Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Cả nước có 63 nền kinh tế!

 
Không để cá nhân nào đứng trên pháp luật, không cho phép trốn tránh trách nhiệm về thất bại nhưng luôn tự nhận thành tích. Đó là những khuyến nghị nổi bật của Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012.
Đó là những nội dung được đề cập trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 vừa được công bố. Với tiêu đề “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”, báo cáo này được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của QH chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.
Báo cáo chỉ rõ bên cạnh một số tiến bộ nhất định đã đạt được, thực trạng kinh tế có nhiều mặt yếu kém, mất cân đối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn và nguy cơ...
Lo tăng trưởng, không quan tâm yếu tố bền vững
Cụ thể, đặc trưng của mô hình tăng trưởng hiện nay là tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào đầu tư, khai thác tài nguyên theo hướng công nghiệp hóa (CNH) đối với tất cả 63 tỉnh, TP mà không tính đến điều kiện cụ thể của từng địa phương. CNH ở Hà Giang thì chắc phải khác với Bình Dương thế nhưng tỉnh nào cũng phải CNH, đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP thật cao.
Thước đo chủ yếu cho hoạt động của nền kinh tế, các bộ, ngành, địa phương là chỉ tiêu tăng trưởng GDP, trong khi các chỉ tiêu chất lượng về tăng năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tiến bộ khoa học - công nghệ chỉ chiếm vai trò thứ yếu, càng không có chỉ tiêu ràng buộc về bảo vệ môi trường. Các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, xã hội đều có nhưng cũng không được chú ý đúng mức.

Một góc khu công nghiệp còn bỏ trống vì chưa có chủ đầu tư ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: VŨ LÊ
Báo cáo cho rằng chính vì muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao, tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ để bằng và hơn các địa phương khác nên tỉnh nào cũng lập KCN, cụm công nghiệp, cảng, sân bay với hiệu quả rất thấp về kinh tế-xã hội nhưng lại có thể rất có lợi cho lợi ích nhóm, ăn chênh lệch giá đất. “Nếu không thay đổi tư duy này và các luật có liên quan như Luật Đất đai thì khó có thể tác động đến tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm” - báo cáo chỉ rõ.
Nhất thiết phải kiểm soát độc quyền
Báo cáo cũng nhấn mạnh chính sách coi kinh tế nhà nước là chủ đạo trong thực tế ít nhiều dẫn đến sự chèn ép đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Các tập đoàn kinh tế nhà nước đã không tự hài lòng với lĩnh vực độc quyền kinh doanh của mình mà còn mở rộng đầu tư kinh doanh ra các lĩnh vực ngoài ngành chính như bất động sản, tài chính - chứng khoán, nhà hàng, khách sạn, taxi… là những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có ưu thế hơn.
Mặt khác, môi trường kinh doanh cũng đòi hỏi mức đầu tư rất cao của khu vực tư nhân về thời gian và tiền bạc cho việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ. Bên cạnh đó là sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của những “đại gia” tư nhân lớn, nhỏ ở Việt Nam. Những “đại gia” này phất lên nhanh chóng không do có tiến bộ khoa học - công nghệ, không do tăng năng suất lao động hay đóng góp vào bảo vệ môi trường, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội mà chủ yếu do khai thác tài nguyên đất đai, khai thác gỗ, mỏ, biển...
“Nếu vẫn giữ kinh tế nhà nước là chủ đạo thì nhất thiết phải kiểm soát độc quyền, có luật về chủ sở hữu nhà nước, luật về đầu tư công, mua sắm công. Đồng thời, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường giám sát độc lập để làm giảm bớt sự lạm dụng và những tiêu cực liên quan đến kinh tế nhà nước và DNNN” - báo cáo khuyến nghị.
Giám sát chặt từ trên xuống dưới
Báo cáo cho rằng đổi mới tư duy và thể chế kinh tế là khâu then chốt để thực hiện tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, cần thiết kế cơ chế và thể chế giám sát theo nguyên tắc quyền lực nhà nước ở tất cả các cấp, các cơ quan từ chủ tịch nước, thủ tướng đến chủ tịch xã đều phải được giám sát chặt chẽ. Đồng thời, quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình về sử dụng vốn, tài sản nhà nước, về những quyết định đã được ban hành và được thực hiện. Quy định sự giám sát như vậy phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm hạn chế lạm dụng quyền lực hoặc trốn tránh trách nhiệm để phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh không để bất kỳ cơ quan nào, cá nhân nào được đứng ngoài và đứng trên pháp luật, đứng ngoài sự giám sát của các cơ quan nhà nước, của báo chí, quần chúng. Ngoài ra, cần thực hiện quyền giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình xây dựng và thực hiện ngân sách nhà nước, đầu tư công, mua sắm công, quyết định về đất đai, khai thác tài nguyên. Mọi loại thuế, phí phải do QH hoặc các cơ quan dân cử quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến công khai của người dân. Thực hiện quyền giám sát đối với quyền sở hữu nhà nước trong các DNNN, nhất là đối với các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải được quản lý chặt chẽ theo luật pháp, dưới sự giám sát của các ủy ban của QH…

Nhóm lợi ích vây quanh một số cá nhân
Báo cáo chỉ rõ do chưa được luật hóa nên nhóm lợi ích ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp. “Nhóm lợi ích ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển… Những người này có thể ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã phường hay ở cấp sở, phòng, thậm chí cá nhân thanh tra, cảnh sát hay ở DNNN, tập đoàn, dự án...” - báo cáo cho hay.
Theo báo cáo, nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc, vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân, có thể đặt quan hệ trực tiếp hay qua con cái, thân quen mà chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh. Luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi ích hoạt động càng trắng trợn, liều lĩnh.
THÀNH VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét