(2) VÀI MẨU CHUYỆN VỀ SỐNG
VÀ HƯỞNG THỤ CUỘC SỐNG
ĐÀN VỊT TRỜI
Vào những mùa đông, chúng ta thường thấy hàng đàn vịt trời bay thành hình chữ V, bay hàng trăm dặm từ Bắc xuống Nam để tìm nơi ấm cúng.
Các nhà khoa học đã khám phá rằng những đàn vịt trời đó có những quy luật di chuyển rất đáng cho chúng ta suy gẫm về tinh thần đoàn thể.
1. Mỗi khi con vịt vẫy cánh bay, chúng sẽ tạo ra một luồng gió quyện và tạo ra một hấp lực nâng con vịt bay bên cạnh. Như vậy, khi chúng bay theo đội hình chữ V thì con nọ nương vào hấp lực của con kia, chúng có thể bay nhẹ nhàng hơn và tăng khả năng bay xa hơn gần gấp đôi.
Con người ta cũng vậy, nếu những người có cùng một chí hướng mà biết cách hợp quần thành những đoàn thể hay cộng đồng để nương tựa nhau thì dễ đạt được những mục đích cao cả hơn.
2. Khi một con vịt bị xa rời khỏi đội hình thì nó sẽ cảm thấy bị đuối sức vì phải tự lực nên nó lại phải cố gắng bay vào trong đội hình để nương tựa vào hấp lực của những con vịt bay trước.
Nếu chúng ta biết siết chặt hàng ngũ, không xa rời đoàn thể hay cộng đồng thì sẽ có lợi lớn.
3. Riêng con vịt bay đầu đàn là không được hưởng hấp lực của bạn đồng hành nên nó rất chóng mỏi mệt. Khi nó mệt thì nó sẽ bay xuống nương vào đội hình và sẽ có con vịt khoẻ mạnh khác bay vào vị trí dẫn đầu. Cứ như vậy, thay đổi trong suốt ngày bay.
Trong cộng đồng con người cũng vậy, vai trò lãnh đạo luôn luôn đuợc thay đổi tùy theo tình thế, theo tinh thần dân chủ.
4. Trong khi bay, chúng thường lên tiếng kêu quác quác để thúc dục nhau bay theo kịp một tốc độ.
Trong các đoàn thể, người ta phải biết nhắc nhở nhau để giữ vững tinh thần hay thắt chặt tình đồng đội. Trong quân ngũ, các quân nhân thường lên tiếng đếm hoặc hát để tất cả đoàn đi theo nhịp quân hành.
5. Khi một con vịt bị đau hay bị bắn trọng thương phải rời khỏi đội hình thì sẽ có hai con vịt đồng hành rời theo để nâng đỡ và bảo vệ. Hai con đó ở bên cạnh con vịt yếu kém cho đến khi tự bay đuợc hoăc bị rớt chết thì chúng mới bỏ bay theo đoàn vịt khác.
Chúng ta hãy suy gẫm tới tình đồng loại và những quy luật của đàn vịt trời mà đối xử với nhau trong cùng một cộng đồng hay đoàn thể.
(Trích trong Chicken Soup for the Soul)
TIẾNG VANG
Hai cha con nọ đang đi men theo triền núi. Bỗng người con trai nhỏ trượt chân và ngã, em la lớn lên “Ối chao!”. Em lấy làm ngạc nhiên khi thấy ở miền núi xa có tiếng ai nhái lại “Ối chao!”.
Em tò mò la lên “Ngươi là ai?” thì em nhận lại tiếng nhái lại “Ngươi là ai?” Tức giận quá, em quát lên: “Quân đốn mạt!” thì em lại nghe tiếng nhái lại: “Quân đốn mạt!”.
Em nhìn người cha và hỏi “Thế là thế nào hở cha?”
Người cha mỉm cười và nói: “Này con hãy xem đây”.
Nói rồi, ông nói lớn lên: “Anh hay quá!” thì nghe tiếng trả lời “Anh hay quá!”. Rồi ông lại la lên: “Anh tuyệt vời quá!” thì cũng nghe tiếng trả lời “Anh tuyệt vời quá! ”
Người con ngạc nhiên nhưng cũng vẫn chưa hiểu. Người cha ôn tồn giảng : “Đó là tiếng vang con ạ! Khi có những khoảng trống rộng rãi như ta có trước mặt đây thì các tiếng động lớn hay tiếng nói lớn nó sẽ dội lại như vậy.
Con nói những lời tức giận thì nó sẽ dội lại những lời tức giận, cha nói những lời đẹp đẽ thì nó sẽ dội lại những lời đẹp đẽ!
Ở đời cũng vậy! đời là sự dội lại của các hành động của ta. Khi tâm ta có lòng từ bi thì chúng ta sẽ nhận lại sự yêu thương. Khi ta hành động những điều xấu thì nỗi bất hạnh sẽ lại xảy đến cho chúng ta.”
ÔNG ẤY CẦN TÔI
Cô y tá nọ hướng dẫn một chàng thanh niên với vẻ mặt hốt hoảng âu sầu tới bên giường bệnh của ông già.
Cô nói : ”Ông ơi! Con trai ông đã tới đây này!”
Cô phải nhắc lại nhiều bận thì ông già bệnh nhân mới mở mắt ra nhìn. Ông bị ảnh hưởng thuốc mê và cơn đau nên chỉ nhìn thấy lờ mờ người thanh niên đứng bên bình dưỡng khí ở đầu giường. Ông giơ tay quờ quạng nắm lấy bàn tay người thanh niên, siết chặt, không rời tay ra như cần một sự an ủi.
Cô y tá lăng xăng mang một chiếc ghế lại gần giường bệnh cho người thanh niên ngồi. Rồi suốt đêm đó, người thanh niên ngồi giữ bàn tay ông già và nói những lời an ủi đầy hứa hẹn. Người bệnh già thì chẳng nói được câu gì, chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay người thanh niên.
Sáng ngày ra, người bệnh thở hắt ra và chết. Người thanh niên bùi ngùi đặt cái bàn tay bất động nọ xuống bên giường và đi báo tin cho cô y tá.
Trong khi cô ý tá làm thủ tục giấy tờ, người thanh niên tần ngần đứng bên cạnh. Khi cô làm xong thủ tục, cô ngỏ lời chia buồn với chàng thanh niên thì chàng này hỏi cô rằng: ”Ông ấy là ai vậy? tên là gì?”
Cô y tá ngạc nhiên: ”Tôi tưởng ông ta là cha anh?” Chàng thanh niên trả lời: ”Không, ông ta không phải là cha tôi, tôi chưa hề gặp ông ta bao giờ, tôi vào thăm người bạn có lẽ cùng họ, nên cô dẫn tôi nhầm tới đây.”
Cô y tá kêu lên: “Ổ, thế sao anh không cho tôi biết khi tôi dẫn anh tới đây!”
Chàng thanh niên nọ chậm rãi: “Khi tôi được biết ông ta bệnh nặng khó qua khỏi mà ông ta lại đang mong mỏi sự có mặt người con trai chưa tới được. Ông ta đã yếu quá, cũng không nhận ra được ai cả, tôi cảm thấy ông ta rất cần tôi nên tôi ở lại cũng có sao đâu!”
Lời bàn: Thật là một tấm lòng quảng đại.
HAI CÁCH DIỄN GIẢI
Ngày xưa, có vị Hoàng đế của một xứ Ả Rập nọ triệu một nhà tiên tri tới để hỏi ông sẽ sống được bao nhiêu năm.
Nhà tiên tri nói : “Bệ hạ sẽ sống lâu, sống lâu tới cỡ Ngài sẽ chứng kiến được các cái chết của các con Ngài“.
Ông Hoàng tức giận vì lời nói xúc phạm, ra lệnh cho quân sĩ mang ra chém đầu.
Ông liền triệu một nhà tiên tri khác và cũng hỏi câu hỏi về tuổi thọ đó của ông. Nhà tiên tri này trả lời như sau: “Thưa Bệ Hạ, Ngài sẽ sống lâu, Ngài sẽ sống thọ hơn tất cả mọi người trong gia đình Ngài.
Ông Hoàng hoan hỷ và tặng rất nhiều tiền cho nhà tiên tri.
Hai nhà tiên tri đều nói lên sự thật nhưng một lời nói thì bộc trực và một lời nói thì uyển chuyển hơn.
° ° °
Lời bàn: Cùng một sự thật nhưng cách diễn giảng và cách dùng từ ngữ khôn khéo thì dễ lọt tai hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét