Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Lạm phát cao quay trở lại?


(01/09/2012)
"Chỉ cần 1 cú sốc thì trạng thái từ lạm phát thấp sang mức mất cân bằng lạm phát là rất mong manh”. GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đai học kinh tế TP. Hồ Chí Minh lo ngại lạm phát cao đang quay trở lại khi nhìn nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đột ngột đổi chiều tăng 0,63%.



Lạm phát tăng, giá cả hàng hóa tăng
nhưng sức mua của người dân không tăng
Ảnh: HOÀNG LONG

Nhiều yếu tố làm bùng lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,63% chính thức chấm dứt chuỗi ngày lạm phát giảm ở Việt Nam. Về cơ bản, mục tiêu giữ lạm phát năm 2012 ở một con số là khả thi nhưng theo lo ngại của TS. Vũ Đình Ánh, Viện khoa học Giá cả Bộ Tài chính, với độ trễ của chính sách tiền tệ, sau 4-5 tháng "ngấm” vào nền kinh tế, lạm phát cao sẽ có thể trở lại vào cuối năm. Thậm chí gây rắc rối ngay đầu năm 2013.
Thực chất, lạm phát vẫn luôn và sẽ là vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế Việt Nam. Điều này được củng cố thêm bằng nhiều thông tin: giá xăng dầu thế giới đang diễn biến phức tạp tác động vào thị trường nội địa. Thời vụ bị ảnh hưởng vì mùa mưa bão bắt đầu. Cuối quý 3 đầu quý 4, nhu cầu mua sắm sẽ tăng vì lễ tết, hội hè. "Bóng ma” lạm phát cao đang đâu đó quay trở lại.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết: Chính sách tiền tệ chiếm tỷ trọng 60% trong kiềm chế lạm phát. Đặt trong bối cảnh: NHNN cũng vừa nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 30% cho một số ngân hàng như: Tiên Phong, Quân Đội… Nhiều tổ chức tín dụng đồng loại tung các gói hỗ trợ lãi suất để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm chỉ hơn 1,3%, dư địa trong 4 tháng còn lại của năm kinh tế 2012 buộc phải đón nhận một lượng tiền khổng lồ để có thể đạt tốc độ tăng tín dụng đạt 7-8%. Trong khi đó, với nợ xấu xấp xỉ 8,6% toàn hệ thống, phải khẳng định rằng, không thể xem thường lạm phát cao đang gõ cửa. GS. Trần Ngọc Thơ – Trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh nói: chỉ cần thêm một cú sốc thì trạng thái từ lạm phát mức thấp đến mức mất cân bằng lạm phát là rất mong manh.
TS. Vũ Đình Ánh bình luận, gốc của bất ổn lạm phát vẫn chưa được giải quyết. Thời gian qua Việt Nam quá đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mải bơm tiền, bơm vốn để duy trì đà tăng trương 7%, chúng ta lệ thuộc nhiều vào vốn trong khi đó dựa vào năng suất khá hạn chế nên việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài cũng hạn chế. Hiệu quả đầu tư không tương xứng với đồng vốn bỏ ra. Nhìn vào dòng tiền của doanh nghiệp trong các báo cáo tài chính, có thể thấy thời gian qua, dòng tiền doanh nghiệp "ném” vào đầu tư các lĩnh vực rủi ro, ăn xổi, như bất động sản, chứng khoán... quá nhiều, trong khi lẽ ra số tiền đó phải đưa vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Sức mua vẫn chưa hề biến chuyển
Khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, trong bối cảnh hiện nay người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn. Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen đưa ra kết quả, trong quý II - 2012, 86% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi cho biết đã thay đổi thói quen mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, các khoản được tiết kiệm nhất là điện và nước (70% số người được hỏi xác nhận), giải trí ở ngoài (63%), mua quần áo (63%), nâng cấp các thiết bị điện tử (53%) và điện thoại (51%).
Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chưa thể có đột biến về quy mô, dung lượng thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng. Như vậy, nghịch lý thị trường vẫn tiếp diễn kéo dài, lạm phát tăng, giá cả hàng hóa tăng nhưng sức mua của người dân không tăng. Khối doanh nghiệp sản xuất và chế biến chỉ còn 2 cách lựa chọn hoặc chịu phá sản, hoặc tiếp tục sản xuất trong khi hàng tồn kho ngày càng nhiều hơn.
Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương bình và Xã hội, nhiều doanh nghiệp xin chậm việc tăng lương tối tiểu. Dù việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong các loại hình doanh nghiệp sẽ được Chính phủ công bố vào tháng 10- 2012 và thực hiện từ ngày 1-1-2013, song nếu tình hình nhiều doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2012 vẫn còn gặp khó khăn, thì có thể sẽ lùi lại thời gian thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6-2013. Lạm phát tăng cao trở lại sẽ khoét sâu vào đói nghèo, người dân vẫn sẽ chưa có tiền để bù đắp được việc chi phí do tăng giá.
Nhiều chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, việc thực hiện các biện pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học để lượng cung chỉ vừa đủ, tránh việc nới lỏng thái quá dẫn tới một chu kỳ lạm phát mới. Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp và có một nền kinh tế mạnh, bền vững, rất cần thiết phải tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế, tái cấu trúc các tập đoàn Nhà nước theo hướng cổ phần hóa, giải thể…, sớm bình đẳng hóa cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước.
Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét