Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Thời đại Biến đổi Xã hội (Kỳ cuối)

Thời đại Biến đổi Xã hội (Kỳ cuối)


Trường học như Trung tâm của Xã hội
Tri thức đã trở thành nguồn lực cốt yếu, đối với sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh kinh tế của một quốc gia. Và tri thức này có thể thu được chỉ thông qua giáo dục ở nhà trường. Nó không bị cột vào bất cứ nước nào. Nó dễ mang đi. Nó có thể được tạo ra ở mọi nơi một cách nhanh chóng và rẻ. Cuối cùng, theo định nghĩa nó thay đổi. Tri thức với tư cách là nguồn lực cốt yếu là khác một cách căn bản với các nguồn lực cốt yếu truyền thống của nhà kinh tế học – đất đai, lao động, và ngay cả vốn.
 
Việc tri thức đã trở thành nguồn lực then chốt có nghĩa rằng có một nền kinh tế thế giới, và nền kinh tế thế giới hơn là nền kinh tế quốc gia nắm quyền kiểm soát. Mỗi nước, mỗi ngành, và mỗi doanh nghiệp sẽ ở trong một môi trường ngày càng cạnh tranh. Mỗi nước, mỗi ngành, và mỗi doanh nghiệp trong các quyết định của mình sẽ phải xem xét vị trí cạnh tranh của mình trong nền kinh tế thế giới và tính cạnh tranh của những năng lực tri thức của mình.
 
Chính trị và các chính sách vẫn tập trung vào các vấn đề nội địa ở mọi nước. Ít có chính trị gia, nhà báo, hay công chức nào, nếu có, lại nhìn quá đường biên giới riêng của nước họ khi thảo luận một biện pháp mới như thuế, quy chế kinh doanh, hay chi tiêu xã hội. Ngay cả ở Đức – một nước lớn, có ý thức xuất khẩu và phụ thuộc vào xuất khẩu nhất của Châu Âu – điều này cũng đúng. Năm 1990 hầu như chẳng có ai ở bên Tây (Đức) đã hỏi, chi tiêu không bị kiểm soát của chính phủ ở bên Đông (Đức) sẽ gây ra cái gì cho tính cạnh tranh của nước Đức.
 
Điều này sẽ không còn được nữa. Mỗi nước và mỗi ngành sẽ phải học để biết rằng câu hỏi đầu tiên không phải là, Biện pháp này có đáng mong mỏi không? Mà là, Cái gì sẽ tác động đến vị trí cạnh tranh của đất nước, hay của ngành trong nền kinh tế thế giới? Chúng ta cần phát triển trong chính trị cái gì đó giống như tuyên bố tác động-môi trường, cái mà hiện nay ở Hoa Kỳ được đòi hỏi đối với bất cứ hành động nào của chính quyền ảnh hưởng đến chất lượng môi trường: chúng ta cần một tuyên bố tác động-cạnh tranh. Tác động đến vị trí cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới không nhất thiết là yếu tố chính trong một quyết định. Nhưng việc ra một quyết định mà không xem xét đến nó đã trở thành vô trách nhiệm.
 
Nhìn chung, sự thực rằng tri thức đã trở thành nguồn lực then chốt có nghĩa rằng vị trí của một nước trong nền kinh tế thế giới sẽ ngày càng quyết định sự thịnh vượng trong nước của nó. Từ 1950 khả năng của một nước để cải thiện vị trí của mình trong nền kinh tế thế giới đã trở thành yếu tố quyết định chính và có lẽ yếu tố duy nhất của thành tích trong nền kinh tế nội địa. Các chính sách tiền tệ và tài chính đã hầu như không liên quan, dù tốt xấu thế nào, và thường là xấu (với một ngoại lệ duy nhất về các chính sách của chính phủ gây ra lạm phát, làm xói mòn rất nhanh cả vị trí cạnh tranh của đất nước trong nền kinh tế thế giới lẫn sự ổn định nội địa và khả năng tăng trưởng của nó).
 
 Địa vị đứng đầu của công việc đối ngoại là một châm ngôn chính trị cổ truy nguyên trong chính trị châu Âu đến thế kỷ mười bảy. Từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai nó cũng được chấp nhận trong hoạt động chính trị Mỹ - tuy chỉ một cách miễn cưỡng như vậy, và chỉ trong các tình trạng khẩn cấp. Nó đã luôn luôn có nghĩa rằng an ninh quân sự được ưu tiên so với các chính sách trong nước, và chắc là nó vẫn sẽ tiếp tục có ý nghĩa thế, dù có Chiến tranh Lạnh hay không có Chiến tranh Lạnh. Nhưng địa vị đứng đầu của công việc đối ngoại bây giờ có được một chiều kích khác. Đấy là, vị trí cạnh tranh của một nước – và cả của một ngành và một tổ chức- trong nền kinh tế thế giới phải là cân nhắc đầu tiên trong các chính sách và chiến lược nội địa của nó. Điều này đúng với một nước chỉ dính líu không đáng kể đến nền kinh tế thế giới (nếu vẫn còn có nước như vậy), và đúng với một doanh nghiệp chỉ dính líu không đáng kể đến nền kinh tế thế giới, và đúng với một đại học tự coi mình là hoàn toàn nội địa. Tri thức không biết biên giới nào. Không có tri thức nội địa và tri thức quốc tế. Chỉ có tri thức. Và với tri thức trở thành nguồn lực cốt yếu, chỉ có một nền kinh tế thế giới, cho dù trong các hoạt động hàng ngày của mình tổ chức riêng lẻ hoạt động bên trong khung cảnh quốc gia, khu vực, hay thậm chí địa phương.
 
 
Các nhiệm vụ xã hội ngày càng được các tổ chức riêng biệt thực hiện, mỗi tổ chức được tạo ra cho một, và chỉ một nhiệm vụ xã hội, bất luận là giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hay quét dọn đường phố. Xã hội, vì thế, mau chóng trở thành đa nguyên. Thế mà các lí thuyết xã hội và chính trị của chúng ta vẫn giả thiết rằng không có các trung tâm quyền lực nào trừ chính phủ. Để phá hủy hay chí ít để cho tất cả các trung tâm quyền lực khác bất lực, thực ra, đã là sự thúc đẩy của lịch sử phương Tây và của chính trị phương Tây suốt 500 năm, từ thế kỷ thứ mười bốn trở đi. Nỗ lực này đã lên đỉnh điểm ở các thế kỷ mười tám và mười chín, khi, trừ ở Hoa Kỳ, các định chế ban đầu vẫn còn sống sót – chẳng hạn, các đại học và các nhà thờ - đã trở thành các cơ quan của nhà nước, với các quan chức của chúng trở thành công chức. Nhưng rồi, bắt đầu vào giữa thế kỷ mười chín, các trung tâm mới nổi lên – loại đầu tiên, doanh nghiệp kinh doanh hiện đại, khoảng năm 1870. Và kể từ đó tổ chức mới này sinh ra sau tổ chức kia.
 
Các định chế mới – nghiệp đoàn lao động, bệnh viện hiện đại, siêu nhà thờ (mega church), đại học nghiên cứu – của xã hội của các tổ chức không có quan tâm nào đến quyền lực công. Chúng không muốn trở thành chính phủ. Nhưng chúng đòi hỏi – và, quả thực cần – sự tự trị đối với hoạt động của chúng. Ngay cả vào lúc cực đoan của chủ nghĩa Stalin các nhà quản lý của các doanh nghiệp công nghiệp chủ yếu nhìn chung vẫn đã là các ông chủ bên trong doanh nghiệp của họ, và ngành riêng lẻ phần lớn vẫn tự trị. Đại học, phòng thí nghiệm, và quân đội cũng vậy.
 
Trong “chủ nghĩa đa nguyên” của ngày hôm qua – trong các xã hội nơi sự kiểm soát được các định chế khác nhau chia sẻ, như Châu Âu phong kiến trong Thời Trung cổ và Nhật Bản thời Edo trong các thế kỷ mười bảy và mười tám – các tổ chức đa nguyên đã cố kiểm soát bất cứ thứ gì xảy ra trong cộng đồng của họ. Ít nhất, chúng đã cố ngăn cản bất cứ tổ chức nào khác khỏi việc chiếm kiểm soát bất cứ mối quan tâm cộng đồng nào hay định chế cộng đồng nào bên trong phạm vi của chúng. Nhưng trong xã hội của các tổ chức, mỗi định chế mới chỉ quan tâm đến mục đích và sứ mệnh riêng của nó. Nó không đòi quyền lực trên bất cứ thứ gì khác. Nhưng nó cũng không gánh vác trách nhiệm đối với bất cứ gì khác. Thế thì, ai sẽ lo cho lợi ích chung?
 
Đây đã luôn luôn là vấn đề trung tâm của chủ nghĩa đa nguyên. Không chủ nghĩa đa nguyên trước đây nào đã giải quyết được nó. Vấn đề vẫn còn đó, nhưng trong một cái vỏ khác. Cho đến nay nó được xem như áp đặt những giới hạn lên các tổ chức xã hội – cấm chúng làm những thứ xâm phạm đến lĩnh vực công hay vi phạm chính sách công trong theo đuổi sứ mệnh, chức năng, và lợi ích của chúng. Các luật chống phân biệt – chủng tộc, giới tính, tuổi tác, trình độ giáo dục, tình trạng sức khỏe, và v.v. – tăng lên nhanh chóng ở Hoa Kỳ trong bốn mươi năm qua, tất cả đều cấm hành vi không đáng mong muốn về mặt xã hội. Nhưng chúng ta ngày càng nêu vấn đề về trách nhiệm xã hội của các định chế xã hội: Các định chế phải làm cái gì – ngoài việc hoàn thành các chức năng riêng của chúng – để thúc đẩy lợi ích chung? Mặc dù điều này, tuy có vẻ chẳng ai nhận ra, là một đòi hỏi quay lại chủ nghĩa đa nguyên cổ, chủ nghĩa đa nguyên phong kiến. Nó là một đòi hỏi rằng cá nhân đảm đương quyền lực công.
 
Điều này có thể đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức mới, như thí dụ của các trường học ở Hoa Kỳ cho thấy rất rõ. Một trong những lý do chính của sự sa sút đều đặn về năng lực của các trường để hoàn thành công việc của chúng – tức là, dạy trẻ em những kỹ năng tri thức – chắc chắn là, từ các năm 1950 Hoa Kỳ đã ngày càng biến các trường học thành những vật mang đủ loại chính sách xã hội: bài trừ phân biệt chủng tộc, bài trừ phân biệt đối với tất cả các loại thiểu số khác, kể cả người tàn tật, và v.v. Liệu chúng ta có thực sự đạt tiến bộ nào trong làm dịu bớt các căn bệnh xã hội hay không là rất đáng bàn cãi; cho đến nay các trường học đã không tỏ ra là hữu hiệu một cách đặc biệt với tư cách là các công cụ cho cải cách xã hội. Nhưng biến trường học thành cơ quan của các chính sách xã hội, không còn nghi ngờ gì nữa, đã làm suy yếu nghiêm trọng năng lực của nó để hoàn thành công việc riêng của nó.
 
Chủ nghĩa đa nguyên mới có một vấn đề mới: làm thế nào để duy trì năng lực thành tích của các định chế mới và vẫn duy trì được sự cố kết xã hội. Điều này làm cho sự nổi lên của một khu vực xã hội mạnh và hoạt động là quan trọng gấp đôi. Nó là một lý do thêm vì sao khu vực xã hội sẽ ngày càng trở nên cốt yếu đối với thành tích, nếu không phải đối với sự cố kết, của xã hội tri thức.
 
Trong số các tổ chức mới được xem xét ở đây, loại đầu tiên nổi lên 120 năm trước đây, đã là doanh nghiệp kinh doanh. Vì thế, đã rất tự nhiên rằng vấn đề của xã hội đang nổi lên của các tổ chức trước tiên đã được xem như mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Cũng đã tự nhiên rằng những lợi ích mới trước tiên được coi là các lợi ích kinh tế. 
 
Nỗ lực đầu tiên để đối mặt với hoạt động chính trị của xã hội đang nổi lên của các tổ chức đã nhắm, vì thế, vào việc làm cho các lợi ích kinh tế phục vụ quá trình chính trị. Người đầu tiên theo đuổi mục tiêu này là một người Mỹ, Mark Hanna, người khôi phục lại Đảng Cộng hòa vào các năm 1890, và về nhiều mặt, là cha đẻ của chính trị Mỹ thế kỷ hai mươi. Định nghĩa về chính trị của ông như một sự bất cân bằng giữa các lợi ích kinh tế chính – nông dân, kinh doanh, và lao động – vẫn là nền tảng của hoạt động chính trị Mỹ cho đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Thực ra, Franklin D. Roosevelt đã phục hồi Đảng Dân chủ bằng diễn đạt lại Hanna. Và lập trường chính trị cơ bản của triết lý này là hiển nhiên trong nhan đề của cuốn sách chính trị có ảnh hưởng nhất được viết trong các năm Chính sách Kinh tế Xã hội Mới [New Deal] của Harold D. Lasswell –Chính trị: Ai được Gì, Khi nào, Bằng cách nào - Politics: Who Gets What, When, How (1936).
 
Năm 1896 Mark Hanna đã biết rất kỹ rằng có nhiều mối lo khác hơn là các mối lo kinh tế. Thế nhưng đã hiển nhiên đối với ông – và đối với Roosevelt bốn mươi năm sau – rằng các lợi ích kinh tế phải được dùng để tích hợp tất cả các lợi ích khác. Đây vẫn là giả thiết cơ bản của hầu hết các phân tích về chính trị Mỹ - và, quả thực, về chính trị ở tất cả các nước phát triển. Nhưng giả thiết không còn có thể giữ vững được nữa. Cơ sở cho công thức của Hana về các lợi ích kinh tế là cách nhìn về đất đai, lao động, và vốn với tư cách các nguồn lực hiện tồn. Nhưng tri thức, nguồn lực mới cho thành tích kinh tế, bản thân nó không mang tính kinh tế.
 
Nó không thể được mua hay bán. Những thành quả của tri thức, như thu nhập của một bằng sáng chế, có thể mua hay bán được; tri thức đã đi vào bằng sáng chế không thể được chuyển với bất cứ giá nào. Một cá nhân bị đau đớn có sẵn sàng trả cho nhà phẫu thuật thần kinh bất kể bao nhiêu, nhà phẫu thuật thần kinh không thể bán cho anh ta – và chắc chắn không thể chuyển cho anh ta – tri thức tạo nền tảng cho thành tích và thu nhập của nhà phẫu thuật thần kinh. Việc kiếm được tri thức có một chi phí, như sự kiếm được bất cứ thứ gì đều có. Nhưng việc kiếm được tri thức không có giá nào.
 
Vì thế các lợi ích kinh tế không còn có thể tính hợp tất cả những mối quan tâm và lợi ích khác được nữa. Ngay khi tri thức trở thành nguồn lực kinh tế cốt yếu, sự tích hợp [hội nhập] các lợi ích – và với nó là sự hội nhập của chủ nghĩa đa nguyên của một chính thể hiện đại – bắt đầu mất. Các lợi ích phi kinh tế ngày càng trở thành chủ nghĩa đa nguyên mới – các lợi ích đặc biệt, các tổ chức có mục tiêu duy nhất, và v.v. Chính trị ngày càng không phải là về “ai được cái gì, khi nào, bằng cách nào” mà là về các giá trị, mỗi giá trị được coi là một cái tuyệt đối. Chính trị là về quyền được sống của phôi thai trong tử cung như đối lại quyền của một phụ nữ để kiểm soát thân thể của chính mình và phá một bào thai. Nó là về môi trường. Nó là về giành được sự bình đẳng cho các nhóm được cho là bị áp bức và bị phân biệt đối xử. Chẳng cái nào trong số vấn đề này là có tính kinh tế. Tất cả về cơ bản là đạo đức. Các lợi ích kinh tế có thể được thỏa hiệp, đấy là sức mạnh to lớn của việc đặt cơ sở cho chính trị trên các lợi ích kinh tế. “Nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì” là một câu ngạn ngữ có nghĩa. Nhưng nửa một đứa bé sơ sinh, trong câu chuyện kinh thánh về sự phán quyết của Solomon,[1] không là nửa đứa trẻ. Không thể có sự thỏa hiệp nào. Đối với một nhà môi trường, nửa loài bị nguy hiểm là một loài tuyệt chủng.
 
Điều này làm trầm trọng khủng hoảng của chính phủ hiện đại rất nhiều. Các báo và các nhà bình luận vẫn hay tường thuật dưới dạng kinh tế cái xảy ra ở Washington, London, Bonn, hay ở Tokyo. Nhưng ngày càng nhiều người vận động hành lang, những người xác định các luật của chính phủ và các hành động của chính phủ, không còn là các nhà lobby cho các lợi ích kinh tế nữa. Họ lobby ủng hộ và chống các biện pháp mà họ - và các ông chủ của họ - coi là đạo đức, tinh thần, văn hóa. Và mỗi trong các mối quan tâm đạo đức mới này, mỗi cái được một tổ chức mới đại diện, được cho là tuyệt đối. Chia ổ bánh mì của họ không phải là sự thỏa hiệp; mà là sự phản bội.
 
Như thế trong xã hội của các tổ chức không có một lực tích hợp nào kéo các tổ chức riêng lẻ trong xã hội và cộng đồng vào liên minh. Các bên truyền thống – có lẽ là những sáng tạo chính trị thành công nhất của thế kỷ mười chín – không còn có thể tích hợp các nhóm phân kỳ và các quan điểm phân kỳ vào một sự theo đuổi chung của quyền lực. Đúng hơn, chúng đã trở thành chiến trường giữa các nhóm, mỗi trong số chúng đấu tranh cho chiến thắng tuyệt đối và không thỏa mãn với bất cứ thứ gì trừ sự đầu hàng hoàn toàn của kẻ thù.
 
 
Thế kỷ hai mươi mốt sẽ chắc chắn là một thế kỷ của sự tiếp tục rối loạn và thách thức xã hội, kinh tế và chính trị, ít nhất là trong các thập niên đầu. Cái tôi đã gọi là thời đại biến đổi xã hội vẫn chưa qua. Và những thách thức hiện ra lờ mờ ở đằng trước có thể nghiêm trọng hơn và đe dọa hơn những cái do những biến đổi xã hội đã xảy ra rồi, những biến đổi xã hội của thế kỷ hai mươi, đặt ra.
 
Tuy vậy, chúng ta thậm chí sẽ chẳng có một cơ hội để giải quyết các vấn đề mới hiện ra lờ mờ này của ngày mai, trừ phi đầu tiên chúng ta đề cập đến những thách thức do những diễn biến đã trở thành sự thực đã rồi, những diễn biến được tường thuật ở các mục trước của tiểu luận này, đặt ra. Đấy là những nhiệm vụ ưu tiên. Vì chỉ nếu chúng được giải quyết, thì chúng ta ở các nước thị trường-tự do đã phát triển mới có thể hy vọng có sự cố kết xã hội, sức mạnh kinh tế, và năng lực chính phủ cần thiết để giải quyết các thách thức mới. Thứ tự đầu tiên của công việc – đối với các nhà xã hội học, các nhà khoa học chính trị, và các nhà kinh tế; đối với các nhà giáo dục; đối với các nhà điều hành doanh nghiệp, các chính trị gia, và các lãnh đạo nhóm-phi lợi nhuận; đối với những người trong tất cả các lĩnh vực đời sống, như cha mẹ, những người làm công, các công dân – là làm việc trên những nhiệm vụ ưu tiên này, vì ít trong số đó cho đến nay có một tiền lệ, nói chi đến các giải pháp được thử thách.
 
·         Chúng ta sẽ phải nghĩ thấu đáo về giáo dục – mục đích của nó, các giá trị của nó, nội dung của nó. Chúng ta sẽ phải học để xác định chất lượng giáo dục và năng suất giáo dục, để đo lường cả hai và quản lý cả hai. 
·         Chúng ta cần công việc có hệ thống về chất lượng tri thức và năng suất tri thức – cả hai cho đến nay thậm chí còn chưa được định nghĩa. Năng lực hoạt động [performance capacity-để đạt thành tích], nếu không phải là sự sống sót, của bất cứ tổ chức nào trong xã hội tri thức sẽ ngày càng phụ thuộc vào hai yếu tố đó. Nhưng năng lực hoạt động, nếu không phải sự sống sót, của bất cứ cá nhân nào trong xã hội tri thức cũng thế. Và tri thức có trách nhiệm xã hội gì? Trách nhiệm của người lao động tri thức, và đặc biệt của một người có tri thức được chuyên môn hóa cao độ, là những gì?
·         Chính sách của bất cứ nước nào – và đặc biệt của bất cứ nước phát triển nào, sẽ ngày càng phải ban địa vị thứ nhất cho vị trí cạnh tranh của đất nước trong nền kinh tế thế giới ngày càng cạnh tranh. Bất cứ chính sách nội địa được đề xuất nào cần phải được hình thành để cải thiện vị trí đó, hay ít nhất để tối thiểu hóa những tác động xấu lên vị trí đó. Cũng đúng thế đối với các chính sách và chiến lược của bất cứ định chế nào bên trong quốc gia, bất luận là chính quyền địa phương, một doanh nghiệp, một đại học, hay một bệnh viện.
·         Nhưng rồi chúng ta cũng cần phát triển một lí thuyết kinh tế phù hợp với một nền kinh tế thế giới trong đó tri thức đã trở thành nguồn lực kinh tế cốt yếu và nguồn lực chi phối, nếu không phải là duy nhất, của lợi thế so sánh.
·         Chúng ta đang bắt đầu hiểu cơ chế tích hợp mới: tổ chức. Nhưng chúng ta vẫn phải suy nghĩ thấu đáo làm thế nào để cân bằng hai đòi hỏi hình như mâu thuẫn nhau. Các tổ chức phải thực hiện thành thạo một chức năng xã hội mà vì nó chúng tồn tại – trường học dạy, bệnh viện chữa trị bệnh nhân, và doanh nghiệp tạo ra hàng hóa, dịch vụ, hay vốn để dự phòng cho các rủi ro của tương lai. Chúng có thể làm vậy chỉ nếu chúng tập trung một cách chuyên tâm vào sứ mệnh riêng của chúng. Nhưng cũng có nhu cầu của xã hội đối với các tổ chức này để đảm nhận trách nhiệm xã hội – để làm việc trên những vấn đề và thách thức của cộng đồng. Cùng nhau các tổ chức này là cộng đồng. Sự nổi lên của một khu vực xã hội mạnh, độc lập, có năng lực – chẳng phải khu vực công cũng không phải khu vực tư nhân – như thế là một nhu cầu chính của xã hội của các tổ chức. Nhưng tự nó là không đủ - các tổ chức của cả khu vực công và khu vực tư nhân phải chia sẻ công việc.
·         Chức năng của chính phủ và sự hoạt động của nó phải là trung tâm đối với tư duy chính trị và hoạt động chính trị. Siêu nhà nước mà thế kỷ này theo đuổi đã không hoạt động, cả trong phiên bản toàn trị lẫn dân chủ của nó. Nó đã không làm được một hứa hẹn duy nhất nào trong số những hứa hẹn của nó. Và chính phủ phù hợp với các nhà lobby đối trọng cũng không đặc biệt hữu hiệu – thực ra, là tê liệt – cũng chẳng đặc biệt hấp dẫn. Thế mà chính phủ hữu hiệu đã chẳng bao giờ cần hơn trong thế giới rất cạnh tranh và thay đổi nhanh này của chúng ta, trong đó những hiểm nguy do ô nhiễm môi trường vật lý gây ra được sánh chỉ với những hiểm họa của sự ô nhiễm vũ trang toàn cầu. Và chúng ta thậm chí chưa có những sự bắt đầu của lí thuyết chính trị hay của các định chế chính trị cần thiết cho chính phủ hữu hiệu trong xã hội của các tổ chức dựa trên tri thức.
 
Nếu thế kỷ hai mươi đã là một thế kỷ của những biến đổi xã hội, thì thế kỷ hai mươi mốt phải là thế kỷ của những đổi mới xã hội và chính trị, mà bản chất của chúng không thể rõ đến vậy đối với chúng ta bây giờ như sự cần thiết của chúng.
 
Nguyễn Quang A dịch
Nguồn: The Atlantic Monthly; November, 1994; The Age of Social Transformation; Volume 274, No. 5; pages 53-80.
The Age of Social Transformation - 94.11
http://www.theatlantic.com/politics/ecbig/soctrans.htm (30 of 30)
 


[1] Chuyện kể rằng có 2 bà mẹ sinh 2 đứa bé. Mẹ của một đứa lúc ngủ do sơ suất đã làm ngạt chết đứa con của mình. Do đau khổ và ghen tức bà này mang đứa con chết đổi lấy đứa kia. Hai bà tranh nhau và vụ việc được đưa ra cho Vua Solomon xử. Vua phán mang gươm ra và chia đôi đứa trẻ còn sống cho mỗi người lấy một nửa. Bà mẹ thật khiếp đảm kêu: “thôi để cho bà ấy cả đứa bé tội nghiệp”. Bà kia nhất quyết đòi chia. Qua đó Vua Salomon biết ai là mẹ đẻ, và xử trả lại đứa bé cho bà ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét