Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

(1) Nguy quá: VN có thể phải xin IMF cứu trợ

Chắc các bạn đều hiểu khi phải cúi đầu đi vay nợ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF để chống khủng hoảng thì an ninh kinh tế và chủ quyền quốc gia sẽ bị đe dọa như thế nào. Không nói đâu xa, kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 cho thấy các nước khủng hoảng xin vay IMF đều bị IMF áp đặt các chính sách tàn nhẫn đến mức nào, vì mục tiêu tối thượng của IMF là trong bất kỳ trường hợp nào, IMF phải thu hồi lại được các khoản nợ cho vay, còn việc cứu được nền kinh tế đang khủng hoảng đó thì chỉ là mục tiêu phụ, cứu được thì tốt mà không được cũng không sao; lại càng có cơ hội áp đặt nước đó đi theo mô hình phát triển của một thế lực nào đó... Indonexia là một ví dụ điển hình. Sự can thiệp của IMF đã đẩy nền kinh tế nước này từ khủng hoảng tiền tệ thành tổng khủng hoảng kinh tế, thậm chí một bộ phận của đất nước đã tách rời ra lập thành một nhà nước mới gọi là Đông Timor. Chính vì vậy mà các nước như Malaixia, Thái Lan, Hàn Quốc đã phải cố sức thắt lưng buộc bụng, thậm chí phải tổ chức quyên góp tiền của toàn dân, để trả IMF trước hạn nhằm thoát khỏi vòng kim cô của IMF càng nhanh càng tốt.
Nếu khủng hoảng nổ ra ở nước ta, nếu có sự can thiệp của IMF, thì không biết đất nước rồi sẽ đi về đâu, vì đằng sau IMF không chỉ có Mỹ, các nước phương Tây mà còn có một thế lực mới rất mạnh hiện nay là Trung Quốc. Trong khi Mỹ và các nước Tây Âu cũng đang chìm trong suy thoái đi kèm với khủng hoảng tiền tệ (đồng đô la và đồng Euro mất giá) và đều cần đến sự trợ giúp của Trung Quốc thì chắc tất cả chúng ta đều có thể đoán được số tiền IMF dùng để cứu trợ Việt Nam sẽ có nguồn gốc từ đâu, và khi đó không chỉ có Biển Đông mà cả sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia có giữ được không. Lo thay.





Hệ thống tài chính Việt Nam sẽ có thể cần đến 
gói vay cứu trợ khổng lồ để có thể khắc phục khó khăn

Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ phải xin cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF để giải quyết nợ xấu. Như vậy Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn nhất Đông Á phải cầu viện tổ chức này từ sau những năm 1990.

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 'đặt hàng' và đăng tải trên trang web của ủy ban này ngày 4/9 cho thấy Việt Nam sẽ cần phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và hành động thật nhanh để giải quyết khối nợ xấu.

Theo bản báo cáo dài gần 300 trang, hệ thống tài chính của Việt Nam có thể sẽ cần phải vay vốn cứu trợ từ 250 nghìn tỷ đồng (12 tỷ đôla) đến 300 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên giới quan sát cũng đặt nghi vấn cho việc liệu chính phủ Việt Nam có thực sự lựa chọn cách cầu cứu IMF. Ông Peter Ryder, giám đốc điều hành bộ phận quản lý quỹ và phát triển bất động sản của Indochina Capital, bình luận với hãng tin Bloomberg:


"Việt Nam đang ở trong tình thế phải tìm kiếm những con đường nhằm điều chỉnh vốn và tái cơ cấu nền móng của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, nhất là khi nhìn vào lịch sử độc lập mãnh liệt của họ, việc phải tìm đến IMF trước khi đã cạn kiệt những cách khác là một điều đáng ngạc nhiên."

Ngoài việc vay vốn IMF, nhóm kinh tế gia làm báo cáo còn gợi ý có thể phát hành trái phiếu thời hạn từ 3-5 năm, cắt giảm chi tiêu Nhà nước và thu hút vốn hoặc đầu tư từ các công ty nước ngoài.

Loại trái phiếu 3-5 năm này có thể sử dụng với mục đích huy động tiền dư thừa từ các ngân hàng thương mại chứ không phải để Ngân hàng Nhà nước mua lại và cần phải được trích từ việc cắt giảm khoản chi thường niên lên đến 20-21% GDP của ngân sách Nhà nước.

Bản báo cáo cho biết, nếu giảm tỷ lệ chi tiêu xuống mức cách đây 5-10 năm (16-17% GDP) thì có thể dư ra khoảng 3%, tức khoảng 70 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng nên lập một công ty để mua nợ xấu. Tuy nhiên bản báo cáo cho rằng công ty này phải sử dụng nguồn vốn từ nước ngoài.

"Tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn đang ở mức báo động, trong lúc mức dự trữ nợ xấu của Ngân hàng là không thích đáng", trích bản báo cáo.

Niềm tin đổ vỡ



Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm đẩy
 khối nợ xấu xuống dưới 3% trước năm 2015

Bloomberg trong tin ra ngày 6/9 nhận xét: "Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang lao đao trong việc khôi phục lại niềm tin tại Việt Nam sau khi vụ bắt nhà tài phiệt (Nguyễn Đức Kiên) hồi tháng trước làm lộ ra tính mỏng manh của hệ thống tài chính, bị làm khốn đốn thêm bởi khối nợ xấu cao nhất Đông Nam Á."

"Tăng trưởng Việt Nam tụt xuống 4,4% trong nửa đầu năm so với mức 8,5% hồi năm 2007 khi các khoản vay bị đình trệ, kìm hãm doanh thu quốc gia và bẻ gãy khả năng giải cứu các ngân hàng của nước này."

Nợ xấu hiện tại đang ở mức 8,6%-10% theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.

HSBC trong báo cáo ngày 4/9 cho rằng, khối quốc doanh đóng vai trò lớn trong việc gieo rắc gánh nặng lên nền kinh tế.

Từ năm 2009, khối tín dụng rẻ khổng lồ được bơm vào các Tập đoàn Nhà nước đã đẩy tăng trưởng tín dụng tăng lên đến mức chóng mặt.

Tuy nhiên các Tập đoàn Nhà nước, với sự quản lý yếu kém, thống kê thiếu minh bạch và những sai phạm nghiêm trọng trong đầu tư đã dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, kèm những khoản thất thoát vốn Nhà nước và những khối nợ khổng lồ, góp phần tăng khối nợ xấu.

Hiện tại, Việt Nam đang có kể hoạch cắt giảm khối nợ xấu xuống dưới 3% trước năm 2015, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cho biết đã sẵn sàng để ép buộc các ngân hàng yếu kém sát nhập.

HSBC cho biết ngân hàng này tỏ ra khá lạc quan về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách nền kinh tế nhưng cũng nhấn mạnh tính cần thiết của sự kiên nhẫn trong việc cải cách để dọn dẹp nợ xấu, đồng thời thiết lập một nền kinh tế đền đáp xứng đáng cho những hoạt động kinh doanh hiệu quả.

4 nhận xét:

  1. Coi việc Indonesia vay IMF là nguyên nhân cho sự độc lập của Đông Timor là khá khiên cưỡng.
    Các chính phủ và nền hành chính trì trệ lạc hậu đều rất sợ vay vốn của IMF và WB vì những khoản vay này thường gắn với đòi hỏi cải cách hành chính. Đã vay thì phải trả, và họ cũng chỉ đòi trả bằng tiền chứ chưa nước nào đem gán đất đai hay công trình quốc gia mà bảo là mất chủ quyền. Có chăng là người ta sẽ có quyền đòi hỏi về lịch trả nợ, nguồn thu xếp trả nợ, tính khả thi, v.v, và những cái này tất yếu dẫn đến đòi hỏi minh bạch hóa thông tin, là điều mà những nước có nền hành chính kém đều rất e ngại.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là vay IMF và sự chia cắt đất nước không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, khi một đất nước đã lâm vào cảnh đó thì chứng tỏ quyền lực của chính phủ trung ương đã gần như sụp đổ và hầu như không có chính phủ đương quyền nào tiếp tục tồn tại được. Nền tài chính, kinh tế của đất nước cũng kiệt quệ, phá sản (nên mới phải vay). Mặt khác, khi có sự can thiệp, chỉ đạo của IMF thông qua các cam kết đã buộc phải ký với IMF khi xin vay tiền chống khủng hoảng, thì chắc chắn phải có những điều chỉnh lớn về chính sách phát triển quốc gia đồng thời kéo theo những biến động kinh tế xã hội rất lớn. Trong giai đoạn chuyển tiếp khẩn trương này, chắc chắn đất nước sẽ hỗn loạn để sắp xếp lại, người được, người mất. Đây là nguyên tắc đường cong J mà IMF thừa nhận (đáy của đường cong J là điểm tổng khủng hoảng trong quá trình chuyển tiếp.
    Chuyện này xảy ra trong một đất nước có nhiều mâu thuẫn sắc tộc, nhiều khác biệt văn hóa, cách sống giữa các vùng, và nhất là khi ở đó đã có nhiều vùng trước đây đã từng là một quốc gia khác (như Miền Nam của ta), hay đã công khai bày tỏ muốn tách ra thành lập một quốc gia riêng, hay có những vùng đang bị nước ngoài đòi chủ quyền... thì chuyện chia cắt đất nước không phải là không thể xảy ra khi một chính phủ trung ương yếu và không còn đủ tiềm lực kinh tế, quân sự để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Đấy là chưa kể khi đã có sự can thiệp của IMF thì đằng sau sẽ có sự can thiệp của các thế lực chống ta như đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và các cách phá hoại khác để kìm giữ ta lúc nào cũng ở thế yếu, phụ thuộc ngoại bang. Còn nhiều điều nữa song không viết được vì khuôn khổ giới hạn của 1 nhận xét trong Blog.
    Cám ơn bạn đã đọc và cho ý kiến. Nhiều người viết cho tôi bảo rất khó viết nhận xét vào Blog này vì bị chặn ? Thực ra Blog này chỉ như một thư viện cá nhân, chỉ để ghi chép lại sau khi đọc chứ chủ nhân thường không muốn bày tỏ chính kiến trừ khi bức xúc...

    Trả lờiXóa
  3. Sự can thiệp của các thế lực chống ta như đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và các cách phá hoại khác để kìm giữ ta lúc nào cũng ở thế yếu, phụ thuộc ngoại bang... cũng là một nhân tố thúc đẩy nhiều vùng đòi quyền thành lập nhà nước độc lập. Thậm chí một số thế lực ngoại bang còn công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ, hỗ trợ các vùng đòi quyền thành lập nhà nước độc lập hoặc đòi quay về với chính quốc. Ở nước ta, những vùng như vậy chắc bạn đều biết.
    Trên thế giới chuyện này đã xảy ra rất nhiều. Ngay trong thời không còn chiến tranh lạnh, chỉ tính từ khi Liên xô sụp đổ năm 1990 đến nay, đã có hàng chục quốc gia mới ra đời sau các cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội (với sự ủng hộ của ngoại bang). Hoặc có những vùng ly khai được ngoại bang che chở như Nga đang bảo hộ hai vùng đất của Georgie...
    Theo lý thuyết hệ thống, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Do đó, tốt nhất là đất nước phải khỏe để ngăn chặn ngay từ đầu.

    Trả lờiXóa
  4. Trong chuyện Đông Timor, rõ ràng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 là cơ hội quá tốt để Đông Timor được tách khỏi Indonesia 1 cách chính đáng; không chỉ Indonesia phải cay đắng chấp nhận mà còn được cả thế giới thừa nhận.

    Trả lờiXóa