Văn hóa “bao” giữa bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới… không còn phù hợp và tạo ra những hệ lụy không hay mà theo TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội VN là “người lớn” cũng cần phải học giới trẻ về chuyện “chia tiền”.
Có hay không văn hóa 'chia tiền' ở Việt Nam?
Cứ phải bao ăn uống mới hợp thuần phong mỹ tục?
Chia sẻ với PV Infonet về vấn đề này, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, từ trước đến nay, người phương Đông chúng ta vì nể nang nên mới sinh ra tục mời nhau. Thậm chí có những người còn bày vẽ ăn uống tưng bừng, để rồi lúc sau lại xót xa, băn khoăn, có một số trường hợp còn chửi đổng người này người kia “ăn ké” nhiều quá.
Theo TS Bình, tất cả những cái đó là ứng xử văn hóa, là nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt chúng ta. Còn hiện nay, một bộ phận đáng kể trong giới trẻ, trong những sinh hoạt chung, đã biết “chia tiền”, không phải là sòng phẳng một cách quá sát sao nhưng thể hiện được việc là cùng nhau chịu trách nhiệm. Nét ấy cứ xem như du nhập thì cũng là nét ứng xử văn hóa hoàn toàn cần thiết.
Theo TS Trịnh Hòa Bình, văn hóa "chia tiền" được củng cố dựa trên cơ sở khoa học, bởi mô hình cộng đồng làng xã, rồi phường, hội, nhóm… tan vỡ và càng ngày càng ít đi.
Nếu ngày xưa một người đứng ra mời thường là người lớn hơn tất cả, quan trọng hơn tất cả hoặc có thể là người đang cầu xin và mong muốn nhận lại cái gì đó. Thế nên mới không có chuyện chia, và một người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Ấy là do trật tự văn hóa lúc bấy giờ hay đề ra chuyện người trên kẻ dưới, người làm chủ và người lệ thuộc, hay tư duy thủ lĩnh, băng nhóm.Cũng theo TS Bình, văn hóa chia tiền được củng cố dựa trên cơ sở khoa học. Bởi mô hình cộng đồng làng xã, rồi phường, hội, nhóm… tan vỡ và càng ngày càng ít đi.
Nhưng ngày nay, theo ông, trên cơ sở mọi người giao tiếp liên cá nhân, giao tiếp trực tiếp với nhau, rồi những ràng buộc kinh tế ban phát nhau không còn nữa. Con người càng ngày càng không muốn trở thành gánh nặng của nhau, ai tiêu dùng đến đâu thì trả tiền đến đó. Không ai phải nợ ai, mọi người cũng không phải xấu hổ vì mang tiếng ăn nhờ kẻ khác.
TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình. Ảnh: Internet
Dĩ nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những người kỳ thị về chuyện này, chưa quen với chuyện rạch ròi kinh tế, tài chính. Thậm chí có người còn đổ lỗi rằng, như thế thì sòng phẳng quá, thực tế quá. Thựa ra, theo TS Bình, vì mọi người thường hiểu nội hàm thực tế, sòng phẳng theo nghĩa trần trụi như thế là không biết vì nhau. Thế nhưng điều quan trọng là vì nhau phải đưa đến cho nhau lợi ích vật chất, lợi ích tình cảm.
Xã hội hiện đại liên kết với nhau bởi tư duy lề luật, pháp lý mạnh mẽ hơn là xã hội trọng nghĩa duy tình. Nếu cứ nhùng nhằng mãi không chuyển sang xã hội duy lý với điều kiện phát triển tốt hơn thì xã hội sẽ không đi nhanh được.
Nhất là những hệ lụy của xã hội khi coi trọng, câu nệ chuyện cấp trên, cấp dưới. Cấp dưới cứ phải bao tiêu, cống nạp cho cấp trên, theo TS Bình, đó là “thứ văn minh dã man” của thời sơ khai của văn hóa cống nạp, khi mà trình độ phát triển còn thấp và ấu trĩ. Nhiều người khi được thăng quan tiến chức thường nghĩ rằng mình có quyền được cung phụng, bợ đỡ. Thế nên họ không chịu từ bỏ, thậm chí cố cùng liều thân giữ vị trí, chờ mong cống nạp, như thế, theo ông là hoàn toàn không hay.
Còn chuyện “tình phí” cưa đôi 50/50 như báo chí phản ánh thời gian qua, TS Bình cho rằng, về tư duy logic, điều đó không buồn cười tí nào,và hoàn toàn không phải sai, hay trái đạo trái lẽ. Nhưng bình thường xã hội vẫn mặc định đàn ông là kẻ mạnh hơn, phái đẹp là phái yếu bởi vậy phải được cưng chiều hơn.
Tuy nhiên, xã hội hiện đại là phải có sự cảm thông của 2 giới. Nếu người được mệnh danh là kẻ mạnh kia mà đuối hơn về ngân sách, tài chính thì không thể không chia sẻ, cộng cảm. Lúc này, ai đóng được vai nào cứ đóng, chứ không nhất thiết cứ phải phái mạnh thì phải nghiễm nhiên là chi trả toàn bộ.
TS Bình cũng cho rằng, nếu cứ lệ thuộc vào văn hóa chia tiền quá thì cũng phải xem xét lại. Cứ minh bạch, rạch ròi, chi ly, sát sao quá thì tình cảm chưa kịp đơm hoa kết trái chẳng sớm thì muộn cũng chết yểu.
Cũng như vậy, trong cuộc sống gia đình không phải không có chuyện rành mạch tiền nong. Và chuyện này thường xảy ra trong giới trí thức nhiều hơn. Bởi họ thích sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, thích rành rẽ, thích rõ ràng, và không muốn dẫn đến chuyện người này ỷ lại người kia.
Theo TS Bình, về căn bản điều này hoàn toàn không phải là dở, vì như vậy sẽ giúp mọi người có ý thức hơn, cộng cảm với nhau hơn. Còn chuyện 2 người cùng quản lý tài chính hay dồn về một người, đó là tính toán, sắp xếp của mỗi gia đình.
Cũng theo ông, văn hóa chia tiền không chống lại thuần phong mỹ tục của nước ta. Bởi người Việt xưa hay coi trọng “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, rồi trọng sỉ trọng tước, trọng bằng tình cảm, bằng lời nói. Còn mời ăn theo kiểu “chén chú chén anh” càng ngày càng giảm.
Và không chỉ không xung đột ghê gớm, mà điều này còn có sự đổi sửa văn hóa làm cho con người ta độc lập hơn, chừng nào yếu tố cá nhân càng được đẩy lên thì lại càng phải minh bạch. Cũng theo ông Bình, người lớn mà cảm thấy khó khăn quá trong việc “hội nhập” văn hóa này thì cũng nên học theo giới trẻ để đổi mới.
HÀ TRANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét