Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Sinh quán và nguyên quán

Tản mạn:

Sinh quán và nguyên quán


Saigon cô nương

Ngày xưa, dân Việt ta sống bằng nghề nông, lâm, ngư…. Đường xá đi lại khó khăn nên bao nhiêu đời từ ông, bà, cụ, kỵ xuống đến cháu, chắt, chút, chít... đều sống trong lũy tre một làng, một thôn, một xã... Người đi xa lâu ngày vẫn phải đóng thuế thân ở làng mình. Khi chọn sinh sống nơi khác, thường họ bị người địa phương xếp vào loại ngụ cư ở tạm, ở trọ. Chỉ khi nào được phép đóng thuế thân thì khi ấy, họ mới được thừa nhận là cư dân chính thức của làng mới.
Dần dần, đời sống nhiều thay đổi, việc giao thông dễ dàng hơn. Công nghiệp phát triển thu hút rất đông nhân công tứ xứ. Người dân rời làng quê đến nhiều vùng xa xôi khác nhau để học hành, buôn bán, làm việc... Họ tỏa đi trôi dạt các nơi, kể cả ra ngoại quốc. Nơi nào thích hợp, dễ sống thì dừng lại.
Để thuận tiện cho cuộc sống, nhiều người chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới, như ngày xưa xin nhập đinh vào làng mới. Tuy nhiên, hầu hết vẫn gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn. Họ gửi tiền về quê chăm lo cho người thân, vẫn đóng đầy đủ lệ phí cho các quỹ tương tế của làng dù nhiều năm không về, đóng góp xây dựng đình làng, tặng học bổng, xây trường học, cầu cống…
Quan trọng nhất, quê hương dù xa xôi mấy vẫn có sự ràng buộc vì trong các loại giấy tờ khai báo đều có phần ghi nguyên quán và sinh quán.


Trước năm 1975, ở miền Nam, "Nơi sinh" đứng ngay sau phần "Tên họ".
Sau này, trong tờ khai lý lịch của một người, thông thường sau phần "Tên họ" là phần ghi "Nơi sinh" hoặc "Nguyên quán". Giấy Chứng minh nhân dân hiện nay có Họ tên, Sinh ngày, Nguyên quán và Thường trú mà không có Nơi sinh.
Sinh quán là nơi sinh của bản thân, còn nguyên quán được giải thích là nơi sinh của người cha. Nơi sinh của người mẹ không được coi là nguyên quán, chỉ được tính tới trong trường hợp không có cha hoặc có đủ cha mẹ nhưng nguyên quán của mẹ được ưa thích hơn. Phần Nguyên quán này do vậy có phần linh động.
Tờ lý lịch dĩ nhiên bao giờ cũng khai nguyên quán để tiện... theo dõi. Trong trường hợp truy tìm tội phạm cứ lần về quê quán -  nơi lý lịch ba đời rành rành ra đó -  thì nhiều phần cũng tóm được đương sự.
Qua bao nhiêu năm tháng, rất nhiều thay đổi diễn ra. Bao lần ranh giới địa phương thay đổi. Cứ tách ra, nhập vào, mở rộng, thu hẹp, đổi tên... nên khái niệm quê hương, nguyên quán trở nên khó xác định.
Nguyên quán của bà Thu trước năm 75 là Thạnh Mỹ Tây-  Gia Định hoặc ông Kiếm sinh ở Củ Chi-  Hậu Nghĩa thì bây giờ kiếm trên bản đồ đâu còn tỉnh Gia Định hay tỉnh Hậu Nghĩa nữa.
Trong một buổi điều tra dân số, khi được hỏi đến phần nguyên quán, một phụ nữ sống ở Cà Mau trả lời:
- Quê tôi ở Sông Bé.
- Tỉnh này chia ra Bình Dương và Bình Phước từ lâu rồi. Vậy nguyên quán của chị thuộc tỉnh nào hiện nay?
- Hồi còn nhỏ, chỉ nghe cha tôi kể gốc Sông Bé, chứ đâu biết chỗ đó bây giờ là Dương hay Phước -  Xem chừng thấy việc kê khai đi vào ngõ cụt sẽ chiếm nhiều thời gian lằng nhằng nên chị ta kết luận mau chóng -  Thôi kệ, Bình Dương hay Bình Phước, anh thích tên gì thì cứ ghi tên đó.
Địa phương thay đổi nhiều lần như vậy nên nếu ghi đúng tên lúc mới sinh ra thì địa danh đó không còn trên bản đồ. Còn như dùng địa danh hiện tại thì mọi người cho rằng nó không phản ánh đúng bản quán.
Nhiều cụ già không thích mình thuộc về Hà Nội như địa giới hiện nay mà nhớ tiếc đến Bắc Ninh quan họ. Tại bìa quyển thơ, Hoàng Cầm ghi Quê: Kinh Bắc. Kinh Bắc lãng mạn một thời Tiêu Sơn tráng sĩ (Khái Hưng) chỉ nằm trong thơ văn. Nhưng bây giờ vẫn còn huyện Thuận Thành gợi nhớ đến những câu thơ mượt mà: Nhớ mưa Thuận Thành. Long lanh mắt ướt. Là mưa ái phi. Tơ tằm óng chuốt... (Hoàng Cầm). Do Hà Nội mở rộng nên người Mường (Hòa Bình) bỗng chốc buổi sáng thức dậy thấy mình biến thành dân Tràng An và Tràng An thấy mình hóa Mường!
Một vài địa danh đặc biệt không ai muốn nhận. Mả Lạng là khu nghĩa trang vô thừa nhận thời Pháp, từng là sào huyệt của các băng đảng, ổ ma túy lừng danh, nơi ở của người nghèo: đạp xe, buôn gánh bán bưng…. Vì thế người dân ở đây không muốn khai tên này vào giấy tờ con em.
Nguyên quán đôi khi quan trọng vì đại khái, nó có thể cho biết nguồn gốc của một người như thế nào. Một cuộc thi đang được tổ chức trên đài truyền hình. Bảy ca sĩ ngôi sao về quê tuyển chọn một số đồng hương cho các nhóm hợp ca. Người về Thanh Hóa, người về Quảng Ninh, An Giang hay Sài Gòn, Hà Nội. Ca sĩ Bana ngược lên Ban Mê Thuột về buôn tìm giọng ca núi rừng.
Riêng một ca sĩ từ trước đến giờ vẫn được biết là người Quảng Bình, nay lại tìm ban hợp ca cho mình tại Huế. Thiên hạ lao nhao phản đối cô thấy Huế đất thần kinh, cố đô vua chúa “sang” hơn nên chối từ quê nghèo núi rừng đầy gió, nắng và cát cháy. “Thấy sang bắt quàng làm họ” chăng?
Ca sĩ giải thích tuy cô sinh ở Quảng Bình, nhưng hai tuổi đã vào Huế ở. Vậy thì gọi cô là người Quảng Bình cũng được mà Huế cũng đúng vì Quảng Bình là nơi sinh còn Huế là nơi trưởng thành. Do đó chữ “sinh trưởng” có khi phải tách ra làm đôi: sinh khác, trưởng khác.
Theo tự điển thì nguyên quán là quê gốc, còn quê quán là nơi sinh trưởng. Lại có giải thích: Nguyên quán là “quê gốc, phân biệt với trú quán”, Quê quán là “quê, nơi sinh trưởng, nơi anh em, họ hàng sinh sống lâu đời”.
Với dân thường thì nguyên quán với quê quán, chữ nghĩa lộn xộn, khó hiểu quá. Cái nào cũng có nghĩa là quê cha đất tổ hết. Nguồn cội một người nên xét theo nguyên quán, quê quán hay sinh quán?
Cho nên nếu không có giải thích thống nhất, không có thời giờ tra tự điển kèm thí dụ dẫn chứng dễ hiểu thì hầu hết đều gộp chung nguyên quán hay quê quán đều là nơi sinh của cha cho gọn, đỡ rắc rối.
Đúng là bây giờ, từ đời cha ông cũng đã thay đổi chỗ ở rất nhiều lần trong đời. Sinh ra một nơi, ở nhiều nơi và chết một nơi khác. Vì thế nghĩa của nguyên quán trong tờ lý lịch thật mù mờ, không có giá trị gì ngoài việc hiện diện đó như một thói quen không muốn sửa.
Cứ như nhà thơ Phạm Thiên Thư kê khai trên trang bìa quyển thơ là rõ ràng:
Quê cha: Kiến Xương- Thái Bình
Quê mẹ: Từ Sơn- Bắc Ninh
Sinh quán: Lạc Viên- Hải Phòng
Trú quán: Hải Dương, SàiGòn
Nơi sinh có thể là nguyên quán mà cũng có khi chỉ là chỗ... qua đường. Một bà bầu ở Long An lỡ có công việc hay đi du lịch mà đẻ rơi ở Nha Trang hay Cambodia thì đứa trẻ có cha mẹ là người miền Nam nhưng nơi sinh sẽ là ở miền Trung hay ngoại quốc. Đứa trẻ sinh ra trên phi cơ thuộc không phận nước nào sẽ mang quốc tịch nước đó.
Do luật quốc tịch nên nhiều sản phụ Trung quốc sang Hongkong để con cái sinh ra được mang quốc tịch Hongkong. Cũng giống như các bà mẹ đó, một số người giàu có VN tìm cách sang Mỹ sinh nở để con được mang quốc tịch Mỹ, sau này hưởng các phúc lợi như công dân Mỹ. Như vậy sẽ xảy ra trường hợp đời sau, con cái của đứa bé sinh ở Mỹ -  theo đúng nguyên tắc khai giấy tờ của VN -  vì cha mẹ sinh ở Mỹ nên dù sinh sống ở VN, sẽ có nguyên quán là Mỹ?!
Sở dĩ ở VN, sinh quán, nguyên quán được chú ý vì đặc tính người Á Đông rất gắn bó với quê nhà, với làng xóm họ mạc. Nơi đất khách quê người, họ càng gắn kết với nhau chặt chẽ.
Trước kia, dân di cư thường tụ tập sống gần nhau hình thành nên từng cụm dân cư như làng dệt Quảng ở ngã tư Bảy Hiền-  Sài Gòn, làng hoa Hà Đông ở Đà Lạt... mang theo đặc sản, lối sống làng quê cũ. Họ giúp đỡ, tương trợ nhau công việc làm ăn. Như mỗi năm vào dịp tết Nguyên Đán, người dân Sàigòn tổ chức họp mặt đồng hương Mỏ Cày- Bến Tre, Đông Hà- Quảng Trị, Việt Trì- Phú Thọ...
Sau này Saigon có dân Quảng Ngãi bán mì gõ, dân ngoại thành Hà Nội bán bắp luộc, Bình Định bán trái cây dạo... Người Tày ở Cao Bằng cũng như các dân tộc thiểu số cao nguyên miền Bắc kéo xuống Gia Lai, Lâm Đồng lập làng...
Đôi khi làn sóng ngụ cư này cũng gây "mang tiếng" như dân tỉnh này chuyên... rải đinh dọc xa lộ, dân tỉnh kia ưa gây hấn, đánh lộn...
Anh Hưởng mới mua căn nhà ở một quận ven nội thành Sàigòn kể:
- Nguyên khu đất này không qua được mặt Vĩnh Phúc. Cò Vĩnh Phúc giới thiệu cho tôi mua cái nền. Nhà thầu xây dựng cũng dân Vĩnh Phúc. Làm giấy tờ xin phép, hoàn công gì gì cũng Vĩnh Phúc. Bởi vì ông phó chủ tịch, trưởng phòng nhà đất là... người Vĩnh Phúc nên bắt buộc phải thông qua "băng" Vĩnh Phúc thì mọi chuyện mới dễ dàng được.
Đồng hương xứ xa xem chừng tạo thành sức mạnh. Theo tin báo: Năm 2011 và đầu năm 2012, làn sóng đình công lan rộng tại các khu công nghiệp do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên giảm phúc lợi và thiếu chăm lo cho đời sống công nhân. Nhưng, trong trong làn sóng đó, có không ít cuộc đình công được cho là do các "thế lực đen" trong và ngoài doanh nghiệp kích động, xúi giục... Chủ doanh nghiệp sợ nhất là công nhân của vài tỉnh, vì họ có đông đồng hương nên sẵn sàng hô một tiếng là nghỉ việc hàng loạt... Vì thế hiện nay nhiều công ty hãng xưởng nhìn giấy tờ ghi quê quán không muốn thuê mướn nhân công từ những nơi đó vào làm việc.
Không biết trên thế giới, còn những nước nào ghi nguyên quán, quê quán trên giấy tờ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét