Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Hiến kế phát triển toán nước nhà


Hiến kế phát triển toán nước nhà

Ba tiến sĩ toán (TS) Nguyễn Hoài Minh, Nguyễn Trọng Toán và Trần Vĩnh Linh đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên để cùng chia sẻ những trải nghiệm và đóng góp ý kiến phát triển ngành toán học nước nhà.

TS Nguyễn Hoài Minh hiện là giáo sư (GS) trợ giảng tại Đại học Minnesota. TS Nguyễn Trọng Toán là GS trợ giảng tại ĐH Brown. TS Trần Vĩnh Linh là GS trợ giảng tại ĐH Washington. Họ được xem sẽ cùng hàng loạt TS trẻ tuổi khác như Lê Quang Nẫm, Nguyễn Hữu Hội, Lê Thái Hoàng, Nguyễn Lê Lực…, đang nghiên cứu, giảng dạy tại nhiều đại học hàng đầu nước Mỹ, kế thừa những tên tuổi đàn anh như GS Lê Tự Quốc Thắng, GS Vũ Hà Văn, GS Ngô Bảo Châu để hình thành nên một thế hệ các nhà toán học trẻ VN.
 
Từ trái qua: TS Trần Vĩnh Linh, TS Nguyễn Hoài Minh, TS Nguyễn Trọng Toán - Ảnh: Nhân vật cung cấp, ĐH Washington
Từng học và nghiên cứu toán tại VN, cảm giác của anh thế nào khi sang Mỹ nghiên cứu?

TS Minh: Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được học và làm việc trong những trung tâm toán học hàng đầu thế giới như Trường đại học Bách khoa Paris, Đại học Paris 6, Đại học Rutgers, Viện Nghiên cứu cao cấp IAS ở Princeton, Viện Toán Courant ở New York và hiện nay là Đại học Minnesota. Điều kiện làm việc ở những nơi này rất tuyệt vời: một đội ngũ giáo viên gồm các nhà khoa học xuất sắc, những đồng nghiệp và bạn bè đồng lứa rất giỏi, một hệ thống thư viện rất tốt. Trong một môi trường như thế, tôi đã được tạo mọi điều kiện để tập trung học tập, tìm tòi những kiến thức mình quan tâm, khám phá những hướng nghiên cứu mới, đồng thời có một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Mặc dù vậy, quá trình học tập ở VN, đặc biệt là ở Khoa Toán ở Trường đại học Khoa học tự nhiên, cũng giúp ích tôi rất nhiều.
TS Linh: Tôi sang Mỹ lần đầu là để theo học lấy bằng TS. Cảm giác đầu tiên là thấy cách học và dạy khác ở VN rất nhiều. Với các lớp học ở trình độ sau đại học, giáo sư là người hướng dẫn để sinh viên tham gia khám phá kiến thức mới thông qua việc hướng dẫn đọc sách, đặt câu hỏi thảo luận trên lớp..., chứ không chỉ đơn giản là viết lên bảng để sinh viên chép lại. Cách học này rất chủ động và tạo thói quen nghiên cứu cho sinh viên ngay từ đầu. Sinh viên cảm thấy mình đang chinh phục những thách thức cùng với thầy, không chỉ là nghe và nhận kiến thức. Đối với giáo sư, dạy cũng là một cách học tốt, vì thế có nhiều người xin dạy các môn mà mình chưa thật hiểu kỹ hoặc các chuyên đề rất mới để có cơ hội học kỹ hơn.
TS Toán: Đúng là trước khi sang Mỹ, mình đã bắt đầu "làm toán" nhưng hồi đó làm việc theo kiểu sinh viên, nghĩa là thầy chỉ đâu thì mình làm đó và lắm lúc không thực sự hiểu mình đang làm gì. Những năm đầu làm việc ở Mỹ, mình may mắn được nhiều thầy giỏi tận tình hướng dẫn, và cũng từng bước được nhúng tay trực tiếp vào những bài toán thực sự và nóng hổi. Quan trọng hơn, nó cho mình cảm giác về sự cần thiết của việc làm toán.
Về  lâu dài, theo anh VN cần làm gì để thúc đẩy nghiên cứu toán trong nước: ví dụ các chương trình hỗ trợ sinh viên, kết nối với thế giới?
TS Minh: Trong nghiên cứu, tôi cho rằng cần đẩy mạnh sự trao đổi giữa các nhà khoa học làm việc tại VN với các nhà khoa học VN làm việc tại nước ngoài và các nhà khoa học thế giới. Nó sẽ giúp các nhà khoa học trong nước trao đổi khoa học, cập nhật thông tin, đồng thời chủ động đi tắt đón đầu trong những hướng nghiên cứu quan trọng. Tôi nghĩ đây cũng là một trong những mục đích của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán của VN. Trong tương lai, tôi cũng mong muốn tham gia vào hoạt động của Viện. Ngoài ra, việc trang bị một hệ thống thư viện tốt cũng là một việc cần thiết. Thực tế có thể rất khó có một thư viện tốt cho mỗi ngành ở mỗi trường đại học, nhưng tôi nghĩ mỗi thành phố lớn ở VN nên có một thư viện tốt cho những ngành nghề mình (VN hay thành phố đó) muốn phát triển. Đồng thời tạo sự liên thông giữa các thư viện để chia sẻ thông tin.
TS Linh: Tôi nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh việc hỗ trợ học sinh sinh viên giỏi toán để các em mạnh dạn đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Có nhiều em rất say mê nhưng vì sức ép gia đình hoặc thiếu thông tin nên đã theo học các ngành "thời thượng" như kinh tế, tin học. Cần tăng cường tuyên truyền hướng nghiệp để các em hiểu về "nghề làm khoa học cơ bản", từ đó có lựa chọn thích hợp cho bản thân. Tăng cường tạo điều kiện cho các em giỏi đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, như hỗ trợ kinh phí học ngoại ngữ, giới thiệu các em gặp gỡ các GS hàng đầu. Hiện nay, để xin vào học tiến sĩ ở Mỹ không phải quá khó, khi các em được nhận rồi thì sẽ có hỗ trợ tài chính của trường để yên tâm theo học.
TS Toán: Đây là vấn đề khó, và may mắn là các anh đi trước đang ngày càng dành nhiều thời gian và tâm huyết hơn để đưa toán học VN đi lên và tạo nhiều kết nối với toán học thế giới. Ví dụ, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán do anh Ngô Bảo Châu làm giám đốc là một bước tiến lớn trong sự phát triển này. Ngoài ra, mình nghĩ các trường nên tạo ra nhiều vị trí ngắn hạn để mời các GS từ nước ngoài về nước làm việc. 
Hãy luôn hỏi “tại sao” trước một bài toán
Cuối tháng 8, trang mạng của Đại học Yale (Mỹ) trang trọng đưa tin GS Vũ Hà Văn, hiện đang giảng dạy tại trường này, được trao giải Fulkerson của Hội Toán học Mỹ (AMS) và Hội Quy hoạch toán học (MPS). Bắt đầu từ năm 1979, cứ mỗi 3 năm sẽ có 3 giải Fulkerson được trao trong dịp Hội nghị quốc tế do MPS tổ chức, để vinh danh những bài viết nghiên cứu xuất sắc về toán học rời rạc. Năm nay, công trình mang tên “Factors in random graphs”, do GS Vũ Hà Văn thực hiện cùng GS Jeff Kahn (ĐH Rutgers, Mỹ) và GS Anders Johansson (ĐH Galve, Thụy Điển), đăng trên tạp chí Random Structurses and Algorithms số 33 (năm 2008) được vinh danh.
 GS Vũ Hà Văn
GS Vũ Hà Văn - Ảnh: Rutgers.edu
Tuy nhiên, GS Văn không có mặt trong buổi trao giải Fulkerson diễn ra hồi cuối tháng 8 tại Đức, vì ông bận tham gia một hội nghị toán học và có buổi giao lưu với các học sinh yêu toán tại Huế. Nhân dịp này, GS Văn dành một cuộc phỏng vấn ngắn cho PV Thanh Niên.
Vừa qua, GS có tham dự cuộc giao lưu với các học sinh yêu toán tại Huế. GS nhận thấy có khác biệt nào giữa những học sinh này so với thế hệ của GS?
Các em có lẽ mạnh dạn hơn chúng tôi ngày xưa nhiều. Còn tuổi học trò bao giờ cũng có cái hồn nhiên chung của nó.
GS có thể chia sẻ vài lời cùng các bạn trẻ yêu toán đang học tại VN.
Toán học có vẻ đẹp đặc biệt của nó nhưng không dễ cảm nhận như hội họa hay âm nhạc. Nếu bạn thích nghiên cứu toán, thì việc đọc một số bài giới thiệu đại cương về toán học và các quan hệ của nó với các ngành khoa học khác có lẽ cũng quan trọng không kém (nếu không muốn nói là hơn) việc rèn luyện một số kỹ năng đặc biệt. Đặt ra một vấn đề hóc búa không ai giải được không phải là điều quá khó, nhưng cảm nhận được một vấn đề là hay, hay quan trọng là việc không dễ chút nào.
Đứng trước một bài toán, câu hỏi "tại sao" (tại sao ta lại quan tâm đến vấn đề này, ý nghĩa thật sự của nó là gì, nó có liên quan, hay bổ trợ, mở rộng những kiến thức ta đã biết theo hướng nào…) cần được đặt ra trước câu hỏi "như thế nào" (giải bài toán như thế nào). 
Ngô Minh Trí (thực hiện)
Ngô Minh Trí
       (thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét