Ấn Độ đang cần một mô hình phát triển mới
Báo Le Monde có bài viết « Ấn Độ đi tìm một mô hình phát triển mới » nhân một cuộc tọa đàm về các nước mới trỗi dậy, do báo Le Monde tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế chính trị hàng đầu của Pháp.
Gần đây báo chí nói nhiều đến các cường quốc mới trỗi dậy, sau Trung Quốc là đến Ấn Độ, một nước quan trọng về mặt địa chính trị của thế giới. Cuộc tọa đàm này nêu chủ đề liệu « Ấn Độ có phải là một Trung Quốc khác ? ». Câu hỏi này đã được ông Jean-Paul Larçon, giáo sư về chiến lược phát triển của trường Thương mại Cao cấp ( HEC) của Pháp trả lời ngay là Ấn Độ « không phải là một Trung Quốc ».
Tại tọa đàm, các diễn giả cũng trình bày nhiều tham luận liên quan đến nhưng giới hạn của Ấn Độ, như là một « đất nước lộn xộn », theo giáo sư Jean Paul Larçon. Sau hai thập kỷ, kể từ khi mở cửa với nền kinh tế thế giới năm 1991, Ấn Độ đã đi đến đoạn cuối của một chu kỳ phát triển.
Theo Le Monde, từ một nước trụ cột của học thuyết không liên kết, Ấn Độ bước vào quá trình toàn cầu hóa theo cách của họ và với những thế mạnh trong tay đó là dân số đông, mô hình dân chủ được kế thừa từ thời thuộc địa Anh, kiều dân đông đảo trên khắp thế giới và một tiềm năng lớn trong lĩnh vực công nghệ tin học. Vậy New Delhi, đã có đủ phương tiện để trở thành cường quốc hay không ?
Khó, vì đất nước này phải đặt nền kinh tế mới trỗi dậy để phục vụ cho một tham vọng quốc tế. Theo chuyên gia Fréderic Bobin « Ấn Độ vẫn không có khả năng tạo được tiếng nói trên bình diện quốc tế ».Hiện tại New Delhi vẫn còn có quá nhiều nghịch lý để có thể tiến theo con đường một cường quốc thế giới. Những nghịch lý đó là gì. Theo các nhà quan sát đến năm 2050, Ấn Độ sẽ trở thành đất nước đông dân nhất thế giới với 1,7 tỷ người, 34% dân số vẫn sống dưới ngưỡng nghèo. Đến năm 2050, 25% dân số lao động trên toàn cầu là người Ấn Độ. Ấn Độ là nơi mà doanh nhân và các nhà chính trị hòa hợp rất tốt với nhau. Nhưng tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng và hố sâu ngăn cách giữa tầng lớp ưu tú và dân chúng trong xã hội cũng rất lớn. Bên cạnh đó là các vấn đề tôn giáo, cộng đồng .
Các diễn giả tham gia tọa đàm đều nhất trí với đã đến lúc Ấn Độ phải tiến hành những cuộc cải cách mới. Bắc đầu bằng việc thoát ra khỏi mối quan hệ không rõ ràng với Trung Quốc để tìm ra hướng đi cho mình : Thỏa hiệp hay cạnh tranh với Trung Quốc ? Đoàn kết các nước Nam bán cầu để đối chọi lại với các nước Bắc bán cầu hay trở thành đối thủ khu vực để chống lại trục liên kết Trung Quốc - Pakistan ? Đó là những câu hỏi mà quốc gia này phải trả lời. Nhưng các diễn giả cũng nhận thấy không dễ gì Ấn Độ đi theo phương Tây.
Những điều không nói đến sau tai nạn hạt nhân Fukushima
Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay trở lại lại với đề tài điện hạt nhân thời hậu Fukushima với tựa đề « Những điều không nói đến sau Fukushima » nêu ý kiến của hai chuyên gia năng lượng của Pháp ông Jean Marie Chevallier, Giáo sư đại học Paris –Dauphine và Jean Claude Dérian một nhà tư vấn về chính sách năng lượng.
Thảm họa hạt nhân Fukushima xảy ra đã khiến cả thế giới phải lo ngại nhìn lại chiến lược phát triển năng lượng.
Tác giả của bài viết nhận thấy từ sau ngày kỷ niệm một năm thảm họa sóng thần và tai nạn hạt nhân Fukushima hôm 11/3 vừa qua, báo chí không ngớt nhắc đi nhắc lại những đề tài như ở Nhật Bản chính quyền lúng túng giải quyết khủng hoảng, rồi dân chúng và các nhà sản suất thiếu điện, hay các phản ứng khác nhau của các cường quốc hạt nhân trong khi một loạt nước như Trung Quốc, Ấn Độ , Anh, Phần Lan vẫn khẳng định lựa chọn hạt nhân trong chiến lược phát triển năng lượng của mình. Thế nhưng trái lại, theo tác giả, có những chi tiết chủ yếu của cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân thời kỳ hậu Fukushima ít được nhắc tới đó là : Làm thế nào để quản lý tốt hơn các nhà máy điện hạt nhân hiện có để có thể chuyển tiếp sang hướng sử dụng những nguồn năng lượng phi các-bon trong tương lai, đồng thời có biện pháp pháp ngăn chặn hiện tượng trái đất ấm lên.
Theo tác giả hiện trên thế giới có 430 lò phản ứng hạt nhân đa phần được xây dựng trong khoảng từ năm 1970 đến năm 2000. Để tiếp tục quản lý một cách có hiệu quả các lò phản ứng này không phải là chuyện đơn giản và phải rất thận trọng tính đến những lo ngại của dư luận. Việc quản lý này đồng thời sẽ đòi hỏi nhiều chi phí rất lớn cho việc tháo gỡ cũng như xử lý cất giữ chất thải.
Theo tác giả, việc quản lý của các nhà máy điện hạt nhân hiện có đòi hỏi phải triển khai kết hợp những tiêu chí về kinh tế và an toàn. Nếu đóng ngay các cơ sở không đủ tiêu chuẩn an tòan thì cũng là một biện pháp không kinh tế. Ngược lại, nếu kéo dài tuổi họat động của nhà máy còn đủ khả năng vận hành an toàn thì sẽ tạo điều kiện để cho việc chờ đợi hoàn thiện, triển khai các công nghệ tái tạo mới. Vì thế theo tác giả, bảo trì và nâng cấp kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân hiện có là hướng đi hợp lý. Điều quan trọng là phải có được những giải pháp tài chính mang tính cải cách nhằm khuyến khích đầu tư vào hiệu quả năng lượng, trong năng lượng hạt nhân cũng như trong các nguồn năng lượng phi các-bon khác trong tương lai. Cặp bài toán năng lượng và môi trường vẫn là một vấn đề nan giải đang chưa có lời giải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét