Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Yêu Việt Nam ngay từ cái nhìn đầu tiên


Cập nhật lúc :3:57 PM, 21/08/2012
(ĐVO) Ngay khi đặt chân lần đầu tiên đến Việt Nam, phóng viên của tờ báo uy tín tại Anh Daily Mail đã có ấn tượng sâu sắc với phong cảnh và con người nơi đây. Sandra Howard, phóng viên mảng du lịch và phụ nữ của Daily Mail, một trong những tờ báo nổi tiếng nhất của Anh, vừa trở về sau chuyến du lịch 10 ngày đến Việt Nam.
Việt Nam hùng mạnh hơn nhiều người tưởng tượng
Một người Mỹ yêu Việt Nam tới 'điên khùng'
Việt Nam trong mắt người Australia
Quá ấn tượng với những thắng cảnh từ Hà Nội, Hạ Long tới Huế, Đà Nẵng, Hội An và thành phố Hồ Chí Minh, bà Sandra Howard đã viết một bài báo chia sẻ trên Daily Mail với tiêu đề “Một chuyến du ngoạn tới Việt Nam: cảm giác hưng phấn và thích thú khi được trải nghiệm tại một vùng đất đang lớn mạnh tại châu Á”.
“Lần đầu tiên tới Việt Nam nhưng ngay khi trên đường từ sân bay về Hà Nội trong ánh sáng nhợt nhạt buổi sáng sớm, tôi đã cảm thấy phấn chấn, háo hức cứ như thể được trở lại tuổi 20 một lần nữa. Vì vậy, dù cả một đêm đầu tiên mất ngủ do chưa quen giờ sinh học nhưng sáng sớm hôm sau tôi đã bắt đầu ngay với chuyến du ngoạn của mình”, phóng viên kỳ cựu của Daily Mail chia sẻ.


Bà Sandra Howard cho biết, với 6 triệu dân cùng ba triệu xe máy, Thủ đô Hà Nội của Việt Nam không thể không đông đúc. Dù hơi sờ sợ khi di chuyển trên đường phố Hà Nội nhưng bà vẫn cảm thấy hết sức thích thú trước sự sôi động và huyên náo nơi đây.

“Phố xá lúc nào cũng tấp nập người và xe nhưng người dân nơi đây dường như đã quá quen với việc này. Những nam thanh, nữ tú vừa điều khiển xe vừa vui vẻ cười nói, những bé trai, bé gái cũng được cha mẹ kẹp giữa cho vi vu trên phố”, phóng viên này cho hay.

Không chỉ vậy, bà Howard còn bị lôi cuốn bởi những quán cóc đầy món ăn lạ mắt và ngôi nhà theo kiến trúc Pháp cổ xưa. “Ngay khi tôi có thể rời mắt khỏi những vỉa hè đầy lôi cuốn thì ngay phía trên là những cửa hàng nhỏ san sát cả trăm tuổi, mang dáng dấp của những kiến trúc thời thuộc địa Pháp”, phóng viên Sandra Howard háo hức chia sẻ.



Khi tới vịnh Hạ Long, bà Howard và chồng bị chinh phục bởi vẻ đẹp mà bà miêu tả là “mê hồn” của cảnh quan trên vịnh. “Những kiến tạo đá kỳ thú mọc lên từ mặt nước và bạn có thể tưởng tượng ra những hình thù kỳ lạ như: một cái đầu sư tử, một con rồng hay một cái chén có tay cầm”, tác giả cho hay.

Vị du khách người Anh càng sửng sốt hơn trước vẻ đẹp bên trong những hang động “rộng cỡ một sân vận động”. Toàn bộ động được chiếu sáng thật tinh tế với rất nhiều thạch nhũ đẹp mắt và có thể phát ra tiếng kêu.

Tại Hạ Long, họ cũng lần đầu được thưởng thức món lẩu ngon tuyệt mặc dù ban đầu thấy “hoảng” vì nhân viên bưng lên toàn cá, sò và rau còn sống.

Bỏ lại sau lưng những ấn tượng mạnh mẽ với cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ của Hạ Long, bà Sandra Howard đặt chân đến cố đô Huế và đi thăm Đại Nội. Cảm giác ban đầu của bà là sự nuối tiếc vô hạn khi thấy nhiều di tích cổ bị tàn phá.

Ngoài vẻ đẹp cổ kính, ẩm thực xứ Huế cũng mê hoặc gia đình và Howard. “Người phục vụ mang ra một loạt các đĩa nhỏ, những bát súp thật thơm ngon, rất nhiều rau xanh và thịt bò cùng món salad xoài cay. Cô gái phục vụ chúng tôi rất dễ mến và một lần nữa chúng tôi bị sốc trước mức giá quá phải chăng của ẩm thực Việt Nam”, phóng viên Anh tấm tắc.



Trong những ngày du ngoạn tiếp theo, bà Sandra Howard đến với thành phố Đà Nẵng với những bãi biển trải dài cát trắng mịn. “Thật tuyệt vời. Chỉ cần mở cửa phòng khách sạn là chúng tôi có thể thưởng ngoạn một bãi biển tuyệt đẹp”, nữ phóng viên tâm sự.

Còn với thị xã nhỏ Hội An, cảm nhận của bà thật đặc biệt. “Ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã thấy yêu nơi này. “Những cửa hàng nhỏ bán vải lụa với giá rất rẻ nhưng họa tiết thật tinh tế, những quán cà phê và nhà hàng sinh động nằm dọc bờ sông và cả cây cầu được thắp sáng bằng đèn lồng mỗi khi đêm xuống”, bà Sandra Howard cho hay.

Điểm dừng chân cuối cùng của nữ phóng viên cùng gia đình là thành phố Hồ Chí Minh. Trước sự phát triển mạnh mẽ tại đây, bà tự hỏi nhờ đâu mà những người con người nơi này có thể vượt qua những khó khăn của chiến tranh để xây dựng thành phố mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét