Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Việt Nam tụt 10 hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu


AN HUY
Thụy Sỹ và Singapore tiếp tục là hai quốc gia có năng lực cạnh tranh mạnh nhất thế giới theo đánh giá của WEF. Việt Nam xếp thứ 75/142 về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo một báo cáo mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố. So với năm ngoái, Việt Nam đã tụt 10 bậc về năng lực cạnh tranh.

Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report 2012-2013) do WEF công bố ngày 5/9 cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục đi xuống về năng lực cạnh tranh, không chỉ cả về thứ hạng mà cả điểm số đánh giá.

Trong xếp hạng năm nay, Việt Nam đạt tổng điểm 4,1 trên mức điểm tuyệt đối là 7, đứng ở vị trí thứ 75 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, cùng nhóm với một số nước và vùng lãnh thổ như Ukraine, Uruguay, Seychelles, Georgia, Romania…

Trong báo cáo 2011-2012, Việt Nam được 4,2 điểm, xếp ở vị trí 65 trong số 142 quốc gia được WEF đánh giá. Trước đó, báo cáo 2010-2011 của tổ chức này xếp Việt Nam ở vị trí thứ 59 về năng lực cạnh tranh toàn cầu trong số 139 quốc gia được xếp hạng, với điểm số 4,3 điểm.

Ở nhóm nhân tố đánh giá các yêu cầu cơ bản (Basic requirements) - bao gồm các yếu tố về thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, và y tế và giáo dục cơ bản - Việt Nam xếp hạng thấp nhất về môi trường kinh tế vĩ mô, đứng ở vị trí thứ 106. Ở nhóm này, xếp hạng cao nhất dành cho Việt Nam thuộc về tiêu chí chăm sóc y tế và giáo dục cơ bản, với hạng 64. Xếp hạng chung của Việt Nam ở cả nhóm các yêu cầu cơ bản là hạng 91.

Đối với nhóm các yếu tố nâng cao hiệu quả (Effciency enhancers) - bao gồm các yếu tố về giáo dục bậc cao và đào tạo, độ hiệu quả của thị trường hàng hóa, độ hiệu quả của thị trường lao động, mức độ phát triển thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng công nghệ và quy mô thị trường - xếp hạng dành cho Việt Nam là 71. Trong đó, xếp hạng tiểu mục cao nhất dành cho Việt Nam là ở tiêu chí quy mô thị trường, ở hạng 32. Về mức độ sẵn sàng về công nghệ, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 98.

Ở nhóm các yếu tố về năng lực sáng tạo và độ chín kinh doanh, Việt Nam xếp hạng thứ 90 thế giới. Trong đó, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 100 về độ chín kinh doanh và vị trí thứ 81 về năng lực sáng tạo.

Theo số liệu mà WEF đưa ra, Việt Nam hiện có mức GDP bình quân đầu người là 1.374 USD. GDP tính theo đồng giá sức mua của Việt Nam hiện chiếm 0,38% GDP toàn cầu.

Một số nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á có xếp hạng cao hơn Việt Nam như Philippines (vị trí 65), Indonesia (vị trí 50), Thái Lan (38), Brunei (28), Malaysia (25), Singapore (2). Chỉ có 2 quốc gia Đông Nam Á được xếp hạng thua Việt Nam về năng lực cạnh tranh là Campuchia, đứng ở vị trí thứ 85, Timor Leste ở vị trí 136. Lào và Myanmar chưa có tên trong bảng xếp hạng này.

Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm nay của WEF cũng chứng kiến sự xuống hạng của nước Mỹ. Theo đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới này tụt 2 bậc, xuống hạng 7 từ hạng 5 trong năm ngoái. Báo cáo cho biết, sự thiếu ổn định kinh tế vĩ mô, tình trạng thiếu niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào Chính phủ Mỹ, cũng như những quan ngại về sức khỏe tài khóa của nước này là một số lý do khiến nước Mỹ xuống hạng về năng lực cạnh tranh.

Thụy Sỹ và Singapore tiếp tục là hai quốc gia có năng lực cạnh tranh mạnh nhất thế giới theo đánh giá của WEF. Theo báo cáo, Thụy Sỹ đạt điểm số cao ở mọi nhân tố đánh giá, nổi bật là hiệu quả của thị trường lao động, độ chín của các doanh nghiệp và năng lực sáng tạo. Thụy Sỹ chính là một trong những nước có số bằng sáng chế tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong top 10 gồm có Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Mỹ, Anh, Hồng Kông và Nhật Bản.

Trong số các nền kinh tế mới nổi lớn gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (nhóm BRIC), Trung Quốc là nước có xếp hạng cao nhất, đứng ở vị trí thứ 26. Brazil xếp thứ 53, tiếp theo là Ấn Độ ở vị trí 56 và Nga ở vị trí 66.
5 quốc gia “đội sổ” của xếp hạng theo thứ tự từ dưới lên, lần lượt là Burundi, Sierra Leone, Haiti, Guinea, và Yemen.
Thêm cho rõ: Báo cáo mức độ cạnh tranh toàn cầu của WEF dựa trên 12 tiêu chí chính ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, bao gồm: thể chế chính trị, môi trường kinh tế vĩ mô, sức khỏe và giáo dục, cơ sở hạ tầng, mức độ hiệu quả của thị trường hàng hóa - thị trường lao động, sự phát triển thị trường tài chính, công nghệ thông tin, quy mô thị trường, sự tinh vi trong kinh doanh và năng lực cải tiến.Trong 12 tiêu chí đánh giá này, Việt Nam tụt hạng về 9 tiêu chí, xếp thứ hạng dưới 50 trên tất cả các tiêu chí và đặc biệt thấp (trên dưới hạng 100) trên một số tiêu chí quan trọng, ví dụ môi trường kinh tế vĩ mô (106), cơ sở hạ tầng (95), chất lượng đường sá (120) và cảng biển (113), mức độ tôn trọng bản quyền (113), bảo vệ tác quyền (123).Riêng tiêu chí tổn thương của doanh nghiệp tư nhân do tham nhũng và vấn đề đạo đức được WEF đặc biệt lưu ý bởi xếp hạng của Việt Nam gần chạm ngưỡng 10 quốc gia yếu kém nhất thế giới.Ngoài các hạn chế kể trên, Việt Nam được đánh giá có một số mặt tích cực như quy mô thị trường lớn (xếp thứ 32), mức độ hiệu quả của thị trường lao động (51), nền tảng giáo dục cơ bản (64) và chăm sóc y tế công cộng (64).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét