Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mới cứu được nền kinh tế
Sau khi đọc bài viết Cần chấm dứt biến động lãi suất để cứu nền kinh tế, tôi có một số điểm không đồng tình với tác giả. Muốn khắc phục tình trạng này cần có cái nhìn tổng thể và những biện pháp cứng rắn từ Đảng và Nhà nước.
Lãi suất cho vay quá cao thì rõ ràng là mệt rồi, nhất là các doanh nghiệp mắc bệnh đi vay tiền để kinh doanh. Nhưng hạ lãi suất bằng mệnh lệnh hành chính "đưa lãi suất gửi tiết kiệm về 5% hoặc 0% như các nước đang phát triển" là một điều quá vô lý. Vô lý vì các lý do sau đây:
- Về lý thuyết kinh tế: mệnh lệnh hành chính nói trên là đi ngược lại hoàn toàn lý thuyết đã được chứng minh trong vài thế kỷ qua về mối quan hệ "lãi suất và lạm phát". Lý thuyết kinh tế này đã chỉ ra lãi suất cao hay thấp phụ thuộc vào lạm phát cao hay thấp.
- Xét về mối quan hệ cho vay và đi vay: người đi vay thì phải cầu cạnh người cho vay, chứ làm gì có chuyện, người vay đến ép người cho vay, cho mình vay tiền theo lãi suất mình mong muốn. Đó gọi là đi “cướp” hay còn gọi là “cưỡng đoạt tài sản” công dân.
- Theo lối tư duy bình dân: bằng mệnh lệnh hành chính đưa lãi suất về "0-5%", người ta sẽ đặt câu hỏi "kiếm tiền nhiều để làm gì?". Vì kiếm nhiều về để ở nhà thì bị cướp, bị trộm, để ngân hàng thì bị "thằng khác nó xơi", "thằng khác nó cầm hộ và nó vay thì mình có được gì đâu, tại sao phải đổ mồ hôi làm ra tiền cho nó sử dụng?"
Vì thế, chỉ làm sao đủ tiền đáp ứng chi tiêu của mình thôi. Thế thì lấy đâu ra tiền mà gửi nhà băng, lấy đâu ra tiền mà cho các doanh nghiệp vay. Nói cách khác động lực sản xuất kinh doanh hầu như bằng không, thế thì xã hội làm sao mà phát triển được? Tiền đâu mà phát triển kinh tế?
Sau đây tôi xin chỉ ra nguyên nhân lạm phát
Lạm phát là do các doanh nghiệp có hiệu quả sử dụng đồng vốn quá thấp trong một thời gian dài. Hậu quả là tích lũy không nhiều so với nhu cầu ngày càng phát triển. Nguyên nhân sâu xa bao gồm cả chính sách tiền tệ làm hư hỏng doanh nghiệp và tính minh bạch quá kém trong việc sử dụng tiền bạc của các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan hành chính nhà nước.
Chính sách tiền tệ lơi lỏng (duy trì lãi suất tiết kiệm thấp quá nhiều so với lạm phát) tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn quá dễ dàng nên không chịu cố gắng suy nghĩ và hành động tốt để sử dụng đồng vốn cho tốt, cứ làm bừa, đến lúc thua lỗ lại chuyển gánh nặng cho ngân hàng rồi cho Nhà nước.
Chúng ta cần những giải pháp sau:
Điều chỉnh chính sách tiền tệ
Phải thắt chặt bằng lãi suất cao, buộc lòng các doanh nghiệp yếu kém, liều lĩnh phá sản, đào thải khỏi cơ thể kinh tế. Mặt khác tăng sức đề kháng cho các doanh nghiệp còn lại, họ buộc phải phát triển kinh doanh trên cơ sở quản trị chặt chẽ, nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật, công nghệ, để đầu tư ít tiền mà hiệu quả cao.
Tránh tình trạng khát vốn, dần dần hình thành tư duy "đầu tư có trách nhiệm". Có một đồng vốn sản xuất kinh doanh thì chỉ nên đi vay tối đa là 0,3-0,5 đồng, đến lúc gặp nguy hiểm thì còn có đường rút, còn có cơ hội làm lại.
Còn cứ có 1 đồng mà đi vay từ 1 đồng trở lên đã là nguy hiểm, huống chi có nhiều doanh nghiệp có 1 đồng vốn mà đi vay tới 3-4 đồng thì không khác gì con bạc khát nước, đó là chưa kể rất nhiều trường hợp cho vay như vậy bằng “tín chấp”.
Vấn đề cân nhắc tỉ lệ vốn vay trên vốn sở hữu này cần được quán triệt giáo dục trong môn quản trị kinh doanh trong các trường học. Và cần được ngân hàng quán triệt rõ ràng trong quá trình quản lý các doanh nghiệp vay vốn.
Tác dụng phụ của chính sách tiền tệ này: Có lúc có cảm giác hàng loạt doanh nghiệp phá sản, gây thất nghiệp cao, tệ nạn xã hội phát triển. Cái này, cần phải có thống kê nghiên cứu chi tiết cụ thể xem, khi đưa lãi suất cho vay đến mức nào đó, thì số doanh nghiệp phá sản là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu phần trăm nhân công, chiếm bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư của nền kinh tế.
Nên điều chỉnh lãi suất lên cao để số lượng doanh nghiệp phá sản gây tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20% là đủ sức chịu đựng của xã hội. Nhà nước sẽ lấy chính tiền ngân sách để duy trì sự sống tạm thời cho 20% số lượng người thất nghiêp này để họ có thể tìm việc mới.
Điều chỉnh chính sách tài khóa
Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước: đây là việc khó nhất, nhưng không phải không làm được. Nếu toàn Đảng, toàn dân quyết tâm cao, sẵn sàng hy sinh cho đất nước, cho nhân dân thì sẽ loại bỏ được những “con sâu” trong bộ máy chính quyền, và các công ty Nhà nước.
Loại bỏ những “con sâu” này thì tự khắc sẽ có người tài vào quản lý các doanh nghiệp “xương sống” của nền kinh tế. Nếu quyết tâm cao, cán bộ Đảng viên sẽ “biết tu” hơn, biết tự mình đề kháng trước các “viên đạn bọc đường”, biết cống hiến hơn, biết kiềm chế những nhu cầu “ăn chơi xa xỉ vô lý” trong mỗi bản thân.
Từ đó, lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước sẽ biết lắng nghe thị trường nhiều hơn, và quản lý doanh nghiệp Nhà nước tốt hơn.
Để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tốt và hiệu quả hơn, để minh bạch các khoản chi của các công ty Nhà nước, nghĩ cho cùng lại phải nhờ đến đội ngũ cán bộ Đảng viên trong sạch vững mạnh, thực sự vừa hồng vừa chuyên.
Lãnh đạo Đảng phải tiên phong trong việc công khai minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ, đảng viên.
Cuối cùng tôi xin nhấn mạnh đến hậu quả của tình trạng lạm phát và lãi suất cao trong thời gian qua, bày tỏ lo lắng của mình và nhiều người về vận mệnh đất nước.
Điều gì sẽ xảy ra, nếu không thực hiện điều chỉnh dứt khoát các giải pháp chống lạm phát, nhất là các giải pháp về chính sách tài khóa?
Trước mắt, số lượng doanh nghiệp Việt Nam phá sản ngày càng nhiều.
Về lâu dài, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục yếu đi và cuối cùng trở thành làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, có nghĩa là nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế nước ngoài.
Có thể thấy rõ ngay bây giờ là “sản phẩm làm ra đắt hơn so với sản phẩm nhập về mà trong khi đó chất lượng chỉ bằng hoặc kém”, dẫn đến nhập siêu tăng dần qua các năm.
Lê Kiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét