Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Vòng trắng chấp chới

Đọc truyện dưới đây của nhà văn Phạm Ngọc Tiến làm mình nhớ tới
những người bạn thân đã mất quá. Mình có viết vài bình luận cuối bài.


Vòng trắng chấp chới

Mới chỉ chợp mắt được một lát thì chuông điện thoại bàn réo đầy đe dọa. Những cuộc điện thoại đêm chẳng bao giờ mang lại điềm lành. Từ đầu kia giọng đàn ông thổn thức. Đó là Thanh, bạn lính thân thiết của tôi. Tiến roe ơi, anh Nguyên đi rồi. Hả? Đi rồi. Tao đang ở bên anh đây. Ở đâu. Ở nhà, Cao Thắng chứ đâu, đến luôn đi. Nhưng vì sao. Giọng đầu kia nổi cáu. Hỏi lắm. Vì uống rượu với mày. Mày giết anh ấy. Tôi vùng dậy mặc quần áo hớt hải dắt xe ra khỏi nhà. Được một quãng không thể đi nổi tôi ngồi thụp xuống đường thở hổn hển như bị nghẽn máu. Có lẽ nào lại thế. Tôi và anh vừa uống với nhau hồi tối. Sao lại có thể nhanh thế được. Sao lại có thể. Tôi không khóc nổi, người cứ ức ứ nghẹn ngào.

Tên anh là Nguyên. Nguyễn Xuân Nguyên. Anh lớn hơn chút ít so với đám lính Hà Nội cùng đợt chúng tôi nhập ngũ mùa đông năm ấy. Ngày đó đã cách xa tròn 40 năm. Là tôi tính với bản thân mình còn anh thì đâu có được khoảng thời gian ấy nữa. Nguyên đi đã được đúng một con giáp. Anh chết năm 2000. Chiều ấy. Tôi từ cơ quan đi thẳng đến quán bia Quân đội đường Hoàng Diệu. Được một lát thấy chan chán tôi bỏ đi. Đã có chút men trong người tôi cứ vẩn vơ đi như vô định. Rồi như có một sự dẫn dắt tôi đến nhà anh ở phố Cao Thắng, sau chợ Đồng Xuân. Nhà Nguyên chính thống là dân phố chợ. Cả nhà trừ anh làm công chức còn thì tất tật mấy chị em gái đều bám vào mặt đường phố chợ này để buôn bán sinh sống. Phố chợ, tấc đất tấc vàng, mặt tiền có mấy mét mà nuôi sống đủ cả chục con người một cách đàng hoàng. Trong đám bạn lính, Nguyên là người có kinh tế vào loại khá giả nhất. Kể từ hồi đầu xanh tuổi trẻ, anh đã có vàng dắt trong người phòng thân những lúc sa cơ lỡ bước. Thấy tôi đến Nguyên không hề ngạc nhiên dù lâu lắm tôi không đến nhà anh. Nguyên bảo mày ở đây ăn cơm với tao. Tính tôi nếu không về nhà ngay thể nào tôi cũng la cà bạn bè đến đêm mới về. Nguyên hối cô em gái đi ra chợ mua ít thịt quay. Anh thích món này. Thịt mang về không đúng như ý nên anh xa xả mắng. Thấy thái độ anh lạ lẫm khác thường, tôi phải bảo át đi, thịt dọi ngon đấy chứ. Anh cứ làu bàu mãi khiến tôi kém vui. Ai mà biết được đấy chỉ là những cái điềm báo trước để anh đi được thanh thoát.
Tự nhiên anh bê ra bình rượu tự rót và uống ngon lành. Tôi cười hỏi cơ quan có chuyện gì à. Là vì anh không uống được rất ghét bia rượu chỉ thích ngồi nhìn ngắm bạn bè uống. Lắc đầu, Nguyên nói sang chuyện khác. Rất nhiều. Từ chuyện anh đang làm hộ chiếu để sang châu Âu thăm em giai đang là công dân nước Áo. Đến chuyện bệnh tật của anh, lan man sang nhiều chuyện khác nữa. Rồi bất ngờ anh lấy ra đôi giày cũ. Đôi giày tôi rất thích cứ gạ gẫm anh nhiều lần nhưng anh không cho. Nguyên bảo, em cầm lấy đi, mày biết xưa nay tao có tiếc ai cái gì đâu nhưng đôi giày này không được dù nó đã phải mang đi khâu lại. Và anh nói ra lý do. Thì ra đây là đôi giày người bạn gái của anh tặng. Tự nhiên tôi thấy thương anh vô chừng và tôi đã từ chối khiến anh trợn tròn mắt. Tôi có rất nhiều giày trong bộ sưu tập. Đôi giày của anh là một đôi giày bình thường nhưng chẳng hiểu sao nó cứ làm tôi mê mẩn nhiều năm. Và giờ nó đã thuộc về tôi. Nhưng không. Tôi làm sao có thể lấy đi kỷ niệm máu thịt của anh được.
Trong số bạn bè của tôi duy nhất chỉ có Nguyên khi chết phải dùng hoa viếng màu trắng. Anh chưa một lần lập gia đình. Từ quân ngũ trở về chúng tôi lần lượt lấy vợ. Tôi gần như là thằng muộn nhất vì ham chơi. Có lý do của nó. Quãng năm đầu thập kỷ 80 một dạo người anh rộc đi, mất ngủ, biếng ăn. Rồi bệnh viện xác định anh bị ung thư ổ bụng. Một khối u to như nắm tay sờ nắn bên ngoài cũng thấy. Nguyên phải chạy xạ vài đợt. Sau đó bệnh tình đỡ đi. Khối u không còn. Như những người khác sẽ coi là khỏi bệnh và có thể sống một cuộc sống bình thường. Với Nguyên thì không. Gia đình bạn bè giục giã anh lấy vợ nhưng Nguyên chỉ lắc đầu. Anh không chấp nhận với lý do lấy vợ, mình nhiễm xạ thế không thể sinh con, lấy để làm khổ người khác là điều chẳng nên làm. Quá xác đáng và rất con người. Nhưng sự thật chưa hẳn thế. Nguyên là người tình cảm, anh không thể lấy người mà mình không yêu bởi lúc này anh đang có một mối tình ngang trái. Yêu một người có gia đình. Chuyện chỉ vỡ lở khi một lần anh bị người chồng của chị kia tẩn cho sưng mặt sưng mũi. Chúng tôi xót xa lắm. Nguyên là người được cả đơn vị kính trọng. Và mấy anh em chúng tôi có một tình bạn ruột thịt coi nhau như người trong nhà. Tôi đầu trò tổ chức một đoàn gồm gia đình mấy người bạn thân kéo đến gặp gia đình chị người yêu. Cánh vợ gặp chị bảo nếu chị yêu anh Nguyên thì bọn em sẵn sàng đón nhận. Trước hết chị hãy ly dị đi đã. Còn cánh đàn ông chúng tôi gặp anh chồng bày tỏ sự thông cảm nhưng cũng quyết liệt nói rằng nếu sự việc như vừa rồi còn tái diễn thì hãy đừng có trách chúng tôi không nói trước. Là xót nhau nói càn thế chứ kiểu đi gặp như chúng tôi có khác gì ngược đời. Thử tưởng tượng nếu là mình thì bát gạo cũng thổi nhé đừng có nói đến gặp lại còn dọa dẫm. Việc rồi cũng yên. Sau đó Nguyên biết tôi sáng tác ra cái vụ đó tuyên bố cắt đứt tình bạn. Anh thù ghét tôi rất lâu. Tình tọt mới biết nó ghê gớm thật, ruột thịt anh em cũng chẳng là gì. Nhưng sự gắn kết của cả nhóm bạn bè cùng sự thân thiện gia đình khiến anh chẳng thể giận tôi được mãi. Có lần Nguyên kể vì sao anh lại gắn bó với mối tình vô vọng đó. Bệnh nhân chạy xạ rất đau rất mệt. Mỗi lần chạy xạ xong mắt Nguyên chỉ nhìn thấy màu trắng. Những vòng tròn trắng chấp chới nối nhau tan đi hiện dần ra khuôn mặt của người yêu. Nguyên bảo:
-Lúc đó tuyệt vọng lắm Tiến ơi. Bố mẹ anh em quý thật nhưng không có ai. Bạn bè cũng vậy. Chẳng một người thân lúc đó. Chỉ có cô ấy….
Tôi hiểu. Chị người yêu ( tôi không dám nói tên chị ra lúc này vì gia đình chị) là điểm tựa cho anh vượt qua giai đoạn khốc liệt đó của đời người. Tôi bảo vậy sao anh không cưới chị ấy. Nguyên cười buồn lắc đầu. Còn những đứa con….Và mối tình ấy cứ kéo dài cho đến tận lúc anh chết.
Khi tôi đến được nhà đã quá nửa đêm. Người chật kín. Vừa bước vào tôi đã bị đám em gái xúm xít la hét cào cấu. Anh giết anh Nguyên. Tại anh uống rượu. Tại anh. Tôi như bị thôi miên ở tình huống này. Bằng sức mạnh không ngờ tôi gạt tất cả lao lên phòng Nguyên. Anh nằm đó còn tươi nguyên như người đang ngủ. Người tôi vỡ òa. Tôi ôm lấy anh. Nước mắt giờ mới tứa ra được nhỏ giọt xuống thân thể còn đang mềm nóng. Người ta kiêng nước mắt vào những dịp này nhưng thây kệ. Tôi nhận ra chị người yêu của anh đang bó gối ngồi bên cạnh buồn bã. Cuộc đời đơn giản thế này thôi sao. Trong cơn tâm sự anh đã uống đôi ba chén. Có tiền sử bệnh nên huyết áp tăng khiến anh ngất xỉu. Người nhà nghĩ anh cảm cho anh uống nước gừng. Càng tăng. Và anh đã ra đi rất nhanh. Chuyện của anh chỉ có thế. Sự sống và cái chết của một người bình thường. Đám tang của anh cơ man những vòng hoa trắng. Tại sao lại là hoa trắng hở anh Nguyên? Tại sao anh lại chọn tôi là người trút gửi tâm sự trước lúc ra đi. Tại sao anh lại đưa tôi đôi giày. Tôi trách mình đã từ chối một sự gửi gắm kỷ niệm của anh trước chuyến đi xa.
Sau cái chết đầy bất ngờ của Nguyên nhà anh gần như rơi vào sự hỗn loạn. Bởi khi sống anh là người quyết định mọi việc trong nhà. Mẹ anh mất trước đó vài năm. Bố anh có nghề làm bánh trung thu và lúc đó ông lại đang đi đi về về gá nghĩa với một phụ nữ khác. Các chị em của Nguyên đều sống dựa vào căn nhà đang ở với mặt tiền vài mét để buôn bán. Cậu em trai Nguyên trong mác Việt kiều có vị thế lại đang ở Áo. Tôi là bạn thân cùng với Thanh người gọi điện cho tôi lúc Nguyên mất đứng ra tổ chức một cuộc họp gia đình. Thống kê toàn bộ mọi việc và đưa ra một nghị quyết được đồng thuận. Dù bất kỳ tình huống nào cũng không được bán ngôi nhà phố chợ. Tất cả mọi người đều ký xác nhận kể cả ông bố. Tất nhiên cả tôi và Thanh như đại diện cho người đã khuất.
Nguyên được chôn cất ở quê nội ngay bên bờ sông Đuống. Nói thêm một chút, Nguyên là người chỉ thích nước, thích biển, thích sông. Là lính trận ở rừng nhưng anh không ưa rừng thậm chí là sợ nó. Tôi nhớ mãi cái lần hành quân vào B, trúng sinh nhật anh. Nguyên đã có chủ định nên dành mang từ Bắc vào nào kẹo Hải Hà, nào trà Ba Đình, Hồng Đào, nào thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên. Anh tổ chức một bữa tiệc sinh nhật có một không hai đúng kiểu tiểu tư sản Hà thành. Khách là lính tráng đơn vị được mời ra giữa một dòng suối lớn. Cả bọn ngồng ngỗng thụ hưởng. Nước réo, bọt sôi, trăng thanh gió uốn. Cao hứng Nguyên bảo nếu tao có hy sinh thì thể nào chúng mày cũng cố tìm cho tao ở gần nơi có nước. Lời nói gió bay đó giờ được ứng nghiệm. Thương Nguyên, chúng tôi thi thoảng lại sang với anh. Bẵng một dạo tôi không thấy Thanh gọi đến nhà Nguyên nữa. Ông bạn Thanh này còn thân thiết và có uy thế với gia đình Nguyên hơn cả tôi. Sau thì biết người em trai út của Nguyên đã trở về và ra tay sắp xếp gia đình. Nhà Nguyên đông anh em. Cô em gái sát kề Nguyên có gia đình riêng cũng ở cùng phố không nói còn thì tất tật 5 chị em không kể cậu út đều dựa vào ngôi nhà mặt tiền phố chợ. Thú thật tôi cũng mừng vì nghe tin cậu út là người giỏi giang công việc nên cả nhà đều răm rắp nghe. Cậu út đi xuất khẩu lao động ở Tiệp từ nhiều năm trước rồi phiêu bạt sao đó sang Áo và nhờ một gia đình người địa phương nhận làm con nuôi nên có quốc tịch nước này. Không nói ra nhưng tôi nghĩ chắc ông em này có vốn liếng bên đó nên mới sắp xếp nổi cái gia đình đông đúc kia. Những đồng đô la kiểu gì cũng có uy lực. Với cậu út tôi cũng đã tiếp xúc vài lần. Giọng phố chợ Hà Nội đã mất mà thay vào đó là thứ giọng Việt lơ lớ của người đi xa gốc nhiều năm. Tôi gọi đùa cậu này sau lưng là ông lơ lớ. Bẵng một dạo tôi ngã ngửa người khi nghe tin gia đình đã thống nhất bán ngôi nhà. Tôi hỏi Thanh bán rồi đi đâu, ai bán. Thanh thông báo không mấy bình thản, lơ lớ bán. Số tiền bán nhà được chuyển đổi kinh doanh thành trang trại ở mạn Lương Sơn, Hòa Bình. Ngạc nhiên nối tiếp ngạc nhiên. Tôi cất công lên tận đó tìm hiểu. Một trang trại bề thế được xây dựng kỳ công theo phong cách nửa châu Âu, nửa còn lại là Việt tùy hứng. Một căn nhà gốc Huế được bứng nguyên vẹn đặt ở một góc. Tóm lại là khó bình luận. Chị em của Nguyên giờ ở cả đây thành những chủ nhân của vườn cây, ao cá, của những căn phòng Âu, Á của đường đi lối lại có cối đá xen vào tượng thằng Cu Đái nước Bỉ và nhiều thứ khác mà trình độ tậm tịt của tôi chịu chết không thể biết. Toàn bộ cơ ngơi này mang tên cả trên giấy tờ của ông em út. Lơ lớ hào hứng thuyết trình dự án làm ăn lớn của trang trại. Sẽ tổ chức những đoàn khách du lịch châu Âu sang đây tiến tới là cổ phần hóa sang nhượng cho những nhà đầu tư nước ngoài. Tôi nghe thế biết thế. Nhất trí là thời đại mới cần những ông chủ biết toan tính biết làm ăn nhưng cứ nhìn đám chị em của anh bạn lính thân thiết phải rời phố chợ lên đây khiến lòng tôi nhoi nhói. Tiền bạc mà làm gì. Cũng đã chắc đâu có tiền. Chủ nhân hay công nhân cũng chẳng có gì khác. Rồi thì đám trẻ con học hành thế nào ở chốn rừng núi âm u này. Nhưng có vẻ như lơ lớ ổn định tốt gia đình. Tôi chẳng thấy ai kêu ca điều gì. Trước đó kể cả hồi anh Nguyên còn sống có điều gì đó những người này vẫn than thở trút sang tôi để tìm giải pháp. Giờ thì chịu. Mỗi năm tôi chỉ còn có một dịp là vào ngày giỗ Nguyên cùng chúng bạn đơn vị dắt díu nhau lên thắp hương cho anh.
Có điều này để kết thúc tôi mới kể vì nó liên quan đến cái vòng trắng chấp chới tôi đặt tên cho truyện ngắn. Khi có trang trại, ông em lơ lớ đã làm một việc xét về đạo lý là rất tình nghĩa. Ngày bốc mộ Nguyên và cả mộ của mẹ anh nữa, hài cốt được đưa thẳng lên trang trại nằm ở khu kiểu như đài tưởng niệm. Gọi thế là vì có tháp thờ còn những ngôi mộ thì nằm ẩn dưới lòng đất trong khuôn viên khu. Tôi ngờ rằng làm thế để du khách đến trang trại không có cảm giác đó là khu nhà mồ. Mỗi lần đến thắp hương vào ngày giỗ cho Nguyên bao giờ tôi cũng phải dò dẫm cắm bằng được mấy nén hương vào vị trí anh nằm dưới lòng đất. Khi những vòng khói tròn tròn cất lên loang ra tôi lại nhớ đến lời kể của anh khi đi ra từ bệnh viện ngày chạy xạ thuở nào. Những vòng trắng chấp chới. Chị người yêu của anh từ ngày Nguyên mất tôi không còn được gặp. Nguyên ơi, anh không thích rừng, thậm chí là sợ. Anh chỉ thích nước thích biển thích sông. Anh đã toại nguyện khi chết được nằm gần sông Đuống quê hương. Nhưng giờ thì anh lên rừng. Hồn anh mãi ở nơi sơn cùng núi tận này. Phải thế thôi. Chẳng biết anh vui hay buồn nhưng cuộc đời này là thế. Hãy chấp nhận anh ạ. Vì chính cuộc mưu sinh của những người thân. Vì chính những đổi thay không thể ngờ trong mỗi cuộc đời chúng ta, trong thời đại chúng ta kể cả chết hay là sống.
Hôm nay là ngày giỗ của Nguyên. Sớm ngày ra tôi sẽ cùng chúng bạn và gia đình lên với anh. Sẽ lại là cuộn cuộn khói hương kết thành những vòng trắng chấp chới. Nó là của anh. Anh Nguyên!
Hà Nội ngày 2/9/2012
PNT

57 phản hồi Add your own

  • 1. Sống thật chậm  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 2:00 sáng
    Truyện hay quá bác ạ.
    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 7:39 sáng
      Khó viết cái này quá STC à. Đã không hư cấu lại còn không dám viết hết vì những người đang sống cùng mình nên chẳng dám phóng bút. Cứ coi như tư liệu vậy.
      Trả lời
  • 3. toithichdoc  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 6:04 sáng
    Vừa gửi 1 phản hồi, nhưng hình như máy không nhận. Tôi gửi lại xem sao:
    Đọc truyện này thấy buồn song thấy đầy tình cảm và tấm lòng đối với bạn bè của bác Tiến. Và đặc biệt là tình cảm và tinh thần trách nhiệm rất cao giữa những người lính với nhau. Bạn của bác ra đi vào năm 2000 tức là mới ngoài 40, còn rất trẻ. Tôi giờ đã 54 nhưng may mắn là những năm trước 50 tuổi chưa phải chứng kiến sự ra đi của những người thân nào. Thế mà khoảng 4 năm gần đây, mỗi năm lại có một hai bạn bè thân thiết ra đi, tất nhiên trừ một anh bạn lớn hơn 3 tuổi, còn lại đều là các bác ngoài 70, nhưng họ đều là những người rất thân thiết, đã cùng làm việc với nhau hàng chục năm, từng đi nước ngoài nhiều lần với nhau, có thể ngồi với nhau, đi dạo với nhau cả tháng cũng không hết chuyện. Giờ thì người cõi âm, người cõi dương, mỗi lần tới thăm mộ các anh, lại thấy thương các anh quá. Họ đều là những nhà khoa học nổi tiếng, say mê làm việc, làm việc đến tận ngày ra đi dù tuổi đã cao, sức yếu. Họ không màng chuyện tiền nong, địa vị mà chỉ lo sao các kết quả nghiên cứu thực sự có giá trị khoa học để cống hiến cho đời. Một trong những người như thế là PGS TSKH Nguyễn Văn Quỳ. Buổi chiều anh còn họp ở Văn phòng Chủ tịch nước, về nhà làm việc tiếp, đến 9h tối thì viết xong bản báo cáo, gọi người ở Văn phòng đến lấy, sau đó anh nằm xem tivi và 2 tiếng sau thì ra đi mãi mãi ở tuổi 75 (sinh năm 1936, mất năm 2010). Xem về anh ở đây:
    http://toithichdoc.blogspot.ch/2011/12/khi-co-mot-nguoi-i-khoi-gian.html hay ở đây:
    http://toithichdoc.blogspot.ch/2011/06/gdp-cua-viet-nam-theo-can-bang-suc-mua.html
    Cám ơn bác Tiến có một bài viết đầy tình cảm, nhắc nhở chúng ta không quên những người đã khuất vào những sáng chủ nhật thế này.
    Xin thắp một nén hương cầu chúc cho linh hồn anh Nguyên chấp nhận sống thanh thản giữa núi rừng, trong tình thương của những người thân trong gia đình và của những bạn bè thân thiết khác.
    Trả lời
  • 4. Lai Tran Mai  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 6:06 sáng
    Tên tôi là Lai Tran Mai nhưng máy cứ hay chuyển thành toithichdoc (là tên blog lưu tài liệu của tôi). Xin gửi lại để a Tiến biết.
    Trả lời
    • 5. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 7:42 sáng
      Cả mấy comment nhận được hết đấy LTM. Cái tên toithichdoc cũng hay đấy chứ.
      Ở tuổi của chúng ta sự vân vi lớn nhất và giằng xé nhất cũng như thanh thản nhất hay đau đớn nhất chính là những cuộc chia tay này. Có đủ những cung bậc kia là ta biết tự chấp nhận cho mình. Và biết chấp nhận tức là ta đã sống để chẳng còn gì phải ân hận nữa.
      Trả lời
      • 6. Hà Linh  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 11:11 chiều
        mà thực ra thì em nghĩ có ân hận cũng không thể làm gì được, điều gì đã qua, mãi mãi qua rồi, không ai ngược dòng thời gian mà thay đổi được..vậy thì phải sống cho hôm nay và cho ngày mai, sao để không chồng thêm một nỗi ân hận mới lên một kí ức ân hận cũ!
        Em đọc đâu đó viết đại ý: Cây cầu thời gian mong manh sẽ gãy và chìm vào vĩnh hằng ngay sau mỗi bước chân ta đi,sẽ không có chỗ cho ta quay lại bao giờ.
        Trả lời
        • 7. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 9:47 sáng
          Không có chỗ cho ta quay lại. Đúng thế. Bởi thế nên mãi ân hận. Sống mà không ân hận đến thánh cũng không làm nổi HL à.
          Trả lời
          • 8. Hà Linh  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 12:38 chiều
            những nỗi niềm ân hận đó với người sáng tác đôi khi lại chính là những nguyên liệu tuyệt vời..
            nhưng anh có nghĩ là có những người có thể không còn khả năng ân hận không? vì không ân hận nên không có nhu cầu cải thiện bản thân, làm sao để sống tử tế hơn, để làm điều tốt lành cho người xung quanh..mỗi người một chút như thế tạo nên một xã hội đầy rẫy vô cảm..
          • 9. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 2:11 chiều
            Người vô tri thế nói làm gì HL. Không chấp.
          • 10. Hà Linh  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 4:52 chiều
            vâng, nhất trí là không chấp, không thèm chấp ấy chứ anh Tiến nhỉ? khe khe khe
      • 11. Lai Tran Mai  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 2:50 chiều
        Tôi vừa viết còm dưới đây trong HM blog nhân đọc bài Nick & thi hoa hậu trên Cua Times ( http://hieuminh.org/2012/09/01/nick-tren-cua-times/ ), nhân thể trả lời bác Tiến luôn về nick tooithichdoc:
        Đọc bài này (Nick & thi hoa hậu trên Cua Times) lại nhớ có lần bác HM “khen” (đểu ?) tôi là “một người có nick “Tôi thích đọc” có khác biệt so với những độc giả khác” Đúng là khác biệt thật vì cứ nghĩ gì viết đấy, mà toàn nghĩ ngu, sống chỉ duy lý chứ không duy tình…, nên cứ còm vào hang Cua là bị chửi, thậm chí bị đề nghị đừng vào nữa, vào là làm cho hang Cua mất vui. Nhân tiện bác HM mời mọi người kể tại sao dùng nick trong blog và ý nghĩa của nó, xin liều mình viết mấy dòng để thể hiện với em Sóc xinh đẹp đang gây rối trong hang.
        Thực ra tôi chẳng dùng nick này mà đây là tên Blog (http://toithichdoc.blogspot.ch/) do tôi lập ra chỉ với mục đích lưu tài liệu đã đọc để đi đến đâu, chỉ cần có máy tính nối mạng là có thể xem lại được. Vả lại vì viết toàn bị chửi, thường xuyên bị lãnh đạo phê bình, thậm chí còn bị công an nhắc nhở nhiều lần, nên từ lâu đã mất thói quen viết, thường nhật chỉ dám đọc, trừ lúc rượu say (hay thấy em nào xinh xinh như em Sóc hôm nay), quên mất mới viết vài dòng. Nick thật của tôi là Lai Tran Mai (tự bịa ra 1 cách vô tình, chẳng có ý nghĩa lịch sử gì), nhưng thỉnh thoảng gửi còm, không để ý chữa là máy tính tự động ghi thành toithichdoc. Lộ tên thật rồi, chuồn thôi. À quên, chúc các bác có thêm 1 tuần (hay 1 năm ?) bầu hoa hậu rôm rả. Cả nước ta cũng đang tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là thi đẹp và thi hát đấy. Các bác xem ở đây này:http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/08/the-he-bo-truong-ang-lat-keo-dan.html
        Trả lời
  • 13. Hà Linh  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 10:17 sáng
    Hay qúa anh Tiến, đẫm cảm xúc.
    Em thích hình ảnh vòng trắng chấp chới, nó vừa như là ảo vọng vừa như là hy vọng..có lẽ anh Nguyên đã sống nhờ vào những điều đó trong bao nhiêu năm bệnh tật..Và chỉ có khi anh hấp hối thì chị người yêu mới là hiện hữu…Hiện hữu khi anh lại là linh hồn chấp chới trên cao…
    em nghĩ khi gia đình anh chuyển mộ lên vùng núi, bấng anh đi từ vùng đất sinh ra, lớn lên và mất đi , yên nghỉ…nhưng có lẽ linh hồn anh vẫn vương vấn nơi đó bên dòng sông Đuống…và như thế cả khi anh sống, vật vã với cuộc đời hay khi mất đi rồi vẫn luôn có một cái gì đó như thực, như ảo..như một điều gì đó luôn chênh chao…
    Trả lời
  • 14. Hà Linh  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 10:39 sáng
    Anh Tiến,
    EM có cảm giác hình như anh có thể hơi bị lặp khi nói về hoàn cảnh gia đình anh ấy ở chỗ này. Theo em nghĩ thì có lẽ chỉ cần một chỗ thôi..các nơi khác có thể diễn đạt khác đi một chút thì sẽ hay hơn nữa. Đó là cảm nhận của em thôi nhé:
    Anh thử xem em đã copy lại sau đây:”
    Nhà Nguyên chính thống là dân phố chợ. Cả nhà trừ anh làm công chức còn thì tất tật mấy chị em gái đều bám vào mặt đường phố chợ này để buôn bán sinh sống
    ******************
    Các chị em của Nguyên đều sống dựa vào căn nhà đang ở với mặt tiền vài mét để buôn bán
    *******************
    Nhà Nguyên đông anh em. Cô em gái sát kề Nguyên có gia đình riêng cũng ở cùng phố không nói còn thì tất tật 5 chị em không kể cậu út đều dựa vào ngôi nhà mặt tiền phố chợ
    ************
    Trả lời
    • 15. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 3:08 chiều
      Ừ, thế nào cũng được mà. Những thông tin nó có khác nhau đấy. Nhưng ko quan trọng đâu.
      Trả lời
      • 16. Hà Linh  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 6:21 chiều
        vâng , anh Tiến ạ.
        Trả lời
  • 17. Lê Bình Nguyên  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 1:39 chiều
    Riêng tôi thì lấn cấn chuyện ông lơ lớ.
    Một người lớn lên ở Hà Nội , xuất khẩu lao động sang Tiệp,sau đó dạt sang Áo – tức là vẫn trong môi trường có đông người Việt,và chưa chắc anh ta được học hành cơ bản về ngôn ngữ bản xứ. Khó tin anh ta bị pha tiếng lơ lớ.Chắc anh ta cố tình làm thế cho khác người .
    Các cháu bé người Việt sinh ở nước ngoài , đi nhà trẻ và học trường tây từ bé thì có thể có cháu phát âm tiếng Việt hơi ngồ ngộ .
    Trả lời
    • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 3:05 chiều
      Ông lơ lớ này chỉ viết được về ông đến thế, thật hay giả không lạm bàn. Vẫn phải gặp mà. Vừa uống rượu với ông xong.
      Trả lời
  • 19. Hà Linh  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 6:27 chiều
    Hãy chấp nhận anh ạ. Vì chính cuộc mưu sinh của những người thân. Vì chính những đổi thay không thể ngờ trong mỗi cuộc đời chúng ta, trong thời đại chúng ta kể cả chết hay là sống.
    ———
    Đầy chiêm nghiệm, như có nụ cười, như ầng ậng nước mắt.
    Thực ra thì là con người mà, ai chẳng phảiđối mặt với cuộc mưu sinh…và cần phải được mưu sinh….
    Chấp nhận thay đổi không dễ, đôi khi ngay cả với chính mình chứ đừng nói là đến với những người khác…Nhưng có lẽ đó là sự vận động không ngừng của cuộc sống, dù cả khi ngoài ý muốn…
    Em chưa sống nhiều, càng không từng trải nhiều như anh Tiến, nhưng đôi khi ngắm nhìn sự đổi thay cũng là một thú vị…
    Trả lời
    • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 9:34 chiều
      Bình hay hơn cả viết. Khekhe….
      Trả lời
      • 21. Hà Linh  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 11:07 chiều
        Anh mà khen thế là em còm tranh cả phần người khác thì họ lại bảo sao em tham thế!
        Đọc truyên này từ sáng, em cứ nghĩ đúng là nhà văn có khác, viết về một cái chết của một con người, một cuộc đời nhỏ bé..mà như bê nguyên một mảng đời sống, một xã hội thu nhỏ với bao thân phận, bao tâm tư vào trên một khuôn hình máy tính, sống động vô cùng. Và thêm nữa, anh Tiến viết với xúc cảm chân thật của mình nên cuốn người đọc vào một dòng chảy tuôn trào….Đúng là một người viết văn tốt bụng, tốt và thương cho cả nhân vật của mình dù là nhân vật được miêu tả với đặc tính phản diện và truyền cái tốt lành đó sang bạn đọc.
        Trả lời
        • 22. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 9:50 sáng
          Em cứ khen anh Tiến thế này ngượng lắm. Khekhe…
          Trả lời
          • 23. Hà Linh  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 12:33 chiều
            khe khe khe, nhưng đúng là thế đấy, đọc văn thấy cái tình đời, tình người của người viết đậm đà lắm..và những bài viết gần đây thì đầy chiêm nghiệm, đầy bao dung mà cũng sâu thêm những nỗi niềm, như ý muốn nói, muốn hỏi, muốn luận bàn với chính mình:” đời người nói ngắn thì cũng ngắn mà dài thì cũng dài, sống sao đây, chấp nhận cuộc sống sao đây để cho thanh thản để cho đáng sống mỗi thời khắc đi qua…”
          • 24. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 2:12 chiều
            Là dạo này anh Tiến vân vi về nhiều về cái sự sức khỏe nên đốc chứng thế thôi. Khekhe…
          • 25. Hà Linh  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 4:50 chiều
            nhưng mà em nghĩ những chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ của anh rất thú vị, ít nhiều đem đến cho người đọc những sẻ chia hay chứ anh.
            em nghĩ cái ông lơ lớ trong truyện này hẳn đã phải vất vả, nhọc nhằn lắm mới có thể thực hiện được thay đổi lớn lao đó, cả gia đình lớn nhỏ đã bám căn nhà mặt phố cổ bé nhỏ để sống bao thế hệ..mồ mả cha mẹ ở ven sông…mọi thứ như đã mặc định, cắm rễ cả về tư tưởng, hoạt động nơi đó..thế mà ông lơ lơ ông ấy” bứng cả cụm” về miền sơn cước..Xem như ông ấy thay cả cái “nguyên quán” cho những thế hệ mới trong gia đình lớn của ông….
            đổi thay-2 từ giản dị khi viết nhưng trong thực tế là cả một vấn đề, đôi khi người ta còn sợ cả thay đổi dù trong thâm tâm cũng nghĩ là khó mà giữ những gì quá xưa cũ….
            đôi khi dù có đau đớn nhưng những đổi thay cũng thật là cần trong cuộc đời..không có những đổi thay..có lẽ ta khó mà lớn lên, trưởng thành..em nghĩ thế…
          • 26. Hà Linh  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 4:58 chiều
            Em cứ khen anh Tiến thế này ngượng lắm. Khekhe
            **********
            Anh phải nói thế này này:” Liệu hồn, cứ khen thế này, ông càng viết cho hay hơn nữa mà đọc không kịp giờ đấy nhé!” khe khe khe!
            Em thấy được bàn luận về văn chương với anh Tiến-một tác giả-về những nhân vật, về câu chuyện, khám phá những khía cạnh mà một người đọc khó có thể hiểu hêt, năm hết ..thế này quá vui.
            Cách nói chuyện của anh rất chân thật, không màu mè, em thấy ấm áp . Phải cảm ơn anh Tiến viết cho mà đọc, bỏ thời gian giảng giải, chuyện trò thế này ấy chứ.
            Đúng là “văn chương cứu rỗi tâm hồn” nhìn xã hội qua lăng kính văn học lại thấy cuộc sống vẫn đẹp vẫn tiến lên bởi vẫn có bao nhiêu điều đẹp đẽ, cả nỗi đau, nỗi buồn, những ám ảnh, lo âu cũng là những màu sắc làm cho bức tranh cuộc sống thêm sống động mà thôi..vẫn có niềm tin để sống..
          • 27. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 5:56 chiều
            Sự đổi thay này kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Nhưng thôi, không bàn những chuyện này nữa kẻo sang năm ông lơ lớ cấm cửa không cho vào thắp hương thì rách chuyện. Khekhe….
          • 28. Hà Linh  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 6:27 chiều
            hì hì em hiểu! nói chung động từ đó vừa đặt ở thể chủ động, vừa đặt ở thể bị động. Tương tự cũng áp dụng cho động từ chấp nhận.
          • 29. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 9:02 chiều
            Kỹ thuật hơi bị cao. Khekhe….
          • 30. Hà Linh  |  Tháng Chín 4, 2012 lúc 6:17 sáng
            hihihihi anh Tiến hiểu hơi bị siêu!
  • 31. Lana  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 7:49 chiều
    Đọc mấy dòng đầu em giật mình nhầm tưởng bác Phạm Xuân Nguyên, sau biết là không phải.
    Chuyện đời người hiện lên cứ man mác buông trải, buồn anh nhỉ.
    Trả lời
    • 32. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 9:35 chiều
      Phạm Xuân Nguyên số thọ chỉ kém tướng Giáp vài niên thôi. Yên tâm.
      Trả lời
    • 33. Lana  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 6:51 sáng
      Anh ơi em còm cái này hơi ‘không liên quan’ nhưng anh gầy độ nhậu đi em nhớ rượu vang nhà bác Tiến quá hihi.
      Trả lời
      • 34. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 9:44 sáng
        Dạo này dân tình nháo nhác bất an thời cuộc quá khó triệu tập. Bản thân thì ngọc thể bất an. Thư thư chút.
        Trả lời
    • 35. Lana  |  Tháng Chín 5, 2012 lúc 1:33 sáng
      Em đọc trên FB vụ mắt của anh. Nhất định phải tích cực nghe bác sĩ đấy anh, và sẽ sớm long lanh trở lại. Hugs.
      Trả lời
      • 36. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 6, 2012 lúc 11:00 sáng
        Bác sĩ chỉ định không rượu, không máy tính. Quyết định nghe theo một nửa là không máy tính. Từ giờ viết văn bằng bút giấy và nghỉ hết fay feo búc biếc mạng mọt. Rượu thì không bỏ nhưng hạn chế.
        Trả lời
        • 37. Lai Tran Mai  |  Tháng Chín 6, 2012 lúc 2:14 chiều
          Lại còn vụ mắt gì nữa đây. trước thì bác bảo ngọc thể bất an nhưng cứ yên tâm đang sống chắc đây. Liệu có yên tâm được không nhỉ. Có lẽ bác nên chuyển mục “truyện ngắn chủ nhật” thành “truyện ngắn hàng tháng” thì chúng em mới có thể đọc bác dài dài được chứ bác cứ sáng tạo cật lực thế này thì sợ là đến lúc bác ốm thì sẽ hết truyện để đọc.
          Tiếc quá, giá mà ở gần nhà bác thì hàng ngày sang đôn đốc bác rèn luyện với em. Em mới mất mấy anh bạn già trong những năm gần đây nên cũng buồn; hè vừa rồi may mắn gặp được bác, cảm thấy có thể hợp để kết bạn đi tập thể dục được đấy.
          Cách em rèn luyện sức khỏe như sau:
          http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/08/tap-duc-giam-can.html
          Chúc bác Tiến có những điều chỉnh cách sinh hoạt phù hợp với tình hình sức khỏe hiện tại để tiếp tục sống chắc. Đặc biệt là quyết tâm thực hiện 1 nửa chỉ định của bác sĩ: Chỉ viết văn, mỗi tháng 1 truyện và tặng hết rượu cho bè bạn, chiến hữu. Nhớ bác.
          Trả lời
          • 38. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 6, 2012 lúc 4:25 chiều
            Viết bình thường mà LTM. Ông không biết sức làm việc của tôi như thế nào đâu, viết rất nhanh, rất khỏe. Có điều lười, ham chơi. Mấy cái truyện ngắn dạng này viết có đâu mất nhiều thời gian. Yên tâm. Nhưng còn lâu tôi mới nghe ông khuyên về rượu nhé. Còn tập tành thì tôi hơi bị chăm chỉ.
            Có chuyện này muốn nói với bạn. Vừa đọc được thông tin ông comment ở blog Trần Đăng Tuấn gửi 10 triệu nhờ ai đó tặng cơm thịt. Đã một tháng chưa gửi là có vấn đề. Theo tôi ông phải nhắc người đó gửi ngay lập tức vào tài khoản chương trình không thể chậm trễ. Đồng tiền giúp các cháu phải được trân trọng. Đừng nói đến chữ bận. Đừng vì sự thiện nguyện trong tấm lòng mình (trong trường hợp này là chính ông) để người khác (người mà ông gửi tiền) phải gánh tội.
          • 39. Lai Tran Mai  |  Tháng Chín 6, 2012 lúc 5:21 chiều
            Trời ở em đâu dám khuyên bác về rượu. Em ủng hộ cả bác sĩ lẫn bác đấy chứ. Dĩ nhiên là học bác, chỉ ủng hộ một nửa là đủ. Bác sĩ chỉ định không rượu, không máy tính. Vậy thì em chọn không rượu, đúng một nửa như ý bác, vì bác vẫn máy tính (như đang trả lời em đây mà) thì dĩ nhiên phải không rượu. Thế mới là logic chứ.
            Người mà em gửi tiền Cơm Thịt là người đã cho em số điện thoại để em liên lạc lần đầu với bác. Vì em đưa tiền cho anh ấy lo việc chỗ khác nữa nên kết hợp đưa luôn tiền góp quỹ Cơm Thịt. Bác chả khen anh ấy là lực lượng xung kích của Cơm Thịt là gì. Vừa rồi anh ấy đi lo chuyện các cháu ở Cao Bằng, về lại đi tiếp đảo Lý Sơn… nên chắc chắn là rất bận. Thỉnh thoảng vẫn viết cho em và bảo cứ yên tâm. Lẽ ra trước khi đi, còn ít tiền thì em đã đưa nốt vào quỹ (như dịp Tết đã gặp lại anh Khôi để đưa nốt 4 triệu), song bận quá nên không làm được (em chẳng thích gửi bưu điện hay ngân hàng vì em ghét bọn chúng, lại sợ gửi mà trục trặc, em thì không ở trong nước nên sẽ rất phiền). Tóm lại em rất quý anh bạn ấy; em vẫn là đương kim Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của một Hội lớn nên vừa rồi có giới thiệu anh ấy về giúp vực dậy tờ báo của Hội bọn em, với hy vọng sau này anh ấy sẽ là người lãnh đạo chủ chốt của báo…
            Bác xem thêm tin ở đây về Hội bọn em:
            http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/03/nhieu-tin-vui-lien-quan-en-lao-xem-lai.html#more
            và ở đây:
            http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/09/video-ve-hoat-ong-cua-oan-xe-ap-cua-hoi.html#more
            Vậy bác cứ “yên tâm” và “chắc” nhé. Em cũng vậy. Em yêu cả anh và bác.
          • 40. Lai Tran Mai  |  Tháng Chín 6, 2012 lúc 5:23 chiều
            Quên mất, em mới đưa thêm 1 video nữa về hoạt động của Hội bọn em: http://www.youtube.com/watch?v=F06BntqubM0&feature=youtu.be
          • 41. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 6, 2012 lúc 5:39 chiều
            Cái vụ bỏ rượu không được đâu. Mà cũng không bỏ nổi. Thôi thì hy sinh ông máy tính vậy (hạn chế).
            Việc gửi tiền là vì đọc thấy comment của LTM nên nghi ngại vậy thôi.
            Đã đọc mấy thông tin trên blog của LTM. Cái Hội oách đấy chứ nhỉ.
  • 42. Lai Tran Mai  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 11:33 chiều
    Đọc mấy lần chị Vân Anh lo bác Tiến bị mèo nhà vặt tai vì thích cô Tẩu leng leng, giờ lại thấy “chị người yêu của Nguyên đang bó gối ngồi bên cạnh buồn bã”… thấy sao mà yêu mấy nàng này thế. Thời buổi cơm áo gạo tiền còn tệ hơn hồi bao cấp thế này (và ham muốn thể hiện mình dữ dội thế này), còn mấy bà còn thời gian đâu mà nhìn đến chồng nữa. Cưới xong, sinh đủ con xong là a lê hấp, chồng chẳng còn chức năng gì nữa. Tiếc là tuần này được nghỉ lễ dài ngày mà lại không có cái gì leng leng để thao thức. Chúc bác Tiến có 1 kỳ nghỉ tuyệt vời, say nhưng là say tỉnh.
    Trả lời
  • 43. Lai Tran Mai  |  Tháng Chín 2, 2012 lúc 11:40 chiều
    À quên, bác dự báo bác Nguyên bạc thọ chỉ kém tướng Giáp vài niên thôi. Nếu em cũng được bác dự báo như thế thì sướng quá, chắc phải bám theo blog của bác mãi. Cách đây 4 năm, thằng cu nhà em, lúc đó 9 tuổi, vừa được bạn dạy cách xem tay, về nhà nó áp dụng ngay cho em, dự báo bố sống đến 200 tuổi; còn bác Nhạ nhà bên thì chỉ 180 thôi, hơi kém một chút, kể cũng thương. Cả hai mừng quá, đến giờ vẫn yên tâm hưởng lạc, chẳng lo gì nữa.
    Trả lời
    • 44. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 9:37 sáng
      Leng leng có thao thức thì thao thức cả đời mất. Đừng. Cả thọ nữa. Sống nhiều chẳng bằng sống chắc. Cứ coi thời điểm hiện tại là thọ rồi. Thêm năm nào lãi năm ấy LTM nhỉ. Sống mà có lãi thì quá bố tướng. Khekhe….
      Trả lời
      • 45. Lai Tran Mai  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 1:27 chiều
        Đúng thế đấy, sống nhiều chẳng bằng sống chắc. Cứ coi thời điểm hiện tại là thọ rồi. Thêm năm nào lãi năm ấy… Nhưng tính em hơi tham, được đằng chân lân đằng đầu, đã sống chắc (đang hưởng thụ cuộc sống văn minh ở Tây Âu, lại khỏe vì hạn chế rượu, bia, tiệc tùng và nhất là yêu đi dạo và tập thể dục) thì lại nghĩ đến muốn sống dai. Ham sống dai chủ yếu vì em khác bác, em còn muốn sống đến lúc các bác nhà ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta để xem cuối cùng thì hình thù cái CNXH đó nó như thế nào, có khác gì Tây Âu hiện nay không hay giống cái thiên đường mù mà một chị nhà văn đã mô tả. Vả lại em cũng tưởng bọn tư bản nó giãy chết từ hơn 1 trăm năm nay rồi nhưng giờ ở cùng nhà với nó mới thấy chưa có triệu chứng gì. Em cũng mong chúng nó chết sớm lắm để các bác nhà mình tổ chức ăn mừng, nhưng kiểu này cũng phải chờ hàng trăm năm nữa.
        Tóm lại đời là một sân khấu, càng xem càng thích và càng muốn sống tiếp để xem (giống như mấy bộ phim dài tập chết người của bác), nhưng sống ở nước ta thì cái giá phải trả để được xem đắt quá nên nhiều người chán, muốn bỏ cuộc, muốn sớm về yên nghỉ tại nguyên quán cho “an lành”. Bác viết truyện quá hay vì nhập được vào vai nhân vật, nhưng phần nhiều các nhân vật của bác đều có cuộc sống buồn, bi quan… nên bác tâm trạng quá; bản thân thì ngọc thể bất an… Bác đừng vì say mà để nó quay lại dẫn dắt mình đấy. Giống như Hà Sĩ Phu hay ai đó viết, cần tỉnh táo phân biệt mục đích và phương tiện, đừng để loay hoay một lúc lại biến phương tiện thành mục đích và mục đích thành phương tiện để rồi đất nước sau 67 năm lại quay lại cái ban đầu. Chúc bác có một tuần mới làm việc hiệu quả nhưng thư thái, say (để có tác phẩm hay) nhưng tỉnh (để sống chắc và thọ). Sự ra đi của anh Nguyễn Văn Quỳ, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, GS Đặng Phong… trong mấy năm gần đây đã làm cho em rút ra bài học trên đấy.
        Nhớ bác và bạn bè trong nước rất nhiều. Mỗi lần về nước là một lần không muốn đi, nhưng chưa già nên chưa đến lúc có thể sống hoàn toàn theo sở thích, niềm vui của mình được.
        Trả lời
        • 46. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 2:10 chiều
          Muốn sống chắc nhưng đọc cái còm này của LTM lại thấy như là sống nhọc. Khekhe….Chúc cái ước nguyện sống dai nó thành hiện thực nhưng nói như dân gian thì khươm mươi năm nữa nhé.
          Cảm ơn về lời nhắc. Yên tâm, những thứ khác chắc phấn đấu không thành nhưng để làm chủ mình thì đã. Khekhe….
          Trả lời
  • 47. Lê Thủy  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 2:31 chiều
    Những ngày lễ anh Tiến không nghỉ ngơi mà dành thời thời gian để viết cái truyện này đấy à? Anh làm em cũng mê mải đọc mà không được đi chơi đây nè. Hi hi. Truyện hay nhưng mà hơi buồn anh ạ.
    Anh Tiến!
    Em đã kiểm tra ở bưu điện rồi. Sách em gửii cho anh đến Trung tâm sản xuất phim truyền hình lúc 11h ngày 7/8/2012, anh ( chi) Tất đã nhận hộ giúp anh rồi. Anh hỏi lại anh ( chị) Tất giúp em nhé.
    Chúc anh luôn vui, khỏe .
    Trả lời
  • 48. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 2:45 chiều
    Truyện này viết theo vệt chủ nhật mà có vướng bận gì đâu Lê Thủy.
    Cái cuốn sách của em anh Tiến hỏi mãi vẫn không ra. Chắc là bưu điện giao cho bảo vệ rồi chuyển lên phòng. Không biết chuyển cho ai. Anh hỏi mãi mà vẫn chưa thấy. Bực quá. Nhân cuốn sách này mới biết nhiều thư từ báo chí sách vở bị mất xưa nay. Cảm ơn Lê Thủy.
    Trả lời
    • 49. toithichdoc  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 2:59 chiều
      Có thơ rằng:
      Mất tiền mua truyện để mà coi,
      Nếu không cho mượn bảo hẹp hòi,
      Ta đây quân tử nào có tiếc,
      Mất công cho mượn mất công đòi.
      Cho mượn truyện là ngu, trả lại truyện thì còn ngu hơn.
      Người ta yêu truyện của Thủy quá nên không nỡ trao lại cho bác Tiến. Đã hàng tháng rồi qua rồi… quên chuyện này đi. Còn cuốn nào thì Thủy nên gửi về địa chỉ nhà riêng của bác thì mới chắc chắn.
      Cơ quan tôi có anh bảo vệ được chi tiền để cứ có thư tố cáo thì giữ lại để chuyển cho người chi tiền.
      Trả lời
      • 50. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 3:06 chiều
        Vì lượng thư từ, báo chí, bản thảo nhiều mà mình lại hay lơ đãng nên nhiều khi bị lẫn mất. Cảm giác tặng sách mà không đến tay người nhận mình đã nếm trải. Chia sẻ với Lê Thủy.
        Trả lời
        • 51. thanhuong  |  Tháng Chín 4, 2012 lúc 12:44 chiều
          Lâu quá mới vào đọc được một loạt truyện phải đi qua mấy nhà đấy, đọc để được nhớ nhiều về HN. Để có những Trang viết hay , Anh phải lên bờ xuống ruộng thế mới viết được, nhớ ông lơ tốt bán hàng ở phố em còn hát kèm bài “chiếc đèn cù” , con gái bọn em hết tiền với ông sấu dầm…Hứa với Anh một chai mà chưa gửi ai được
          Trả lời
          • 52. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 5, 2012 lúc 12:15 sáng
            Ừ nhỉ. Nhắc thì mới nhớ một chai. Khekhe….
  • 53. Lê Thủy  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 3:27 chiều
    Đúng là buồn thiệt buồn.
    Trả lời
    • 54. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 5:53 chiều
      Thôi, coi như anh Tiến đã nhận được rồi. Sẽ kiểm tra lại lần nữa.
      Trả lời
  • 55. Hoàng Hải Phong  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 8:34 chiều
    Anh Tiến ơi, những truyện ngắn gần đây ngày càng hay, đọc rất đã, không như những truyện dài và kịch bản post trước đây, những truyện đó hay nhưng không hợp với blog, những truyện đó chỉ nên đọc sách giấy. Em nhận thấy âm hưởng những truyện gần đây nói nhiều về cái kết của mỗi đời người, em đọc thấy văng vẳng buồn nhưng lại ấm áp.
    Trả lời
    • 56. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 3, 2012 lúc 9:03 chiều
      Hai comment giống nhau nên bỏ bớt một cái nhé. Cảm ơn HHP.
      Trả lời
  • 57. Bắp Cải  |  Tháng Chín 5, 2012 lúc 11:55 sáng
    Truyện hay quá!
    Trả lời


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét