Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Quốc hội quyết định tăng lương tối thiểu từ 1/7

Đọc mà thấy khôi hài. Bộ trưởng Huệ thì nói tăng lương bằng nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và giảm chi hoàn thuế giá trị gia tăng. Còn Quốc hội thì khoán trắng cho Chính phủ chuyện tăng lương: "Nghị quyết của Quốc hội chiều nay không quy định Chính phủ sẽ lấy nguồn từ đâu hoặc được tiết giảm từ đâu để tăng lương". Không biết trong phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013 có dòng tiền dành cho việc tăng lương không ?

Quốc hội quyết định tăng lương tối thiểu từ 1/7

Lộ trình tăng lương tối thiểu sẽ được thực hiện một phần theo hướng chậm lại 2 tháng và tăng 100.000 đồng mỗi tháng, theo Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước 2013 do Quốc hội thông qua chiều nay.
Ưu tiên tăng lương cho đối tượng khó khăn
Chính phủ xin giãn lộ trình tăng lương

Như vậy, kể từ 1/7, lương tối thiểu dành cho những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng một tháng hiện nay lên 1,15 triệu đồng một tháng. Lương hưu và trợ cấp cho người có công sẽ tăng với tỷ lệ tương đương.
Theo lộ trình đã được duyệt trước đây, lương tối thiểu lẽ ra phải tăng lên mức 1,3 triệu đồng một tháng từ 1/5/2013. Đến đầu kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ báo cáo chỉ có thể bố trí 28.900 tỷ đồng tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng (đã tăng từ 1/5/2012) trong năm 2013, chứ không có nguồn để chi 60.000 tỷ đồng tăng tiếp lên 1,3 triệu đồng.
9 ngày sau, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ đưa ra đề xuất mới theo hướng chỉ thực hiện một phần lộ trình tăng lương. Theo Bộ trưởng Huệ, tổng số kinh phí dành cho phương án tăng lương này là khoảng 20.700 tỷ đồng, chủ yếu được điều tiết từ giảm đầu tư công, phát hành trái phiếu Chính phủ, tiết kiệm chi ngân sách trung ương 10%, và giảm chi hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, đề xuất mới này lại khiến nhiều đại biểu lo lắng, khi Chính phủ định tiết giảm 10.000 tỷ đồng từ đầu tư công để có nguồn tăng lương. Các đại biểu cho rằng chi đầu tư phát triển năm 2013 (180.000 tỷ đồng) đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm, nếu giảm nữa sẽ không đảm bảo chi trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn, cần hỗ trợ từ ngân sách.
Nghị quyết của Quốc hội chiều nay không quy định Chính phủ sẽ lấy nguồn từ đâu hoặc không được tiết giảm từ đâu để tăng lương, chỉ yêu cầu quản lý chặt chẽ các khoản chi theo đúng dự toán đã được quyết định, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài... để dành thêm nguồn thực hiện một phần lộ trình cải cách tiền lương.
Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều nay (10/11) với tỷ lệ tán thành 90%. Trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước được dự toán ở mức 816.000 tỷ đồng; tổng số chi 978.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước dự kiến vào khoảng 4,8% GDP, tương đương 162.000 tỷ đồng. Trong trường hợp vượt thu lớn trong năm 2013, Quốc hội yêu cầu Chính phủ ưu tiên sử dụng để giảm bội chi nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Để hỗ trợ nguồn vốn cho đầu tư phát triển, Quốc hội chấp thuận cho phát hành trái phiếu không quá 60.000 tỷ đồng trong năm 2013, trong tổng số 225.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2011-2015; đồng thời đồng thời, thu hồi số vốn trái phiếu chính phủ đã ứng trước của năm 2013. Số vốn trái phiếu này, Chính phủ sẽ phân bổ cụ thể đối với từng dự án, công trình trong danh mục đã được quyết định, trong đó tập trung cho các dự án, công trình quan trọng, có khả năng hoàn thành trong năm 2013, thực hiện giao vốn trước ngày 31/12/2012.
Song Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét