| Nguyên Minh Cường |
(Một version của bài viết trên SGTT 27.08.2012)
Vàng và ngoại tệ tiếp tục được coi là tài sản an toàn của người Việt
Sự kiện bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải để điều tra về những những sai phạm về các hoạt động kinh tế trong tuần trước đã khiến các nhà đầu tư trong nước đồng loạt tháo chạy khỏi tài sản có mức độ rủi ro cao như chứng khoán.
Chỉ số VN – index đã giảm 7,8% và chỉ số HNX index giảm 10,4% chỉ trong vòng 3 phiên bị bán tháo liên tiếp. Các cổ phiếu nhóm ngân hàng, đặc biệt là ACB, nằm trong diện bị bán mạnh. Nhiều công ty chứng khoán đã cắt giảm tỷ lệ cho vay ký quỹ đối với các cổ phiếu ngân hàng.
Ngay cả tiền gửi tại NHTM liên quan đến ông Kiên như ACB cũng đã bị rút gần 8.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 2 ngày. ACB đã phải vay trên thị trường mở khoảng 11.000 tỷ, đồng thời, NHNN cũng đứng ra cam kết sẽ hỗ trợ thanh khoản cho ACB và kêu gọi các NHTM khác cùng hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng này.
Nhà đầu tư chuyển hướng tìm mua tài sản an toàn như vàng và ngoại tệ mạnh. Giá vàng trong nước tăng mạnh trong tuần qua, từ mức 42,5 triệu đồng/lượng vào ngày 20.08.2012 lên gần 45 triệu đồng/lượng vào chiều 23.08.2012. Một phần của việc đợt tăng mạnh này là từ sự tăng giá của giá vàng trên thị trường thế giới trong tuần, từ mức 1620 USD/oz lên 1670 USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng trong nước tăng mạnh hơn nhiều. Chênh lệch giá trong nước và giá thế giới quy đổi tăng lên mức cao nhất là 2,8 triệu đồng/lượng trong tuần rồi giảm xuống khoảng 1,6 triệu đồng/lượng vào cuối tuần. Đồng thời tỷ giá USD/VND tự do trong tuần cũng tăng lên gần 21.000 từ mức 20.880 hồi đầu tuần.
Trước tình hình trên, NHNN đã ban hành quyết định 1623 và ban hành thông tư số 24/2012/TT-NHNN để có thể bình ổn thị trường vàng. Giá vàng đã hạ nhiệt, thị trường chứng khoán cũng đã đảo chiều trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, việc người dân rút mạnh tiền khỏi ACB, trong đó có chứng chỉ vàng, cảnh báo một nguy cơ rủi ro khác đối với hệ thống ngân hàng.
Tiền gửi bằng vàng và rủi ro thanh khoản
Khi người dân rút mạnh tiền từ một ngân hàng nào đó, NHNN, với chức năng là người cho vay cuối cùng có thể dễ dàng hỗ trợ ngân hàng này bằng các nghiệp vụ như cho vay trên thị trường mở, tái chiết khấu hoặc tái cấp vốn.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu như người dân rút mạnh tiền gửi bằng vàng trên diện rộng khỏi các ngân hàng, thì NHNN khó có thể đảm nhiệm được chức năng người cho vay cuối cùng vì NHNN chưa có sẵn một nguồn cung vàng SJC lớn để có thể cho vay.
Tiền gửi bằng vàng và ngoại tệ của các NHTM tính đến 30.06.2012:
Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính (TMBCTC) của các NHTM
Ghi chú: số liệu của ACB là chứng chỉ bằng vàng, đối với MBB và CTG là tiền gửi bằng ngoại tệ.
Nguy cơ trên đã có thể diễn ra trong tuần vừa qua khi người dân rút mạnh tiền khỏi ACB trong đó có các chứng chỉ bằng vàng. Nhìn vào TMBCTC của các NHTM thì có thể thấy, ACB đang có tỷ lệ chứng chỉ tiền gửi bằng vàng so với tổng tiền gửi của khách hàng ở mức cao nhất so với các NHTM khác. Con số lên tới hơn 38% cho thấy ACB có một rủi ro lớn so với các NHTM khác đó là rủi ro thanh khoản bằng vàng nếu vàng đột ngột bị rút mạnh.
Để có thể hỗ trợ ACB, ngay trong tuần qua NHNN đã ban hành Thông tư điều chỉnh mới số 24, có hiệu lực từ ngày 23.8.2012, cho phép các NHTM hỗ trợ thanh khoản về vàng lẫn nhau dưới sự đồng ý của NHNN. Song điều này chưa hoàn toàn được giải quyết được rủi ro thanh khoản về vàng của các NHTM vì không phải NHTM nào cũng phát triển sản phầm tiền gửi về vàng. Do vậy, khi người dân rút vàng khỏi một ngân hàng, chẳng hạn ACB, thì chưa chắc vàng sẽ được gửi sang một NHTM khác. Thay vào đó, người dân có thể giữ vàng dưới dạng cất trữ giá trị theo hình thức vàng vật chất. Rủi ro với những NHTM khác có tiền gửi bằng vàng cũng tăng lên nếu việc rút vàng tại ACB không được đáp ứng đầy đủ.
Để giải quyết vấn đề về nguồn cung vàng, NHNN đã ban hành thêm Quyết định 1623, cũng trong ngày 23.08.2012, về việc tổ chức quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN Việt Nam. Theo đó, NHNN sẽ quyết định hạn mức, thời điểm và nguồn vàng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất vàng miếng. SJC sẽ chỉ là đơn vị gia công vàng miếng cho NHNN với nhãn hiệu SJC. Nguồn vàng nguyên liệu được gia công bao gồm vàng miếng nguyên liệu của NHNN, vàng miếng khác đã được NHNN cho phép sản xuất gia công trong từng thời kỳ và vàng miếng SJC không đủ tiêu chuẩn khác.
Điều này giúp mở cánh cửa cho việc thu mua các vàng vật chất khác tạo ra nguồn cung lớn hơn. Theo thông báo của Công ty SJC, tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần 25 và 26-8, công ty này sẽ dập 1.735kg vàng, tương đương 46.200 lượng để cung ứng ra thị trường ngay đầu tuần sau. Đây có lẽ là một biện pháp tạm thời của NHNN để đáp ứng được nguồn cung vàng cho các ngân hàng bị rút mạnh chứng chỉ vàng cũng như cho nhu cầu của người dân muốn giữ vàng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, về dài hạn, để đảm bảo tốt chức năng người cho vay cuối cùng, NHNN vẫn phải tính tới việc tăng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối nhà nước của mình. Với một quốc gia mà người dân vẫn có sở thích giữ vàng làm tài sản thì đây sẽ là một bước đi quan trọng trong chiến lược huy động vàng trong dân để đưa nguồn vốn này vào các hoạt động tín dụng thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước. Nếu NHNN không có nguồn vàng dự trữ đủ lớn thì việc huy động vàng trong dân của các NHTM sẽ tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro hệ thống khi người dân rút chứng chỉ tiền gửi bằng vàng hàng loạt như đã xảy ra với ACB tuần qua.
-----------
Phải mất 10-15 năm chúng ta mới từ cấm đoán vàng đến được tình trạng mua bán vàng thuận lợi như cách đây một năm. Cũng phải ngần ấy thời gian để chúng ta có những cửa hàng vàng lớn, đàng hoàng thay thế những tiệm vàng nhưng chỉ bán vàng ở phía trong. Thế mà chỉ vài quyết định của NHNN, mọi thứ đang quay trở về thời kỳ bao cấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét