Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

(2) Thời để trí thức thành người tâm thần

(2) Thời để trí thức thành người tâm thần


 - Một phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh có tài vẫn phải nhập viện tâm thần điều trị vì áp lực công việc.
LTS: Kinh tế khó khăn, cuộc sống ngộp thở với mức leo thang của giá cả trong khi đồng lương chưa được cải thiện, văn hóa - đạo đức xã hội xuống cấp... Tỷ lệ nhiều trí thức mắc chứng trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, hoang tưởng tự cao… phải vào viện tâm thần để điều trị đang tăng cao đột biến trong thời gian gần đây. Chuyên đề "Trí thức tâm thần" hé mở phần nào về bức tranh màu xám này với mong muốn cung cấp thông tin và những kỹ năng cần thiết cho độc giả xây dựng một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. 

Tâm thần vì quá giỏi?
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, chuyên ngành Tâm thần, trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số các bệnh nhân bị tâm thần phải vào viện điều trị, không ít người giỏi giang, có bằng cấp, có địa vị cao trong xã hội. 
Bác sĩ Dũng đã từng điều trị cho một vị phó giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh bị trầm cảm, khủng hoảng tinh thần cực độ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: La Hoàn

Bác sĩ Dũng kể: "Cô ấy từng là thư ký của UBND tỉnh T.Q, rất chi là giỏi. Vì nghề của cô là giáo viên nên cô được chuyển lên làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh T.Q. Là một trong những người giỏi nhất ở Sở, cô đã lập được nhiều dự án, xây dựng nhiều công trình cho tỉnh.Cô ấy kiêm luôn thủ quỹ của cơ quan. Khi cô làm chung đề tài với ông Giám đốc Sở thì hai người vênh nhau, cô không chịu ký nhận những hóa đơn của ông thủ trưởng vì cho rằng nó không minh bạch. Tình hình căng thẳng, ông Giám đốc sở họp và phê bình cô trước hội đồng Sở. Cô không cãi nhưng về nhà rất lo âu, mất ăn mất ngủ. Kết hợp với giai đoạn mãn kinh ở tuổi 42 nên càng lo âu. Cô bị mắc chứng mất ngủ, trầm cảm nên phải đến bệnh viện điều trị.

Sau khi điều trị 2 tháng, tâm lý đã ổn định, cô về cơ quan làm việc một thời gian thì bị chuyển công tác xuống cơ sở làm Hiệu trưởng của một trường. Lúc đầu mới về cơ quan cô rất bình thường nhưng chính việc chuyển công tác lại khiến cô bị sang chấn tâm lý. Là thư ký UBND tỉnh, lên chức phó Giám đốc Sở, giờ về làm Hiệu trưởng một trường. Cô cảm thấy mình là người thấp kém, hèn mọn. Cô nổi nóng mọi lúc mọi nơi, không biết sợ gì. Cô đuổi hết tất cả nhân viên dưới quyền. Cơ quan lại cho cô đến bệnh viện điều trị".

Nghịch lý đau lòng

Có một nghịch lý đau lòng là, người càng giỏi, càng tận tụy với công việc thì càng dễ phát điên càng dễ hoảng loạn, trầm cảm. Bệnh tâm thần trong trí thức đang trở thành một căn bệnh trầm kha của xã hội hiện đại.

Bác sĩ Dũng kể về trường hợp tâm thần của một kế toán trưởng giỏi giang, ngay thẳng, trực tính bị tâm thần vì quá lo cho chuyện thu chi trong cơ quan:

“Cô này 36 tuổi, Tốt nghiệp ĐH Tài chính Kế toán, làm ở một cơ quan lớn bên Gia Lâm. Là người ngay thẳng, trực tính nên cô có những quyết sách riêng cho việc thu, chi của cơ quan.

Khi giám đốc đi tiếp khách và lấy biên lai thì cô không chịu thanh toán vì cho rằng đó là các khoản chi ngoài cơ quan. Cô rất lo lắng cho chuyện thu chi cho cơ quan. Cô thẳng tính nên nói với giám đốc là việc đó sai và cô không thể chấp nhận việc đó vì cô là người cầm tài chính của cơ quan.
Một nam sinh viên (trái) đang tắm cho bệnh nhân tâm thần. Ảnh: DT

Giám đốc liền chuyển cô đi làm văn thư. Làm ở văn thư cô vẫn tiếp tục có những can thiệp vào hoạt động tài chính kế toán của cơ quan. Cô tìm ra những lỗ hổng mà lãnh đạo thực hiện. Lãnh đạo không cho cô làm nữa. Cô sinh ra bệnh trầm cảm, không muốn giao tiếp với ai, sợ mọi người đến hại.

Đặc biệt khi kiểm toán nhà nước đến làm việc thì cô sợ hãi, đóng chặt cửa, 3 tuần không ra khỏi phòng. Lúc cô đương chức kế toán trưởng, cũng đã có biểu hiện bệnh, khi kiểm toán nhà nước đến làm việc thì cô sợ hãi, đốt hết tài liệu đi”.

Bác sĩ Dũng cho biết, bình thường đầu óc giới trí thức đã “căng như dây đàn” vì tập trung làm việc với cường độ cao, khi gặp phải những tác động từ bên ngoài vượt ngưỡng chịu đựng của họ thì sẽ mắc bệnh. Rối loạn tâm thần ở giới trí thức chủ yếu là loạn thì cấp (loạn theo giai đoạn).

“Có hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này đó là do sang chấn tâm lý và sau bệnh tật. Gia đình không hòa thuận, mâu thuẫn thế hệ, con cái hư hỏng, kinh tế thất thoát, mâu thuẫn trường diễn ở cơ quan, đấu tranh chức quyền, nghỉ hưu…là những tác động dẫn đến sang chấn tâm lý. Mất ngủ triền miên, lo âu quá mức, thoái triển cơ thể, mãn kinh cũng dễ dẫn đến rối loạn tâm thần”, bác sĩ Dũng nói.

Triệu chứng dễ nhận thấy ở người tâm thần là mất ngủ, mệt mỏi, lo âu, dễ cáu giận, xa lánh, ít giao tiếp với mọi người. Dẫn đến kết quả công việc giảm sút, cơ thể suy kiệt. “Bệnh nặng thì hoang tưởng, kích động đập phá, sợ hãi có người theo dõi”, bác sĩ Dũng mô tả.

Theo bác sĩ Dũng, những người tìm đến bác sĩ để điều trị chủ yếu là những trường hợp bệnh đã khá nặng. Việc lờ đi những triệu chứng ban đầu, ngại thăm khám thường xuyên dẫn đến quá trình điều trị bệnh khó khăn hơn.

Bác sĩ Dũng khẳng định, nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi nhanh, trở lại với cuộc sống bình thuờng. Nếu phát hiện muộn, bệnh tiến triển mãn tính, khó hồi phục.
12 triệu người Việt có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần

Theo nghiên cứu của bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội), năm 2003, tỷ lệ người bệnh tâm thần và có dấu hiệu liên quan đến bệnh tâm thần tại Việt Nam chỉ khoảng 14% (10 triệu người). Tuy nhiên, đến năm 2010 thì tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 15% dân số. Những người này có dấu hiệu mắc phải các triệu chứng tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lo âu, nghiện/lạm dụng rượu, ma túy và chậm phát triển trí tuệ.

Như vậy, ở Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu của bác sĩ La Đức Cương cũng chỉ ra kinh phí hằng năm mà chính phủ dành cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân ngày một tăng (năm 2010 là 60 tỷ đồng còn năm 2011 là 70 tỷ đồng).

Tuy nhiên, số lượng bác sĩ chuyên khoa về tâm thần vẫn còn rất thiếu: chỉ hơn 800 bác sĩ, với tỷ lệ 1 bác sĩ/100.000 dân. So với tỷ lệ trên thế giới (1 bác sĩ/30.000 dân) thì rõ ràng Việt Nam cần có 1.500 bác sĩ tâm thần.

La Hoàn


(Còn tiếp) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét