Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

hoa hồng vàng

Hoa hồng vàng

Hình ảnh những bông hoa hồng vàng mua từ chiều thứ Sáu về cắm trong bình ờ nhà,nếu nói về hoa hồng thì mình vẫn ưa màu hoa hồng vàng:



Trích đoạn truyện” Bụi quý” trong tập Bông hồng vàng của Konstantin Pautovski.

“..- Giá mà có ai tặng em một bông hồng vàng! – Suzanne thở dài – Nó chắc chắn sẽ mang lại cho em hạnh phúc. Em vẫn nhớ câu chuyện anh kể trên tàu, anh Jean ạ!

- Biết đâu đấy! – Chamet trả lời – Nhưng dù sao thì người mang bông hồng vàng đến cho em sẽ chẳng phải là anh chàng quý phái này đâu. Anh nói thế em đừng giận nhé, anh là thằng lính mà. Anh không ưa lũ công tử bột.

Hai người trẻ tuổi đưa mắt cho nhau. Gã diễn viên nhún vai. Chiếc xe chuyển bánh.

Thường thường, cứ hết ngày là Chamet đổ đi tuốt tuột mọi thứ rác rưởi anh dọn ở các xưởng. Nhưng sau lần gặp Suzanne, anh thôi không đổ bụi quét ở những hiệu kim hoàn đi nữa. Anh giấu giếm bỏ chúng vào một cái túi rồi vác về lều. Xóm giềng cho rằng anh chàng quét rác nọ đã “lẩn thẩn”. Hiếm ai biết rằng trong số bụi anh mang về có chứa một ít bột vàng, bởi vì những người thợ bạc khi làm việc thể nào cũng để rơi rớt một chút xíu thứ kim loại quý đó.

Chamet quyết định sàng sẩy lấy vàng để đúc một thoi nhỏ. Anh sẽ dùng thoi vàng ấy để đánh bông hồng sẽ mang lại hạnh phúc cho Suzanne. Mà rất có thể, như mẹ anh đã nói, nó còn mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác nữa. Biết đâu đấy! Anh quyết không gặp lại Suzanne nữa, chừng nào bông hồng chưa xong.

Chamet không kể cho ai nghe chuyện đó. Anh sợ cảnh sát và tất tật những kẻ có quyền chức. Ai biết được bọn quan tòa nhiễu sự sẽ giở trò gì. Họ có thể buộc anh tội ăn cắp, tống anh vào tù và lấy mất số vàng anh có. Có thể lắm chứ. Dù sao thì vàng cũng chẳng phải của anh.

Trước khi đăng lính, Chamet là cố nông trong điền trang của một ông mục sư ở vùng quê và vì thế anh biết cách sàng sẩy. Hiểu biết đó đối với anh bây giờ hóa ra lại có ích. Anh nhớ rằng khi người ta quạt lúa mì thì những hạt nặng rơi xuống đất, còn bụi thì gió sẽ cuốn đi.

Chamet làm một cái quạt gió nhỏ và đêm đêm, ở sân nhà, anh quạt bụi thu lượm được ở các cửa hiệu kim hoàn. Anh hồi hộp mãi cho đến lúc trông thấy mờ mờ một lớp mạt vàng lấp lánh trên ngăn gỗ.

Đến lúc có đủ mạt để đánh được một thoi vàng thì đã mất nhiều thời gian lắm. Nhưng Chamet chưa đưa cho thợ bạc đánh bông hồng vội.

Không phải Chamet thiếu tiền thuê thợ: bất cứ ông thợ bạc nào cũng sẵn sàng đánh bông hồng ấy để lấy tiền công bằng một phần ba thoi vàng, và như thế họ cũng đã hài lòng lắm.

Nguyên do là ở chỗ khác. Mỗi ngày qua, giờ gặp gỡ với Suzanne càng gần lại. Nhưng không biết từ lúc nào, Chamet bắt đầu sợ cái giờ ấy.

Tất cả tình cảm trìu mến từ lâu được giữ kín trong lòng, Chamet chỉ muốn dành cho nàng, cho Souzi. Nhưng cái tình cảm trìu mến của con người dị dạng như anh phỏng có ích cho ai? Từ lâu Chamet đã thấy mỗi khi gặp anh, thiên hạ chỉ muốn bỏ đi cho nhanh để quên phứt bộ mặt hốc hác xám ngoét với làn da chảy xệ và đôi mắt nhìn chòng chọc của anh.

Trong túp lều của Chamet có một mảnh gương vỡ. Họa hoằn lắm Chamet mới soi gương, nhưng hễ cứ soi vào là anh văng tục và quăng vội nó đi. Thà đừng nhìn thấy mình, cái thân hình gớm ghiếc lê lết trên đôi chân tê thấp khập khiễng, còn hơn.

Cuối cùng, khi đã đánh xong bông hồng, Chamet mới biết Suzanne đã rời Paris đi sang Hoa Kỳ từ một năm trước và, người ta nói, nàng đi hẳn, không trở lại nữa. Không ai có thể cho Chamet biết địa chỉ của nàng.

Thoạt đầu, Chamet thấy nhẹ hẳn người. Nhưng rồi không hiểu vì sao, tất cả nỗi chờ mong cuộc gặp gỡ đầm ấm và thanh thản với Suzanne đã biến thành một mảnh sắt rỉ. Mảnhsắt nhọn ấy mắc trong lồng ngực anh, ngay bên tim, và Chamet cầu Trời cho nó mau mau đâm thẳng vào trái tim ốm yếu đi, cho nó vĩnh viễn ngừng đập.

Chamet bỏ việc quét dọn các xưởng. Anh nằm bẹp trong túp lều của anh mấy ngày liền, quay mặt vào tường. Anh im lặng và chỉ mỉm cười một lần, đưa cánh tay áo cũ lên mắt. Không ai trông thấy anh khóc. Hàng xóm láng giềng chẳng ai thăm anh: người nào cũng có chán vạn lo âu và bận bịu của mình.

Chỉ có một người chăm sóc Chamet. Đó là ông thợ bạc đứng tuổi đã đánh từ thoi vàng ra một bông hồng rất mực tinh xảo. Cùng trên một cành, ngay bên cạnh bông hoa, ông ta đánh thêm một nụ hồng bé và nhọn.

Ông thợ bạc thường đến thăm Chamet, nhưng không mang thuốc cho anh. Ông nghĩ rằng có mang thuốc cho anh cũng bằng thừa.

Thực thế, Chamet lặng lẽ qua đời trong một lần đến thăm của ông thợ bạc. Ông ta nâng đầu anh thợ quét rác lên, lật cái gối xám bẩn và lôi ra bông hồng vàng bọc trong một cái nơ nhầu nát màu xanh. Rồi khẽ khép cánh cửa cọt kẹt, ông ta thong thả đi ra. Từ cái nơ bay lên mùi hôi của loài chuột.

Lúc đó vào cuối thu. Màn đêm rung động vì gió và vì những đốm lửa nhấp nháy. Ông thợ bạc nhớ đến nét đổi thay trên mặt Chamet sau khi anh chết. Bộ mặt anh trở nên nghiêm nghị và trầm tĩnh. Ông ta thấy niềm cay đắng hiện trên mặt anh còn tuyệt đẹp nữa là khác.

“Cuộc sống không cho người ta cái gì thì cái chết cho người ta cái ấy”, ông thợ bạc vốn quen với những ý nghĩ rẻ tiền nghĩ như vậy và thở dài não nuột.

Ít lâu sau ông ta đem bông hồng vàng nọ bán cho một nhà văn già ăn vận lôi thôi lốc thốc, và theo ông thợ bạc nhận xét, thì nhà văn này cũng chẳng giàu có gì cho lắm để có thể bỏ tiền ra mua một vật đắt đến như thế.

Hẳn câu chuyện về bông hồng vàng do ông thợ bạc kể lại cho nhà văn đã đóng vai trò quyết định trong việc mua bán nọ.

Chúng ta phải mang ơn nhà văn già, nhờ những ghi chép của ông mà sau này mới có người biết được câu chuyện cay đắng trong đời người cựu binh trung đoàn thuộc địa thứ Hai Mươi Bảy là Jean Chamet.

Trong những ghi chép của ông, nhà văn viết:

“Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc bông đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, thậm chí một bông tiêu huyền xốp đang bay lượn, hay lửa sao trong một vũng nước đêm – tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng.

Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, thu góp chúng lại cho mình, một cách thầm lặng mà chính mình cũng không nhận thấy, biến chúng thành một hợp kim và rồi từ hợp kim ấy ta đánh “bông hồng vàng” của ta – truyện, tiểu thuyết hay là thơ”.

Bông hồng vàng của Chamet!

Đối với tôi, nó phần nào là hình tượng tương lai của hoạt động sáng tạo của chúng ta. Thật là lạ, chẳng có ai chịu khó nghiền ngẫm xem từ những hạt bụi quý ấy đã khởi sinh nguồn văn học sống động như thế nào.

Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của người thợ quét rác kia được tạo ra vì hạnh phúc của Suzanne, sáng tác của chúng ta được tạo ra là để cho cái đẹp của đất đai, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, cho niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn người, cho sức mạnh của trí tuệ sẽ chiến thắng bóng tối, để chúng vĩnh viễn rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét