Cám ơn tác giả đã có bài viết rất chi tiết.
BY NTZUNG, ON MAY 29TH, 2012
За то что только раз в году бывает май …
Định lười không viết, nhưng thủ trưởng yêu cầu báo cáo về chuyến công tác ra sao nên lại viết
(Ảnh: chụp với anh LTQ Thắng trước tượng Lomonosov, 21/05/2012. Bấm vào các ảnh sẽ ra khổ to hơn. Nhiều ảnh trong bài này là do anh Thắng chụp.)
Tôi từng là sinh viên ở Moskva (Moscow, dân ta gọi tắt là Mat) đúng vào những năm khó nhăn nhất, ngay trước khi Liên Xô sụp đổ. Khi mới sang Nga năm 1986, tình hình nước Nga “xã hội chủ nghĩa phát triển” vẫn còn rất tươi đẹp trong con mắt ngây thơ của tôi. Nhưng rồi cái thiên đàng đó tan vỡ nhanh chóng. Nước Nga rất đẹp và hùng vĩ, thiên nhiên rất giàu có, con người Nga cũng khá dễ thương. Nhưng tôi không thể nào quên nổi những cảnh xếp hàng 2-3 tiếng đồng hồ ở nhà ăn, những hôm ôm bụng đói không có gì ăn, những cảnh dân VN bị cảnh sát cầm dùi cui lùa chạy như vịt ở sân bay, những “chú sứ” đặc trưng của một chế độ tham nhũng, những vụ giết người ngay trong trường MGU (tiếng Anh là MSU, Moscow State Univ.), v.v. Một nước Nga loạn lạc, đã để lại trong tôi nhiều hình ảnh xấu, đến mức mà trong suốt 20 năm kể từ 1992 (tôi rời khỏi Nga năm 1991 sau khi tốt nghiệp, nhưng năm 1992 phải qua đó 1 lần nữa vì chuyện gia đình), tôi không hề có ý định quay lại. Nhất là khi mà những thông tin nhận được về tình hình Nga chẳng mấy hay ho: nào là đầu trọc hoành hành, nào là cảnh sát còn đáng sợ hơn cả du côn, nào là tham nhũng còn cao hơn cả VN, v.v. Một số người bạn Nga thân nhất của tôi cũng “di tản” ra các nước khác, lại càng ít lý do để quay lại Mat.
(Ảnh: báo cáo tại hội nghị, ở hội trường “Petrovskii” ở tầng 16 Zona A tòa nhà chính của MGU, quãng 10h sáng ngày 24/05/2012)
Những lần trước, khi nhận được thông tin về hội nghị ở Nga, tôi thường lờ đi coi như không có. Nhưng lần này, do ông thầy cũ ngỏ ý mời sang nhân 1 hội nghi quốc tế, nên vì tình nghĩa thầy trò tôi nhận lời. Tuy nhận lời nhưng cũng hơi lo, không biết có sang được không, và có gặp chuyện gì rắc rối khó chịu không. Bình thường, thủ trưởng ở nhà cũng không thích tôi đi hội nghị các nơi lắm, đặc biệt là đến những nơi có rủi ro cao (tôi còn phải kèm con học thi năm nay rất quan trọng), nhưng thủ trưởng có cảm tình đặc biệt với Mat, nên lần này lại vui khi thấy tôi được mời sang Nga. Hội nghị này mang tên “Alexandroff Readings” , và là một hội nghị truyền thống hàng năm về tô pô và hình học ở MGU. Có điều khác trước là, ngày trước chỉ là hội nghị dành cho người Nga hay Liên Xô, còn năm nay nó được tổ chức như là một hội nghị quốc tế. Ngoài người Nga, còn có gần 40 người nước ngoài tham dự, trong đó có 2 người VN (nhưng tính thành Mỹ và Pháp) là anh LTQ Thắng và tôi. Anh Thắng trước cũng học khoa toán MGU, trên tôi 3 khóa, và hiện là GS ở bên Mỹ.
Để sang được Nga, quả là vất vả hơn đi các nơi khác. Đối với hầu hết các nước khác, thì cứ thế “vác mặt” đi thôi, nhưng đi Nga thì phải xin visa. Gửi passport trực tiếp thì tụi ĐSQ Nga không nhận, may mà hỏi được 1 bọn làm dịch vụ. Nhưng cũng phải mất 3 lần ra chỗ bọn đó mới nộp được xong hồ sơ, vì giấy tờ trục trặc những chuyện rất vớ vẩn. Bọn nó đòi phải có bảo hiểm. Tôi lấy được 1 giấy chứng nhận bảo hiểm ghi từ ngày 19 đến ngày 26 tháng 5 đúng theo vé máy bay, đem ra thì tụi nó lại nói “bảo hiểm này không được, vì giấy mời ghi là mời đến ngày 28/05!” Tôi bảo “tao chỉ đi đến 26/05″ nó cũng không chịu, thế là lại lóc cóc đi về xin giấy bảo hiểm khác, vừa mất bao thời gian vừa mất thêm tiền. Cuối cùng thì cũng nhận được visa mấy hôm trước khi đi, sau mấy tuần chờ đợi.
(Ảnh: nhớ lại thời SV, thỉnh thoảng nằm lăn ra ghế ngủ trong tư thế này, chính trong giảng đường Petrovskii, trong giờ nghe bải giảng)
Sáng 19/05, đúng ngày sinh nhật “bác” (“bác” mà tôi nói đến ở đây là 1 bác mà tôi quen chứ không phải bác của thiên hạ đâu), tôi tự lái xe ra sân bay ở Toulouse, quẳng xe ở đó rồi làm thủ tục lên máy bay. Toulouse là một thành phố tương đối nhỏ (gần 1 triệu người kể cả ngoại ô), được cái yên bình tiện lợi, không bị kẹt xe, từ nhà ra sân bay là 15km đi hết 15 phút. Khi bay đến Paris Charles de Gaule, lại thấy “điệp khúc muôn thủa” ở cái sân bay tuy là ở Pháp nhưng thiếu văn minh đó: người xếp hàng ở chỗ cửa biên phòng đông đúc, làm ăn luộm thuộm lộn xộn, phải đứng mất cả tiếng mới đến lượt kiểm tra passport. Cũng may là có đủ giờ để chuyển máy bay. Thời gian bay từ Paris đến Mat là gần 4 tiếng. Sau khi tán chuyện vài câu với bà hành khách ngồi bên cạnh, và ăn bữa ăn lạnh với uống cốc rượu vang được phục vụ trên máy bay, tôi đánh 1 giấc trong tư thế ngồi, và chẳng mấy chốc đã thấy mình hạ cánh ở sân bay Moscow Sheremetyevo.
Thủ tục biên phòng và hải quan ở Sheremyetevo nhanh gọn đến mức bất ngờ. Cảnh sát biên phòng mặt mày cũng không đến nỗi cau có. Tôi cũng cẩn thận coi như mình không biết tiếng Nga, họ hỏi tiếng Anh thì trả lời còn hỏi tiếng Nga thì nói “sorry ?” để họ khỏi quấy rầy. Có lẽ một phần do visa của tôi là visa “khoa học” nên họ cũng không quấy nhiễu gì. Chỉ trong vòng có 10 phút từ lúc bước chân xuống khỏi máy bay, là tôi đã ra đến phòng mà người đi đón có thể vào, sớm hơn dự kiến. Anh Nam bạn tôi hẹn 7h tối ra đón, vì máy bay theo lịch là bay đến vào 6h35, mà tôi lúc 6h50 đã ra đến phía ngoài. Bắt đầu được các cò mồi taxi mời chào. Tôi đã đọc từ trước khi đi, là không nên đi theo tay taxi nào vào đó mời chào, vì dễ bị chém giá cao, hay thậm chí nếu xấu số có thể bị cướp. Đằng nào thì tôi cũng không đi taxi mà đợi anh Nam.
(Ảnh: một trong những khu nhà mới mọc lên ở Mat. Nơi đấy trước kia là “đồng không mông quạnh”. Khủng hoảng tài chính đã kéo giá nhà ở Mat giảm đi nhiều so với mấy năm trước, nhưng vẫn còn thuộc loại đắt trên thế giới. Thuê một căn hộ 3 phòng cũng mất 2 nghìn USD/tháng)
Đợi đến quãng 7h40 vẫn không thấy đâu, tôi bắt đầu sốt ruột, và lôi điện thoại đem từ Pháp ra gọi. Cái điện thoại đó, khi đi các nước khác tôi vẫn dùng gọi được. Nhưng khi gọi từ Mat nó cứ báo lỗi là số sai, không thể gọi được, cho anh Nam hay cho bất kỳ ai khác. Tôi bèn tìm cách đi mua 1 cái thẻ điện thoại của Nga xem có khá hơn không. Ra quầy information để hỏi (bây giờ thì lại giở tiếng Nga ra), thì được chỉ sang tòa nhà bên cạnh mới có quầy bán thẻ SIM. Tôi liền vác đồ sang bên đó. Đi ra khỏi 1 tòa nhà thì cứ thế mà đi, nhưng lúc đi vào lại có cảnh sát đứng chặn đòi kiểm tra đồ qua máy dò, vì họ sợ bị khủng bố. Vào được tòa nhà đó rồi, tôi hỏi mua thẻ SIM ở 1 quầy, cô bán hàng rất vui vẻ, nhưng không nhận tiền Euro mà chỉ nhận tiền rup, và chỉ tôi ra máy đổi tiền. Ra đến máy thì máy hỏng, lại đi 1 vòng tìm máy khác. Máy khá hiện đại, đổi tiền tự động: đút tờ tiền Euro (hay gì đó) vào, nó tự kiểm tra, tự đếm, rồi nhả ra tiền rup, và giá chênh lệch cũng rất phải chăng, chỉ khoảng hơn 1% giữa giá mua và giá bán. Trong lúc đổi tiền, cũng có 1 cò mồi taxi lẽo đẽo ra gạ đi taxi, còn nói “tao cho mày đi giá rẻ, giá sinh viên !” Tôi nói “tao phải gọi điện cho bạn cái đã”, cậu taxi vẫn nói “thế tao đứng đây, có gì mày ra đây đi nhé”. Tôi cũng nói “ladno” (OK) cho xong chuyện, rồi đi mua thẻ điện thoại. Đang đứng mua thẻ thì thấy anh Nam xuất hiện. Anh Nam cũng vừa mới đi vào sân bay ít phút và đang đi tìm tôi lúc đó.
(Ảnh: một đoạn đường cao tốc ở Mat. Xe ô tô đi ra cả phía mép đường bên phải, chỗ không phải là làn đường được phép đi bình thường. Đường ở Mat tuy có mở rộng, nhưng vẫn lộn xộn và lắm ổ gà ổ voi, nên mới có truyện tiếu lâm: “Nga không bao giờ thua. Kể cả sau chiến tranh thế giới thứ II, chúng ta vẫn tiếp tục tiêu diệt xe Đức trên đường của Nga”)
Thành phố Mat có phát triển nhiều so với 20 năm trước đây. Nhà cửa mới mọc lên nhiều, xe cộ đông đúc hơn hẳn so với ngày xưa, và chủ yếu toàn là xe sang mác nước ngoài. Riêng số xe BMW trên đường phố Mat có lẽ đã nhiều hơn là xe Nga. Cũng vì có quá nhiều xe, nên nạn tắc đường ở Mat ở mức độ kinh khủng. Đường vành đai (gọi là MKAD) liên tục tắc, hơi tý là tắc, chỉ 1 vụ va chạm xe trên đó là kéo theo tắc nghẽn hàng giờ. Anh Nam đến đón muộn 1 tiếng cũng vì bị tắc đường. Hai anh em lên xe đi ra nhà dacha (biệt thự) của anh Nam ở ngoại ô Mat cách sân bay khoảng 50km, mà phải đi mất hơn 2 tiếng mới về đến nhà. Anh Nam và vợ là chị Thanh làm việc ở trong Mat, hai con cũng đi học trong thành phố, có một căn hộ ở ngay trong thành phố, hàng tuần chỉ ra dacha ở vào 2 ngày cuối tuần, rồi đến tối chủ nhật lại quay vào thành phố. Anh Nam cũng học khoa toán MGU, trên tôi 1 khóa, và sau khi bảo vệ candidat (= PhD) thì ở lại làm ăn ở Nga khá thành công.
(Ảnh: chụp với gia đình anh Nam chị Thanh và anh Thắng tại dacha vào chiều CN 20/05/2012. Lên ảnh mới thấy dạo này bụng to ra nhiều quá )
Đến sang hôm sau (chủ nhật 20/05) thì đến lượt anh Thắng bay đến Mat, và anh Nam cũng ra đón về dacha. Nhà anh Nam khá đẹp, trên một mảnh đất vài nghìn m2, có vườn trồng nhiều loại cây to và rau cỏ khác nhau, qui hoạch đâu ra đấy. Có nuôi cả một đàn 6 con gà mái và 1 chú gà trống. Chú gà trống rất thú vị, biết nhường phần ăn cho các con gà mái, con nào chú thích nhất thì chú gọi đến cho ăn đầu tiên cái mà chú kiếm được, khi các ả gà mái ăn xong rồi chú mới ăn. Các ả gà mái cũng tỏ ra cưng chú gà trống lắm, thỉnh thoảng lại ra lấy mỏ rỉa lông ở cổ chú gà trống một cái. Nhà anh Nam còn đào cả một cái bể cá, nuôi một đàn hơn 80 con cá gì đó chỉ bé bằng mấy ngón tay. Có điều kỳ lạ là, khi mùa đông đến, nước đóng băng hoàn toàn mấy tháng liền, cá nằm trong băng, không ăn uống gì, cũng không chết. Đến khi băng tan cá lại bơi và ăn, hơn 10 năm như vậy mà mấy con cá đó vẫn còn sống. Nhà anh Nam cũng có nuôi 1 con chó rất ngộ nghĩnh, bé và tham ăn. Khi tôi ở đó, nó rất hay xông ra gạ gẫm chơi cùng (anh Nam bảo là nó ra xin ăn, xem cái “mỏ” mới này có “đào” được không), và hay chạy vào đứng giữa 2 chân của tôi “cho ấm”.
(Ảnh: chụp với chú chó Ori ở nhà anh Nam. Vì là cầm tinh con chó, nên rất dễ chơi với các loại chó . Trên ảnh có thể thấy cả những hoa Tulipe do chị Thanh trồng nở rất đẹp)
Tôi và anh Thắng nghỉ ngơi ăn uống và nói chuyện huyên thuyên với anh Nam chị Thanh về đủ thứ, tình hình Nga, tình hình Việt, v.v. Chị Thanh xuất thân là dân ngữ văn, tuy hiện làm kinh doanh, nhưng vẫn còn rất quan tâm về văn học, có 1 cô bạn thân người Nga, thỉnh thoảng lại nói chuyện văn học, đọc thơ, v.v. Chị Thanh kể, dân trí thức Nga cũng rất sâu sắc và say mê, chứ không hời hợt như dân VN. Nhiều khi giảng viên văn học ở VN cũng hiểu biết về văn học kém hơn so với những trí thức Nga làm nghề khác nhưng yêu văn học nghệ thuật. Dù sao thì nền tảng văn hóa của Nga cũng dầy hơn VN rất nhiều, nên điều này có lẽ không đáng ngạc nhiên lắm.
Chiều chủ nhật, tôi và anh Thắng được 1 nhân viên lái xe của anh Nam chở đến trường MGU. Cũng bị tắc đường, mất mấy tiếng trên xe mới đến được trường. Ban tổ chức hội nghị có đặt sãn phòng cho anh Thắng và tôi trong tòa nhà chính của MGU, ở khu gọi là “Zona E”. Tòa nhà MGU rất to và chia làm nhiều zona (hay còn gọi là corpus), đánh thứ tự cho đến chữ M (trong bảng chữ cái Nga). Zona E là nơi thường dùng cho khách ở ngắn hạn. Tòa nhà chính (glavnoe zdanie) của trường MGU trông bên ngoài vẫn hệt như xưa, nhưng vào đến bên trong thì trông nó tồi tàn hơn xưa, vì sau nhiều năm không được nâng cấp, các thứ trang bị bên trong rệu rạo, rẻ tiền, cọc cạch. Cái “block” gồm 2 phòng nhỏ mà tôi và anh Thắng được phân về hình thù không khác gì cách đây 20 năm, còn về mặt trang bị thì thật thảm hại: toilet thì nước chảy rò rì và két bẩn, nhà tắm thì tắm 3 phút phải lau sàn 5 phút vì ống dẫn nước thải bị chảy, đèn trong phòng thì vỡ, internet thì không có, vô tuyến thì màn hình 13 inch nhưng mà độ dầy cũng khoảng đó (loại vô tuyến mà bây giờ ở Hà Nội tìm có khi cũng không ra), dây antenne thì đửt đầu, bàn thì long sòng sọc, v.v.
(Ảnh: bồn nước trong 1 nhà bếp ở MGU, có khi còn bẩn thỉu tồi tàn hơn hồi cách đây 20 năm. Nước thì rò rì khắp nơi).
Có 1 ông từ Mỹ sang, sau khi nhìn thấy phòng kiểu vậy, sợ quá đã chạy ngay ra khách sạn phía ngoài trường. Tôi và anh Thắng chịu khổ từ ngày xưa đã quen, nên vẫn ở lại trong mấy cái phòng còn tồi hơn hostel rẻ tiền đó, vì lý do duy nhất là tiện dự hội nghị, vì đi bộ từ chỗ đó đến các phòng họp của hội nghị chỉ mất 2-3 phút. Nhưng nếu mà tôi biết trước khi sang Mat là mấy phòng đó như vậy, thì có lẽ đã không chấp nhận nó, mà đặt khách sạn ở ngoài ngay từ đầu. Mấy hôm sau, tôi dẫn anh bạn prof Nga của tôi vào chứng kiến tận mắt mấy phòng đó. Anh ta xin lỗi rối rít, bảo là tụi khác nói với anh ấy là mấy phòng đó tử tế và có internet, chưa đi nhìn tận mắt, không ngờ nó như vậy.
Đặc biệt thê thảm là khoản giấy vệ sinh. Trong block của chúng tôi ở Zona E, người ta để sẵn 1 cuộn giấy vệ sinh đen kịt, loại mà ở Pháp có khi tìm đâu cũng không ra. Nhưng như thế vẫn còn khá, vì các toilet nam ở khoa toán-cơ MGU thậm chí không có cuộn giấy vệ sinh nào, mà thay vào đó là mấy tờ giấy báo kiểu “Pravda” (báo “Pravda”, tức là “Sự thật”, là một trong hai tờ báo phổ biến nhất thời Xô Viết, luôn được dùng làm giấy vệ sinh) để trên vách tường như thời xa xưa!
(Ảnh: chụp cùng mấy anh ở Đại học Luật Saigon sang Mat công tác, 20/05/2012. Có cả một con chó lạ chạy ra chụp cùng)
Tối hôm chủ nhật 20/06, có một anh bạn cùng tuổi với anh Thắng, tên là Hiến, rủ chúng tôi ra nhà anh ấy chơi.Trong lúc chúng tôi đi dạo ra phía bờ sông Moskva trước khi gặp anh Hiến, tình cờ gặp mấy anh ở trường Luật TPHCM đi sang công tác, nên chụp chung vài kiểu ảnh. Trong đó có anh hói đầu (mà tôi không kịp nhớ tên) trước cũng học khoa luật ở MGU. Trưởng đoàn công tác này là Mai Hồng Quỳ, cũng là người quen từ thời MGU, nhưng hôm đó đang bận đi tiếp ai đó không có mặt. Trong lúc đợi anh Hiến, chúng tôi có xem mấy quầy bán đồ lưu niệm ở vỉa hè chỗ nhiều khách du lịch qua lại. Ở đó người ta bán các con búp bê Nga (matrioshka) nhưng vừa xấu vừa đắt, nên anh Thắng và tôi không mua con nào.
Anh Hiến bạn anh Thắng cũng học 8 năm (đại học và NCS) ở Mat ngày trước. Theo anh Hiến kể, thời còn đi học không hề màng đến tiền nong, tài sản chỉ gồm có sách và đĩa nhạc. Nhưng sau khi học xong, anh Hiến chuyển sang kinh doanh rất thành đạt, có công ty riêng ở Mat, và cũng có mấy nhà. Cái nhà mà chúng tôi đến là một biệt thự trị giá khoảng 2 triệu USD nằm trong một khu mà hồi trước dành riêng cho các viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô. Sau khi “xóa bao cấp”, thì người ta “khoanh lô bán đất” cho cả người ngoài vào mua, nhưng vẫn còn nhiều gia đình viện sĩ sống ở đó. Nhà anh Hiến trang bị khá hoành tráng, có cả phòng thể thao và sauna ở tầng hầm. Anh Hiến có mời anh Thắng và tôi ở lại luôn biệt thự rộng rãi của anh ấy trong thời gian hội nghị. Nhưng chỗ đó khá xa MGU, đi lại cũng bất tiện, nên chúng tôi vẫn quyết định vào ở cái block tồi tàn ở Zona E.
(Ảnh: trước cổng MGU phía nhìn ra bờ sông Moskva. Ngày xưa mùa hè có ra lội bì bõm trong cái bể phun nước này)
Đến sáng thứ hai, chúng tôi ăn sáng ở nhà ăn rồi đi đến chỗ hội nghị ở khoa toán (Zona A của tòa nhà chính). Các “stolovaya” (nhà ăn) sinh viên có bao cấp (?) ngày xưa ở MGU đã biến mất, bây giờ chỉ có nhà ăn tư, ai cũng trả tiền như nhau. Một bữa ăn sáng của sinh viên ở đó là khoảng 2-3 USD, và ăn trưa là khoảng 5 USD (còn đắt hơn là nhà ăn cho sinh viên ở Pháp, vì ở Pháp nhà ăn có được bao cấp một phần).Ngày trước, ở tầng hai của tòa nhà chính có nhà ăn cho giáo sư, đắt hơn, ngon hơn, phục vụ tốt hơn. Nhưng bây giờ cái nhà ăn đó cũng giống hệt các nhà ăn sinh viên khác.
Buổi sáng thứ hai không có báo cáo nào, mà chỉ dành cho thủ tục ghi tên (registration). Chúng tôi đến chỗ ghi tên đúng giờ, thì mấy tay ở đó nói “còn sớm quá, chưa bắt đầu”. Đợi một lúc thì người ta cũng cho ghi tên và phát 1 cái cặp nhựa đựng vài thứ linh tinh. Trong đó không hề có thông tin gì về du lịch hay ăn uống, không hề có bản đồ chỉ dẫn gì hết. Họ thu tiền hội nghi phí tất cả mọi người vác mặt đến đó ghi tên, kể cả những người được mời đến làm báo cáo từ nước ngoài, và thu cả tiền liên hoan 80 USD/ người nữa. Tôi và anh Thắng quyết định không tham gia liên hoan, không nộp tiền, và dự định sẽ đi chơi riêng hôm họ liên hoan. Cũng chưa bao giờ tôi được mời đến 1 hội nghi làm báo cáo mà lại bị bắt đóng tiền như hội nghị này (việc thu tiền khá bất ngờ với tôi, cứ tưởng người ta sẽ không thu những người làm báo cáo mời).
Có thể nói, hội nghi được tổ chức vô cùng luộm thuộm. Phòng cà phê dự tính, thì không cắm được điện, người ta lại chuyển ca phê sang phòng khác. Hội nghị không hề có khai mạc tuy là hội nghi quốc tế với tổng cộng hơn 100 báo cáo. Những báo cáo đầu tiên của hội nghị không phải là báo cáo toàn thể (plenary) mà là báo cáo tiểu ban (mỗi hôm có 4 tiểu ban). Khi vào phòng họp, thì các máy chiếu cũng không hoạt động ngay, mọi người phải loay hoay mãi xem nó sử dụng thế nào. Trong các phòng họp cũng không hề có internet. Mấy hôm đó ở Nga trời nóng đặc biệt (người ta bảo là nóng nhất vào thời điểm đó trong vòng gần 100 năm nay, có lúc lên đến gần 30 độ), nhưng có phòng thậm chí không mở được cửa sổ bằng kính, cũng không có rèm che cửa sổ, ngồi bên trong bị mặt trời chiếu nóng hun. Các tiểu ban xếp giờ báo cáo cũng không có trùng nhau, tiểu ban nào muốn xếp giờ kiểu gì thì xếp, nên khi hết báo cáo ở tiểu ban này thường là đang giữa giờ báo cáo ở tiểu ban khác, thật khó di chuyển từ tiểu ban này sang tiểu ban kia để nghe cái mình thích. Tôi chưa từng thấy một hội nghị quốc tế nào tổ chức kém đến vậy. Bản thân các hội nghị do tôi tham gia tổ chức cũng khá hơn nhiều.
(Ảnh: nhìn từ khoa toán-cơ MGU ra phía cổng Zona B. Có tòa nhà các khoa nhân văn. Xa hơn nữa là một rạp xiếc hình tròn).
Sự luộm thuộm của hội nghị tương xứng với sự thiếu quan tâm của chính quyền với khoa học ở Nga, 21 năm sau khi Liên Xô sụp đổ. Chính phủ “nói mồm” là rót tiền cho khoa học, nhưng trên thực tế, lương của full prof thấp hơn là lương thư ký hay lái xe ở bất kỳ một công ty tư nhân nào ở Mat. Lương của những cán bộ trẻ mới vào trường thì còn thậm tệ hơn nhiều nữa, tính ra sức mua còn kém hơn nhiều so với thời Liên Xô: thời Liên Xô lương có ít, vẫn đủ ăn ngày 3 bữa ở nhà ăn, còn thời nay chỉ đủ ăn mỗi ngày 1 bữa. Nghe kể, có một anh chàng trẻ vừa bảo vệ xong candidat (= PhD) được giữ lại trường MGU, nhìn thấy lương mà kêu trời “không biết tôi sẽ sống bằng gì đây !”. Không có gì đáng ngạc nhiên là, trong tình hình như vậy, khoa học Nga xuống cấp nhanh chóng trong 2 thập kỷ qua. Khí thế khoa học trở nên rất rệu rạo. Tương tự như ở VN, nhiều người đăng ký dự hội nghị chủ yếu là để có cớ đi chơi hoặc cho có thành tích, đến nơi chỉ làm báo cáo của mình còn không thèm đi nghe bọn khác. Thế nên, tuy danh sách hội nghị hàng trăm người, nhưng ngay các báo cáo toàn thể cũng chỉ có được 3-4 chục người nghe, còn các báo cáo tiểu ban còn vắng nữa, có nơi có lúc dưới 10 người nghe.
Buồi chiều hôm thứ hai, anh Thắng và tôi tranh thủ đi dạo chơi, thăm lại chỗ ký túc xá mà chúng tôi ở những năm đầu học đại học, ở gần khách sạn “universitetskaia”. Có khá nhiều SV Việt Nam từng ở khu ký túc xá đó. Tôi nhớ không nhầm thì nhà của khoa toán là nhà số 6. Trông ngôi nhà nhìn từ bên ngoài vẫn giống thời cách đây 20 năm, chỉ có điều trông có vẻ tồi đi, và tầng 1 có thêm các khung sắt chắn cửa sổ, chắc là tại sợ trộm cắp, với tình hình an ninh xấu hơn ngày xưa. Chúng tôi ngại không thử vào bên trong, mà chỉ đứng nhìn từ bên ngoài. Tôi vẫn còn nhớ, năm đầu đại học, mình ở trong một phòng ngay tầng 1 ở ngôi nhà này cùng với 3 SV người Nga. Mỗi thằng được 1 cái giường kê 4 góc phòng, thế là gần như hết phòng. So với SV ở VN thời đó thì như thế là tốt lắm rồi, nhưng so với thời nay thì thế là ở khổ.
Lúc đi từ khu trường đến ký túc xá cũ thì chúng tôi đi bằng 1 cái xe bus tư nhân nhỏ, loại chỉ có mười mấy chỗ ngồi và có thể ngồi ngay cạnh lái xe cũng được. Không có vé, lên xe chỉ việc đưa 25 rúp (khoảng 0.80$) một người cho tài xế là xong. Bây giờ ở Mat ngoài phương tiện công cộng của thành phố còn có các công ty xe bus tư nhân, lấy giá vé cũng tương tự như xe công cộng, chỉ có điều khác là không có giảm giá đặc biệt cho các đối tượng như sinh viên hay người gia, nên những người đó hiếm khi đi xe tư nhân.
Lúc đi từ ký túc xá cũ về thì chúng tôi đi bộ, vì thực ra chỗ đó cách tòa nhà chính chỉ khoảng hơn 20 phút đi bộ. Trên đường có dừng lại mua ít hoa quả ở một quần bán ngoài trời. Hoa quả ở Mat đắt rùng rợn, mua một hộp đào (quãng 1kg), một ít dưa chuột, và hơn nửa cân cherry, đã hết hơn 20USD. Đắt một phần là vì mùa đông tuyết phủ ở Mat kéo dài đến tháng 4, đến tháng 5 thì chưa có gì thu hoạch được, mọi thứ hoa quả tươi là nhập từ xa về.
Đứng tên chủ trì hội nghị về mặt khoa học là 3 ông trưởng của 3 nhóm (kafedra) về toán MGU liên quan đến tô pô và hình học: Novikov (thầy cũ của anh Thắng), Fomenko (thầy cũ của tôi), và Fedorchuk. Trong đó chỉ có Fedorchuk là dự hội nghị, còn 2 ông kia không đến. Novikov thì lấy lý do sức khỏe yếu, nằm lại ở Mỹ (ông Novikov tuy ở Mỹ nhưng vẫn “điều quân khiển tướng” từ xa), còn Fomenko lấy lý do là tuần đó bận họp ở Viện hàn lâm cả tuần liền. (Nghe chị LH Vân nói là ông Novikov hiện đang bị ung thư nặng. Về tuổi thì ông Novikov ngoài 70, chưa phải quá cao).
Ông Fomenko không dự hội nghị, nhưng có mời tôi đến chơi nhà riêng vào tối thứ hai. Hôm đó, ngoài tôi và ông bà Fomenko, còn có cả một số bạn bè thân cận cũ của Fomenko, trong đó chỉ có ông Sergey Matveev (làm tô pô thấp chiều) là người Nga, còn lại là người từ nước khác. Ông bà Fomenko thết đãi khách nhiều món ngon, thậm chí có thể gọi là đặc sản. Riêng trứng cá đã có 3 loại khác nhau. Mọi người hỏi mua thực phẩm ra sao, ông Fomenko cười nói “bây giờ mua cái gì cũng dễ lắm, miễn là có tiền, chỉ cần lên danh sách những cái mình muốn là nửa tiếng sau người ta mang đến cho”. Làm tôi nhớ lại những năm cuối “chuẩn bị lên thành chủ nghĩa cộng sản”, cửa hàng thực phẩm ở Mat trống trơn không có gì để bán. Nên mới có truyện tiếu lâm: Một người vào một cửa hàng thịt hỏi “Ở đây có cá không?”. “Chỗ chúng tôi chỉ không có thịt thôi, cửa hàng đối diện bên kia mới là cửa hàng không có cá”.
(Ảnh: fontain trong cửa hàng GUM ở trung tâm Mat. Cuộc sống bây giờ vui thú với ai có tiền. Nghe nói có casino ở Mat mà vé vào cửa đã gần nghìn đô).
Nhà ông Fomenko ở ngay trong tòa nhà chính của MGU. Trường MGU có khoảng 200 căn hộ dành cho các giáo sư. Không phải GS nào cũng được 1 suất ở đó, nhưng ai được ở đó (thường phải là loại kỳ cựu, nắm chức vụ quản lý gì đó) thì rất tiện lợi và cũng có thể trang bị nhà cửa đẹp đẽ theo ý mình. Ông Fomenko trông vẫn gầy như xưa, và vẫn còn khỏe mạnh nhanh nhẹn, tuy trông có già đi vì tuổi cũng đã cao. Bà Fomenko thì trông vẫn khá trẻ trung, tuy về tuổi không trẻ hơn chồng nhiều lắm.
Tôi và ông Fomenko có tranh thủ trao đổi một ít về khoa học, hay nói chính xác hơn là về các dự án hợp tác. Ông hiện có 1 cậu học trò giỏi học năm thứ 4, làm về những cái tôi làm hồi trước, muốn tôi quan tâm nâng đỡ cậu đó. (Tôi có trao đổi với cậu đó về toán, và có giới thiệu cho cậu đó biết khả năng xin được học bổng sang Pháp học nếu muốn, cho cả mức Master và mức PhD). Ông Fomenko cũng nói qua về khả năng sang Nga hợp tác thường xuyên hơn, và hỏi tôi có quan tâm không. Về nguyên tắc thì tôi cũng quan tâm, nếu có được nguồn kinh phí thích đáng cho việc đó. Nhưng cũng chưa biết tình hình sẽ ra sao, với kiểu quản lý khoa học hiện nay ở Nga.
(Ảnh: chụp ở nhà ông Fomenko vào tối thứ hai 21/05/2012, do bà Fomenko bấm máy. Ông Fomenko là người đứng đặt tay vào vai tôi. Ngoài cùng phía bên phải là ông Dale Rolfson, một cây đa cây đề về lý thuyết nút ở Vancouver và nghe nói đang có 1 cậu học trò người VN. Ông đứng bên cạnh là Sergey Matveev, làm topo 3 chiều, năm nay vừa ứng cử vào Viện hàn lâm Nga nhưng chưa được. Bên cạnh đó là một ông người Hy Lạp tên là Arutyunov (?), đã về hưu ở Hy Lạp, và kể là lương hưu của ông ấy bị giảm 1 nửa so với trước khi khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp. Ông ngồi bên trái là Daciberg Goncalves ở Brasil)
Buổi liên hoan ở nhà ông Fomenko khá vui. Mọi người kể đủ thứ chuyện. Ông Fomenko có kể là chính Stalin giám sát trực tiếp việc xây tòa nhà MGU trong những năm 1949-1953, vậy nên tòa này được xây tốt hơn hẳn mấy toàn tương tự, và cho đến nay vẫn không bị nứt gì đặc biệt trong khi các tòa khác bị nứt, và độ giao động của đỉnh nhà cũng rất thấp, chỉ khoảng 30cm (trong khí nó cao tương đương tháp Eiffel, mà tháp Eiffel giao động đến quãng 2m trên đỉnh). Ở phía dưới tòa nhà có không ít hơn 15 tầng ngầm, trong đó dự trữ rất nhiều thứ đề phòng chiến tranh, và nghe nói có cả một trạm metro chưa bao giờ sử dụng ở dưới hầm của MGU. Ông Fomenko bàn đến cả pháp luật ở Nga, với đống luật lệ quái dị không ai thực hiện nổi, ai cũng thành phạm pháp, chính quyền thường thì thả lỏng để cho dân phạm luật, nhưng cứ hễ muốn diệt ai là chỉ cần mang luật ra áp dụng, bắt tội ai cũng bắt được hết.
Vấn đề chính của nước Nga xưa và nay, cũng như của nhiều nơi tương tự trong đó có cả VN, không phải là thiếu tiền, mà là tổ chức xã hội quá kém. Và dường như, những người càng nắm nhiều quyền lại càng ít quan tâm đến chuyện làm sao tổ chức xã hội tốt lên. Có lẽ bởi vì, tổ chức càng lộn xộn, càng thiếu minh bạch, càng kém hiệu quả, thì mới lại càng dễ kiếm chác, vơ vét, chiếm quyền. Hậu quả của một xã hội kém tổ chức, là sự tham nhũng từ trên xuống dưới, sự vô trách nhiệm, lãng phí tài nguyên, lãng phí sức lực, sự ăn chơi phung phí (của những người kiếm chác được), và sự nghèo khổ chán chường của một bộ phận lớn nhân dân, có những chỗ thừa tiền không biết tiêu sao cho hết trong khi những chỗ khác cần tiền thì lại không có tiền rót đến. Tuy tiềm năng vô cùng to lớn cả về tài nguyên lẫn đầu óc, nhưng trong mấy thập kỷ qua, khoa học và công nghệ của Nga đì đẹt, công nghiệp chế biến không phát triển, có tiền chủ yếu do bán tài nguyên thô. Không chỉ dầu khí, sắt thép, mà cả gỗ rừng nước Nga cũng bán thô, rồi nhập lại gỗ đã chế biến để tiêu xài. Đất đai thì nhiều nơi là do người Trung Quốc sang canh tác. Bản thân MGU cũng là trường rất giàu, trực thuộc chính phủ, có tiền làm nhiều thứ, nhưng vẫn để cho các giảng viên của mình hưởng lương chết đói.
Sáng thứ ba 22/05 có báo cáo toàn thể đầu tiên của hội nghị, do ông Fedorchuk đọc. Đây là một báo cáo thuộc loại dở nhất từ trước đến nay mà tôi được nghe. Ông Fedorchuk là GS già đời, nhưng không nói được tiếng Anh. Ông ta chuẩn bị sẵn các slides chiếu lên màn hình, rồi đọc ê a nguyên văn từng chữ một theo slides, không thêm không bớt từ nào. Không chỉ tiếng Anh, mà về mặt sư phạm, nói sao cho người khác chuyên ngành hẹp hiểu được, ông ta cũng không có. Có slide gồm mấy định nghĩa liền nhau, hết định nghĩa này đến định nghĩa khác. Có định nghĩ đươc viết một nửa ở bên silde này nửa còn lại sang slide khác, thế là ê a giữa chừng thì tạm dừng chuyển slide rồi lại ê a tiếp định nghĩa. Xem “biểu diễn” được 5 phút là tôi đủ thấy chán, quay sang làm việc riêng. Cũng may là ông ta chỉ ê a có 35 phút là hết các slides, cũng không ai hỏi han gì mấy, và bài giảng kết thúc sớm hơn dự kiến đến 15 phút.
Đến buổi chiều hôm thứ ba có anh Thắng đọc báo cáo tại tiểu ban về tô pô 3 chiều. Tuy báo cáo tiểu ban, nhưng số người nghe không ít hơn là số người dự báo cáo toàn thể buổi sáng, vì đây có vẻ là tiểu ban được nhiều người quan tâm nhất, và bản thân anh Thắng là chuyên gia kỳ cựu ngành này, được mọi người biết đến. Rất tiếc lúc đó tôi mải nghe báo cáo, quên mất việc mang theo máy ảnh để chụp ảnh anh Thắng, nên không có ảnh ở đây. Sau đó, đến quãng 5h chiều, chúng tôi đi vào trung tâm thành phố chơi. Lúc đi ra khỏi MGU tình cờ gặp một ông bạn đồng nghiệp người Nga, tên là Duzhin, cũng đi chơi. Ông Duzhin khoe là “tớ hôm nay có hẹn ở quán cafe với bạn gái”. Tôi hỏi đùa “anh quen bạn gái qua internet à”, thì ông trả lời “không, đây là mấy cô bạn học cũ”. “Thế thì là gái già rồi, không thú vị”. “Không sao cả, với tớ đó vẫn là những cô gái trẻ” . Tâm hồn Nga của ông này khá lãng mạn, tuy cũng đã ngoài 55 và có con trai ngoài 30 tuổi rồi
Theo chỉ dẫn của Duzhin, chúng tôi đi đến bến tàu điện ngầm “Okhotnyi Ryad” (có nghĩa là “đội thợ săn”) để lên Quảng trường Đỏ. Bến metro đó hồi trước có tên Carl Marx, nhưng thời nay người Nga không còn thần tượng hóa ông Marx nữa, và những gì hồi trước mang tên Marx thì nay thường bị đổi thành tên khác. Lenin cũng chung số phận tương tự như vậy. Thư viện quốc gia của Nga, ngày trước mang tên Lenin, nay đã mất cái tên đó, chỉ còn là thư viện quốc gia. Đồi Lenin, nơi có tòa nhà chính của MGU, cũng được đổi tên thành Đồi Chim sẻ (Vorobiovy Gory). Tuy nhiên, ở nhiều chỗ vẫn thấy chữ “Lenin”, vì nó nhiều quá người ta không thay xuể.
(Ảnh: phía trên bến metro “Universitet” vẫn còn chữ “Lenin”, tuy hệ thống metro ở Mat đã đổi tên, gọi thành “hệ thống giao thông nhanh của thành phố” và không còn mang tên Lenin).
Hệ thống metro ở Mat khá là tiện lợi và an toàn. Trong mấy lần đi metro trong tuần ở Mat, tôi chưa thấy có vụ chen lấn xô đẩy nào, tuy người đi khá đông, có lúc nườm nượp. Và vào giờ cao điểm, khi mà trên đường xe ô tô bò còn chậm hơn là người đi bộ, thì metro là cách an tâm nhất để đi lại được đúng giờ, không tốn quá nhiều thời gian. Chỉ có điều, nó kêu to một cách khủng khiếp, chắc không dưới 100 decibel những lúc tàu chạy qua. Đứng trên nhà ga sát nhau mà hét cũng không nghe được nhau mỗi lúc như vậy. Không biết, hồi trước nó có kêu to vậy không hay bây giờ mới thế. Nhưng tôi nhớ là hồi còn là SV, tôi hay đi metro ở Mat mà không hề cảm thấy khó chịu vì tiếng ồn, còn bây giờ thấy rất khó chịu. Đứng một tiếng trong metro là như bị tra tấn. Có thể một phần do thời SV sức khỏe tốt hơn, không thấy khó chịu, và một phần quen với metro ở xứ “nhà quê” Toulouse đi êm ru rồi, sang Mat mới thấy nó kêu quá to. Người ta có nói metro của Mat được trang trí đẹp nhất thế giới. Nhưng chỉ có một số ga được trang trí đẹp thôi, còn phần lớn thì trông cũng xấu xí như nơi khác. Rất tiếc là những ga mà tôi lên/xuống thì chẳng có ga nào trang trí gì đẹp đặc biệt cả.
Ra khỏi metro, chúng tôi đi đến Quảng trường Đỏ chụp hình lưu niệm. Đây là một trong những hình chụp, có cả điện Kremlin, lăng Lenin, và nhà thờ “củ hành” (kiến trúc đặc trưng của nhà thờ Nga) nổi tiếng. Áo cộc tay mặc lúc đó là áo có in hình trường MGU, tôi mua làm lưu niệm. Các đồ lưu niệm bán trong MGU không hiểu sao phần lớn có vẻ đắt mà chất lượng lại tồi. Cái áo T-shirt này giá khoảng 11 đô la, chắc chỉ mặc được vài bữa là sẽ rách. Tôi tìm cái in hình MGU với chất lượng tốt hơn, trông đàng hoàng hơn (loại áo cũng là cộc tay nhưng có cổ và dày hơn) để mua, mà không thấy bán.
Ông Lenin hình như vẫn nằm trong lăng, và lăng vẫn có 1 chàng lính canh trước cổng, có điều không thấy cho khách vào thăm, và không biết nếu mở cửa thì có ai muốn vào không. Người ta nói đùa là phải có người canh, vì sợ ông ấy sống lại, lại chạy ra khỏi lăng đi làm cách mạng lần nữa. Chuyện tiếu lâm về lăng HCM còn hay hơn: đồng chí X, một người thân cận cũ của bác, vào trong lăng, thấy bác ngồi dây nói “tôi phải đi làm cách mạng lại mới được, chú hôm sau nhớ mang đến cho tôi con ngựa nhé”. Anh X không tin vào tai mắt mình, tự nhủ “ta đây duy vật, sao tin được chuyện người chết sống lại”. Hôm sau bèn rủ anh Z, lúc đó đang giữ chức to nhất, vào để chứng kiến cùng xem sao. Quả nhiên bác lại ngồi dậy, chỉ mặt anh X mà nói: “Chú chưa già đã lẫn, tôi bảo chú mang cho tôi con ngựa, chú lại mang đến con lợn”.
(Ảnh: tượng Georgy Zhukov ở gần Quảng trường Đỏ, nơi có thêm mấy bảo tàng)
An ninh ở Mat có vẻ tốt lên nhiều so với cách đây vài năm. Tôi hỏi người VN nào cũng thấy nói vậy, và cũng chứng kiến tận mắt là không có vấn đề gì về an ninh ở những chỗ công cộng bình thường. Người ta khuyên là tránh đi buổi đêm chỗ vắng và tránh đi đến chỗ chợ búa lộn xộn vì dễ bị du côn hay cảnh sảt tấn công. Tôi có thực hiện theo đúng lời khuyên đó. Ở Quảng trường đỏ trước đây người nước ngoài, đặc biệt là “đầu đen” cũng dễ bị cảnh sát hạnh họe, nhưng bây giờ điều đó không còn nữa. Tụi đầu trọc nghe nói hồi trước còn được tập luyện cả trong trại của ảnh sát, còn bây giờ cũng bị dẹp rồi. Anh Thắng cẩn thận, có mang theo cả số điện thoại của ĐSQ Mỹ, có thể gọi vào bất cứ lúc nào nếu bị cảnh sát Nga bắt nạt. Tôi thì lười biếng hơn, cũng chẳng mang theo điện thoại của ĐSQ Pháp. Tôi có 2 quốc tịch, nhưng khi vào Nga dùng hộ chiếu Pháp, nếu có gặp điều gì rắc rối còn hy vọng phía Pháp can thiệp, chứ không hy vọng gì vào phía VN đã quen “đem con bỏ chợ”.
Ngay sát Quảng trường Đỏ là tòa nhà GUM (có nghĩa là: cửa hàng bách hóa quốc gia) trông cũng rất đẹp. Hồi còn là sinh viên, tôi từng có lần vào đây hỏi mua một lúc 10 cái bàn là, người ta cũng bán cho. (Đấy là mua hộ cho một anh cùng khoa toán chuẩn bị đóng hàng gửi về VN, chứ bản thân tôi 5 năm ở Mat không đóng được thùng hàng nào, tổng cộng hành lý khi đi khỏi Mat là 1 cái vali, bao nhiêu sách vở tranh ảnh vứt lại Nga và về sau cũng mất luôn). Ngày xưa, GUM chỉ bán hàng Liên Xô và luôn thiếu hàng, nếu không kể hàng ế tồn kho. Khi mới sang Nga, chúng tôi được tiêu chuẩn mỗi người mua quần áo 300 rúp, nhưng không phải là được nhận 300 rúp để thích mua gì thì mua, mà là được dẫn vào những kho hàng ế ở GUM mua quần áo với giá tổng cộng 300 rúp. Tôi còn nhớ mua được 1 cái áo khoác màu xanh, chẳng đẹp gì nhưng cũng mặc suốt thời SV, vì ngoài ra hầu như cũng chẳng có áo khoác nào khác. Thời nay, GUM thành tụ điểm của những cửa hàng bán đồ xa xỉ phẩm của tư bản. Bên trong GUM được trang trí khá đẹp đẽ và lau chùi sạch sẽ. Những người đi sắm đồ trong đó trông cũng thuộc loại khá giả.
Chúng tôi không có ý định tìm mua gì ở GUM, mà chỉ lượn vào đó thăm quan xem nó ra sao thôi. Sau đó tìm đường đi đến phố Arbat. Chúng tôi hỏi đường thì người ta chỉ ra metro, nhưng chúng tôi thích đi bộ hơn, nên hỏi hướng đi, và cứ đi một đoạn lại dừng lại hỏi tiếp. Đầu tiên là đi qua khu vực công viên sát Kremlin gọi là khu Manezh (gốc tiếng Pháp = manège). Sau đó ra đến bến metro “Thư viện quốc gia” rồi từ đó đi thẳng tiếp ra Arbat.
Trên đường đi đến Arbat, chúng tôi có hơi bị lạc một chút, vì tưởng nó phải nằm ở phía xa hơn, may mà hỏi được 1 anh đứng canh 1 quán ăn, anh ấy chỉ cho đi ngược lại đúng đường. Arbat là con phố cổ nổi tiếng ở Mat, chỉ dành cho người đi bộ, nơi có nhiều nghệ sĩ lang thang và cửa hàng linh tinh, tương tự như là khu Montmartre ở Paris. Thực ra ở Mat bây giờ có hai phố gọi là Arbat: Staryi Arbat (Arbat cũ) là phố đi bộ, và Novyi Arbat (Arbat mới) là đại lộ có nhiều xe chạy qua, trước mang tên là Kalininskii prospekt. (Kalinin là một nhân vật chính trị lớn thời Xô Viết).
Đi dọc phố đó ngắm thiên hạ khá vui, và cũng được mời chào đủ thử. Có người đút vào tay chúng tôi cả một quyển sách nhỏ quảng cáo các dịch vụ “tươi mát” ở Mat.Cũng như một số nước khác, luật lệ về mại dâm của Nga khá ấm ớ, cấm không ra cấm. Về “lý thuyết” là cấm, nhưng người ta nói đùa đấy là ngành công nghiệp duy nhất phát triển tốt ở Nga trong hai thập kỷ qua. Cũng như nhiều thứ khác ở Nga, “cấm tức là được làm nhưng thỉnh thoảng có thể bị phạt tiền”. Nghe nói, thực ra cảnh sát Nga chỉ quan tâm tới các đường dây mại dâm có liên quan tới nô lệ tình dục (các cô gái bị cưỡng chế bắt ép làm việc đó), còn các cô “tự do” thì thoải mái.
Vừa đi dọc phố Arbat cổ, tôi và anh Thắng vừa hỏi đường đến Novinskii Boulevard, nơi có quán ăn Sông Lam (Cynhaia Reka) của người Việt. Ở đó bọn tôi có hẹn với Vũ, một người bạn cũ nay làm giám đốc ngân hàng Việt Nga ở Mat. Ngân hàng này là ngân hàng liên doanh nhà nước giữa ngân hàng ngoại thương của Nga và BIDV của VN. Nhà hàng Sông Lam nghe nói là nhà hàng VN trụ được lâu nhất ở Mat. Một số nhà hàng VN khác đã phải đóng cửa, không biết vì những lý do gì. Bản thân Sông Lam cũng trải qua khủng hoảng, có lần bị tai nạn cháy lớn, trước khi chuyển về địa điểm mới này. Vũ hồi học phổ thông thì trên tôi 1 khóa, về sau thành cùng năm vì tôi đi học đại học sớm 1 năm. Sau đó Vũ ở lại Nga, bảo vệ PhD về tài chính, có thời về VN làm việc, rồi bây giờ lại đang làm ở Nga. Một trong số ít người ở Mat mà không đi xe riêng: trong giờ làm việc cần đi đâu thì có xe của công ty, còn ngoài giờ thì đi metro hay taxi. Vũ bảo như vậy đi chơi trong phố được nhiều hơn, có thể uống bia rượu ở quán mà không lo. Mấy anh em ngồi ăn uống tán chuyện ở Sông Lam đến gần 11h tối thì giải tán. Tôi và anh Thắng ra bắt taxi, còn Vũ không đi cùng vì ngược đường.
Theo kinh nghiệm, ở Mat muốn bắt xe thì cứ ra vẫy. Không cần là xe có biển taxi. Chỉ cần để ý là trên xe ngoài tài xế không có thêm người nào khác. (Nếu có người khác, thì có rủi ro là đấy có thể là bọn cướp). Chúng tôi vẫy xe chưa đầy 1 phút, đã có ngay 1 chú Zhiguli đỗ xịch lại hỏi đi đâu. Trên đường phố Mat tỷ lệ xe Zhiguli (xe của Nga sản xuất) rất ít, nhưng mà “taxi dù” thì chủ yếu toàn là Zhiguli, vì đó là xe của người nghèo, mà người nghèo mới hay đi làm taxi dù để kiếm thêm tiền. Chúng tôi hỏi “ông lấy bao nhiều ?” Người lái xe trả lời “300 có được không ?” Chúng tôi đã dự kiến là giá khoảng 500, khi thấy chỉ có 300 (tương đương 10 USD) thì rẻ hơn dự kiến, nên OK ngay. Người lái xe phóng khoảng 10-15 phút thì đưa chúng tôi về được đến trường. Lúc đó đường đã vắng nên phóng nhanh được, chứ khoảng cách từ quán đến trường chắc cũng hơn 10 km.
Đến hôm thứ tư, sau khi nghe 1 báo cáo toàn thể buổi sáng do ông Karoubi (một chuyên gia Pháp kỳ cựu về K- lý thuyết) trình bầy, tôi và anh Thắng trốn hội nghị đi chơi. Với sự tổ chức lộn xộn của hội nghị, chúng tôi cũng không có gì áy náy khi bỏ đi chơi như vậy. Địa điểm đi đầu tiên là khu nhà thờ gọi là “Khram Christa Pocitelia”, có nghĩa là “nhà thờ chúa Giê su cứu thế”. Đây là nhà thờ củ hành to nhất Mat, được xây mới gần đây (thậm chí phía bên trong còn chưa xây xong), ở sát ga metro Kropotkinskaia. Khu đó, trước đây người ta định dựng tượng đài Lenin cao 100m. Nhưng do chiến tranh, thiếu sắt để làm xe tăng, nên kế hoạch dựng tượng đó bị hủy, và về sau khu đó trở thành bể bơi ngoài trời, cho đến khi nó biến thành khu nhà thờ. Ở sát nhà thờ, thay vì tượng Lenin, thì bây giờ có tượng của Nga hoàng Alexandre đệ nhị, là một ông vua bị ám sát vào quãng năm 1881 (?). Toàn cảnh nhà thờ trông rất hoành tráng. Tuy nhiên, nhìn kỹ các vết trát, thì thấy họ xây cũng khá ẩu (chắc là ẩu hơn ngày xưa), các vết nứt vách trát ở khắp nơi. Nhà thờ này nhìn ra một cái cầu dành cho người đi bộ rất đẹp, và từ trên cầu có thể nhìn thấy cảnh cung điện Kremlin và dòng sông Moskva khá đẹp. Sau khi thăm quan nhà thờ, chúng tôi lên cầu để ngắm cảnh, và cũng là để tìm xem cái bến tầu thủy du lịch chạy trên sông Moskva ở đâu, có thể ra đó mua vé đi lên tầu dạo trên sông được không.
Loay hoay một lúc, chúng tôi cũng tìm được một bến tầu thủy. Bến vắng ngắt như chùa bà đanh, không có ai ngoài một bà bán vé và một nhân viên bảo vệ, mỗi người ngồi trong một cái chòi ở hai phía trái và phải của bến. Chúng tôi mua vé tầu rồi xuống bến đợi quãng hơn 10′ thì có tầu đến. Trên tầu lúc đó vẻn vẹn chỉ có 3 hành khách, chắc là người Trung Quốc, cộng thêm với anh Thắng và tôi là 5. Ở các bến sau, có lác đác thêm vài ba người đi lên. Tầu thì to tướng, có hai tầng, chắc phải chở được hơn 200 người. Và thời tiết lúc đó thì nắng đẹp và không nóng quá cũng không lạnh quá. Tháng 5 vẫn luôn được coi là tháng đẹp nhất trong năm ở Mat, hoa đua nhau nở tưng bừng sau một mùa đông dài u ám. Nhớ lại ngày trước, có một anh VN sang Nga thực tập dài hạn, sang đúng vào mùa đông u ám gây chán nản. Thêm có chuyện gia đình ở trong nước nên được mấy tháng anh ấy nằng nặc đòi về. Lúc được đi về lại rơi đúng vào tháng 5 hoa nở tưng bừng, làm anh ấy tiếc mãi.
(Ảnh: hoa lilas nở gần MGU. Đây là ảnh duy nhất chôm từ internet trong bài này, vì tôi quên không chụp).
Nhân nói về tháng 5, có 1 bài hát của Alla Pugacheva rất hay mang tên “Этот мир” (Thế giới này), hình như xuất hiện lần vào năm 1978 trong phim “Người đàn bà hát” (Женщина, которая поёт) và cho đến nay nó vẫn còn được hát. Có thể nghe nó ở đây http://www.youtube.com/watch?v=SVGwTLRgWkg&feature=related . Bài hát mở đầu bằng câu “Một năm chỉ có một lần tháng 5 …”. Đặc biệt, có loài hoa ”Сирень” (lilas, tiếng Việt là tử đinh hương) nở khắp nơi vào tháng 5 ở Mat. Hoa này có nhiều sắc mầu khác nhau, từ trắng tinh, đến hơi tím, đến tím sẫm. Nhớ lại ngày xưa thời sinh viên, có lúc đi bẻ lilas ngoài đường để “tán gái”
Hơi khó giải thích tại sao mà một hôm tháng 5 trời đẹp như thế, lại ít khách du lịch như thế, trên một tuyến đường sông Moskva mà từ đó có thể ngắm nhiều cảnh đẹp của Mat, và chỉ cần ngắm bản thân con sông cũng đủ thấy đẹp rồi. Có thể một phần tại lúc đó gần giờ nghỉ trưa (hơn 1h trưa) nên ít người đi (nhưng mà người du lịch thì làm gì có nghỉ trưa theo giờ giấc ?), và một phần tại đây là tầu nhà nước “tàn dư của chế độ cũ” không được nâng cấp, phục vụ tồi, và có thể bị một số hãng tầu du lịch tư nhân khác trên sông cạnh tranh. Cái tầu chúng tôi đi tuy to, nhưng quả là khá tồi tàn xấu xí. Có hai thùng rác to tướng (to như là cái bàn to) trông bẩn bẩn để thô lố ngay ở hai tầng của tầu. Trên tầu thì loa phát thanh một bài hát gì đó, nhưng nghe tiếng rè rè, nhiễu là chính, không ra nhạc gì.
(Ảnh: Trên tầu thủy trên sông Moskva, đi theo hướng từ trung tâm ra bến nhà ga Kiev. Cái tượng hình chiếc thuyền mầu đen xây trên sông là tượng đài kỷ niệm Piotr đại đế)
Nói chung, sau hơn 20 năm, nước Nga vẫn còn khá tồi về khoản dịch vụ, đặc biệt là ở những nơi có tính công cộng. Chế độ bao cấp 73 năm ở Nga đã rèn cho con người ta tính cách “bất cần”, cửa quyền và bẩt lịch sự trong sự phục vụ người khác, và tính cách đó còn tồn đọng nhiều cho đến nay. Bởi vậy ở Nga bây giờ, có một bộ phận người vui vẻ niềm nở, và một bộ phận mặt mày cau có cứ như miễn cưỡng ban ơn cho người khác. May thì rơi vào người niềm nở, không may thì rơi vào người cau có lạnh nhạt.
Ngành du lịch của Nga thì rất kém phát triển, có lẽ một phần do cái tính cách “bất cần” đó. Muốn phát triển du lịch, thì phải luôn tươi cười mời đón người nước ngoài, phải chịu khó quảng cáo, phải phục vụ cho tốt, phải liên tục nâng cấp dịch vụ, v.v. Nhưng những điều đó “vất vả” quá, người Nga chọn con đường dễ dàng hơn, là bán tài nguyên thô đi để mà tiêu xài. Nghe nói, cả nước Nga một năm chỉ có khoảng 2 triệu khách du lịch nước ngoài, trong khi riêng Paris 1 năm đã có 90 triệu khách du lịch. Mà không phải là do ở Nga thiếu chỗ đáng xem. Trong số 2 triệu khách du lịch hàng năm đó, có thể kể đến các đoàn quan chức từ VN sang “thăm quan học hỏi cách làm ăn” ở Nga. Nghe nói, họ sang để thăm quan học hỏi thì ít, mà để rút ruột nhà nước thì nhiều. Ví dụ, một đoàn đi hết 1 tỷ VND, nhưng sẽ bắt công ty du lịch ghi hóa đơn 2-3 tỷ để về thanh toán và đút túi chênh lệch.
Chiếc tầu thủy chở chúng tôi có đi qua khu “Công viên văn hóa” (Park cultury). Ở đó có bày chiếc phi thuyền con thoi Buran. Nghe nói, đây là chiếc thuyền con thoi duy nhất mà Liên Xô sản xuất, có phóng thử nhưng về sau không bao giờ dùng. Ngành vũ trụ bây giờ vẫn còn là một trong số ít những niềm tự hào của Nga. Tuy nhiên, nghe nói khu triển lãm về hàng không vũ trụ ở Mat (nằm trong khu triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân ngày xưa) nay đã biến thành khu quảng cáo bán đồ điện tử tây – tàu. Ngành điện tử của nước Nga có thể coi là gần như không tồn tại, mọi thứ đều nhập. Không chỉ điện tử, ngay đến những thứ như thang máy Nga cũng toàn nhập của nước ngoài.
Dù sao thì con sông Moskva vẫn rất đẹp, và hai bên bờ có xây tường đâu ra đấy từ ngày trước. Khó hình dung là bao giờ những con sông chảy qua các thành phố lớn ở VN mới được quy hoạch xây đắp được như vậy. Chúng tôi xuống tầu thủy ở bến “Đồi chim sẻ” (Vorobiovy Gory, trước gọi là Đồi Lenin), từ đó đi lên đồi bằng ghế treo dây cáp (mua vé 100 rúp 1 vé). Đi dây cáp cũng khá thú vị. Đây là chỗ phục vụ cho trượt tuyết mùa đông: người ta trượt xuống rồi lại đi lên bằng dây cáp. Hơi tiếc là không có ảnh chụp lúc đó. Trên đoạn đường đi bằng dây cáp, có được nghe bài hát “Đôi bờ” (dva berega) rất hay phát ra từ một loa phóng thanh, với chất lượng âm thanh khá tốt. Có thể nghe bài hát đôi bờ bằng tiếng Nga trên youtube, do một ca sĩ đang nổi là cô Rada Rai hát ở đây: http://www.youtube.com/watch?v=DiovjNKJLNA&feature=related.
Bài hát “Dva berega” này hay cả về nhạc và lời, nên sau khi được nghe bài hát ở Đồi chim sẻ, tôi nghe đi nghe lại nó để học cho thuộc. Nó cũng đã được dịch ra tiếng Việt và được nhiều người biểu diễn bằng tiếng Việt. Lời Nga là:
Два берега
Автор текста (слова) – Поженян Г.
композитор (музыка) – Эшпай А.
Автор текста (слова) – Поженян Г.
композитор (музыка) – Эшпай А.
Ночь была с ливнями, (ban đêm đã có mưa rào)
И трава в росе. (và cỏ thẫm nước)
Про меня “счастливая”
Говорили все. (mọi người đều nói rằng em hạnh phúc)
И сама я верила, (bản thân em cũng tin như vậy)
Сердцу вопреки: (bất chấp trái tim)
Мы с тобой два берега
У одной реки. ([nói rằng] hai chúng ta như là đôi bờ của một dòng sông [ý là mãi không gặp lại được nhau])
И трава в росе. (và cỏ thẫm nước)
Про меня “счастливая”
Говорили все. (mọi người đều nói rằng em hạnh phúc)
И сама я верила, (bản thân em cũng tin như vậy)
Сердцу вопреки: (bất chấp trái tim)
Мы с тобой два берега
У одной реки. ([nói rằng] hai chúng ta như là đôi bờ của một dòng sông [ý là mãi không gặp lại được nhau])
Утки все парами, (các con vịt đều có đôi)
Как с волной волна, (như là sóng đi với sóng)
Все девчата с парнями, (các cô gái đều có bạn trai)
Только я одна. (chỉ riêng em một mình)
Я ждала и верила, (em đã đợi và đã tin)
Сердцу вопреки:
Мы с тобой два берега
У одной реки.
Как с волной волна, (như là sóng đi với sóng)
Все девчата с парнями, (các cô gái đều có bạn trai)
Только я одна. (chỉ riêng em một mình)
Я ждала и верила, (em đã đợi và đã tin)
Сердцу вопреки:
Мы с тобой два берега
У одной реки.
Ночь была, был рассвет, (buổi đêm đi qua, rồi bình minh cũng qua)
Словно тень крыла. (như là bóng của một cái cánh)
У меня другого нет, (em không có ai khác)
Я тебя ждала. (em đã đợi anh)
Всё ждала и верила, (chỉ đợi anh, và tin)
Сердцу вопреки:
Мы с тобой два берега
У одной реки.
Словно тень крыла. (như là bóng của một cái cánh)
У меня другого нет, (em không có ai khác)
Я тебя ждала. (em đã đợi anh)
Всё ждала и верила, (chỉ đợi anh, và tin)
Сердцу вопреки:
Мы с тобой два берега
У одной реки.
(Ảnh: chỉ có mỗi góc đó, ở tầng 12 nhà chính MGU, là bắt được internet trong suốt thời gian hội nghị).
Nghe nói, xuất xứ của bài hát “Đôi bờ” này là một bài thơ mà ông Pozhenian viết để kỷ niệm một trận chiến đấu trong lòng địch mà ông ta, và hình như cả cô gái người yêu ông ta, có tham gia ở làng Belyaevka cách thành phố Odessa 40km hồi năm 1941.Lúc đó, Odessa bị Đức bao vây, còn Belyaevka, nơi có nhà máy cấp nước cho Odessa, thì bị chiếm, và dân Odessa không có nước uống, mỗi người chỉ được nhận quãng 1 gáo nước một ngày. Trận đánh đó nhằm chiếm lại nhà máy phát nước để cung cấp nước cho Odessa trong vòng vài tiếng đồng hồ, trong khi chờ đợi quân cứu viện đến giải vây thành phố. Bài hát “Đôi bờ” lần đầu xuất hiện trong một bộ phim đen trắng về trận chiến đấu đó, mang tên “Zhazhda” (Khát) xuất hiện vào năm 1959, và nhanh chóng trở thành nổi tiếng, nổi tiếng hơn là bộ phim, và cho đến nay nó vẫn hay được hát ở Nga. Đến năm 2011 người ta có làm một bộ phim khác, cũng mang tên “Zhazhda”, cũng về sự kiện lịch sử này, nhưng các tình tiết hư cấu đã biến đổi hoàn toàn so với bộ phim năm 1959, và rất tiếc bài hát Đôi bờ cũng biến mất luôn trong bộ phim mới.
Lên đến phía trên đồi chim, sẻ chúng tôi đi bộ về trường ăn trưa. Lúc đó khoảng hơn 2h trưa. Ăn trưa xong, anh Thắng đi nghe thêm các báo cáo buổi chiều của hội nghị. (Mỗi buổi sáng chỉ có 2 báo cáo toàn thể, còn từ 12h trưa trở đi là các báo cáo tiểu ban, có thể kéo dài đến 6-7h chiều, vì rất nhiều báo cáo). Còn tôi về phòng ở chuẩn bị báo cáo của mình. Tôi có một thói xấu là không thể chuẩn bị được báo cáo trước nhiều hôm. Dù có cho thời hạn dài, thì những hôm trước chỉ nghĩ qua được khung báo cáo thôi, còn đến những hôm sát đít mới tập trung viết được ra bản trình bầy.
Buổi tối hôm đó, có 3 bạn trẻ VN đang hoc toán ở Mat đến chơi. Bạn Linh là lớn nhất, đang sắp bảo vệ candidat ở trường Lumumba (đại học tổng hợp quốc tế ở Mat). Trường này cũng có đủ các khoa như là MGU, chỉ có điều hồi trước nó được lập riêng ra để dành cho sinh viên từ các nước “thân Nga”, đặc biệt là các nước đang phát triển, và mức độ đòi hỏi không cao như MGU. Linh sang Nga theo học bổng chính phủ VN, và trước học ở MGU, nhưng khi làm NCS phải chuyển sang Lumumba vì không còn thỏa thuận giữa MGU và phía VN về chuyện nhận SV VN theo học bổng chính phủ VN. Tuy có thỏa thuận giữa các bộ của VN và Nga, nhưng MGU lại trực thuộc chính phủ chứ không thuộc Bộ giáo dục Nga. Bạn thứ hai là Ngọc, sinh viên năm thứ 4 ở MGU, và bạn thứ ba là Hùng (?), mới đang học dự bị và chuẩn bị vào năm thứ nhất. Thời tôi còn học, ở MGU có đến 2-300 người VN học ở đó, còn bây giờ theo các bạn kể thì chỉ còn có 10 người. Anh Thắng và tôi đi ăn cơm tối và nói chuyện cùng ba bạn này, đặc biệt là chuyện xin học bổng và xin việc các nơi khác.
Ăn tối xong, tôi về phòng tiếp tục chuẩn bị báo cáo, và thức đến khoảng 2h đêm thì viết xong hòm hòm. Đây là lần đầu tiên tôi viết báo cáo dạng “beamer”, chuyên dành để chiếu lên màn hình. Cái “beamer presentation” trong toán tương tự như là “powerpoint”, chỉ khác là nó viết bằng latex, đặc biệt tiện lợi cho các trình bầy về toán học. Tôi có mang theo trong máy tính 1 bản trình bầy beamer, của 1 bạn NCS ở Toulouse, ở Mat tôi chỉ việc thay nội dung bằng nội dung của tôi, còn “trang trí” thì như cũ. Các báo cáo mà tôi làm hồi trước, thì hoặc là viết phấn, hoặc là có viết trên máy tính nhưng “nhà quê” không dùng “beamer”.
(Ảnh: hì hụi với hệ thống tin học sát giờ báo cáo, 24/05/2012. Người đứng bên trái là Andrey Oshemkov, bạn cùng thầy với tôi nay là full prof ở MGU, còn người bên phải là Levan Alania, cũng ở MGU, cùng thầy với anh Thắng)
Sáng hôm thứ năm, tôi phải báo cáo lúc 9h30. Đến sớm mấy phút, nhưng phải cùng với mấy đồng nghiệp người Nga đánh vật với hệ thống tin học của hội trường một lúc lâu mới chiếu được bản báo cáo lên, và khởi đầu báo cáo bị chậm mấy phút so với lịch. Đang báo cáo giữa chừng thì thấy ông Boris Dubrovin xuất hiện. Ông Dubrovin phải báo cáo ngay sau tôi, lúc 10h30, mà buổi sáng hôm đó ông mới bay từ đâu đó đến Mat. Ông Dubrovin làm trưởng bộ môn vật lý toán (mathematical physics) ở SISSA (Trieste, Italy), nhưng đồng thời mới đây nhận được một “megagrant” ở Nga khoảng 5 triệu USD cho khoa học trong mấy năm, và có lập ra một “Lab” toán lý ở MGU để tiêu tiền này. Hội nghị này cũng chủ yếu là do cái quĩ của ông Dubrovin tài trợ. Các đây gần 20 năm, khi tôi còn ở Trieste, cũng có theo học ông Dubrovin một chút. Định nhận ông làm thầy hướng dẫn, nhưng lúc đó ông ấy đang làm mấy cái quá khó và mới đối với tôi, mà tôi đang muốn bảo vệ nhanh cho xong, nên tiếp tục làm mấy cái cũ và mang sang Pháp bảo vệ. Sau đó, thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp gặp lại ông Dubrovin, một người rất hiền hậu vui tính. Có lần ông Dubrovin đã nhận lời mời của tôi sang VN dự một hội nghị, định mang cả vợ theo, nhưng do trục vấn đề visa mãi không làm xong nên hủy chuyến đi.
(Ảnh: chụp lén trong cung điện – nhà bảo tàng ở khu công viênTsaritsyno, 24/05/2012. Người ta phát túi ny lông bọc giầy để khỏi làm bẩn sàn)
Kiểu quản lý tiền khoa học ở Nga có thể xếp vào loại ký quái nhất thế giới. Lương giáo sư thì rất thấp, tiền khoa học cho phần lớn mọi người thì rất ít, thậm chí bị cắt giảm so với mấy năm trước. Thay vào đó, người ta tạo ra một số rất ít cái “megagrant” mỗi cái 150 triệu rúp (quãng 5 triệu USD), cho một số ít người. Ai nhận được cái “megagrant” đó thì trong mấy năm “tha hồ tiêu pha”, còn những người không nhận được nó và không “thân” những người nhận được các grant đặc biệt như vậy thì “tha hồ đói”. Một kiểu quản lý quái dị, vừa không có tính liên tục (vì megagrant chỉ có thời hạn ngắn), vừa lãng phí (tiền nơi thừa không tiêu được đâu cho hết, nơi cần thì không có), vừa bất công, và vừa vẫn để cho đại bộ phận nền khoa học ở trạng thái thảm hại về tài chính, v.v. Có lẽ nó cũng không khác gì mấy kiểu quản lý công ở Nga trong những lĩnh vực khác. Tôi có nói chuyện với mấy GS ở Nga về vấn đề này, họ đều kêu trời. Nhưng thay đổi hệ thống thật khó, khi mà ngồi trên đầu họ cũng là những kẻ ấm ớ về khoa học.
Sau khi báo cáo và nghe báo cáo của Dubrovin, tôi có nói chuyện một lúc lâu với người bạn đồng môn Andrey Oshemkov, nay cũng đã trở thành một GS đáng kính. Andrey là người lo giấy tờ cho tôi sang dự hội nghị, và cũng là người làm gần với những cái tôi quan tâm nhất trong số những người đang còn ở Mat. Andrey có hỏi tôi “sao tối hôm trước không dự liên hoan, có mấy đứa cứ hỏi mày ở đâu”, tôi nói phải chuẩn bị báo cáo. Andrey gật gù. Có một lý do khác mà tôi ngại lúc đó không nói ra là, người ta không mời tôi liên hoan, mà bảo tôi đóng 80USD cho việc liên hoan uống rượu say lè nhè, nên tôi không đóng, không phải vì tiếc 80$, mà vì thấy rất chướng khi phải bỏ công bỏ việc ở Pháp bỏ tiền khoa học mua vé máy bay bỏ thời gian chuẩn bị báo cáo cho người ta nghe mà người ta không mời nổi một bữa liên hoan. Sau đó, Andrey cũng bận đi cho SV thi (đang kỳ thi sát hạch cuối năm ở Mat), và tôi cũng “bận” đi chơi, nên hẹn Andrey đến 10h tối gặp tán chuyện tiếp. Andrey có nhà nằm khá xa trường, nhưng đồng thời vẫn còn giữ được trong trường 1 căn phòng nhỏ từ thời NCS, họ chưa đòi lại, nghe nói trong năm nay sẽ bị đòi, nên vẫn hay ngủ lại trong trường cho tiện khi nào cần ở trường liên tục.
Quãng gần 4h chiều ngày thứ 5, bạn Ngọc, lúc đó vừa trả thi xong môn lịch sử toán học, dẫn tôi và anh Thắng đi chơi một chỗ ở Mat gọi là Tsaritsyno (Царицыно).Ngọc sinh năm 92, đã học đến cuối năm thứ 4 (chắc là đi học sớm), về ngành toán xác suất, và thầy của Ngọc là ông Shiryaev rất nổi tiếng về ngành này trên thế giới. Ngọc là “con nhà nòi”, vì bố hồi trước cũng học MGU, khoa toán cơ, ngành cơ học. Bạn Ngọc này mặt mũi rất sáng sủa, và có nhiều khả năng sẽ tìm được học bổng du học ở Mỹ hay nơi nào đó, và có một tương lai tươi sáng.
Tsaritsyno theo tiếng Nga có nghĩa là “khu của nữ hoàng”. Đi từ MGU đến đó bằng metro mất gần 1 tiếng. Đây là một khu công viên và lâu đài do nữ hoàng Ekaterina II xây, nhưng xây chưa xong thì hết tiền không xây nữa, và gần đây người ta mới xây tiếp và hoàn thành. Khu này phong cảnh rất đẹp, và có hai bảo tàng bên trong khá thú vị: bảo tàng về thời của Ekaterina II, và bảo tàng về quần áo mốt ở Nga trong thế kỷ qua. Lúc chúng tôi vào đến khu tòa nhà đã hơn 5h chiều, mà các bảo tàng đóng của vào 6h, nên vừa đi vừa chạy để xem, và là những người khách cuối cùng ra về khỏi bảo tàng.
Một điều khá bất ngờ chưa từng gặp ở nơi khác là, phía trong bảo tàng Ekaterina II, người ta không ghi là cấm chụp ảnh, mà ghi là “muốn chụp phải trả tiền”! Tức là phải mua vé để được phép tự mình dùng máy của mình chụp hình trong đó. Chúng tôi không biết trước nên không có vé, mà chạy đi mua vé thì mất hết thời giờ, nên thôi không thèm chụp, nhưng cũng có chụp lén được vài kiểu.
Khu Tsaritsyno rất rộng, có nhiều cây cối, phong cảnh thanh bình và đẹp đẽ. Chỉ cần đi dạo ở đó thôi cũng đủ thích và xả được stress. Mơ ước bao giờ Hà Nội hay Saigon mới có được một khu công viên đẹp như vậy cho nhân dân.
Rời khỏi khu Tsaritsyno, chúng tôi chia tay bạn Ngọc, đi metro quay lại trường. Về được đến MGU đã thành quãng 8h tối, các nhà ăn chính đã đóng cửa. Nhưng ở tầng 6 của Zona E có 1 cái buffet mở cửa đến tận 11h tối, và chúng tôi vào đấy ăn. Cái buffet đó nhỏ, nhưng cũng có người làm bếp ngay tại chỗ và bán đồ ăn nóng. Chúng tôi ăn ở đó đắt hơn một chút nhưng ngon hơn hẳn những chỗ khác của trường, vì nóng sốt hơn do nấu tại chỗ, được chọn trong số nhiều món hơn, vui vẻ hơn, bà bán hàng rất niềm nở dễ chịu, và phục vụ tại bàn chứ không phải tự mình dọn khay ăn của mình như là ở những nhà ăn khác của trường. Ở đó chúng tôi ăn món thịt bê, là món không thấy có ở những nhà ăn khác.
(Ảnh: Novyi Arbat, ở khu trung tâm thành phố, với những nhà cao tầng xây từ thời Xô Viết na đã ngả mầu xám xịt, 25/05/2012)
Hôm sau là hôm thứ sáu, hôm cuối cùng của hội nghị. Tôi và anh Thắng buổi sáng hôm đó ăn mì ăn liền nhãn hiện Roll-ton, do anh Thắng mua về từ hôm thứ hai. Roll-ton là một công ty làm mì ăn liền do người Việt lập ra ở Nga, và ngoài Roll-ton còn mấy công ty mì ăn liền khác của người Việt. Chúng tôi ăn hai gói mì, và ăn nốt đống hoa quả mua từ đầu tuần, dọn dẹp sẵn phòng và xếp va li, để chuẩn bị trong ngày sẽ có lúc quay lại lấy đồ rồi rời khỏi trường luôn. Sau đó, chúng tôi đến dự báo cáo buổi sáng của ông Rolfson về một số tính chất của nhóm cơ bản của phần bù của các nút. Sau báo cáo đó, chúng tôi chào hỏi chia tay mọi người. Tuy chương trình hội nghị còn kéo dài đến 7h chiều ngày thứ sáu, nhưng đối với chúng tôi thì hội nghị đã kết thúc từ 11h sáng. Không có khai mạc thì cũng không có bế mạc, cũng không ai nghĩ cần chụp ảnh lưu niệm chung cho hội nghị. Linh (NCS toán) có gọi điện ngỏ ý có thể dẫn chúng tôi đi chơi mua đồ. Anh Thắng và tôi cảm ơn Linh, nhưng quyết định tự đi để chủ động hơn, và khỏi làm phiền Linh phải đến MGU (Linh ở chỗ khác). Linh có cho chúng tôi địa chỉ một chỗ bán đồ lưu niệm linh tinh của các nước ở Mat, nhưng rồi chúng tôi cũng không có đủ thời giờ đi ra đó, vì nó hơi xa không tiện đường.
(Ảnh: tay cầm bộ sách Anton Chekhov ở Dom Knigi, Novyi Arbat, 25/05/2012. Anh Thắng lấy máy ra chụp hình tôi cầm bộ sách này thì bị 1 mụ mặt mày cau có ngồi ở quầy trả tiền kêu “Không được chụp. Muốn chụp phải gặp giám đốc xin giấy phép!”)
Chào một số người xong, chúng tôi lại đi ra chỗ gần bến metro Universitet (là bến gần trường nhất). Ở đó có một khu cửa hàng / siêu thị, trong đó có cả cửa hàng “Ashan”. Ashan chính là Auchan của Pháp, khi sang đến Nga thì viết thành Ashan. Lượn lờ một tẹo, rồi chúng tôi ăn trưa ở một quán trong khu đó, gọi là quán “Vịt Bắc Kinh”. Ăn không ngon, mà chỉ đắt thôi. Tính ra mất hơn 20Euro một người ăn trưa, mà chán òm. Đồ ăn đầy dầu mỡ, và không có vẻ tươi lắm. Ăn xong, chúng tôi lại đi vào khu Arbat. Tôi thì cần đến “Dom knigi” (nhà sách) ở Novyi Arbat để mua mấy quyển sách mà thủ trưởng đặt hàng. Anh Thắng không có nhu cầu mua sách, nhưng cũng đi chơi theo, và để xem khu Arbat có đồ lưu niệm gì hay không.
Ngày xưa, theo tôi nhớ, Dom Knigi bày rất thoáng, và chủ yếu chỉ có sách thôi. Còn bây giờ nó bày chật cứng đủ thứ trong đó, không chỉ sách mà bán đủ thứ linh tinh nữa. Trong lúc tôi tìm mua sách Chekhov, thì anh Thắng có đi thăm thú các quầy khác nhưng không tìm được gì hay. Sau đó chúng tôi đi dạo thêm ở Nonyi Arbat một lúc, rồi rẽ vào Staryi Arbat. Ở đó, chúng tôi rẽ vào một cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm. Mấy người bán hàng trong đó không phải là người Nga, mà là người Trung Á, hình như là Uzbekistan nếu tôi nhớ không nhầm. Da của họ cũng có màu giống người VN, và mặt mũi họ cũng đặc nét châu Á tuy khác nét người VN. Anh Thắng mua được ở đó 1 con matrioshka rất đẹp và cũng rất đắt tiền, có thể đem bày ở chỗ sang trọng. Tôi chì chỉ mua một con matrioshka đồ chơi rẻ tiền (10E) làm quà cho cô con gái nhỏ.
Ra khỏi cửa hàng lưu niệm, chúng tôi quay lại phố Novyi Arbat (hai phố nằm song song nhau) để bắt xe về lại MGU. Cũng như lần trước bắt xe, chỉ đứng vẫy chưa đầy 1 phút, đã có 1 chiếc zhiguli đỗ phịch trước mặt. Tài xế là 1 anh trẻ tuổi, trông cũng có vẻ người của một nước cộng hòa cũ của Liên Xô chứ không phải Nga. Anh ta đòi 400 rúp, chúng tôi đồng ý lên xe. Về đến sát trường, thì đoạn đường cuối cùng bị đóng vì sửa, nhưng có xe đi trước trèo luôn sang đường bên cạnh (ngược đường) để đi qua đoạn đó. Tôi hỏi anh lái xe “sao mày không đi thế đi” thì anh ta trả lời “ở kia đang có kirpich (viên gạch)”. Trong tiếng lóng của Nga, viên gạch tức là cảnh sát, tôi thì không nhớ tiếng lóng đó nhưng anh Thắng nhớ. Chúng tôi bèn nhảy xuống khỏi xe, đi bộ thêm vài phút đến trường.
(Ảnh: Tòa nhà số 1 của các khoa xã hội và nhân văn MGU. Từ năm 2005 xuất hiện tượng của thi hào Mỹ Walt Whitman nhân dịp Hilary Clinton sang thăm ?)
Chúng tôi quay lại trường chỉ cốt để lấy đồ đạc, rồi đi luôn. Đồ đạc đã xếp vào vali sẵn từ buổi sáng. Thấy chúng tôi kéo đồ đạc, bà trực tầng hỏi “chúng mày đi à”. Bà ta liền viết cho chúng tôi 1 cái “propusk” (giấy thông hành) cho phép mang 2 vali ra ngoài. Tương tự như hơn 20 năm trước đây, mang đồ ra khỏi MGU phải có propusk thì mấy gác cổng mới cho mang ra. Ở trường MGU bây giờ không còn công an gác cổng như trước, mà thay vào đó là 1 công ty bảo vệ tư nhân. Và số lượng người gác có khi nhiều gấp 2 lần so với lượng công an ngày trước. Không những chỉ các cổng ra phía ngoài được gác, mà ngay trong trường, cổng vào từng khu nhỏ một cũng bị chặn cửa và có 2 người gác, và mỗi tầng lại có thêm người ngồi trực tầng nữa. Sau giai đoạn an ninh lộn xộn, ở đâu ở Mat cũng nhan nhản người gác. Họ phải nuôi bao nhiêu người gác như vậy, tốn kém quá nhiều vào việc bảo vệ như vậy, thì kinh tế quả là sẽ chậm phát triển.
Khi chúng tôi ra đến phía ngoài cổng MGU, thì cũng vừa lúc anh Hiến bạn anh Thắng đến đón. Anh Hiến chở chúng tôi về nhà. Lại tắc nghẹt đường. Đường phố Mat chiều tốt thứ 6 có lẽ là lúc kẹt kinh khủng nhất, vì đó là lúc dân tình đổ từ thành phố ra ngoại ô để nghỉ cuối tuần. Phải hơn 2 tiếng rưỡi, xe mới bò được về đến nhà anh Hiến. Tối hôm đó làm liên hoan ở nhà anh Hiến. Ngoài chúng tôi, còn có nhiều người bạn cũ khác ở Mat đến chơi: gia đình anh Nam / chị Thanh, gia đình anh Công / Hà (cũng dân toán MGU, cùng năm anh Nam) gia đình anh Lâm / chị Bích (cũng dân MGU), chị Thảo (dân trường MEI ?) và chị của chị Thảo. Vũ bạn tôi cũng hẹn đến, nhưng rồi vợ ốm không đến được hôm đó. Mọi người ăn uống cười nói vui vẻ đến quãng nửa đêm thì giải tán, còn anh Thắng và tôi ngủ lại nhà anh Hiến / Hằng. Có cả bố mẹ anh Hiến cũng đang ở đó, nhưng hai bác sinh hoạt rất điều độ, chỉ ra chào mọi người thôi, chứ không tham gia hội hè. Mọi người kể nhiều chuyện khá thú vị, nhưng có lẽ dịp khác tôi sẽ kể lại. Phần lớn các SV VN cũ ở lại Nga làm ăn bây giờ đều ăn nên làm ra.
Không ngờ tôi và anh Thắng được chị Thảo tặng cho mỗi người 1 con matrioshka rất đẹp mang về bầy ở nhà. Tôi được “ăn theo” thôi chứ không nhớ chị Thảo, vì là bạn anh Thắng, có thể trước có gặp ở MGU vài lần nhưng không nhớ. Khi khách khứa về hết rồi, anh Hiến rủ anh Thắng và tôi đi tắm hơi trong phòng tắm hơi khô (sauna) được trang bị ở tầng hầm. Nhiệt độ trong phòng tắm hơi lên đến 100 độ C. Anh Hiến bảo phòng của anh ấy tối đa lên được đến 110 độ C, còn bọn Nga có khi còn chịu được đến 130 độ C. (Đấy là sauna, còn nếu hơi ướt (hammam) thì không chịu được nhiệt độ cao đến vậy). Đến sáng thứ bẩy, anh Hiến chở tôi ra sân bay. Đi đường cũng tắc, nhưng vẫn ra được đến sân bay trước hơn 1 tiếng so với giờ bay. Vào làm thủ tục rất nhanh gọn. Vắng vẻ chẳng có mấy ai, chỉ vài phút là đã vào đến phòng đợi. Thấy trong túi còn hơn 1000 rúp, lôi ra mua thêm được 1 con lật đạt bằng gỗ và 1 cái cốc in hình Mat làm lưu niệm. Thế là kết thúc một chuyến đi khá thú vị.
Rất cảm ơn các anh chị và các bạn ở Mat đã nhiệt tình tiếp đón, cho tôi có được 1 chuyến đi vui vẻ thú vị như vậy !
Viết xong tại Toulouse, 30/05/2012.
đọc xong thấy buồn, thất vọng và tiếc cho nước Nga quá!
Trả lờiXóanhiều người lo ngại xã hội VN sẽ diễn biến theo hướng tương tự nếu có thay đổi về đường lối Chính trị. mf dân trí Vn còn lâu mới so được với dân Nga.