QUỐC HỘI KHÓA XIII
ỦY BAN KINH TẾ
Số: 727/BC-UBKT13 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2012
|
BÁO CÁO
thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Quốc
hội
về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Kế hoạch
về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Kế hoạch
phát
triển kinh tế - xã hội năm 2013
Chuẩn
bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIII, Ủy ban Kinh tế đã làm việc với một số địa
phương, khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp; đề nghị Hội đồng dân tộc, các
Ủy ban của Quốc hội tham gia ý kiến và đề nghị một số bộ, ngành, địa phương báo
cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ngành, địa phương mình;
tổ chức Diễn đàn nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học. Ngày
10/10/2012, Ủy ban đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Báo cáo của Chính phủ và ngày
16/10/2012 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo thẩm tra đánh giá tình
hình thực hiện Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm
2012; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Ủy ban Kinh tế báo cáo
Quốc hội một số nội dung chủ yếu như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI VỀ
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012
Năm
2012 là năm vẫn còn chịu tác động không thuận từ sự phục hồi tăng trưởng chậm
của kinh tế thế giới, cùng với khó khăn, hạn chế mang tính cơ cấu tồn tại nhiều
năm của kinh tế nước ta và tính hai mặt của chính sách thực hiện mục tiêu ưu
tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiến hành từ tháng 2 năm 2011. Việc
thực hiện Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012
đặt trong bối cảnh hết sức khó khăn.
Trước tình hình đó, quán triệt Kết luận Hội nghị lần thứ
3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết
01/2012/NQ-CP về điều hành nhiệm vụ năm 2012, Nghị quyết 13/2012/NQ-CP về tháo
gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc
hội đã thảo luận cho ý kiến bổ sung nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực; thông
qua Nghị quyết số 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ
khó khăn cho tổ chức và cá nhân. Trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm
và dự báo xu hướng những tháng cuối năm, Uỷ ban Kinh tế xin báo cáo một số vấn
đề như sau:
Tốc
độ tăng trưởng kinh tế quý sau tăng cao hơn quý trước, nhưng ước cả năm chỉ đạt
khoảng 5%-5,2%, thấp hơn chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội. Chỉ số giá tiêu
dùng (CPI) có tốc độ tăng thấp trong 5 tháng đầu năm 2012, tăng âm trong hai
tháng 6 và 7, tăng dương trở lại trong tháng 8 (0,63%) và tháng 9 tăng mạnh (2,2%),
ước cả năm tăng khoảng 8%, trong giới hạn chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, bằng
100,1% dự toán, bội chi ngân sách bằng 4,8% GDP đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết
Quốc hội.
Kim ngạch xuất khẩu ước cả năm 113 tỷ đô-la Mỹ, tăng
16,6% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội. Tổng kim ngạch
nhập khẩu ước cả năm 114 tỷ đô-la Mỹ, tăng 6,8% so với năm 2011. Chín tháng đầu
năm xuất siêu 34 triệu đô-la Mỹ đã đưa cán cân thanh toán tổng thể thặng dư
trên 8 tỷ đô-la Mỹ, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và thị
trường ngoại tệ[1], ước cả năm chỉ nhập siêu khoảng
1% so với kim ngạch xuất khẩu thấp hơn nhiều theo Nghị quyết Quốc hội.
Với
sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đầu
tư cho miền núi và vùng dân tộc thiểu số[2], cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế - xã
hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi có chuyển biến đáng kể, đời sống đồng bào
được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%, bộ mặt nông thôn có khởi sắc mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục
được giữ vững; đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống
tội phạm và vi phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, nhất là tội phạm về
kinh tế; tập trung xử lý kịp thời các vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính,
ngân hàng, chứng khoán, đất đai, đầu tư công...
Hoạt
động đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện, tận dụng tối đa các cơ hội
nhằm xử lý và hóa giải các thách thức mới, góp phần giữ vững môi trường hòa
bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội,
giữ vững an ninh quốc gia, xử lý tốt vấn đề biển Đông, bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước.
Trong
bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, dự kiến năm nay có 10/15
chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội[3]. Kết quả này được hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh
tế cho rằng đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh
nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng,
tâm lý và niềm tin của thị trường vẫn chưa bền vững, khó khăn có thể kéo dài
sang năm tới. Một số ý kiến nhận xét, Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát
với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết
mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của
doanh nghiệp. Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế phân tích trong Báo cáo
chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật những nguyên nhân chủ quan từ điều hành, 5
chỉ tiêu không đạt theo Nghị quyết Quốc hội đều là những chỉ tiêu quan trọng,
phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Một
số vấn đề mới cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn:
(1) (i) Nền kinh tế
đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những
dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế; (ii) thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn
trong việc tiếp cận vay vốn; (iii) tiến trình
tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện trên thực
tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét. Nhiều ý kiến nhận định, việc lạm
phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, thể hiện qua chỉ số CPI tăng thấp tháng 3
(0,16%), tháng 4 (0,05%) và tháng 5 (0,18%), giảm trong tháng 6 (-0,26%) và
tháng 7 (-0,29%), cùng với việc nhập siêu giảm mạnh liên tục và xuất siêu trong
9 tháng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng
cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh; hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu
và hàng hóa tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia.
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng chỉ đạt 67,3% dự toán, là năm có
tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây; khả năng thu những tháng còn lại
rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội[4].
(2) Kiểm soát lạm phát đạt
mục tiêu nhưng kinh tế vĩ mô chưa định hình các yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm
phát cao vẫn tiềm ẩn; cán cân thương mại có sự cải thiện đáng kể nhưng chủ yếu do
nhập khẩu giảm xuất phát từ sự khó khăn của khu vực sản xuất. Sự phối hợp
trong quản lý, điều
hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một
số thời điểm đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động
trực tiếp đến sản xuất và đời sống, nhất là tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng tăng
đột biến do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, phí dịch vụ, y tế, giáo dục. Cơ chế
quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng miếng chưa mang lại hiệu quả và chưa
đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Có ý kiến cho rằng, diễn biến giá cả mặc dù chỉ
xảy ra trong tháng 9 nhưng đòi hỏi cần chỉ đạo ngăn ngừa lạm phát cao có thể
quay trở lại cuối năm và trong năm 2013.
(3) Cần phân tích
rõ và thuyết phục hơn về kết quả tăng trưởng GDP quý sau tăng cao hơn quý trước
trong bối cảnh các thị trường đều giảm sút: (i) tổng vốn đầu tư toàn xã hội
cả năm dự kiến bằng 29,5% GDP, thấp hơn 4% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc
hội và các năm trước (số thực hiện năm 2011 bằng 34,6% GDP, 2010 bằng 41,9%
GDP, 2009 bằng 42,8% GDP); (ii) tín dụng tăng trưởng âm một thời gian dài và
mới tăng lại trong vài tháng gần đây ở mức thấp chỉ 2,5% so với cuối năm 2011
nhưng số dư này tăng chưa bù đắp được nợ xấu gia tăng, tổng nợ xấu của toàn hệ
thống các TCTD tăng từ 3,07% cuối năm 2011 lên 4,49% hoặc 8,82% theo báo cáo
của NHNNVN vào cuối tháng 6/2012[5]; (iii) hàng hóa tồn
kho cao[6];
(iv) số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động[7]
hoặc cắt giảm lao động lớn;
(v) thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng[8]; (vi) xuất khẩu của khu vực
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 52,5 tỷ đô-la Mỹ,
tăng tới 34,6%; trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 31,3 tỷ đô-la Mỹ,
giảm 0,6% phản ánh khả năng cạnh tranh yếu của sản phẩm trong nước. Đề nghị
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đánh giá toàn diện, đầy đủ thực trạng
tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa;
đánh giá sự tác động đến tăng trưởng, việc làm trong thời gian tới, đồng thời
có các giải pháp hỗ trợ hữu hiệu báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này.
(4) Sản xuất nông
nghiệp, nhất là chăn nuôi, trồng trọt gặp nhiều khó khăn, giá trị sản xuất
nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2012 tăng 3,7%, thấp hơn cùng kỳ các
năm trước (năm 2011 tăng 4,1%, năm 2010 tăng 4,6%, năm 2008 tăng 5,4% so
cùng kỳ năm trước). Theo báo cáo của
các địa phương nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua vẫn tồn
tại nghịch lý về giá cả một số sản phẩm chính như: lúa, gạo, tôm, cá tra, cá
basa giá đầu vào tăng trong nhiều thời điểm nhưng giá bán thì giảm sâu nhiều
lần trong năm hoặc ổn định ở mức giá bán thấp hơn so với các năm trước.
(5)
Kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự kiến, tạo
việc làm mới cả năm ước đạt 1,52 triệu người, không đạt chỉ tiêu Nghị quyết
Quốc hội, tỷ lệ giảm nghèo cả năm ước chỉ đạt 1,76%[9] đã tạo áp
lực lên mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó cũng phát sinh một số vấn đề trong thực hiện chính sách xã
hội cần quan tâm xử lý. Mặc dù theo số liệu công bố, số người thất nghiệp có xu
hướng giảm, nhưng số đăng ký thất nghiệp lại tăng cho thấy một bộ phận người
lao động nhảy việc, lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Hiệu quả của
chính sách xuất khẩu lao động cho các huyện nghèo chưa cao: tỷ lệ lao động bỏ
về trong thời gian đào tạo khá cao, trung bình 30% -35% số lao động, cá biệt có
địa phương con số này lên tới 60% -70%[10].
(6) Tình hình tham
nhũng tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, phức tạp trên các lĩnh vực đất đai, sử
dụng vốn và tài sản nhà nước gây bức xúc trong dư luận xã hội[11]. Chất lượng điều tra, phát hiện
và xử lý một số loại tội phạm đạt hiệu quả thấp, nhất là các loại tội phạm kinh
tế, lợi dụng chức vụ, tham nhũng; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử án tham
nhũng còn để kéo dài. Vi phạm pháp luật và tội phạm do người nước ngoài gây ra
có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, như: thuê gom đất
đai, lập cơ sở nuôi trồng, thu mua nông sản, hải sản, trộm cắp, lừa đảo, mở
phòng khám chữa bệnh trái phép. Tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng số vụ chết
nhiều người gia tăng; vi phạm pháp luật về môi trường tiếp tục diễn biến phức
tạp nhưng vẫn chủ yếu xử lý hành chính, số vụ xử lý hình sự không đáng kể[12].
Đối với những tháng còn lại của năm, đa số ý kiến trong
Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các giải pháp cần triển khai trong thời
gian tới của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý hài hòa giữa các vấn đề
trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính minh bạch, công khai, kỷ cương, kỷ luật trong
điều hành, chủ động thông tin chính xác, rõ ràng đến người dân và doanh nghiệp
để tăng thêm niềm tin, đồng thuận đối với các chính sách.
Ủy ban Kinh tế đề nghị từ nay đến Tết âm lịch tập trung
các giải pháp như sau:
(1)
Khẩn trương giải quyết cơ bản các nút
thắt của nền kinh tế là hàng hóa tồn kho và nợ xấu. Tồn kho hàng hóa càng
lớn thì nợ xấu càng tăng lên[13]. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách
nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, cần tập
trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, chủ yếu sắt thép, xi măng, vật liệu xây
dựng, căn hộ nhà chung cư, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích, mở các đợt bán giảm
giá thu hút người tiêu dùng; tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nhất là các
mặt hàng nông, thủy, hải sản; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm
của nhau nhất là những sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa
trong nước.
(2)
Chính phủ chỉ đạo rà soát tính chính xác,
minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tiếp tục cơ cấu
lại nợ. Các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần
nhà nước nắm quyền chi phối phải chấp hành nghiêm và gương mẫu chia sẻ những
khó khăn cùng doanh nghiệp; các tổ chức tín dụng cần nhận thức tháo gỡ khó khăn
cho doanh nghiệp chính là tháo gỡ khó khăn cho chính hệ thống tổ chức tín dụng mình.
(3) Cần sớm hoàn thành việc rà soát lại các công
trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ, thanh toán dứt điểm nợ
đọng xây dựng cơ bản; tập trung đầu tư
hoàn thiện các dự án trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội của cả nước, ngành, vùng, địa phương. Bên cạnh đó, cần chủ
động chỉ đạo, điều hành công tác quản lý giá, quản lý chất lượng, cân đối hàng
hóa phục vụ nhân dân, bình ổn thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết; bảo
đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế.
(4) Đẩy mạnh việc thực hiện
các giải pháp về việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động; tăng cường quản lý nhà nước về
lao động, trong đó có xuất khẩu lao động sang các nước và lao động nước ngoài
đang làm việc tại Việt Nam; tiếp
tục triển khai tốt cơ chế, chính sách về bảo hiểm y tế; hoàn thiện và triển
khai thực hiện chính sách đối với người có công; bảo đảm giữ vững an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ -
XÃ HỘI NĂM 2013
Hầu hết các
thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các
chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và các giải pháp chủ yếu nêu trong Báo cáo
Chính phủ. Ủy ban
Kinh tế cho rằng, xu hướng khó khăn của nền kinh tế nước ta sẽ còn kéo dài
trong năm 2013. Do vậy, cần đánh giá khách quan, toàn diện các yếu
tố khi xây dựng các chỉ tiêu, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực cho cả mục
tiêu trung và dài hạn. Năm 2013 cần tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn
định kinh tế vĩ mô tạo lòng tin thị trường và xã hội, duy trì mức tăng trưởng
hợp lý, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển
đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu
quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và
bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 tạo dựng được nền
tảng ổn định vĩ mô vững chắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế. Ủy ban
Kinh tế nhận thấy, năm 2013 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, cần bắt
đầu từ thay đổi tư duy làm quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực; công khai,
minh bạch thông tin điều hành, tính chính xác số liệu để làm căn cứ tin cậy cho
việc ra quyết định. Điều này sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng các
giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình mới.
Các
thành viên Ủy ban Kinh tế thảo luận và có ý kiến tán thành nhiều chỉ tiêu:
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%; Kiểm soát chỉ số giá
tiêu dùng tăng dưới 8%; Xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu
khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu; Bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP; Tạo việc làm mới khoảng 1,6 triệu người; Tỷ lệ hộ nghèo cả nước
giảm 2%, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%; Tỷ lệ cơ sở gây ô
nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu
chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo tiêu
chuẩn môi trường đạt 75%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.
Tuy
nhiên, cũng có một số ý kiến khác về từng chỉ tiêu cụ thể:
Về nhóm chỉ tiêu kinh tế: một số ý kiến đề nghị tăng trưởng kinh tế chỉ phấn đấu ở
khoảng 4%-5%; có ý kiến đề nghị khoảng 4%-4,5%, cũng có ý kiến đề nghị khoảng
6%. Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, một số ý kiến đề nghị cần ưu tiên kiểm soát tăng dưới 5%, dưới
6%; cũng có ý kiến cho rằng chỉ số giá tiêu dùng không thể tăng thấp hơn năm
2012, đề nghị kiểm soát ở mức 1 con số như chỉ tiêu đề ra năm 2012. Đối với chỉ
tiêu nhập siêu dự kiến khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương với 9,9
tỷ đô-la Mỹ, một số ý kiến lo ngại sẽ tác động mạnh đến tỷ giá và thị trường
ngoại hối. Đối với chỉ tiêu bội chi ngân sách, một số ý kiến cho rằng sẽ khó
khăn hơn năm 2012 do nhiệm vụ thu ngân sách tiếp tục chịu nhiều áp lực do tăng
trưởng kinh tế chưa phục hồi. Đối với chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội, có ý
kiến cho rằng nếu tăng khoảng 30% GDP sẽ không bảo đảm duy trì tăng trưởng hợp
lý và cần phải có nguồn vốn tập trung giải quyết các dự án đang triển khai có
hiệu quả nhưng còn dở dang, nhất là các dự án, công trình cắt giảm theo Nghị
quyết 11/2011/NQ-CP của Chính phủ. Mặt khác, khi dư nợ tín dụng tăng bình
thường trở lại khoảng 15%-17% hoặc khoảng 20% và quyết tâm phát hành trái phiếu
công trình đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A thì tổng vốn đầu tư sẽ tăng trở lại, có khả
năng lên đến 33%-34%
GDP. Do vậy cần tính toán nhiều phương án và cân nhắc thận trọng đối với
chỉ tiêu quan trọng này.
Về nhóm chỉ tiêu xã hội: đối với chỉ tiêu giảm nghèo 2% bình quân cả nước, 4% với
các huyện, xã nghèo, một số ý kiến đánh giá phải có nhiều chính sách tác động
mạnh mẽ hơn thì mới bảo đảm chỉ tiêu này khả thi. Có ý kiến chỉ tiêu tạo việc
làm khoảng 1,5 triệu người là khả thi. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung
chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế để phấn đấu thực hiện; cân nhắc
sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên; nghiên cứu để có thể thay
chỉ tiêu tạo việc làm mới bằng chỉ tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Ủy ban Kinh tế xin nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
(1) Triển khai ngay các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Ban chấp hành
Trung ương lần thứ 6, Khóa XI về kinh tế - xã hội; tiếp tục sắp xếp, đổi mới và
nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển khoa học và công nghệ; đổi
mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục đổi mới chính sách, pháp
luật về đất đai và nhiều chủ trương quan trọng khác. Ban hành và hoàn thiện các
chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh
tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
(2) Tiếp tục
kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp tốt giữa chính sách
tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát
triển kinh tế. Theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới, chủ
động dự báo và có các biện pháp điều hành thị trường phù hợp, bảo đảm cân đối
cung cầu hàng hóa, dịch vụ không để xảy ra hiện tượng đầu cơ tăng giá trục lợi;
điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh
hoạt với liều lượng hợp lý; thực hiện nguyên tắc quản lý giá thị trường đi đôi
với kiểm soát mặt bằng giá, tăng cường công tác quản lý giá, đăng ký giá, kê
khai giá, nhất là công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh
nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ mặt bằng lãi suất hợp lý theo diễn biến kiểm soát
lạm phát; khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên các chương trình cho
vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp
phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại
thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, nhất là vấn đề lãi suất, tiếp cận vốn
tín dụng; tiếp tục các giải pháp giảm nợ xấu, cho phép cơ cấu lại nợ các khoản
vay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp
hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn thành các công trình nhưng vốn ngân
sách chưa thanh toán.
(3) Phân bổ ngân sách nhà nước
cho đầu tư xây dựng cơ bản theo Đề án tái cơ cấu đầu tư công, tập trung xử lý
nợ đọng xây dựng cơ bản từ các dự án, công trình đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ
giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và
các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm tăng tiêu thụ các vật tư hàng hóa
nhất là vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, thiết bị điện. Mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập
khẩu hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ, có chính sách bảo vệ hợp lý thị trường trong
nước, xây dựng các hàng rào phi thuế quan không trái với cam kết quốc tế để hạn
chế nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có khả năng sản xuất với giá cạnh tranh[14]. Ban hành chính sách động viên tiết kiệm trong sản
xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chi tiêu ngân sách nhà
nước, tiết kiệm tiêu dùng của người dân. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động
người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
(4) Tăng đầu
tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ. Chú
trọng đầu tư cho công tác y tế dự phòng; nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế
cho một số nhóm đối tượng; bảo đảm mức chi cho y tế dự phòng ít nhất 30% ngân
sách dành cho y tế. Tập trung có trọng điểm vốn trái phiếu đầu tư y tế cho các
bệnh viện còn dở dang, ưu tiên cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng
đặc biệt khó khăn; dành nguồn ngân sách nhà nước thích hợp chi cho sự nghiệp
môi trường, tích cực huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ môi trường.
(5) Giải
quyết hiệu quả các vụ khiếu nại, tố cáo của tổ chức và cá nhân, nhất là các vụ
khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; giải quyết cơ bản các vụ khiếu nại, tố
cáo còn tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
(6) Tạo chuyển biến căn bản về
bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tai
nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống
cháy nổ theo quy định của pháp luật.
(7) Thực
hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ
quyền quốc gia; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chủ động
ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tiếp tục mở rộng và xử lý
hài hòa quan hệ đối ngoại; đưa quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng
giềng, khu vực, các nước lớn và đối tác tiềm năng, bạn bè truyền thống đi vào
chiều sâu, ổn định và bền vững.
(8) Tiến
hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giảm bớt thủ tục hành chính,
đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hơn nữa cơ chế kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Rà soát việc phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế, quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về
kinh tế giữa Trung ương và địa phương. Việc phân cấp
phải gắn trách nhiệm với quyền hạn, nghĩa vụ với lợi ích và phù hợp với năng
lực, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Trung
ương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát việc thực hiện của chính quyền địa phương, đồng thời tạo
điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội tham gia giám
sát.
Theo chức
năng được Quốc hội giao, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp Thường trực Hội đồng Dân
tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát tình hình thực hiện góp phần
thực hiện thắng lợi Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
năm 2013. Ủy ban Kinh tế xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết
định./.
Nơi nhận:
- Các vị ĐBQH;
- Lưu: HC, KT.
|
TM. ỦY BAN KINH TẾ
CHỦ NHIỆM
(đã ký)
Nguyễn Văn Giàu
|
[1] Cán cân thanh toán tổng thể:
năm 2011 thặng dư 2,65 tỷ đô-la
Mỹ; năm 2010 thâm hụt 3,1 tỷ đô-la Mỹ.
[2] Chương trình 135 giai đoạn 2, Dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở
hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt
khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo…
[3] 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt là
tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với
GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ che phủ rừng.
[4] Nhiều địa phương thu ngân sách
gặp khó khăn, đạt thấp so với kế hoạch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương,
Đồng Nai, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... Thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu
dự kiến hụt dự toán khoảng 25.500 tỷ đồng; bù lại phần hụt thu là thu tăng từ
dầu thô do giá tăng và thu một phần lãi dầu, khí được chia lại.
[5] Theo kết quả giám sát của Cơ
quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với các khách hàng vay được chọn mẫu của
56 TCTD, đến 30/06/2012, nợ xấu của các TCTD chiếm 8,82% tổng dư nợ cấp tín
dụng, tăng 23,53% so với cuối năm 2011. Số báo cáo từ các TCTD đến cuối tháng 6
nợ xấu là 4,49%. Mặc dù tăng trưởng tín dụng đến 31/8/2012 tăng 2,16%, đến
tháng 9 ước tăng 2,5%, tuy nhiên tốc độ tăng rất chậm nếu so sánh với mức tăng
tổng phương tiện thanh toán (10,37% đến 31.8.2012) và tăng số dư tiền gửi tại
các tổ chức tín dụng (11,23% đến 30/8/2012).
[6] Tại thời điểm 1/9/2012, chỉ số
hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,4% so với cùng thời điểm
năm trước. Một số ngành có chỉ số hàng tồn kho tăng cao là: Sản xuất sản phẩm
từ plastic tăng 50,6%; sản xuất xi măng tăng 50,2%; sản xuất sắt, thép, gang
tăng 40,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 37,8%; sản xuất thức ăn gia súc, gia
cầm và thủy sản tăng 34,7%...
[7] Số lượng
doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm tăng cao (40.190
doanh nghiệp, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2011); đặc biệt là ở TP. Hồ Chí
Minh và Hà Nội hai đầu tàu kinh tế của cả nước số doanh nghiệp ngừng, tạm dừng
hoạt động khá cao (ở TP Hồ Chí Minh là 12.558 doanh nghiệp), lượng người đăng
ký trợ cấp thất nghiệp tăng.
[8] Nếu tính theo giá thực tế, vốn đầu tư 9 tháng năm nay so
với cùng kỳ năm trước tăng 8,6%. Nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì tốc độ
tăng vốn đầu tư sẽ mang dấu âm, riêng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (đầu tư
công) tính theo giá thực tế chỉ tăng 7,6% sau khi loại trừ yếu tố giá còn giảm
sâu hơn.
[9] Đây là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế thời
gian qua đã không tác động nhiều đến cải thiện đời sống một bộ phân dân cư dễ
bị tổn thương, nhất là nếu tính giai đoạn 2006-2010 về thực chất mỗi năm chỉ
giảm khoảng 1,5%, năm 2011 loại trừ yếu tố giá chỉ giảm được 1,3%.
[10] Theo báo cáo của Ủy ban Về các
vấn đề xã hội.
[11] Theo báo cáo số 278/BC-CP ngày
16/10/2012, năm 2012 đã phát hiện 891 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng và
chức vụ, tăng 583 vụ (189,29%), 1936 đối tượng, tăng 1292 đối tượng (200,62%).
[12] Năm 2012 Thanh tra Chính phủ chỉ
chuyển 1 vụ cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
[13] Có ý kiến cho rằng nền kinh tế
đã rơi vào vòng luẩn quẩn: do áp lực lạm phát nên phải thu hẹp tổng cầu, khi
CPI hạ quá nhanh, tăng trưởng chậm lại, sản xuất đình đốn, tồn kho, nợ xấu tăng
cao thì lại có xu hướng nới lỏng để kích thích kinh tế, dẫn đến nguy cơ tái lạm
phát cao.
[14] Ngành thép hiện nay đang chịu sự
cạnh tranh không lành mạnh của thép nhập khẩu từ Trung Quốc do lợi dụng chính
sách về thuế nhập khẩu nên có giá bán thấp hơn giá thép trong nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét