ồn lên về vụ TS.Dương giảng bài có nhiều lời nói tục ở FSB. Tuy nhiên, rất đông giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên lại đánh giá cao bài giảng và cho rằng nội dung hay, kiến thức uyên thâm, cách truyền đạt hấp dẫn… Trước nhiều ý kiến trái chiều như vậy về bài giảng này tôi đã bỏ công nghe lại toàn bộ các clip và cố gắng ghi lại các ý chính về nội dung bài giảng. Ở đây tôi chỉ ghi lại vài ý chính và nhận xét về nội dung chứ không ghi lại các lời nói được cho là tục. Tôi trình bày thành từng clip để độc giả tiện theo dõi. 
Clip 1
Mở đầu TS tới nói chuyện ở đây là phù hợp vì TS là đúng chuyên ngành quản trị vì là Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐHNH TP.Hồ Chí Minh (theo tôi biết thì TS lấy bằng TS trong ngành tài chính-ngân hàng). TS nói về 3 mức độ quản trị: Quản trị quốc gia, Quản trị doanh nghiệp và Quản trị cuộc đời. TS cho rằng về môn học thượng thặng nhất hiện nay là Quản trị cuộc đời. TS muốn nói về thực trạng 630 ngàn doanh nghiệp hiện nay đang khó cái gì và tốt nhất là tọa đàm từ phía dưới nói lên. TS nói TS trình bày tối đa 1-1,5 tiếng chứ không nên độc thoại.
TS nói các doanh nghiệp phải thay đổi thói quen mà quan tâm tới tình hình vĩ mô. TS nói về tình hình vĩ mô bị ảnh hưởng từ bên trong và bên ngoài. TS nói về khủng hoảng tài chính năm 2007. TS nói cuối năm 2008 nhà ở Mỹ rất rẻ, có căn chỉ có 1,8-2 USD (?). TS nhấn mạnh là tại thời điểm hiện tại BĐS ở Mỹ không gần như không bán hay cho thuê được (điều này không chính xác. Mặc dù kinh doanh BĐS ở Mỹ đang trải qua những giai đoạn rất tồi tệ nhưng theo số liệu thống kê mới thì năm 2011, các công ty ở Mỹ bán 302 nghìn căn nhà, thấp hơn 6,2% so với năm 2010:  http://cafef.vn/20120127093630957CA32/doanh-so-ban-nha-tai-my-bat-ngo-sut-manh.chn). TS nói về khủng hoảng thị trường tài chính ở Mỹ. TS có nói là ở Mỹ phải bơm tiền thẳng cho những người thiếu là doanh nghiệp? Nhưng sau khi bơm thì cung tiền tăng và lạm phát tăng và đồng USD mất giá (về lạm phát TS nói sai hoàn toàn. Lạm phát trong thời gian khủng hoảng ở Mỹ thấp tới mức người ta luôn sợ tình trạng giảm phát:  (2007: 2,85%; 2008: 3,85%; 2009: -0,34%; 2010: 1,64%; 2011: 3,16% http://inflationdata.com/inflation/inflation_rate/historicalinflation.aspx) . TS nói khi đồng USD mất giá thì những quốc gia giữ nhiều USD bị thiệt, chẳng hạn Trung Quốc giữ cả ngàn tỷ đô dự trữ (không hiểu TS lấy đâu con số ngàn tỷ chứ hiện nay dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khoảng hơn 3,2 ngàn tỷ. Đây là con số rất phổ thông trên báo chí Việt Nam).
Clip 2
TS nói về khái niệm “Chiến tranh tiền tệ”. TS nói là cả thế giới chỉ Mỹ bị khủng hoảng tài chính nhưng sau khi Mỹ in tiền để cứu nền kinh tế thì cả thế giới bị dính (Ở đây không hiểu TS nói bị dính gì. Nếu bị khủng hoảng thì không phải vì đâu phải do Mỹ in tiền mà thế giới bị khủng hoảng tài chính). TS nói là do Mỹ in tiền nên Việt Nam bị lạm phát lây. TS nhấn mạnh năm 2008, lạm phát Việt Nam là 20% thì 13% là do yếu kém của chính phủ còn 7% là do nhập khẩu lạm phát từ Mỹ do mất giá USD (Không thể hiểu nổi TS lấy con số này ở đâu ra. Tôi đọc nhiều tài liệu kinh tế thì chưa hề thấy con số này. Không hiểu bằng cách nào TS có hay tính toán (?) chính xác được con số này Nhập khẩu lạm phát là có nhưng chưa thấy ở đâu tính được chính xác như TS? Chưa kể Mỹ bắt đầu thực hiện nới lỏng tiền tệ (QE1) từ cuối năm 2008 thì không thể nào tác động tới lạm phát Việt Nam ngay trong năm đó được. Đây là kiến thức hết sức phổ thông).  TS trình bày về ảnh hưởng của khủng hoảng tới nền kinh tế Việt Nam. Cách trình bày khá lôi cuốn và sinh động. Nhưng cũng chỉ là những kiến thức phổ thông. TS nói là biểu tượng của lòng yêu nước là phải tiêu quá cái mình có. Các nước Châu Âu tập cho dân lúc nào cũng phải có nợ thì đất nước mới lên được (???). Người Việt Nam cả đời chỉ chuẩn bị sống vì không dám ăn tiêu.
Clip 3
TS nói về khủng hoảng nợ công ở Hi lạp. TS nói ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) cực kỳ tệ hại, cho vay xong không kiểm soát (Cái này sai hoàn toàn vì ECB không được quyền mua trực tiếp trái phiếu từ chính phủ thì làm sao cho Hi Lạp vay được???). TS nói về ảnh hưởng của nợ công châu Âu và ảnh hưởng của động đất sóng thần. TS nói người ta rút ra bài học là ai chết thì chết chứ chết hệ thống ngân hàng là toi (cái này thì thế giới biết lâu rồi chứ đâu phải mới rút ra?). TS nói thằng nào không có nông nghiệp thằng ý chết. TS nói Việt Nam ở xa nên ít bị sóng đánh. Cả thế giới GDP âm, chỉ có 9 nước là dương trong đó có Việt Nam. TS nói cũng may là Việt Nam có nông nghiệp nên ít bị ảnh hưởng. TS nói là Anh, Pháp và Mỹ giàu nhưng làm gì có nông nghiệp (Sai, vì Mỹ là 1 trong những nước xuất khẩu nông sản nhiều nhất thế giới, năm 2011 là 136,3 tỷ USD http://vietstock.vn/ChannelID/118/Tin-tuc/215288-xuat-khau-nong-san-my-dat-muc-cao-ky-luc-1363-ti-usd.aspx ). TS đề cao vai trò của nông nghiệp và phải ưu tiên cho nông nghiệp. Bài học thứ 3 rút ra là vào WTO là có nền kinh tế phẳng và khi gia nhập WTO thì thách thức nhiều hơn cơ hội.
Clip 4
TS nói về vai trò của tài nguyên chất xám và kinh tế tri thức (cái này không có gì mới). TS tự hào về những khái niệm mà TS cung cấp cho học viên như nhập khẩu suy thoái, nhập khẩu lạm phát, kinh tế tri thức ... Lấy những khái niệm này nói chuyện với gái thì gái sẽ chết (Thực ra những khái niệm này sinh viên kinh tế chịu đọc 1 chút là biết cả). TS nói TS là thành viên hội tâm lý Việt Nam và rất rành về tâm lý và trình bày một số kiến thức về ngôn ngữ cơ thể. TS nói bạn gái phải trang bị kiến thức về ngôn ngữ cơ thể để biết thằng đực muốn gì và để tránh bị chồng đánh. TS nói là TS phải đọc được nhân viên. Và bạn gái phải trang bị cái đó để đọc được cái thằng đực nó nói gì. TS trình bày về kỹ năng tán gái và chỉ cách để nữ sẽ nhảy vào người nam vì nữ dữ dội hơn nhiều. TS nói đó chính là quản trị. TS nhấn mạnh về vai trò của quản trị trong doanh nghiệp cũng như nền kinh tế và nói rằng những thất bại của doanh nghiệp và đất nước trong thời gian qua cũng xuất phát từ quản trị.
Clip 5
TS nói có 7 lý thuyết kinh tế (?) nhưng không chống đỡ được mà phải dùng quản trị khủng hoảng và phải chung sống với khủng hoảng. TS nói về việc phải đi học MBA học tại sao của tại sao. Rồi nói về vai trò của quản trị khi tán gái đẹp mà chảnh. Phải thổi lên rồi hãy tán. TS nói là những thằng to cao đẹp trai thì IQ thấp, đã có tài thì phải dị tướng, đó là qui luật (Qui luật mà TS nói không đúng với các nghiên cứu trên thế giới cho thấy chiều cao đàn ông tỷ lệ thuận với thu nhập và các CEO của các công ty lớn đều có chiều cao hơn mức trung bình http://dvt.vn/20100726104712512p0c42/chieu-cao-va-tong-thong-my.htm). Làm nhân sự không biết điều này là chết. TS hỏi nên lấy to cao đẹp trai hay dị tướng, đó là kết quả của học thuật. TS nói về việc giám đốc ra quyết định, quyết định khó lắm. TS hỏi giờ phải chọn 1,8m và 1,1m thì vận dụng lý thuyết quản trị nên lấy ai. TS hỏi thêm là 1,1 m cụt 1 giò thì chọn ai và ra quyết định như thế nào…? Phải vận dụng qui luật  ra quyết định thế nào. TS nói con gái đẹp thì hàm lượng yêu tinh càng cao. Và TS hỏi nên lấy vợ đẹp hay xấu, đó là quyết định của nhà quản trị. Nên lấy vợ hoa hậu mất dạy hay Thị Nở có tứ đức. Ý nói là làm nhà quản trị khó ra quyết định. TS nói vận dụng của học thuật rất ghê gớm.  TS nói về qui luật khủng hoảng, là qui luật đối xứng hết thịnh đến suy. Đất nước hơi suy thế này thì cứ bình tĩnh, khắc phục được thì sẽ lên không thì tự nó cũng sẽ lên (tôi không hiểu TS dựa vào đâu mà lại nói như thế). TS nói mình là đàn ông nắm được qui luật rồi thì việc phụ nữ khóc không sợ và không cần dỗ vì hết khóc thì sẽ cười.
Clip 6
TS nói hạnh phúc gia đình tối đa chỉ 4 năm. TS lại đề cao vai trò của học thuật. TS nhấn mạnh đi nhấn mạnh là 13% (lạm phát) là do mình yếu. TS nói về thành công của nhập siêu năm vừa rồi là lần đầu tiên dưới 10 tỷ USD. TS nói về mặc cả gạo xuất khẩu. TS nói các kiến thức phổ thông về việc ngăn chặn nhập hàng xa xỉ và các hàng rào hải quan. TS lấy ví dụ về hàng rào hải quan ở Mỹ với vài mặt hàng Việt Nam. Vì thắng xuất khẩu nên tỷ giá thắng được là thắng thứ 2. Thắng thứ 3 là GDP tăng 5,9%. Thắng thứ 4 là tìm được sự đồng thuận của bọn thầy là chuyên gia, người dân và chính phủ là phải nâng năng suất của nền kinh tế lên. TS nói tới hệ số ICOR. 12 đồng ra 1, FDI 4/1. Doanh nghiệp tư nhân là 3/1.
Clip 7
TS nói về Quản trị sự thay đổi. TS nói về tái cấu trúc. Đầu tiên là tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó trọng tâm là DNNN. Nhà nước chia các DNNN thành 4 loại. TS nói 2012 là năm của tái cấu trúc, năm của thủ đối với các doanh nghiệp, đừng có hung hăng, là năm của tiền mặt và là năm tái cấu trúc chính mình. Tái sở hữu, tái qui trình, tái thiết bị. TS nói về tái cấu trúc hệ thống tài chính, trọng tâm là tái ngân hàng. Tái cấu trúc đầu tư công. TS nói là theo thống kê thì nước nào nợ trên 60% GDP thì đòn bẩy tài chính bị dài. TS nói vĩ mô đánh thẳng vào doanh nghiệp. Năm 2012 là khó hơn 2011 thế nhưng lãnh đạo thường chỉ nói chung chung thôi. TS liệt kê ra các khó khăn. Khó khăn đầu tiên là bẫy thu nhập trung bình.  
Clip 8
TS nói tới năm nay các yếu tố đổi mới hết tác dụng rồi, nên phải làm 1 cái gì đó nếu sẽ không bị vướng bẫy thu nhập trung bình. TS nói về Nghị quyết ĐH 11 có 3 vấn đề chính để phá bẫy trung bình. TS nói là doanh nghiệp đang ở đỉnh cao sẽ có thể là lúc báo hiệu chết đi xuống. TS nói đất nước phải thay đổi cơ chế chọn người tài. Phải phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ 3, phải chuyển sang dùng công cụ thị trường. Phải nắm được cái này thì mới kinh doanh được trong 5 năm tới. TS nói bản chất của kinh doanh phải cúi càng sâu xuống để móc túi thằng khác. TS nói về tính chiến đấu của người Bắc cao hơn người nam. TS nói doanh nghiệp phải hòa nhịp vào xu thế tái cơ cấu, đừng say mê con ông cháu cha nữa. TS nói đời TS thắng được là do nắm được qui luật khá tốt. TS nói là đó là 3 đòn để để phá bẫy thu nhập trung bình và các doanh nghiệp cần phải được hưởng lợi từ đó (nhưng làm sao để được hưởng lợi thì không nói). TS nói về việc phải tái cấu trúc gia đình, vì chồng hay bị hiệu ứng nhàm chán và so sánh. Các bạn nữ phải kê lại giường, làm lại đầu tóc để trở thành 1 cô gái khác. TS khuyên 1 chị trong lớp phải làm tóc lại cho trẻ trung.
Clip 9
TS nói thế nào là tình yêu. TS nói về thế nào là đàn ông và hỏi 1 bạn nữ xem ham thầy hơn hay ham chồng hơn. TS nói về khuất phục người khác cần có quyền pháp lý và quyền chuyên môn, quyền cá nhân. Sếp thì tâm hồn phải đẹp, chơi phải đẹp với lính thì lính mới không chơi xấu. TS nói trong gia đình quyền chuyên môn và quyền pháp lý như nhau. TS nói đàn ông chỉ biết ở nhà như nhà trọ, có tiền là lập quĩ đen. TS nói xét về MBA mà nói thì tổng quyền trong gia đình thì người phụ nữ nhiều quyền hơn và sợ vợ là quyền phổ biến. TS nói xây nhà xây hòn non bộ để đuổi nhau với vợ. TS nói học quản trị nhìn cái gì cũng thấy. TS nói nhà TS xây 2 hòn non bộ và chạy theo hình số 8. TS nói 5,9% GDP vừa rồi thì số của cải do nữ cống hiến là hơn 1 nửa và chính sách của Đảng về cán bộ nữ rất thành công (Phải khẳng định con số này TS đưa ra hết sức tầm bậy vì chắc chắn không nước nào thống kê riêng về GDP do nam và nữ tạo ra cả). Sự thành công của đàn ông và thất bại đều ở phụ nữ. Phải biết quản trị cuộc đời. TS nói phải biết vận dụng quản trị và tí phải nói cụ thể từng doanh nghiệp nói luôn chứ không thể nói chung chung ở đây. 
Clip 10
TS nói là bị dính bẫy trung bình và phải vận dụng môn quản trị sự thay đổi. Cái thứ 2 là mắc bẫy WTO và sẽ bán hàng khó hơn khi bị cạnh tranh. TS nói năm 2012 là năm ổn định chứ đừng tham lợi nhuận. TS nói nền kinh tế đang trong quá trình thay đổi. tăng trưởng kinh tế hiện nay đang chủ yếu do móc tài nguyên. Mới chỉ là tăng trưởng chứ không phải phát triển. Vẫn dựa trên nền lao động chất lượng thấp và ăn một trị giá gia tăng rất thấp. Mô hình kinh tế đã đến ngưỡng rồi. Hiện nay vẫn giao quyền cho địa phương quá nhiều nên hơn 100 cảng biển và 22 sân bay nên lỗ hết. Mỗi tỉnh là 1 pháo đài. Các anh chị rất dễ dính cái này. Hiện nay đang dùng công cụ hành chính và sẽ có nhóm có lợi, nhóm có hại nhưng quyền lợi quốc gia sẽ có lợi (chưa chắc). TS đưa ra 4 nhóm doanh nghiệp có lợi khi tái cấu trúc. FDI đầu tư ở Việt Nam có loại là đầu tư vớ vẩn, máy móc cũ, phá môi trường, năng suất thấp. Còn công nghệ cao thì lắp ráp là chính và mang hàng chính quốc bán vào thị trường để trốn thuế. Thứ 6 là nghị quyết 11 vẫn tiếp tục thực hiện và sẽ dính tới các doanh nghiệp nặng nề.
Clip 11
TS đang nói tiếp về ảnh hưởng về nghị quyết 11 tới doanh nghiệp vì người ta giảm đầu tư, giảm bội chi ngân sách. Các DNNN phải cắt giảm chi phí. Thứ 7 TS nói về năm nay người ta sẽ tung đòn rất quyết liệt để chống lạm phát và các doanh nghiệp sẽ bị dính. 8, nền kinh tế sẽ tiếp tục mất cân đối. Thứ 9, đời sống của dân đi xuống, sức mua nó giảm và doanh nghiệp phải đo cầu và độ tuổi của cầu (?), độ dài của cầu (?). Tới phần 2 thì từng thị trường ra làm sao? TS nói về TTCK là phản ánh của nền kinh tế. và TS nói là nên sẽ khó. Thị trường BĐS sẽ khó. TS nói thị trường BĐS sẽ còn xuống giá nữa. Giá là do đấu trí giữa 2 người bán và mua. Tỷ giá là mặt trận vững vàng nhất. lãi suất là cái gay go nhất và tiếp tục khó. Doanh nghiệp sẽ đối mặt với 2 cái là không vay được và lãi suất cao nhưng không doanh nghiệp nào trên thế giới kinh doanh được với lãi suất 17% và hạ lãi suất cũng được rồi vì CPI xuống nhưng nếu hạ lãi suất thì cứu được doanh nghiệp và ngân hàng chết. Phải lấy tổng khó khăn trừ đi thuận lợi và âm thì khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
Khó khăn nằm ở cái cuối nằm ở khả năng quản trị kém. Số GĐ không biết đọc bản cân đối kế toán nhiều. TS nói là muốn quản trị được thì phải biết mình là ai và phải đánh giá bên ngoài, đánh giá bên trong để khẳng định mình là ai. Thứ 2 là phải thành công bằng sở trường, tức là phải vạch ra được chiến lược.
Clip 12
Tiếp tục nói về linh hồn chiến lược và phải nhìn từ 3 tới 5 năm mới biết mình là ai. TS lấy ví dụ về phụ nữ về phụ nữ chảnh đánh giá mình quá cao nên dễ ế. Quản trị là thế và có môn dạy cách đánh giá công ty, lập chiến lược công ty và tổ chức hành động. Trong công ty có tranh chấp nhiệm vụ và bỏ trống trận địa. Thông tin từ sếp tới lính bị ách tắc. Phối hợp ngang không được, phòng ban không hợp tác được. Học quản trị xong phải đánh giá cái mạnh, sợ gì chúng nó nhưng nó mạnh hơn phải biết sợ. TS nói người trưởng thành phải biết mình, sức mạnh là kiềm chế. Người ta tát vào mặt mình hay nhổ nước bọt vào mặt mình không làm gì cả để có sức mạnh và sức mạnh tuyệt đối. Phải cúi xuống các anh chị ơi vì sức mạnh là cúi xuống. Thằng đực cúi xuống chân người con gái là phương tiện hay mục đích? Đó là phương tiện. TS nói với 1 học viên là không nên dùng từ trong phim Hàn Quốc. Không nên coi phim Hàn rồi dán hình phim lên tương. MBA phải dán hình Entein, Newton, Bác Hồ, Lê Thẩm Dương. Tổ chức có vấn đề, hiệu suất không bao giờ cao. TS nói nếu về công ty của học viên thì TS cắt ½ nhân viên văn phòng và công ty vẫn làm việc bình thường. Các công ty hiện đang trả lương rất tệ. TS nói rằng phải cho nhân viên làm bản mô tả công việc. TS lấy ví dụ về lương được trả quá cao so với cống hiến. Cho nên nó bể về mặt tổ chức (chả hiểu bể về cái gì). Đối với nữ là khen gây hưng phấn và chê tạo ra ức chế. Khen thì phải ở đám đông vì khen 2 người không phê. Khen chỗ mạnh nhất. Lấy ví dụ về chồng bị hói thì khi mua quà không được mua gì liên quan tới cái đầu
Clip 13
Khen phải đúng mức độ. Không nên khen vợ nấu cá ngon quá mức vợ sẽ cho ăn cá cả tuần. Khen phải đúng lúc xảy ra thời điểm, như ăn canh cá phải khen ngay tại bữa cơm chứ không được khen lúc 12g đêm sẽ bị vợ nhét gối vào mồm. Khi chồng hoàn thành nhiệm vụ phải khen good good… TS hỏi 1 học viên nữ là khen làm sao khi chồng hoàn thành nhiệm vụ? Chê thì giọng phải chân thành và chê lúc có 2 người và muốn chê 1 phải khen trước 10. Cái gì cũng phải học. Đi lên cầu thang thì nữ đi trước hay nam đi trước, đó là quản trị đó. Phải để ai đi trước? Tây sang đây có cho hôn không? TS nói về ý nghĩa các nụ hôn vào má, trán, tay, môi, tóc… và mọi chỗ khác thì không nên hôn vì không có khái niệm. TS hỏi 1 học viên nam là ở nhà hay hôn vào đâu? Cái gì cũng phải học vì liên quan tới kinh doanh. Các anh chị đánh giá không đúng, không làm chiến lược và tổ chức trận đấu không tốt, hoạt động điều khiển không tốt. Muốn điều khiển được người ta thì phải hơn người ta cái tầm. Tầm gồm 2 cái là căn và cốt. Cốt đại bàng mới làm GĐ tập đoàn được. Căn là kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức. Nhưng phải trên căn mới điều khiển được. TS hỏi tiếp tục về cốt rồi phải tạo ra sự cảm hứng, phải biết lôi người ta. TS nói là nếu đổ nước lã thì lớp ngủ hết. và TS nói là đố ai gọi điện thoại trong lớp được vì TS đã lôi và cuốn được mọi người vào bài giảng và mấy chục người phải đá theo lối đá của TS. Phải có cái nghề chứ nhiều sếp tiểu đường mà đi lều phều, đi họp bị ruồi đậu vào không đuổi thì làm sao làm sếp được. Phải có kỹ năng động viên. Lấy ví dụ về Thủy Tiên bế được người nặng, xe đạp thồ được 300kg và chồng bé tí bế được vợ lên nệm Kim Đan vì được động viên
Clip 14
 TS nói phải biết động viên. Tình trạng hiện tại các doanh nghiệp thiếu cái này. Só thằng TS động viên thành 5 thằng TS nếu không sẽ thành âm 5. Gặp thằng ngu thì đừng có động viên không nó phá ra, tại sao học không vận dụng. Có 13 thủ đoạn động viên,mỗi thủ đoạn có cái hay cái dở. Dùng tiền động viên chỉ được 1 thời gian ngắn, dễ mất động lực và tạo gian dối. Mình đi học hơn cái đó và tôi khuyên các anh chị thực hiện. Nhà lãnh đạo và nhà quản trị khác nhau. Nhà quản trị làm 4 việc. Còn lãnh đạo chỉ điều khiển. Để điều khiển được phải có 3 yếu tố, về rèn đi. Liên quan tới 1 loạt tiểu xảo, quản trị tài chính, quản trị thời gian. TS lấy ví dụ về người lau dọn ở công ty của TS. Kẻ thù của thời gian là gì? Điện thoại, phải quản trị thời gian. Gọi điện thoại tốn thời gian lắm các anh chị ơi. Kẻ thù số 2 là tính cầu toàn. Kẻ thù số 3 là luộm thuộm, cả 2 tiếng không lấy được công văn. Phải vận dụng quản trị thời gian. Cần tăng doanh thu hơn hay giảm chi phí hơn, phải giảm chi phí quyết liệt. Các anh chị mà đưa tôi về tôi làm đi, tôi làm cho Hoàng Anh Gia lai, Khatoco…  chứ không phải công ty hạng 2 đâu, tôi không phải lý thuyết suông, cũng là chủ. TS nói về tiết kiệm điện và nước.
Clip 15
Tổng đẹp của nam và của nữ bằng nhau nhưng lại phân bố khác nhau. Đàn ông xuống là xuống luôn. Đàn ông 73 tuổi vẫn còn dậy thì được. 2 vợ chồng lấy nhau bằng tuổi có hạnh phúc không? Lấy nhau hạnh phúc tới tuổi 40. Đàn ông tới tuổi này đẹp nhất. Nữ 40 là đầu óc te tua. Nữ thì tiết kiệm mua vàng, mua đồ lèo nhèo để mặc. Chồng về nhà nhìn tưởng ve chai vào nhà. TS chỉ kinh nghiệm lấy vợ bao nhiêu tuổi là vừa. Lấy tuổi đàn ông chia 2 + 3 ra đàn bà lý tưởng. TS hỏi 1 bạn 21 nên lấy bao nhiêu là vừa, lấy tôi là vừa. Hóa ra cái gì cũng phải học. Quản trị tài chính có vấn đề. Nhiều doanh nghiệp không thiếu tiền Nhưng là bố trí sai. TS lấy ví dụ về 1 nhà có 100 triệu nhưng vợ mang 99 triệu mua son nhưng không có tiền ăn. Nếu vợ biết điều hành thì chỉ có cần 10tr sống vẫn hạnh phúc, chồng vẫn có đồ nhậu với bạn bè. Cầm bảng cân đối lên nhìn là biết liền. Thằng chồng phải là đàn ông nhưng không phải đàn ông nào cũng là chồng được. Đàn bà cũng thế. Đàn ông  phải trên 30 mới nhận thức được nên lấy ai. Nên hầu như đàn ông lấy vợ là sai lầm. Thích cục bộ vì 1 nốt ruồi mà rước 1 con yêu tinh về. Nếu có ai dưới 30 mà đòi cưới là nên kêu cưới ngay chứ sau 31 nó khôn nó không cưới nữa đâu. 
Clip 16
Sai lầm lớn nhất của đàn ông là yêu cục bộ chứ không yêu toàn bộ, còn đàn bà thì vứt vàng mà lại vớ đất (ý nói bỏ chồng tốt mà lấy chồng xấu). Đặc biệt phụ nữ thích đàn ông dễ thương. Không nên lấy đàn ông dễ thương. Lấy về chỉ để lên bàn thờ thôi. Lấy xăng đốt nhà rồi cùng vợ nhìn, đấy là đàn ông chân chính. Đàn bà bao giờ cũng thích đàn ông đểu vì chất hoang dã của đàn ông. Làm lãnh đạo cũng thế thôi. Đừng mang logic ra hót. Đi chơi với đàn bà là phải quyết đoán, phải nhảy vào ôm, dù phụ nữ có la lên. Chồng dễ thương thực hiện đủ 4 bước trong lúc nữ chỉ thích về đích mà cứ khởi động hoài. Doanh nghiệp phải làm gì? Lãnh đạo là phải thay đổi, tổ chức là phải thay đổi. TS về cắt chi phí của công ty là 1 tháng đã tiết kiệm được nửa tỷ. Cứ cắt lương hoặc tăng cường độ lao động lên. Cứ làm đi còn hơn không làm gì. Làm được 30% còn hơn không làm gì. Đấy mới là quản trị doanh nghiệp. quản trị tài chính, quản trị thời gian, quản trị mục tiêu… 31 nghiệp vụ quản trị cứ từ từ áp dụng dần dần. Tuyệt đối đừng đánh du kích. Tài chính dính khoản phải thu do bán chịu quá nhiều, ý chí trả nợ thì có nhưng dòng tiền thì không có. Có 1 môn dạy về nghề thu nợ. Giải phóng hàng tồn kho bằng cách nào, giảm giá thì không ép phê, thay vì giảm giá thì nên cắt lô. Có 100 căn thì đừng giảm 100 căn, cứ giảm 5 căn 1 nửa. còn 95 căn để lại, đó là chiến thuật. Không giảm giá nhưng tăng chiết khấu. Đừng hạ giá 
Clip 17
TS lấy ví dụ về cứ chiết khấu cao lên thì người ta sẽ cố bán. TS hỏi 1 cô là có thích đàn ông để râu không. Đàn ông để râu đẹp nhưng dễ bị người khác bắt tâm tư . Nhìn 1 cái là biết. Phụ nữ thì nhìn đôi bàn tay là biết suy nghĩ của người ta. Quản trị là thế. Hàng tồn kho chỉ nên giảm giá cục bộ, tăng chiết khấu… Tạo ra nhân sự chuyên đi thu nợ, trả thật cao, mặc quần thật ngắn. Đến khen trước. Khen không được thì ngồi ngoài chờ, đàn ông sợ đàn bà nói nhiều nên sẽ phải trả. GĐ sẽ sợ mà phải trả. Thằng nào lỳ lợm hơn sẽ được ưu tiên. Cái cuối cùng là quản trị mà không kiểm tra thì đừng quản trị. Cuối cùng là quản trị tuân thủ do giám sát phòng ban dở. áp dụng quản trị tài chính đã. Và cuộc đua năm 2012 là trình độ giảm phí. tiếc là thời gian không đủ để chia sẻ hết. Rõ ràng có biện pháp để thoát ra. Rõ ràng phát huy được thế mạnh nếu có. Rõ ràng đi học hơn không học nhiều. Số người tiêu hóa được kiến thức bộ công bố có 5%. Tôi ở nhà nhờ quản trị gia đình nên gia đình tôi lúc nào cũng vui. Ở nhà tôi không phải nói. Lấy sức ra ngoài chiến đấu. TS nói 1 ít kinh nghiệm về quản trị gia đình. TS nói là đáng lẽ thảo luận nhưng cứ để TS chia sẻ.      

Một số nhận xét:
Về mặt kiến thức vĩ mô: Bài trình bày của TS có chủ đề là về bối cảnh kinh tế vĩ mô và những tác động tới doanh nghiệp. Phần bối cảnh vĩ mô thì chỉ là những kiến thức phổ thông và những sinh viên ngành kinh tế năm 2, siêng đọc báo hoàn toàn có thể biết được những kiến thức này. Trong phần này, TS đã có những sai sót cơ bản về số liệu và kiến thức kinh tế vĩ mô. Nếu chỉ là 1 bài giảng cho sinh viên thì cũng không cần thiết quá chính xác về số liệu. Tuy nhiên, TS là 1 chuyên gia (như TS có khẳng định nhiều lần trong bài) hay lên báo trả lời những vấn đề liên quan tới chính sách vĩ mô nhưng những số liệu kinh tế vĩ mô cơ bản như lạm phát ở Mỹ và dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc mà TS không nắm được thì rất kỳ lạ. Việc TS nói do Mỹ in tiền cứu nền kinh tế nên làm lạm phát Việt Nam tăng 7% năm 2008 có thể khẳng định là không chính xác cả về định tính và định lượng. Việc TS nói tăng trưởng GDP 5,9% năm 2011 có hơn một nửa do phụ nữ tạo ra là hoàn toàn tầm bậy. 1 chuyên gia mà phát biểu tùy tiện, võ đoán như thế này thì không thể chấp nhận được.
Về mặt kiến thức quản trị: Trong buổi giảng, từ clip 12 TS chủ yếu nói về quản trị. TS nói rất nhiều các loại hình hay môn học quản trị nhưng chủ yếu là nêu tên mà không nói nội dung cụ thể. Có thể thấy những kiến thức về quản trị TS nêu cũng rất lan man, sơ lược và chung chung. TS cũng chỉ cách để bán được hàng tồn kho và đi đòi nợ.
Về mặt phương pháp giảng dạy: TS có nói từ đầu là TS chỉ trình bày khoảng 1 tiếng còn lại sẽ có trao đổi và thảo luận nhưng cuối cùng coi như toàn bộ thời gian là TS độc thoại, trừ một số câu hỏi không liên quan tới kiến thức chuyên môn (nếu không nói là tục tĩu) mà TS đặt ra cho học viên.
Nhận xét chung. Như vậy về mặt nội dung bài giảng này chủ yếu chứa đựng các kiến thức phổ thông về vĩ mô và quản trị, chỉ xứng đáng trình bày cho sinh viên năm 1 hoặc 2 các trường khối kinh tế hoặc những người không học ngành kinh tế. Các kiến thức và số liệu cơ bản còn bị sai sót, thậm chí bịa ra (việc bịa trắng trợn vô căn cứ như thế này là không thể chấp nhận ở 1 chuyên gia, dù chỉ là trong 1 buổi nói chuyện). Về mặt phương pháp trình bày thì không có gì là đổi mới cả vì chỉ toàn là độc thoại. Chẳng qua là do TS có khả năng thuyết trình tốt, sinh động, nắm bắt tâm lý người học tốt nên làm lớp học vui vẻ. Đây không phải là phương pháp giảng dạy gì mới nên không cần phải tung hô. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhiều học viên trong lớp khẳng định đã học được nhiều kiến thức bổ ích từ buổi giảng. Trong buổi giảng học viên không ghi chép gì cả. Kiến thức về mặt quản trị hết sức vụn vặt, lại được xé nhỏ, chêm vào những câu chuyện minh họa từ quan hệ nam nữ và gia đình nhiều khi chả ăn nhập gì với khái niệm diễn giả đang trình bày, mục đích chính chỉ là đề mua vui. Để ghi chép, tôi phải nghe đi nghe lại từng clip nhiều lần mà còn không hiểu nổi ý TS đang nói về vấn đề gì thì làm sao học viên ngồi đó cười, không ghi chép gì lại có thể lĩnh hội được những kiến thức (chưa kể là kiến thức còn bị sai) được cung cấp theo cách thức như vậy? Quả thực tôi rất lo lắng cho các thế hệ tương lai các nhà quản trị Việt Nam nếu cứ tham gia các buổi học MBA kiểu thế này. Nhìn sang Trung Quốc thấy các CEO bên đó rất nhiều người được đào tạo bài bản ở Mỹ mà rất lo cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những buổi học thế này mà họ khen là bổ ích và còn muốn được tiếp tục học thì họ sẽ lấy kiến thức ở đâu để lãnh đạo doanh nghiệp đương đầu với các doanh nghiệp Trung Quốc đây? Về cách trình bày thì khả năng trình bày của TS rất sinh động và linh hoạt nên thu hút người nghe. Tuy nhiên, TS dùng rất nhiều câu đệm vô nghĩa và thừa kiểu như: quản trị là vậy đấy các anh chị ơi, đi học là quan trọng lắm các anh chị ơi (điều này thì ai mà chả biết)… Chưa kể tôi dám chắc nếu TS bỏ những câu nói tục và những câu chuyện bậy ra khỏi bài giảng thì bài giảng của TS sẽ không thể còn hấp dẫn như trước nữa.
Theo tôi, nếu những bài giảng 1 TS tự xưng là chuyên gia chỉ với những kiến thức phổ thông đã rất nhiều sai sót như vậy, nội dung học thuật thì nghèo nàn, phải được sơn phết mua vui một cách rẻ tiền bằng những câu nói tục và những câu chuyện bậy bạ thế này mà được tung hô, được khen là đổi mới thì thật đáng buồn cho nền giáo dục và trình độ học thuật nước nhà. 1 nền giáo dục muốn thành công phải giúp để người học nâng cao được phần Người chứ không phải cố gắng chiều lòng, thỏa mãn được phần Con trong mỗi chúng ta.
N.L 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét