(Dân Việt) - Tuần qua, Thủ tướng Anh David Cameron bay đến Scotland, cùng đồng nhiệm Alex Salmond của Scotland ký một thỏa thuận lịch sử: Vào mùa thu 2014, sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý xem Scotland nên độc lập hay vẫn thuộc Vương quốc Anh (UK).
Theo kế hoạch, cử tri Scotland sẽ chỉ trả lời “yes” hoặc “no” cho câu hỏi “Scotland có nên độc lập”. Trên tinh thần thỏa thuận, Quốc hội Scotland sẽ có quyền soạn câu hỏi chính xác cho cuộc trưng cầu, nhưng ủy ban bầu cử có thể sửa đổi nếu câu hỏi không rõ ràng hoặc nghiêng về một hướng. Ủy ban này cũng sẽ quy định hạn chế quỹ vận động.
Thủ tướng Anh Cameron (phải) bắt tay người đồng nhiệm Salmond
Trước đó, các quan chức Anh-Scotland họp dài dài bàn chi tiết cuộc trưng cầu, chủ yếu về thời hạn tổ chức và câu chữ của câu hỏi. Đảng Quốc gia Scotland (SNP) của ông Salmond muốn tổ chức trong tháng 10.2014, nhưng ông Cameron và phe ủng hộ một khối thống nhất muốn tổ chức trong năm 2013. Chính phủ Anh được thỏa mãn yêu cầu chỉ đặt một câu hỏi “yes” hoặc “no”.
Thỏa thuận này mở đầu cho một cuộc vận động dài hơi trước cuộc trưng cầu. Theo thăm dò mới nhất về hướng độc lập, ý tưởng rời khỏi UK đã giảm, chỉ còn 28% ủng hộ, giảm 53% so với năm ngoái. Nhưng các nhà chiến lược SNP tin tưởng kết quả thăm dò sẽ thu hẹp khi họ công bố kế hoạch xác định tương lai Scotland độc lập. Họ cũng tin tưởng việc mở rộng cuộc trưng cầu dân ý cho thế hệ 16, 17 tuổi sẽ tăng sự ủng hộ (tuổi đi bầu ở các cuộc bầu cử thuộc UK là 18).
Ông Cameron nói cuộc trưng cầu là bước đầu cho một chương quan trọng trong lịch sử Scotland. Nhưng chắc chắn đây là một chuyến đi ông không thích chút nào. Ông không muốn là một lãnh đạo chủ trì sự tan rã mối quan hệ chính trị 300 năm nay giữa Anh với Scotland.
Nhưng ông không thể chặn các chính khách Scotland muốn hỏi cử tri rằng họ có muốn độc lập hay không. Scotland như châu Âu đang đối mặt với sự suy thoái và kinh tế bất ổn, rất khó đoán được câu trả lời. Giới thất nghiệp nhận định tương lai quá bấp bênh, họ chẳng có gì để mất nên hy vọng sự độc lập có thể cải thiện tương lai của họ.
Scotland và Anh có mối quan hệ phức tạp, từng đánh nhau trong nhiều thế kỷ và trẻ con Scotland vẫn còn được kể những câu chuyện anh hùng dân tộc mặc váy quốc phục kilt chống quân đô hộ Anh như William Wallace - đã được dựng thành phim Trái tim dũng cảm (Brave Heart) với Mel Gibson thủ vai chính. Nhưng cũng có nhiều người Scotland tôn trọng hoàng gia Anh và có mối quan hệ sâu bền với Anh. Năm 1707, hai quốc gia hợp nhất thành Đế chế Anh (họ cùng với Xứ Wales và Bắc Ireland lập thành UK), chung một vị vua, cùng sử dụng đồng bảng và chính phủ đặt tại London.
Năm 1997, Scotland đạt được quyền tự chủ đáng kể, sau cuộc bầu cử để lập Quốc hội vốn có những quyền hạn riêng. Nay SNP muốn Scotland với 5 triệu dân trở thành quốc gia độc lập trong khối EU. Ông Salmond nói độc lập sẽ đem lại sự thịnh vượng lớn lao, cho phép Scotland khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên dầu khí cùng các nguồn năng lượng khác.
Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu buộc ông phải có vài thay đổi: ông từng nói Scotland độc lập sẽ sử dụng đồng euro, nay ông nói vẫn sẽ sử dụng đồng bảng, dù chưa rõ London có đồng ý hay không.
Vẫn còn những thắc mắc khó giải đáp khác từ triển vọng độc lập, gồm tương lai của căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Scotland và tương lai các đơn vị quân sự Anh? Scotland sẽ được gia nhập EU? Và như nhiều cuộc ly dị, chắc chắn sẽ có tranh chấp tài sản. SNP nói Scotland độc lập sẽ thu hưởng 90% doanh thu từ dầu khí Biển Bắc (năm 2009-2010 đạt 6,5 tỷ bảng hoặc 10,4 tỷ USD) nhưng chỉ liên quan 8% trong khoản nợ quốc gia 1 ngàn tỷ bảng (1,67 tỷ USD) tính theo số dân Scotland trong cộng đồng UK.
Anh đã không chấp nhận chuyện này. Các chính khách ủng hộ Scotland vẫn thuộc UK còn nói Scotland chưa có nền kinh tế mạnh để tự chủ. Họ chỉ ra hai ngân hàng lớn nhất là Royal Bank of Scotland và Bank of Scotland hiện do người Anh làm chủ và nộp thuế, sau khi hai cơ sở tài chính này suýt phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Theo Thế giới & Hội nhập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét