Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đa số có xu hướng bảo thủ

Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đa số có xu hướng bảo thủ

Thường vụ Bộ Chính trị mới Đảng Cộng sản Trung Quốc : nhiều nhân vật bảo thủ như Lưu Vân Sơn, (thứ 5).Ảnh chụp trước cuộc họp báo, ngày 15/11/2012
Thường vụ BCT mới Đảng CS Trung Quốc : nhiều nhân vật bảo thủ như Lưu Vân Sơn, (thứ 5).Ảnh chụp trước cuộc họp báo, ngày 15/11/2012 Reuters

Thanh Phương
Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc bao gồm nhiều nhân vật xu hướng bảo thủ hơn là những lãnh đạo chủ trương cải cách. Đó là nhận định chung của các nhà phân tích hôm nay, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố danh sách 7 uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Những người quan sát diễn tiến Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua đều nhận thấy ảnh hưởng rất lớn của ông Giang Trạch Dân, nguyên Tổng bí thư Đảng từ năm 1989 đến 2002. Thế lực của ông Giang Trạch Dân dường như đã tác động lên các cuộc thương thuyết, mặc cả chọn ban lãnh đạo mới.

Theo nhận định của ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chính trị học tại Hồng Kông, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, Thường vụ Bộ chính trị mới của Trung Quốc có phần nào giống như là một băng của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã mất rất nhiều ảnh hưởng.
Giáo sư Cabestan cho rằng đây không phải là một êkíp sẳn sàng đề ra những cải tổ rất quan trọng, hoặc nếu có, thì sẽ chỉ là những cải tổ về mặt kinh tế, vì Trung Quốc đang rất cần. Nhưng về mặt chính trị, đây là những nhân vật rất bảo thủ, đặc biệt là các ông Lưu Vân Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, hay ông Trương Đức Giang, bí thư thành ủy Trùng Khánh. Trong khi đó, những nhân vật có xu hướng cải cách như bí thư Quảng Đông Uông Dương hay Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều lại không được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Trả lời AFP, ông Willy Lam, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại trường Đại học Trung Hoa ở Hồng Kông, cũng nhận xét là các thành phần bảo thủ đang chiếm ưu thế trong ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Ông Willy Lam dự báo là những nhân vật trung thành với Giang Trạch Dân có thể sẽ khó mà ngả hẳn theo Tập Cận Bình. Cho nên, sẽ có những va chạm, xung khắc và cãi vã giữa bảy ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Về phần ông Joseph Cheng, một nhà phân tích thuộc đại học City University, Hồng Kông, cũng cho rằng thành phần Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc mang nặng dấu ấn bảo thủ, với đa số là những tay chân thân tín của Giang Trạch Dân.

Ông Alberto Forchielli, thuộc công ty Mandarin Capital Partners ở Thượng Hải, được hãng tin Reuters trích dẫn, không chờ đợi sẽ có nhiều thay đổi với ban lãnh đạo mới. Theo nhận định của ông Forchielli, về mặt chính sách, Đại hội Đảng lần thứ 18 thể hiện sự tiếp nối. Ban lãnh đạo mới sẽ hành động rất thận trọng, ít ra là trong việc tái cơ cầu kinh tế và tài chính.

Hiện giờ, chưa ai biết những định hướng chính trị thật sự của Tập Cận Bình và êkíp của ông. Đối với ông Orville Schell, thuộc tổ chức Asia Society ở New York, Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như chưa xác định được là bước cải tổ kế tiếp sẽ như thế nào, cho nên họ đã đi đến đồng thuận là trước mắt phải tỏ ra rất thận trọng. Việc chọn Tập Cận Bình làm Tổng bí thư cũng là kết quả của sự thỏa hiệp, một giải pháp được cả hai phe Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân chấp nhận.

Tóm lại, với một ban lãnh đạo mà đa số xu hướng bảo thủ như vậy, không ai chờ đợi là sẽ có những thay đổi lớn ở Trung Quốc trong những năm tới. Tuy nhiên, như bản thân ông Tập Cận Bình đã nhìn nhận hôm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đối diện với nhiều « thách thức nghiêm trọng », nhất là nạn tham nhũng tràn lan, với nỗi bất mãn ngày càng dâng cao của người dân nghèo trước những « quý tộc đỏ ». Đến một lúc nào đó, mô hình hiện nay Trung Quốc sẽ đi đến mức giới hạn và tân lãnh đạo của nước này sẽ phải đề ra một mô hình khác. Ông Tập Cận Bình sẽ có đủ bản lãnh đề làm điều đó hay không ? Thời gian sẽ trả lời.

-----------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét