Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

NHU CẦU TINH THẦN VÀ VẬT CHẤT CỦA NGƯỜI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

NHU CẦU TINH THẦN VÀ VẬT CHẤT CỦA NGƯỜI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Câu nói của vị bác sĩ: “Bà bị bệnh tiểu đường”, có 5 chữ thôi, đã thay đổi tất cả! Người bệnh thấy họ bị đưa vào một đời sống khác, một xã hội khác ngay trong môi trường và cuộc sống bình thường nhất của mình. Trong lúc nầy họ không còn thấy mình được sống như xưa bởi vì hiện thời họ bị mang một căn bệnh khó chữa trị. Tiểu đường đúng là một căn bệnh không thể chữa lành/dứt hẳn được, vì thế ta nhìn vào nó với tính cách khẩn trương. Có người sẽ vì buồn rầu lo lắng đã tạo cho mình những hoảng hốt rồi chán nản. Họ trở thành thờ ơ với những gì không nên thờ ơ và rồi dần dần bị đưa vào một tình trạng trầm trọng hơn, khi những biến chứng của căn bệnh nầy lần lượt xuất hiện. Cuối cùng họ phải sống với nó như một bất hạnh vĩnh viễn của cuộc đời.

Tiểu đường tuy là căn bệnh mình phải mang suốt những tháng ngày còn lại của đời mình, nhưng là một căn bệnh có thể dùng THUỐC MEN, THỰC PHẨM  SỰ VẬN ĐỘNG làm 3 yếu tố chính, cho căn bản của một điều hợp những sinh hoạt vật lý và tâm lý trong đời sống hằng ngày của người bệnh, để giúp người bệnh “sống được bình thường” như những người mạnh khỏe khác. Để người mắc chứng bệnh tiểu đường vẫn đi làm việc, vẫn tiếp tục những sinh hoạt thường nhật trước kia, mà không giảm sút tính năng động và ý thích đối với những sinh hoạt đã có của họ.

Tâm lý cho thấy rằng, con người khi đứng trước một thay đổi dù nhỏ hay lớn, đều có phản ứng. Thế nên khó mà đón nhận được một sự thay đổi quá lớn, và do đó chúng ta khó thích nghi. Không ai có thể “điềm tỉnh đón nhận” một căn bệnh. Việc sống “hòa bình” với một căn bệnh đòi hỏi một nỗ lực lớn. Cụ thể ở đây là bệnh tiểu đường, đòi hỏi những thay đổi phải có với chính bản thân mình, để chận đứng không cho căn bệnh phát triển tạo nên những biến chứng trầm trọng. Ngoài nỗ lực của chính người bệnh, cần phải có được những giúp đỡ hổ trợ tinh thần tích cực của gia đình, của người thân.


Khi bị bệnh, người giàu có hay người nghèo khổ cũng phải trải qua cùng một tiến trình bệnh lý. Nếu biết rõ diễn tiến của căn bệnh và thấy được những điều nên làm, phù hợp với hoàn cảnh và môi trường mình đang sinh sống để thích nghi, ta sẽ chận đứng được sự phát triển của căn bệnh, chúng ta sống được với nó dễ dàng hơn. Là người mang bệnh tiểu đường, ta cần phải bình tỉnh tìm hiểu và lắng nghe. Là thân nhân của người mắc bệnh tiểu đường chúng ta cũng cần như thế. Để biết và để dần dần làm quen được với đời sống của một người mang bệnh. Nhờ đó người bệnh ổn định được đời sống của mình. Sự bình tỉnh sẽ làm cho ta, người bệnh và người thân, chấp nhận được bất hạnh nầy, thấy được những việc phải làm để nó không thể tự do thao túng và bành trướng. Khi đã quản thúc được nó, ta sẽ dễ dàng chữa trị, không cho nó có khả năng lan rộng qua những cơ quan khác trong cơ thể chúng ta. Nhất là ăn sâu vào tư tưởng, tạo nên ảnh hưởng tâm thần.
Nhiều người tinh thần và sức khỏe không tuột dốc vì mang một căn bệnh, mà tinh thần trụt nhanh trên con dốc đời vì phải chịu đựng những thiệt thòi khác ngoài căn bệnh vừa mắc phải. Sự lạnh nhạt không quan tâm của người thân, hay những lời nói hàm ẩn sự hất hủi sẽ làm người bệnh thấy mình là một gánh nặng của gia đình. Cái tâm trạng nầy đi đôi với sự bành trướng của căn bệnh sẽ hủy hoại người bệnh rất nhanh chóng. Những gì chúng ta giúp được cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, em, bà con mình hiện đang mang bệnh là sự ân cần và tình thương chân thật đặt vào muỗng cơm viên thuốc và ở nụ cười biết chia sẻ nỗi đau và sự thất vọng của người bệnh trong lúc nầy. Để người bệnh không phải khốn khổ một mình ôm căn bệnh và âm thầm nuốt nước mắt.

Không ai muốn mua lấy cho mình một căn bệnh. Họ bất hạnh hơn người khác khi họ mang phải một căn bệnh vào thân. Phải thấy được nỗi bất hạnh nầy của họ, và thấy được diễm phúc sự lành mạnh của mình, mà chia sẻ mà bồi đắp cái họ đang thiếu thốn. Tình thương và sự cảm thông là sức mạnh tinh thần rất to lớn, nó có thể đem lại cho người thân đang mang bệnh của chúng ta những ngày tháng an vui để họ có đủ nghị lực phấn đấu với căn bệnh của mình.

Sự cảm thông hay lòng muốn chia sẻ không thể chỉ phát biểu bằng lời, mà phải do từ ý thức rõ ràng về căn bệnh người thân mình đang mang. Có biết, có hiểu rõ được nguồn gốc, sự phát triển, mình mới ý thức rõ rệt những việc mình có thể làm, để nhắc nhở, để săn sóc, thì mới hữu hiệu được. Biết được rõ những gì người bệnh phải làm và phải qua, tình thương của mình được bổ túc bằng sự hiểu biết sẽ đem lại niềm vui và lợi ích thực tiễn hơn cho người bệnh.

Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường có tên là Diabetes mellitus. Tiếng Hy Lạp có nghĩa là dòng mật ngọt chảy thoát ra. Ý muốn nói người bị bệnh tiểu đường với một lượng đường huyết cao sẽ làm đường trong máu chảy thông vào nước tiểu mà thất thoát ra ngoài. Nhiều người nói đến việc ăn nhiều đường quá cũng là nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường. Nói thế là sai, bởi vì bệnh tiểu đường có là do di truyền và bệnh phát sinh do từ một số dữ kiện liên hệ nhau được thấy rất rõ. Đường không là một nguồn bệnh độc nhất với tính cách độc lập của nó.
Người bệnh tiểu đường có lượng đường huyết cao hơn người bình thường. Khi chúng ta ăn uống, tinh bột (carbo-hydrate) trong thức ăn được tiêu hóa và đi từ đường ruột vào máu, biến thành glucose (đơn đường) là năng lượng nuôi cơ thể. Insulin là kích thích tố (hormone) tiết ra từ tụy tạng, có tác dụng làm cho đường trong máu đi vào các tế bào là nhiệt lượng nuôi dưỡng và tích trử. Người mắc chứng tiểu đường do vì cơ thể không sản xuất được lượng insulin cần thiết, hoặc vì lượng insulin sản xuất được không có khả năng thực hiện chức năng cần thiết của nó.

Khi cơ thể thiếu insulin, năng lượng cần thiết không được biến chuyển để nuôi các tế bào. Lượng đường trong máu không được hấp thụ biến dưỡng để nuôi cơ thể sẽ theo nước tiểu đào thải ra ngoài cùng với lượng nước và những chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Cơ thể do đó sẽ mất cân bằng làm cho ta có cảm giác suy yếu, mệt mỏi, khát nước, xây xẩm mặt mày.. Rất nguy hiểm cho tình trạng sức khỏe và có thể đưa đến tình trạng tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Khi đường trong máu đào thoát ra ngoài cơ thể qua đường tiểu, là tình trạng hai quả thận không có khả năng giữ được đường trong máu, đường và năng lượng cần thiết đi theo nước tiểu, bị thất thoát.

Có mấy loại tiểu đường?
Có 2 loại chính:
Tiểu Đường Loại 1: Lượng insulin sản xuất từ tụy tạng không đủ, ít hơn 10-20%, so với số lượng cần có. Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân của căn bệnh. Loại nầy được giải thích do ảnh hưởng của gene di truyền.

Tiểu Đường Loại 2: Cơ thể tự sản xuất insulin, nhưng vì một nguyên nhân nào đó lượng insulin nầy không làm được đầy đủ chức năng của nó. Tiểu đường loại 2 xãy ra cho người bị chứng mập phì. Di truyền và dinh dưỡng không lành mạnh là nguyên nhân phát khởi căn bệnh. Hiện tại người ta lo sợ chứng mập phì sẽ là một dịch bệnh lan rộng cho loài người chúng ta sau nầy.

Tiểu Đường Loại 1,5: Những năm sau nầy người ta đã khám phá ra một loại tiểu đường mới, gọi là Tiểu Đường Loại 1,5. Người bệnh loại nầy ở trong 2 tình trạng: một phần thiếu insulin và một phần insulin được sản xuất ra không hoạt động đúng chức năng củanó. Tiểu đường loại nầy thường thấy ở lứa tuổi 40-50, là những người vừa ký hoặc gầy người, vì dinh dưỡng sai và không có đời sống lành mạnh.


Triệu chứng:
Triệu chứng của Tiểu Đường Loại 1: đi tiểu nhiều, thường hay khát nước, đau đầu và buồn nôn nhiều khi bị ói mữa, đau bụng, sút ký, trong người phát hiện những triệu chứng sức khỏe bị giảm sút. Thường hay choáng váng xây xẩm mặt mày. Có khi lại có những triệu chứng giống như người bị cảm cúm. Đôi khi dễ bị mệt và thở dốc. Có người có mùi aceton trong hơi thở, hoặc trong nước tiểu.
Nếu trong gia đình có người bị bệnh tiểu đường, tốt nhất nên đi khám để biết ta có bị bệnh nầy không, khi chúng ta phát hiện những triệu chứng không rõ là gì.


Triệu chứng của Tiểu Đường Loại 2:
Triệu chứng của người mang bệnh tiểu đường loại 2 rất nhiều nhưng bình thường lại khó thấy, vì ta thường nhầm tưởng rằng đó là triệu chứng của người bị ”bệnh già” hoặc đang ở trong tình trạng yếu kém sức khỏe:
· Mệt mỏi
· Khát nước và hay đi tiểu
· Ngứa ngáy ở bộ phận sinh dục vì bị mọc nấm
· Ngứa ngáy ở chân, và vết lở/vết thương khó lành miệng.
· Bị chuột rút ở chân
· Trong ngày nhiều khi mắt cứ bị mờ tỏ thất thường
· Cảm thấy đói bụng ngay sau khi vừa ăn cơm xong
Đường huyết:
Số lượng đường huyết bình quân ở người bình thường là 4,5 – 5,5 mmol/liter (đơn vị đo lường đặc biệt), qua lượng máu được lấy để thử nghiệm ở người lành mạnh bình thường sau khi nhịn đói từ 10 giờ khuya đêm hôm trước cho đến sáng hôm sau (khoảng 10 tiếng). Và sau bữa ăn chính đường huyết của người không mắc chứng tiểu đường cao nhất là 8 mmol/liter. 
Người bệnh tiểu đường thường được thử máu ngắn hạn là kết quả lượng đường huyết trong máu ngay trong thời điểm thử máu của ngày đó, thường được đối chiếu với những tăng giảm trong tuần. Cũng đượcthử máu dài hạn, sau mỗi 3 tháng, để lấy kết quả bình quân của thời gian 2-3 tháng. Mục đích để đo số lượng hồng huyết cầu – hemoglobin, là chất chuyển tải dưỡng khí từ phổi đến các tế bào trong cơ thể. Một phần của hồng huyết cầu bị ”tàn sát” vì ảnh hưởng của lượng đường lên cao trong máu, nên không còn khả năng chuyển vận dưỡng khí. Đường huyết càng cao thì ảnh hưởng của nó gây ra càng nhiều trên số lượng hồng huyết cầu – hemoglobin.

Người ta đo lượng đường huyết bình quân của thời hạn 2-3 thángvừa qua, tên gọi là HbA1c (Hemoglobin A1c).Bình thường kết qủa nầyphải nằm ở dưới số 7,5.
Cho người không bị bệnh tiểu đường thì HbA1c ở dưới 6.

Trường hợp đường huyết trong một thời gian khá dài cứ gia tăng, sẽ nguy hiểm vì những biến chứng gây ra sau đó, như ảnh hưởng vào mắt, sự lưu chuyển của máu, hệ thống dây thần kinh và khá tai hại là tim mạch và hai qủa thận của chúng ta. Nếu kết qủa thử máu cho thấy một đôi lần đường huyết nằm ở số trên 10 mmol/liter thì khả dĩ, nhưng nếu lượng đường huyết ở trên con số nầy và rồi từ từ gia tăng và kéo dài, thì chúng ta phải cố gắng chỉnh đốn cho con số nầy giảm xuống càng gần con số của người không mắc bệnh càng tốt.
Người bệnh tiểu đường thường được kiểm tra như sau:
  • Đo đường huyết
  • Đo huyết áp.
  • Đo cholesterol trong máu. Ăn uống nhiều chất béo sẽ làm máu có nhiều chất béo. Máu sẽ đặc hơn và khó lưu chuyển, tim phải go bóp mạnh để chuyển lượng máu đi. Áp suất lớn, vì máu chảy chậm, tim phải co bóp mạnh là lý do tạo cao huyết áp. Chất béo bám chung quanh tim gây khó khăn cho các hoạt động của tim. Chất béo cũng có tác dụng làm dòn thành mạch máu giảm tính co dãn, và khi áp suất quá lớn sẽ đưa đế sự kiện vỡ mạch máu. Máu đầy đặc chất mỡ tạo hiện tượng nghẽn máu trong tim trong não.
  • Đo hemoglobin
  • Thử nước tiểu chính yếu là để xem năng suất của 2 quả thận có bị ảnh hưởng và ảnh hưởng thế nào. Qua thử nghiệm nầy có thể theo dõi chất lòng trắng trứng có bị đào thoát ra ngoài qua nước tiểu hay không. Nếu có, là triệu chứng 2 qủa thận không giữ được chất đạm để vận chuyển và nuôi dưỡng cơ thể.
  • Nói chuyện với chuyên viên điều dưỡng để được hướng dẫn, kiểm tra và điều chỉnh thức ăn nếu cần. Cách thức ăn uống có phù hợp mới giữ được lượng đường huyết không tăng nhanh và tăng lâu. Thường người bệnh tiểu đường phải ăn một ngày 3 bữa chính và 3 bữa phụ, tránh được việc ăn quá no, đường sẽ lên cao trong máu. Ăn quá no và ăn nhiều chất béo, tinh bột sẽ làm gia tăng đường huyết. Ăn không đúng bữa nghĩa là để đói quá sẽ làm đường huyết giảm xuống rất thấp. Sự tăng giảm của đường huyết bất thường như thế là nguyên nhân gây thiệt hại vì tạo biến chứng cho những cơ quan/bộ phận khác trong cơ thể chúng ta.
  • Khám và săn sóc chân ở chuyên viên trị liệu bảo dưỡng chân. Trường hợp ở người có đường huyết lên cao sau một thời gian khá dài, dây thần kinh và sự vận chuyển của máu sẽ bị ảnh hưởng. Máu giảm chức năng lưu chuyển xuống chân, hệ thần kinh không cho ta có được xúc giác nhạy bén như trước đây, do đó một vết trầy/lỡ/loét dưới chân có thể không được phát giác kịp thời, sẽ bị nhiễm trùng, lan ra và làm độc. Nếu không kiểm tra hằng ngày, vết trầy/lỡ/loét, và việc không được chữa trị kịp thời đối với sự làm độc, sẽ đưa đến sự kiện chỗ bị làm độc lan dần từ ngón chân đến bàn chân rồi cẳng chân. Đến giai đoạn nặng không chữa trị được, sẽ phải cưa bỏ các bộ phận đó đi.
  • Khám mắt tối thiểu mỗi năm một lần, để xem đường huyết đã theo máu lên đến mắt, bám sâu vào phía sau nhãn cầu, ở phần các mạch máu dẫn đến mắt. Người bệnh thường được chụp trung bình 5 bức hình từ 5 góc cạnh khác nhau: trên, dưới, trước, bên phải và bên trái của hai con mắt, để vị bác sĩ nhãn khoa có thể thấy rõ hết mọi nơi trong đôi mắt người bệnh, khi họ tìm vết tích của đường huyết, nếu có. Nhiều người sau một thời gian dài đường huyết lên quá cao, tạo ảnh hưởng nặng ở mắt, đã làm mắt mờ dần và có người mắt lại bị mù.
Thuốc lá và rượu
Thuốc lá đốt cháy dưỡng khí trong máu, làm thành mạch máu teo/co lại và lượng máu chuyển vận qua mạch máu bị khó khăn, tim phải co bóp mạnh để đẩy lượng máu đi, tạo áp suất cao và đưa đến tình trạng cao huyết áp. Thuốc lá nguy hại cho sức khỏe nói chung và cho người bệnh tiểu đường nói riêng. Nó góp phần trong việc nhanh chóng gây hậu quả của những trường hợp nghẽn máu trong não trong tim, và các bệnh về tim.
Rượu có tác dụng ngăn cản việc tạo glucose trong gan và khả năng điều chỉnh đường huyết khi bị xuống quá thấp.Với số lượng nhiều của việc tiêu thụ rượu, sẽ gây nguy hại cho gan và tụy tạng. Người bệnh tiểu đường nghiện rượu cho thấy tụy tạng bị viêm kinh niên.
Sự vận động, thuốc men và thực phẩm:
Từ những hậu chứng đưa đến biến chứng gây nhiều thiệt hại như việc một số người bệnh tiểu đường bị cưa bỏ ngón chân, bàn chân và cẳng chân, bị bệnh tim mạch, bị suy tim, bị yếu thận… còn có một số trường hợp cho thấy, từ một người có 2 quả thận tốt, đi đến tình trạng 2 quả thận bị hủy hoại hoàn toàn, phải lọc máu và nằm trong danh sách chờ thay thận!
Người bệnh tiểu đường nếu không tự mình ”khống chế” được lượng đường huyết sẽ được đưa vào khám ngoại chẩn ở Bệnh viện – Khu Tiểu Đường. Mục đích để được kiểm soát lượng đường huyết không cho tăng quá cao, và để được kiểm tra/hướng dẫn cách thức ăn uống và sự quan trọng của việc vận động.
Vận động là yếu tố cần có để lượng đường huyết không bị gia tăng. Sự vận động cũng quan trọng như thuốc men và thực phẩm. Dùng thuốc uống hay chích insulin mà không vận động, không biết cách thức ăn uống cho đúng cách cũng sẽ làm lượng đường huyết tăng dần theo thời gian. Thấy được tầm quan trọng của sự vận động và cách thức ăn uống trên số lượng thực phẩm mình tiêu dùng hằng ngày sẽ cho ta biết phối hợp 3 yếu tố nầy, căn bệnh tiểu đường của ta coi như được chữa trị đúng cách, lượng thuốc đang dùng sẽ giữ ở mức đó, không gia tăng. Nếu không biết phối hợp thuốc men với thực phẩm và sự vận động, thuốc sẽ phải gia tăng số lượng dần dần để thích hợp với lượng đường huyết mỗi ngày mỗi cao.

Đúc kết:
Khi trong thức ăn có nhiều tinh bột, nhiều chất béo, và song song với việc thiếu vận động sẽ làm cơ thể mập phì và yếu đi, sẽ đưa đến những biến chứng của bệnh tiểu đường đã được nêu dẫn trên đây. Những tình trạng cơ thể bị giảm tính miễn dịch, bị ”sốc” (choc), hoặc vì bị sức ép tinh thần quá lớn (stress) cũng làm phát động bệnh tiểu đường, nhưng không là nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh tiểu đường nếu biết săn sóc và giữ gìn qua 3 cách: – uống thuốc/chính insulin đúng thời đúnglượng, – vận động, -biết cách ăn uống, sẽ giữ được căn bệnh không phát triển, đường huyết sẽ không tạo ảnh hưởng trên tim, mạch, thận, gan, mắt và tay chân…
Chặng đường giữa hai đầu Sinh Tử: Lão Bệnh!
Con người sinh ra, lớn lên, già yếu bệnh tật, rồi chết đi. Đó là định luật bất di bất dịch của Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Khi sinh ra, chúng ta đi vào đời bằng đôi tay trắng giống như nhau. Khi chết đi, con người cũng bình đẳng ra đi với hai bàn tay trắng. Từ ngày bước vào cuộc đời đến ngày chúng ta từ giả cuộc đời là đoạn đường ở giữa, là ”Chặng đường giữa hai đầu Sinh Tử”: đoạn đường của Lão Bệnh. Đoạn đường do ta gây dựng, ta dự phần, ta trực tiếp góp mặt với đời và có được do chính chúng ta tạo dựng bằng đôi bàn tay của chúng ta. Cái ta mang trên đôi bàn tay trong ”chặng đường ở giữa” nầy vì thế phải là những gì được tạo dựng từ kiến thức, ý thức để hành động của mình xuất phát từ con tim và trí óc.

Ý thức được thế nào là giữ gìn sức khỏe, thế nào là căn bản của một đời sống lành mạnh, chúng ta sẽ tránh được một số bệnh tật. Ý thức được tình người nghĩa nhân loại, ta sẽ biết cảm thông. Khi có sự hiểu biết, khi có tình người ta sẽ đem nó đặt trên đôi bàn tay săn sóc của ta với người bệnh. Thì cho dù đang có bất hạnh trong gia đình, ta vẫn có được những niềm vui nho nhỏ mình cho nhau. Như thế chúng ta đã biết yêu thương bằng lý trí, đặt trái tim mình trong trí óc, qua cái thấy cái biết chính xác của mình. Biết cảm thông, và với một tấm lòng ta sẽ tránh được sai lầm đáng tiếc xãy ra trong cuộc sống của mình. Ta tạo cho đời một giá trị sống vì lợi lạc ta đem lại cho ta và cho người. Hãy cố gắng nuôi dưỡng tình thương để làm được những gì mình có thể làm được, để không ân hận rằng mình đã lỡ lầm đã bỏ sót, và trong những ngày tháng sau cùng nầy của cuộc đời mình, ta sẽ không bị những nỗi khổ dày vò để mà ước ao rằng: ”Giá mà… tôi sẽ….!”
Nếu ta đi trên ”Chặng đường ở giữa hai đầu Sinh Tử” nầy chỉ bằng trái tim, sẽ là những tháng ngày ta ca hát bài ”Trái tim mù lòa”, vì thiếu trí óc. Đi giữa cuộc đời chỉ bằng lý trí, sẽ thiếu vắng tình thương nên thiếu vắng nụ cười, thì không đem được niềm vui cho ai cả. Vì thế trái tim và trí óc phải có một ”cộng tác chặc chẽ” mới làm lợi ích được cho ta, cho gia đình và đương nhiên sẽ đem cái lợi ích đó đến cho xã hội mình đang sống, đang dự phần xây dựng và đóng góp. Đó cũng là tinh thần trong câu ”Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Biết tu thân tề gia là đóng góp hòa bình an vui cho một xứ sở.
Chúng ta là những phần tử bé nhỏ giữa cuộc đời, nhỏ như một hạt muối bỏ biển. Biển rộng bao la, và hạt muối thì thật nhỏ bé. Nhưng nếu những hạt muối biết làm bổn phận tạo nên vị mặn của mình, biển sẽ mặn. Chất vị mặn của biển không phải là một ”khối mặn khổng lồ” mà là sự kết hợp của những phân tử muối nhỏ li ti.
UYÊN HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét