Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

VN có cần nhờ IMF cứu trợ ngân hàng?

Tin hay không tùy bạn.
Chỉ khổ nỗi thông tin tài chính, tiền tệ, kinh tế VN như ma.
Ban ngày thế này, tối lại thế khác; mai lại khác nữa...


Trụ sở của IMF ở Washington
VIệt Nam nói không hề có ý định vay tiền từ IMF

Chỉ vài ngày sau khi hãng tin Mỹ Bloomberg nhận định Việt Nam có thể cần đến cứu trợ quốc tế để giải quyết số nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng của nước này, các nguồn tin trong nước đã tiếp tục bác bỏ nhận định này của Bloomberg.
Trang mạng VnEconomy của Thời báo Kinh tế Việt Nam hôm Chủ nhật ngày 9/9 đã dẫn lời ông Đinh Tuấn Minh, tác giả bản báo cáo mà Bloomberg đã dựa vào để đưa ra nhận định trên, giải thích rằng hãng tin Mỹ đã diễn dịch sai báo cáo của ông.

Ông Minh là thành viên của nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô của Quốc hội và là tác giả chính của bản ‘Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012’ với tiêu đề ‘Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu’ do Ủy ban kinh tế của Quốc hội Việt Nam vừa công bố.
Chính dựa trên bản báo cáo này mà hãng tin Bloomberg hôm thứ Năm ngày 6/9 đã có bản tin dưới nhan đề ‘Việt Nam có nguy cơ trở thành con bệnh được cứu trợ lớn nhất của IMF ở Đông Á kể từ những năm 1990’ của hai tác giả Nguyen Dieu Tu Uyen và Stephanie Phang.
Theo bài báo này Việt Nam ‘có thể cần đến gói giải cứu của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) để tái cấp vốn cho các ngân hàng và phải hành động nhanh chóng để dọn dẹp nợ xấu’.
Ba luận điểm
Tuy nhiên trang mạng VnEconomy đã dẫn lời ông Minh đưa ra ba luận điểm chính để phản bác lại nhận định của Bloomberg.
Thứ nhất, theo ông Minh, bản báo cáo trên mà Quốc hội Việt Nam công bố là phản ánh quan điểm cá nhân của riêng ông chứ không phải của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Điểm này đã được nêu rõ trong phần ‘Lời giới thiệu’ của báo cáo.
Do đó, ông Minh lập luận rằng các tác giả bản tin trên của Bloomberg không thể lấy đó làm cơ sở để cho rằng đó là quan điểm chính thống của Việt Nam.
Lập luận thứ hai của ông Đinh Tuấn Minh là ông chỉ đề cập đến khả năng vay vốn từ IMF hoặc các quỹ quốc quốc tế khác mà Việt Nam tham gia như là một lựa chọn xếp hàng thứ yếu nhất để tạo thành ‘quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng’.
Theo khuyến nghị đầy đủ của ông Minh, thì ‘quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng’ này ‘chỉ nên sử dụng tiền tiết kiệm từ chi tiêu chính phủ hoặc phát hành trái phiếu để vay từ nền kinh tế’.
Ông Minh giải thích rằng việc ông đề cập đến ‘vay tiền IMF’ chỉ là ‘đề xuất tất cả các phương án có thể' để huy động nguồn vốn cả trong nước và ngoài nước và rằng đề xuất của ông mang tính tổng thể những giải pháp có thể áp dụng.
Tuy nhiên, cách viết của Bloomberg rằng ‘bên cạnh kiến nghị Việt Nam nên tìm kiếm khoản vay từ IMF để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng’ thì nước này mới tính đến các nguồn vốn khác đã đưa phương án thứ yếu nhất của ông lên hàng chính yếu, ông Minh phân tích.
Nguyên nhân thứ ba mà theo ông Minh Việt Nam không cần đến cứu trợ quốc tế là hiện nay ‘tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đã có những biến chuyển tương đối tích cực so với cuối 2011’ vốn là bối cảnh để báo cáo này ra đời.
Một trại nuôi cá ở Cam Ranh
Nợ xấu của Việt Nam chủ yếu là do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ
“Lạm phát đã được kiểm soát, tỷ giá ổn định nằm trong biên độ của Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối tăng lên đáng kể, và thanh khoản của thị trường liên ngân hàng hiện rất dồi dào,” VnEconomy dẫn lời ông Minh cho biết.
“Với bối cảnh mới này thì cá nhân tôi cho rằng kịch bản Việt Nam phải tiếp cận nguồn vốn của IMF, vốn dĩ đã là một giải pháp rất thứ yếu trong Báo cáo, sẽ lại càng thấp hơn nữa,” ông nói thêm.
'Hoán đổi thông minh'
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước hôm thứ Sáu ngày 7/9 cũng đã bác bỏ nhận định của Bloomberg.
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng nói với báo chí trong nước chính phủ Việt Nam ‘chưa từng bàn tới hoặc có ý định thảo luận về kế hoạch IMF cấp tín dụng cho Việt Nam’.
BBC đã liên lạc với GS Hà Huy Thành, nguyên là viện phó Viện Kinh tế học của Việt Nam, để tìm hiểu về khả năng Việt Nam phải viện đến cứu trợ quốc tế.
Tuy nhiên GS Thành cũng đã bác bỏ khả năng này với lý do ‘nợ xấu Việt Nam chưa đến mức làm khánh kiệt các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp’.
“Nợ xấu của Việt Nam chưa đến mức mấy trăm phần trăm của GDP mà phải cần IMF can thiệp,” ông nói và cho biết hiện tại nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ.
Ông cũng cho biết nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam chủ yếu là nợ của các doanh nghiệp không bán được hàng hóa do tình hình kinh tế thế giới khó khăn. Do đó, chính phủ mới yêu cầu các ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho các ngân hàng có tiền trả nợ cho công nhân và nông dân.
Theo ý kiến ông Thành thì cách giải quyết nợ xấu của Việt Nam là ‘hoán đổi nào đó thông minh một chút’, chẳng hạn như ‘hoán đổi hàng tổn kho’.
Ông giải thích các ngân hàng có thể lấy hàng hóa tồn kho thay nợ và làm thế nào để ‘giải phóng hàng hóa ra thị trường’.
Ông cho biết hiện chính phủ Việt Nam đang làm theo cách này với việc thành lập công ty mua bán nợ và ‘quá trình đang diễn ra’.
Ông cũng nhận định rằng đây là ‘giải pháp bền vững’ cho đến khi kinh tế thế giới phục hồi và nếu kinh tế Việt Nam duy trì sự ổn định vĩ mô thì vấn đề nợ xấu dần dần sẽ được giải quyết dứt điểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét