Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Lượng kiều hối có dấu hiệu giảm nhẹ


Lượng kiều hối trong các tháng đầu năm 2012 giảm nhẹ và có sự dịch chuyển về cơ cấu so với những năm trước.
“Tính chung tám tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, lượng kiều hối thấp hơn 10%”, một nguồn tin có thẩm quyền từ Ngân hàng Nhà nước cho hay. Vị này dự đoán: “dựa trên những thống kê về dòng chuyển tiền của khu vực tư nhân tính đến thời điểm này, dù chưa bóc tách hết, chúng tôi dự báo kiều hối năm nay giảm nhẹ so với 2011”.
Con số kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2011 khoảng 9 tỉ đô la Mỹ. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quí 3 năm 2011 thì kiều hối đạt 7 tỉ đô la Mỹ.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online , ông Đặng Trần Phong, Vụ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết, con số cập nhật về kiều hối cả nước từ cơ quan có thẩm quyền là 6,3 tỉ đô la Mỹ tính đến hết quí 2-2012.
Số tiền 6,3 tỉ đô la Mỹ đã bằng hơn 70% lượng kiều hối của năm 2011, cho thấy có sự gia tăng mạnh so với cùng kỳ 2011, song nếu căn cứ theo nguồn tin trên từ Ngân hàng Nhà nước thì có thể  lượng kiều hối về trong quí 3 đã giảm.

Điều này được minh chứng rõ nét hơn qua khảo sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online với một số ngân hàng, công ty kiều hối chiếm thị phần lớn nhất, doanh số kiều hối của các đơn vị này từ đầu năm đến nay đều giảm từ 5- 15% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Vietcombank cho biết doanh số chuyển kiều hối 9 tháng của họ đạt khoảng 900 triệu đô la Mỹ, giảm 15% so với cùng kỳ. Phó giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, ông Trịnh Hoài Nam, cũng cho biết doanh số kiều hối trong 8 tháng đầu năm đã giảm chút ít so với năm trước và trong năm 2011, doanh số chuyển kiều hối của công ty này đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ.
Một vị phụ trách phòng kiều hối của Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) cho hay doanh số năm 2011 của ngân hàng này đạt gần 1,2 tỉ đô la Mỹ. Nhưng so với cùng kỳ 2011, doanh số chuyển kiều hối 9 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 15%. “Kiều hối năm nay có xu hướng giảm theo tỷ lệ khác nhau tùy từng ngân hàng nhưng theo tôi ước đoán khoảng 15% trên toàn cục”, vị này nói.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - địa bàn nhận kiều hối nhiều nhất - số liệu dự ước đến cuối tháng 6-2012, kiều hối chuyển về qua địa bàn thành phố đạt khoảng 1,9 tỉ đô la Mỹ, tức đã giảm khoảng 500 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm trước.
Riêng lãnh đạo của Công ty kiều hối Sacombank cho biết, doanh số kiều hối của công ty tính đến hết 9 tháng đạt trên 1,3 tỉ đô la Mỹ quy đổi, tăng 20% so với năm ngoái. Nhưng ông này cũng cho rằng sự gia tăng này là do công ty thay đổi các chính sách về giao nhận kiều hối đến từng nhà, từng địa phương và các chính sách thông thoáng đi kèm chứ chưa thể khẳng định đó là sự gia tăng doanh số kiều hối nói chung.
Ông Trịnh Hoài Nam cho rằng, theo chu kỳ, doanh số kiều hối giảm mạnh vào những tháng sau Tết và những tháng hè, sau đó sẽ dần trở lại bình thường từ tháng 8. Vì vậy, cũng cần thêm thời gian và chờ đợi số liệu chính thức của cả nước từ Ngân hàng Nhà nước để xác định được chính xác tình hình.
Không chỉ có dấu hiệu sụt giảm, dòng kiều hối năm nay đã có sự chuyển hướng so với các năm trước. Đáng chú ý nhất là kiều hối gần như ngưng chảy vào bất động sản. Những khảo sát trong năm 2011 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Ngân hàng Thế giới với các hộ nhận kiều hối cho thấy, có tới 52% kiều hối được đầu tư vào bất động sản, số còn lại được dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng.
Đại diện Sacombank cũng nói rằng theo ghi nhận của họ thì tỷ lệ kiều hối chảy vào bất động sản qua các năm qua vẫn cao nhất, chiếm trên dưới 50%. Nay, dòng tiền này đổ vào bất động sản giảm rất mạnh. Ông cũng cho hay ghi nhận sơ bộ trong khuôn khổ hoạt động của công ty cho thấy nguồn kiều hối hơn một năm qua cũng đã ngưng chảy vào chứng khoán. Cách đây 2 năm, kênh chứng khoán tiếp nhận kiều hối chỉ đứng sau bất động sản.
Các công ty chuyển kiều hối cho biết, kênh đầu tư hiện đã giảm so với năm ngoái nhưng vẫn hấp dẫn trong thu hút kiều hối là đầu tư vào lãi suất. Lãi suất tiền gửi đô la Mỹ ở nước ngoài hiện chỉ từ 0,25-0,5%/năm trong khi ở Việt Nam khoảng 2%/năm. Rất nhiều khoản tiền ngoại tệ chuyển về được đổi qua tiền đồng để gửi tiết kiệm vì lãi suất tiết kiệm tiền đồng hiện 2-10%/năm.
Hồng Phúc
TBKTSG ONLINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét