Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Lại một bài viết điên rồ: Tản mạn về lạm phát

Lại một bài viết điên rồ:
Đọc bài dưới đây thấy lập luận của tác giả thật điên rồ. Lịch sử kinh tế cho thấy chẳng có nước nào dùng lạm phát cao lại có thể phát triển kinh tế thần kỳ được. Bỏ qua chuyện cũ ở nước Đức và Hàn Quốc, chỉ nhìn vào số liệu "mô hình lạm phát cao 25%/năm" của Argentina do tác giả phân tích đã thấy nghi ngờ vì những năm gần đây chuyện lạm phát cao trên thế giới đã trở nên rất hiếm vì ở đâu người ta cũng thừa nhận sự nguy hiểm của nó. Đặc biệt năm 2011, lạm phát VN đứng thứ 2 trên thế giới mà cũng chỉ 18,4% thì không thể có chuyện lạm phát ở Argentina lên tới 25%. Còn nữa, kinh nghiệm cho thấy ở 1 nước kinh tế thuộc hàng các quốc gia phát triển như Argentina mà để xảy ra lạm phát cao như vậy thì tổng thống chỉ có mất chức chứ làm sao lại có thể tái cử vẻ vang được ?
Xem lại số liệu thống kê quốc tế thấy tỷ lệ lạm phát của Argentina trong những năm gần đây khá cao, song hầu như không vượt quá 10%/năm. Dùng số liệu của Ủy ban kinh tế châu Mỹ la tinh và Ca-ri-bê (http://www.eclac.org/cgi-bin/getProd.asp?xml=/publicaciones/xml/8/45608/P45608.xml&xsl=/deype/tpl-i/p9f.xsl&base=/tpl-i/top-bottom.xsl http://websie.eclac.cl/anuario_estadistico/anuario_2011/ing/content_en.asp), tôi đã vẽ đồ thị lạm phát ở Argentina trong 19 năm gần đây như sau để bác bỏ con số 25% của tác giả bài báo:




Tản mạn về lạm phát

Lạm phát được hiểu đơn giản như Nhà nước phát hàng nhiều tiền ra lưu thông thông qua bội chi ngân sách và dùng vốn phát hành để cho vay qua kênh tín dụng, dẫn đến mặt bằng giá cả tăng cao.
Mặt tiêu cực của lạm phát như giá cả tăng cao, hạ thấp giá trị đồng tiền, giảm sút mức sống người dân…đã được nhắc đến nhiều, nhưng lạm phát cũng có những mặt khác mà bài viết này xin trình bày đến người đọc nhằm cùng nhau có cái nhìn rộng hơn về lạm phát.
Trong kho tàng đồ sộ của mình, lịch sử kinh tế thế giới đã có nhiều thực nghiệm thú vị về lạm phát, chúng ta có thể tham khảo ba trường hợp lạm phát sau:

Lạm phát “phi mã” tại Đức giữa hai cuộc thế chiến
Sau Thế chiến thứ I (1914-1918), các nước thắng trận như Anh, Pháp…muốn dìm nước Đức bại trận dưới đáy vực của kiệt quệ bằng những khoản đền bù chiến phí khổng lồ. Việc này cũng nhằm ngăn chặn Đức có thể gây hại tiếp cho nhân loại bằng chiến tranh (bình thường nước Đức cần 80 năm lao động để trả nợ).

Trong cảnh hoang tàn của nền kinh tế Đức, tiến sĩ Sác nhận trọng trách Bộ trưởng Tài chính đã áp dụng lạm phát lớn về quy mô và nhanh về thời gian bằng cách phát hành khổng lồ đồng bản tệ để tận thu vàng và ngoại tệ trong xã hội. Khoản phát hành này nhằm đền chiến phí, dùng cho khôi phục và phát triển công kỹ nghệ.

Đợt lạm phát này được gọi là phi mã hoặc siêu phi mã. Số tiền có thể mua được đến cả một lâu đài, sau 3 tuần lễ chỉ còn mua được một ổ bánh mì là cách ví von của văn học cho cơn lạm phát này.

Công cụ lạm phát trọng điểm cùng với mô hình Nhà nước can thiệp sâu vào nền kinh tế đã lột xác nước Đức bế tắc, hoang tàn, kiệt quệ và oằn mình dưới nợ nần để đẩy lên từ đường chân trời một nước Đức mới hùng mạnh như chưa bao giờ có, nhất là công kỹ nghệ.

Sự phát triển như vũ bão đẩy nước Đức đến chỗ đòi phân phối lại thị trường thế giới khi lúc này chưa có tự do thương mại quốc tế, gây nên cuộc chiến tranh khốc liệt và tang thương nhất trong lịch sử nhân loại - Thế chiến II (1939-1945).

Bằng sự vượt trội về công kỹ nghệ máy bay, thiết giáp, tàu ngầm, tàu chiến, tên lửa…, Đức đã chiếm đóng thực dân số 2 thế giới (Pháp), phong tỏa thực dân số 1 thế giới (Anh), khống chế gần trọn Châu Âu và Bắc Phi, lờ đi bài học từ Napoléon để đi sâu vào nước Nga xa xôi, mênh mông và lạnh giá.

Sau thế chiến, khi bị mùa đông nước Nga và cường quốc mới nổi bên kia bờ Đại Tây dương là Mỹ đánh bại, nước Đức luôn coi trọng việc sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ tài chính, tiền tệ trong cơ cấu. Đức tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế, đưa quốc gia trở lại vị trí hùng mạnh nhất Châu Âu và xuất khẩu đứng đầu thế giới. Nhiều nhà kinh tế học trên thế giới vẫn ngưỡng mộ “nền tài chính Đức” như một bậc thầy.

Lạm phát hiện nay tại Argentina

Năm 2011, vị nữ tổng thống Argentina, bà Fernander Kristina, đã tái cử, giành thắng lợi vang dội trong tình hình kinh tế phát triển tốt, đời sống người dân được nâng cao, đồng thuận lớn trong xã hội, với mô hình lạm phát cao 25%/năm.

Vị nữ tổng thống cùng cộng sự sử dụng khéo léo lạm phát như là công cụ hữu ích cho kinh tế và xã hội, ngược hẳn với bức tranh đầy bất ổn của 10 năm về trước khi Argentina phải thay đến 9 đời chính phủ.

Bà đã góp phần giải quyết được những tiếng gõ xoong nồi xuất hiện trên khắp đường phố thủ đô. Khi đó, hàng vạn người dân không rút được tiền gởi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước (3 tỷ đô la Mỹ) sau chủ trương tận thu ngoại tệ trong dân nhằm cho vay nền kinh tế của chính sách thắt chặt tiền tệ.

Lạm phát vào thập niên 1960 của thế kỷ trước tại Nam Triều Tiên

Thoát ra từ vị trí thuộc địa của Nhật vào cuối thế chiến II (1945) và trải qua cuộc nội chiến khốc liệt (1950-1953) sau đó, Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) là quốc gia nông nghiệp lạc hậu nằm dưới sự cai trị của nhà độc tài – Tướng Păc-chung-hi.

Dưới bàn tay sắt của mình, tướng Păc dùng công cụ phát hành vốn mạnh (lạm phát) để bơm vốn trực tiếp thông qua tín dụng ngân hàng vào các công xưởng nhỏ. Thổi phồng công xưởng thành những tập đoàn kinh tế, những nhà máy tầm cỡ thế giới trong những lĩnh vực kinh tế chủ chốt như xưởng sửa chữa xe hơi thành nhà máy sản xuất xe hơi…; hình thành những tập đoàn điện tử, xe hơi,đóng tàu, hóa phẩm, điện năng, xây dựng …

Sau một thế hệ, Hàn quốc đã phát triển đến vị trí thứ 2 châu Á (sau Nhật) và thứ 12 trên thế giới.

Nguyễn Đình Dũng

1 nhận xét:

  1. công nhận là bài viết buồn cười, chắc không có gì đăng nên viết bừa, nhưng nghĩ cũng tệ đó là trình độ mặt bằng kiến thức kinh tế của dân Vietnam cũng thấp nên dẫn tới báo chí, quan chức cứ nói nhăng nói cuội

    Trả lờiXóa