Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

(1) “Những cái khó khăn nhất của dân tộc qua rồi”...

(1) “Những cái khó khăn nhất của dân tộc qua rồi”...



Tôi có một ấn tượng đặc biệt về TS. Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn. Lê Kiên Thành là người điềm đạm, chắc chắn và chính xác, nhưng không bao giờ thiếu lửa. Tôi thích cách Lê Kiên Thành nói về cha mình. Tôi thích niềm tin của Lê Kiên Thành về những việc mà cố TBT Lê Duẩn đã làm và con đường của những người Cộng sản như cha ông đã đi. Trong cảm nhận của tôi và nhiều người khác, Lê Kiên Thành là người con thừa hưởng nhiều nhất tinh thần sống của cha mình. Và bất kỳ trong hoàn cảnh nào, Lê Kiên Thành cũng là một người Cộng sản đúng nghĩa.VietNamNet xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với TS Lê Kiên Thành được đăng trên báo Nghệ thuật mới.





PHẦN MỘT
      
PV: Có một điều tôi nhận thấy rằng, càng ngày gương mặt của ông càng giống cha ông – cố TBT Lê Duẩn một cách đáng kinh ngạc. Nhưng ông không chỉ giống cha mình ở những cái bề ngoài đó. Ngoài nó ra, ông kế thừa những gì khác từ cha mình về tư duy, cốt cách, tinh thần?


Lê Kiên Thành (LKT): Hồi xưa, em trai tôi (Lê Kiên Trung – pv) mới là người giống ba nhất. Em tôi đen, còn tôi thì trắng. Trong nhà gọi tôi là “cu trắng” và gọi Trung là “cu đen”. Ba tôi cũng đen. Nhưng bây giờ khi có tuổi, đi nắng nhiều hơn, tôi bắt đầu đen hơn, da mặt bắt đầu có đồi mồi, thì rất nhiều người bảo tôi giống ba. Có người gặp tôi, đưa cánh tay cho tôi xem: “Mày nhìn này, tay tao nổi hết da gà lên. Mày giống ông già quá”!


Tôi nghĩ rằng, trong một gia đình, con cái nhất định sẽ thừa hưởng cha mình cái gì đó về cốt cách, tinh thần, không mặt này thì mặt kia. Ngày xưa mỗi lần ăn cơm xong, ba tôi luôn có thói quen gọi tất cả con cái ngồi quây quần bên cạnh và kể chuyện hoạt động của ông. Nó như một thói quen, mà sau này thì tôi hiểu ra rằng, ba tôi làm thế vì muốn qua những câu chuyện đó truyền cho con cái một tình cảm nào đó, một điều sâu sa nào đó.


Những câu chuyện mà ba tôi kể đúng như ông đã nghĩ: nó tác động vào suy nghĩ, vào tình cảm của chúng tôi. Ba tôi rất hay nói về lòng thương người, ba tôi nói nhiều về lẽ phải, nói nhiều về tình cảm. Ba tôi luôn cho rằng: con người, nếu mà có cả tình thương và lẽ phải, thì đó là một sự hoàn thiện. Lớp người như ba tôi, là lớp người có thể san sẻ gần như mọi thứ. Những cái đó luôn ở trong tiềm thức của tôi. Còn thực tế trong cuộc đời, có lẽ không phải lúc nào tôi cũng làm được những điều như thế hay đạt đến mức mà ba tôi mong đợi, nhưng đó là định hướng của tôi, là cái tôi cố gắng vươn tới.



Tổng Bí thư Lê Duẩn và các con trai Lê Hãn, Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung (Tienphong)

PV: Tôi từng nhớ ông nói rằng “cái mà tôi kế thừa ở cha tôi là tình thương con người”. Ông đã từng chứng kiến tình thương con người của cha ông như thế nào? 

LKT: Ví dụ gần nhất là đối với những chú bảo vệ, cần vụ trong nhà. Gần như giữa ba tôi và các chú không hề có sự cách biệt. Nhất là mỗi lần đi sang nước ngoài, điều đó khiến họ hơi ngạc nhiên: giữa một ông lãnh đạo Đảng và một người cần vụ, mà cư xử trong cuộc sống như anh em, anh em là vì ba tôi lớn tuổi hơn chú đó.
Rất nhiều cái mọi người nhìn vào thấy có lỗi. Nhưng ba tôi không thấy thế. Tôi nhớ có lần đi đến nhà nghỉ ở Quảng Ninh, ba tôi không thấy cô phục vụ đâu. Ba tôi hỏi thì người ta trả lời: cô ấy đã bị kỷ luật vì cô ấy có quan hệ không trong sáng. Ba tôi buồn lắm. Ông nói với người lãnh đạo ở nhà nghỉ: nếu người ta xa chồng hàng chục năm, mà chẳng may có những chuyện như vậy, thì đừng coi cái lỗi đó là cái gì ghê gớm lắm. Mình phải nhìn nhận điều đó trong một góc độ khác. Quan niệm về đạo đức ngày đó luôn nhìn những việc đấy rất ghê gớm. Nhưng ba tôi luôn nhìn những cái sâu sa hơn của vấn đề. Sau này khi giải phóng miền Nam rồi, ba tôi có nhận được những lá thư của các cô TNXP, xin phép chỉ cần được có con mà không có chồng, ba tôi đã băn khoăn rất nhiều. Ba tôi gọi những người phụ trách phụ nữ lên. Ông nói với họ rằng hạnh phúc nhất của một người phụ nữ là được làm mẹ. Người ta đã hi sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước này. Tặng người ta huân chương, có thể người ta cũng không thích, tặng vật chất, có lẽ người ta cũng không cần, cái người ta mong muốn là được làm mẹ. Vậy xã hội mình có thể chấp nhận một người mẹ có con mà không có bố không? Ba tôi đã hỏi như thế, nhưng gần như tất cả những người phụ trách đều phản đối. Họ nói: thưa anh, nếu anh chấp nhận những cái đó thì nền tảng đạo đức sẽ bị phá hoại hết.
Những điều đó khiến ba tôi buồn kinh khủng. Ông cho rằng nếu chúng ta cứ quan niệm như thế, thì có lẽ chúng ta đang rời xa cái chất của Cộng sản. Bởi Cộng sản đúng nghĩa là phải cực kỳ nhân văn, cực kỳ vì con người, vì con người một cách ghê gớm. Đến cuối đời ba tôi vẫn day dứt vì câu hỏi: tại sao ông đã không thể thuyết phục được những người xung quanh về điều đó? Thời ba tôi là thế, nhưng thời nay người ta nhìn những chuyện này rất đơn giản.


Bìa Nghệ Thuật Mới số 9
Bái NTM bản in đăng loạt bài này.

PV: Khi ông ra làm kinh tế tư nhân, thì cố TBT Lê Duẩn đã qua đời. Nhưng thời điểm đó, người ta vẫn nhìn kinh tế tư nhân với con mắt rất khe khắt, giống hệt như người ta khe khắt với những người phụ nữ không chồng mà có con. Quyết định ra làm kinh tế tư nhân của ông thời điểm đó thực sự là một quyết định can đảm, nhất là ở vị trí của ông – con trai của TBT Lê Duẩn?

LKT:
Đó là một giai đoạn khó khăn! Mặc dù mọi người rất phê phán kinh tế tư nhân, nhưng hầu như người nào cũng làm kinh tế tư nhân, theo góc độ nhỏ hoặc lớn. Họ làm điều đó một cách vừa giấu diếm vừa không giấu diếm. Người ta cứ nói đến Kinh tế tư nhân như là một cái gì đó rất xấu xa. Tôi hiểu là lịch sử của chúng ta đã trải qua một giai đoạn phong kiến, thực dân, đế quốc bóc lột rất nặng nề. Những chuyện đó được cắt nghĩa là do Kinh tế tư nhân đẻ ra. Khi tranh luận với những người lãnh đạo về vấn đề tại sao không cho Đảng viên làm kinh tế tư nhân vì dính đến bóc lột, tôi có nói: những nỗi lo lắng về chuyện bóc lột, chúng ta có thể xử lý. Còn nếu như luật của chúng ta chưa hoàn thiện, chúng ta phải hoàn thiện, chứ chúng ta không thể cấm. Còn nếu một người đã làm đúng luật Lao động đề ra, anh không thể kết tội người ta được.
Tôi nghĩ rằng vấn đề này, phải qua cả một quá trình nhận thức người ta mới hiểu được. Thời mà tôi đi làm Kinh tế tư nhân, tôi cứ nghĩ: tại sao lại cấm những điều vô lý như thế? Khi tôi ở trong Nhà nước, tôi được trả một cái cục tiền nhỏ. Tôi nhìn cái cục tiền đó và hiểu mình không thể sống được. Vậy tại sao người ta nghĩ ra công ăn việc làm, anh lại cấm người ta, lại bắt người ta phải sống bằng cái cục tiền đó và ép người ta nghĩ rằng đó là đúng? Tôi cầm cục tiền đó về, tôi không thể nuôi cá nhân tôi, không thể nôi con tôi, vậy thì đúng ở chỗ nào???
Hiện nay chúng ta nói đến đạo đức, đến tham nhũng, đến tiêu cực, nhưng cái gốc của vấn đề chúng ta không xử lý được thì rất khó. Hỏi tất cả mọi người, và nói sòng phẳng với nhau đi: với ăn uống bây giờ, nuôi con đi học bây giờ, những chi phí như bây giờ, thì cái lương này sống được bao nhiêu? Không thể sống được! Tại sao ĐBQH không chất vấn Chính phủ về cái mức lương mà không ai sống nổi như thế? Trên một bối cảnh như thế, làm sao chúng ta đòi hỏi những điều công bằng, trong sạch? Nó như một phản xạ tự nhiên, anh bịt mũi họ, thì họ sẽ phải há mồm ra để thở!


PV: Rất nhiều người nói : Lê Kiên Thành có đầy đủ tố chất và cả nền tảng để phát triển con đường chính trị. Nhưng ông lại không đi theo con đường đó mà lại đi làm kinh tế tư nhân. Ông có phải trả giá không?


LKT: Khi tôi làm kinh tế tư nhân, có lần tôi đã nằm trong danh sách bị đưa ra khỏi Đảng, vì ngày đó Thành ủy TP.HCM đưa ra quy định: một Đảng viên được làm cơ sở kinh tế không quá 13 lao động. Người Đảng viên chỉ được có không quá 30% vốn trong cơ sở không quá 13 lao động đó. Chú Đỗ Mười gọi tôi lên hỏi chuyện, tôi đã nói : chúng ta phải có luật để ngăn chặn bóc lột, chứ chúng ta không cấm kinh tế tư nhân. Còn nếu nói Đảng viên làm kinh tế tư nhân là bóc lột, thì bóc lột một người cũng là không đúng, vậy tại sao Đảng lại cho bóc lột 13 người? Mà tại sao lại nghĩ là bóc lột 13 người thì tốt hơn bóc lột 14 người ? Tôi đã nói với Bác Đỗ Mười tôi không hiểu về khái niệm, về lý do người ta đưa ra con số đó, và cả về bản chất của việc đó. Nó không thuyết phục được tôi phải tuân theo nó. Hồi đó bác Đỗ Mười đã đề nghị Thành ủy gặp tôi. Lúc đó chú Sáu Phong (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết – pv), khi ấy là Phó Bí thư Thành ủy gặp tôi. Chú Sáu Phong nói: “Tao có 30 phút để nói chuyện với mày”. Nhưng cuối cùng ông ấy đã nghe tôi nói chuyện suốt 2 tiếng. Chứng tỏ những điều tôi nói đã thuyết phục được ông ấy. Tôi nhớ chú Sáu Phong đã nói một điều mà đến giờ tôi vẫn rất cảm động mỗi lần nhớ lại, không biết chú Sáu Phong còn nhớ hay không: “Mày cứ yên tâm làm đi. Nếu người ta bắt mày ra khỏi Đảng, tao sẽ đi ra cùng mày”. Câu nói đó của chú Sáu Phong động viên tôi rất ghê gớm: một người như ông mà dám nói câu đó, nghĩa là còn có những người hiểu tôi. Đó là yếu tố cho tôi niềm tin để sống, để làm việc.
Khi có nguy cơ bị đưa ra khỏi Đảng, tôi đã nói: nếu các anh không cho tôi sinh hoạt Đảng ở Tp.HCM, tôi sẽ về địa phương khác sinh hoạt. Nếu địa phương khác cũng thế, tôi sẽ tiếp tục chuyển đến một địa phương khác nữa. Tôi sẽ đi đến nơi nào cuối cùng của đất nước này cho phép tôi vừa làm Đảng viên, vừa làm kinh tế. Đến lúc đó mà không còn cách nào khác thì như tôi đã nói với mẹ tôi khi đứng trước bàn thờ cha tôi: “ Khi đó con mới chấp nhận ra khỏi Đảng”.


PV: Vậy sau những cuộc đấu tranh, những tranh luận thẳng thắn đó, ông vẫn là Đảng viên?LKT: Đúng thế! Đến giờ này tôi vẫn là Đảng viên.


PV: Ông đi làm kinh tế tư nhân, vì khát khao thoát khỏi cuộc sống khó khăn với đồng lương công chức eo hẹp và khẳng định bản thân?LKT: Tôi chỉ muốn sống như tôi muốn sống. Tôi chỉ nghĩ làm sao để những người làm việc với mình không khổ, bản thân mình cũng không khổ. Bởi vì cái thời điểm trước khi tôi ra làm kinh tế tư nhân, tôi cực kì khổ.


PV: Khi nghe điều ông vừa nói, hầu như mọi người rất khó hình dung tại sao con trai của TBT Lê Duẩn đã sống không hề sung sướng, bởi vì như cái sự thật hiển hiện mà tôi đang thấy trong xã hội hiện nay, con cái của các quan chức có những thứ mà người bình thường nằm mơ nhiều đời cũng không có được?
LKT (cười): Thời của tôi, không phải vì tôi là con ông TBT mà tôi có thêm nửa cân thịt một tháng. Tôi chỉ có thế, đúng theo tiêu chuẩn. Không phải vì con ông TBT mà ở trong đơn vị, người ta được phát một bộ quần áo, tôi được phát hai. Không có điều đó! Đến mức mà khi sinh đứa con trai đầu tiên, vợ tôi không có sữa, mỗi lần được phát một bộ quần áo mới, tôi lại nhìn bộ quần áo cũ tôi đang mặc và tự hỏi mình có thể mặc bộ quần áo này thêm một năm nữa không, để bán bộ quần áo mới này đi. Dĩ nhiên bộ đội thì không thể ăn mặc rách rưới. Nhưng nếu cố được, tôi sẽ cố. Bán đi thì sẽ có tiền mua sữa cho con. Hồi đó ở đơn vị tôi có tôi và Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp – pv). Nhiều anh em trong đơn vị nói là nếu không sinh hoạt cùng Lê Kiên Thành, cùng Võ Điện Biên, họ sẽ nghĩ những người như chúng tôi sống khác. Và khi sinh hoạt cùng, họ phát hiện ra chúng tôi không có mảy may gì khác biệt.
Tôi không biết, trong tâm những người lãnh đạo của tôi, họ có ý định tốt với tôi cái gì không, nhưng những cái gì thuộc về quyền lợi, thì tôi không có khác biệt so với những người khác. Nếu không muốn nói, đôi khi tôi bị đối xử khắt khe hơn. Đố kị là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Cái gì qua rồi, tôi không muốn nói lại. Nhưng chắc chắn một điều là có những sự không công bằng với tôi, chỉ vì tôi đã xuất thân từ gia đình đó.


PV: Ông ra làm Kinh tế tư nhân khi cha ông đã qua đời. Nhưng có bao giờ ông hình dung rằng nếu cha ông còn sống, thì cha ông sẽ phản ứng thế nào với quyết định của ông?
LKT: Câu hỏi của bạn rất giống câu hỏi của một người làm Tham tán kinh tế trong Đại sứ quán Mỹ khi gặp tôi. Anh ta hỏi tôi: Tôi với anh, chúng ta có thể nói chuyện thẳng thắn được không? Ok, chúng ta nói chuyện thẳng thắn, vì chúng ta đã từng đánh nhau cơ mà, còn chuyện gì không nói được. Và anh ta hỏi tôi: Nếu cha ông còn sống, cha ông ấy sẽ nhìn những việc ông đang làm như thế nào? Tôi nói: ông không hiểu ba tôi thì là đương nhiên rồi. Vì rất nhiều người trong đất nước tôi còn không hiểu ba tôi. Tôi thì tôi hiểu một điều, ba tôi không phải một người Cộng sản cứng nhắc như nhiều người nghĩ. Nhà tôi ở gần đường Phan Đình Phùng, có một hiệu cắt tóc có đề bảng “HTX cắt tóc”, có lần ba tôi đi qua nhìn thấy, ba tôi buồn lắm. Cắt tóc cũng bắt người ta làm HTX! Chẳng lẽ ta sợ những người cắt tóc đi lên tư bản?
Khi ba tôi đi thăm một cơ sở dệt xuất khẩu, ba tôi hỏi: Cháu có biết đồng đô-la là gì không? Hồi đó đang chiến tranh, đến tiền Việt còn khó chứ đừng nói là đồng đô-la, thì ông Đoàn Duy Thành ở cạnh nghe thấy liền nói: thưa anh, đến tôi còn không biết đồng đô-la là gì chứ đừng nói đến cô này. Ba tôi nói: Thế này là quá sai! Bây giờ mình đang đánh Mỹ, nhưng sau khi đất nước giải phóng, rồi Mỹ sẽ là đối tác làm ăn lớn nhất của mình. Tại sao ba tôi lại hiểu điều đó? Tại sao không phải là Liên Xô hay Trung Quốc, khi mà hồi đó ba tôi không bao giờ nghĩ Liên Xô sẽ sụp đổ? Tại sao ba tôi lại nghĩ Mỹ - sau khi là kẻ thù, thì sẽ là đối tác? Tôi không hiểu!


còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét