Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Tinh vi tiền giả

Tinh vi tiền giả

Ngọc Linh
Mượn tờ 100 đô treo trên vách của một cơ sở thương mại ở Arlington xuống xem. Tôi cứ nghĩ tiền thật nếu người chủ không báo trước đó là tờ tiền giả. Nhìn bằng mắt thường không thấy có gì khác biệt so với tiền thật. Khi đưa lên soi qua ánh sáng, cũng không thấy lạ nốt. Nhưng nhìn bên trái tờ tiền thấy đường chỉ lu mờ. Tiền giả gần như hoàn hảo vì thế có vài cơ sở làm ăn ở Dallas-Fort Worth vẫn thường bị “dính” chiêu của bọn xài tiền giả.


alt

Khó mà ước lượng số tiền đô giả lưu thông trong nội địa cũng như trên thế giới. Người ta chỉ dựa vào những vụ phá án in tiền giả để suy đoán số lượng tiền giả đang trộn lẫn trong dòng chảy của đồng tiền thật. Theo một bài viết của Interpol Bank, cứ một trăm ngàn tờ tiền lưu hành có một tờ giả. Tiền có mệnh giá lớn như 100 hay 50 đô, giả là chuyện dễ hiểu. Tuy thế ít bị phát hiện nhất là những tờ mệnh giá nhỏ. Vậy làm sao để loại những tờ bạc giả này? Kho bạc quốc gia thường xuyên sử dụng những máy scan tiền để loại bỏ tiền giả ra khỏi hệ thống lưu hành. Theo tờ Wired Magazine: “Trong số 24.5 triệu đô la tiền giả được scan vào năm 2010, một nửa là những tờ 1 đô. Chúng tồn tại gần hai năm trong hệ thống lưu hành, và có thể đã được scan chừng 4-5 lần một năm. Một tờ 100 đô được scan khoảng 4 đến 5 năm một lần, do dân chúng thường giữ chúng lại lâu hơn”.


alt

Chà xát bề mặt để cảm nhận độ mỏng

Có khi nào bạn rơi vào trường hợp khó xử khi người bán hàng cầm tiền bạn vừa mới đưa, bảo là giả. Và có khó chịu khi người ta lấy bút thử kiểm tra tiền bạn đưa trong khi họ thối lại cho một nắm mà bạn không cần kiểm tra lại tiền của họ. Cũng có thể tiền giả lẫn trong đó mà ta không biết. Tôi gặp trường hợp này một lần bằng tiền giấy VN, khi bà bán hàng cầm 50,000 đồng tôi đưa rồi nhìn thoáng qua, nói: “Chú ơi, cho tôi đổi tờ khác đi, tiền này là tiền giả”. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên, trong lòng cảm thấy bối rối và lỡ gặp người to mồm lắm chuyện thì rắc rối to. Nhưng lúc đó, tôi lại đáp: “Tôi mới mua đồ, người ta thối lại đấy”. Có thể người bán hàng kia không biết hoặc biết đó là tờ giả nhưng vẫn “bán cái” cho người mua hàng. Tôi nhìn kỹ tờ giấy một hồi mới phát hiện màu sắc xanh đỏ chỗ đậm chỗ nhạt bất bình thường. Thôi rồi, đúng là đồ giả! Tốt nhất tiêu hủy nó đi cho rồi.

alt


Dùng kính lúp xem rõ các đường vân chi tiết

Đó là thời điểm VN mới in tiền polymer do Úc in. Bảo đảm không giả được so với tiền giấy cotton cũ. Nhưng giả vẫn xảy ra đó thôi. Bọn in tiền giả có kỹ thuật in tiền thiện nghệ vẫn theo kịp những “phát minh” của ngành in ấn tiền tệ, bất kể loại tiền nào trên thế giới. Tiền đô Mỹ in năm 1996 khó in giả được do thay đổi công nghệ giấy in, mực đổi màu và những đường vân thiết kế “lắt léo” chồng chéo lên nhau. Do đó, bọn làm tiền giả thường sử dụng tờ tiền cũ (trước 1996) dùng phương thức tẩy màu in trên những tờ 100 và 50 một cách tinh vi. Sờ bằng cảm giác, dùng bút thử khó phân biệt được, chỉ phát hiện bằng cách soi rọi mà đâu phải ai cũng có thời gian đem hai tờ thật-giả ra so sánh đối chiếu. Tờ giả, mặc dù sẽ không có mực đổi màu và trông hơi xám xỉn, nhưng điều đó chẳng thành vấn đề nếu được thực hiện giao dịch ở những nơi tranh tối tranh sáng.

Một người bình thường hoàn toàn có thể cảm nhận được một tờ tiền chỉ bằng tay. Một người tiếp xúc thường xuyên với tiền, như nhân viên kế toán, thu ngân, họ hoàn toàn có thể nhắm mắt và phân biệt giữa một tờ tiền giả và một tờ tiền thật. Cảm nhận đó xuất phát từ ít nhất 3 chi tiết khiến cho tờ tiền thật trở nên độc nhất vô nhị.

Thứ nhất, sự khác biệt nằm ở chất liệu của tờ giấy. Giấy được sử dụng cho việc in tiền được làm từ sợi bông và sợi vải. Vật liệu này sẽ không bị phân hủy trong nước, và bạn sẽ nhận thấy ngay sự khác biệt sau khi cho 2 tờ tiền này vào máy giặt. Thứ hai, tờ tiền thật mỏng hơn tờ tiền giả. Giấy sử dụng để in tiền sẽ bị ép chặt dưới sức ép vài nghìn cân, điều này làm tờ giấy trở nên rất mỏng, đồng thời khiến những tờ tiền mới được in có một độ nhám đặc biệt. Thứ ba, tờ tiền thật luôn có những sợi vân màu đỏ và xanh trộn lẫn vào tờ giấy in tiền. Điều này được tạo ra nhờ một quy trình in đặc biệt, và bạn có thể dễ dàng nhận ra chúng trên một tờ 20 đô thật - thứ mà một tờ 20 đô giả sẽ không bao giờ làm được. Nhưng dù cho bạn có kiếm được cho mình nguyên liệu giấy làm từ sợi bông và vải, tờ tiền của bạn cũng sẽ có một vài điểm khác biệt so với tờ tiền thật mà chỉ có nhà máy in tiền của chính phủ mới tạo ra được một quy trình sản xuất giấy in tiền vô cùng phức tạp, chồng lên nhiều lần.


alt


Xem kỹ độ nét của biểu tượng kho bạc, con dấu phát hành và các dòng chữ in trên tiền

Hãy xem Scott Nelson, tên tội phạm khét tiếng từng thành công trong việc in ra hàng trăm nghìn đô la tiền giả đã làm thế nào: “Tôi lấy những tờ 1 đô và 5 đô, sử dụng loại băng dính đặc biệt để lấy ra những chi tiết đặc biệt, ví dụ như biểu tượng của kho bạc Hoa Kỳ, con dấu phát hành của Liên bang, hay dòng chữ “This note is legal tender”... Sau đó, tôi ngâm những tờ tiền này vào chất tẩy trắng, và sử dụng bản kẽm được thiết kế sẵn để in ra những tờ 50 và 100 đô trên chính những tờ 1 đô và 5 đô đó. Sau đó, Tôi dùng những tờ 100 đô và 50 đô phiên bản cũ - phiên bản trước năm 1996, khi những con dấu chìm và thứ mực đổi màu chưa ra đời. Điều đó giúp tôi có thể đánh lừa nhiều người - nhân viên thu ngân địa phương, những tay bán hàng nhỏ lẻ”. Cần biết rằng, ba chi tiết không-thể-làm-giả được nhắc đến ở phía trên chỉ có trên những tờ đô la được sản xuất từ sau năm 1996. Do đó, những tờ tiền cũ sẽ dễ làm giả hơn rất nhiều. Bằng mánh khóe này, Nelson có thể dễ dàng cho nhiều người ăn trọn quả lừa, những người dễ dàng chấp nhận những tờ tiền cũ. Phối hợp nhiều thủ đoạn với nhau, Nelson không những đã tạo ra, mà còn sử dụng được một khoản tiền giả lớn nhất từng được ghi nhận gần một triệu đô. Một con số đáng nể. 


alt

Những chi tiết nhỏ có môt tỷ lệ nhất định và cân đối


Dù Nelson đã tạo ra những tờ tiền giả với chất lượng đáng kinh ngạc, nhưng chúng vẫn chưa phải là hoàn hảo. Thứ mực được in trên tờ tiền thật sẽ không hoàn toàn được hấp thụ trên tờ giấy in tiền. Điều này càng đúng với mực đen và mực tự đổi màu, tạo nên một cảm giác rất đặc biệt khi bạn chạm lên những dòng chữ. Mực in của một tay sừng sỏ như Nelson cũng sẽ không bao giờ có được đẳng cấp đó. Vì vậy, một cách đơn giản để phát hiện một tờ tiền giả, đó là hãy dùng ngón tay cái chà sát lên bề mặt. Bạn sẽ cảm thấy tờ tiền giả như đang bị mài mòn. Một chi tiết khác, quan trọng hơn, đó là thứ mực được chính phủ sử dụng in tiền luôn có từ tính. Máy bán hàng tự động, đặc biệt nhạy với thứ mực này, nên nó có thể dễ dàng phát hiện ra đâu là một tờ tiền giả. Những chi tiết chính xác về cơ chế hoạt động của những máy quét này, làm cách nào chúng phân biệt được đâu là một tờ tiền thật, đâu là một tờ tiền giả, thuộc nhóm thông tin tối mật. Một máy bán hàng tự động có thể quét qua một tờ tiền và cho biết những thông tin như tỷ lệ kích thước rìa tờ tiền ở hai mặt trước sau, những chi tiết trên bức chân dung, hay cảm nhận loại mực từ tính ở những vị trí riêng biệt trên tờ tiền.

Tuy nhiên rìa tờ tiền không phải lúc nào cũng hoàn toàn có tỷ lệ kích thước giống nhau. Không tin, bạn thử lấy vài tờ tiền trong túi ra xem. Nhưng đấy là lỗi do máy cắt xén làm ra. Một công đoạn thường coi là chuẩn nhưng không chuẩn bao giờ.


alt


Soi qua ánh sáng để thấy mực đổi màu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét