Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Tiếng chày trên sóc Bom Bo

Bài hát tôi thích:

Tiếng chày trên sóc Bom Bo


Tiếng chày trên sóc Bom Bo, một ca khúc của nhạc sĩ Xuân Hồng đã gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng, nó đã khơi gợi những cảm hứng để nhiều nghệ sĩ dựng nên những hoạt cảnh, những màn múa sinh động tái hiện không khí một bản làng dân tộc ít người trong kháng chiến chống Mỹ.

Từ thuở nhỏ, nhạc sĩ Xuân Hồng đã có dịp tham dự những buổi giã gạo vần công ở các vùng quê. Đó là một sinh hoạt lao động nhưng từ lâu đã mang tính chất văn hóa. Hình ảnh những chàng trai cô gái với tiếng hò giã gạo đêm trăng mãi mãi là một ký ức đẹp, nên thơ trong ông. Sau khi thoát ly gia đình đi kháng chiến, ông có ý định sẽ viết một ca khúc về tiếng chày giã gạo đêm trăng. Cũng đã đôi lần ông định viết những lại bỏ bởi phần nhạc mà ông sáng tác chưa diễn tả được đúng ký ức quá đẹp và những hình ảnh đó chưa đủ lung linh.


Những tháng ngày gian lao hoạt động cách mạng, ông đảm nhận những nhiệm vụ chẳng liên quan gì đến nghệ thuật âm nhạc, vì vậy ý tưởng nói trên cũng tạm bị quên lãng. Nhưng từ khi ông chính thức về làm trưởng Đoàn văn công Quân giải phóng miền Nam, hoài bão một ca khúc về tiếng chày giã gạo đêm trăng lại nhen nhóm trong ông.

Năm 1966, ông may mắn được tham gia chiến dịch Đồng Xoài với tư cách một nhạc sĩ đi xâm nhập thực tế. Để giữ bí mật, đơn vị tham gia phải đi tắt đường rừng, không nhận lương thực ở các trạm. Đơn vị được lệnh đến điểm X để nhận lương thực, điểm X đó chính là sóc Bom Bo, một sóc của người Stiêng thuộc tỉnh Phước Long. Sóc Bom Bo có khoảng 100 gia đình, đời sống vô cùng khó khăn nhưng vẫn một lòng một dạ theo cách mạng.

Tập quán của sóc là chỉ giã gạo vào ban đêm, gạo giã ngày nào ăn ngày đó, và đây là công việc của phụ nữ. Sóc Bom Bo đang vào mùa, lúa vàng chín rộ khắp nương rẫy, lại nhận được yêu cầu cần gấp mấy tấn gạo phục vụ cho chiến dịch. Sóc Bom Bo đã có những việc làm "phá lệ", cả sóc, từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ tập trung giã gạo. Trong không khí khẩn trương, bên ánh đuốc lồ ô bập bùng, tiếng chày giã gạo thâu đêm, nhạc sĩ Xuân Hồng có cảm giác như mình đang xem một bức tranh thần thoại tuyệt vời, hùng tráng. Khung cảnh lao động hăng say giữa núi rừng hùng vĩ với những con người chất phác đã tạo cho ông những cảm xúc tha thiết và mãnh liệt. Ký ức dồn nén từ lâu, nay như có dịp cộng hưởng cùng cảm xúc từ thực tiễn sống động đang diễn ra. Đó là thời điểm chín muồi để ông thực hiện ý nguyện của mình - sáng tác một bài hát về những tiếng chày giã gạo... Có khác chăng, giờ đây không phải là tiếng chày giã gạo giữa đêm trăng thanh vắng ở một làng quê yên ả mà là tiếng chày giã gạo trên một bản làng miền núi dưới ánh đuốc bập bùng với không khí khẩn trương để kịp chiến dịch. Bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo ra đời trong hoàn cảnh đó.


Bài hát có tiết tấu rộn rã, khẩn trương, giai điệu hồn nhiên, ca từ mộc mạc nhưng sâu sắc. Chất liệu của chủ đề lấy từ bài dân ca Nam bộ Lý bình vôi, nét nhạc mở đầu cũng chính là âm hình chủ đạo của toàn bài. Cấu trúc cơ bản của bài hát gồm 3 đoạn, chúng được nhắc lại nhiều lần và thay đổi lời, nên cảm giác bài hát có qui mô. Để diễn tả không khí khẩn trương, khung cảnh lao động nhộn nhịp, nhạc sĩ Xuân Hồng đã xây dựng tác phẩm với hình thức đa âm. Đoạn đầu là sự kết cấu đa tuyến giai điệu, theo kiểu bè tòng. Phần sau các giai điệu đi song hành. Đây cũng là một trong những tác phẩm thanh nhạc có khuynh hướng đa âm và qui mô khá lớn trong ca khúc Việt Nam, và cũng là một trong những ca khúc phát triển từ chất liệu âm nhạc dân gian khá thành công.

Từ khi ra đời (1966), ca khúc nhận được sự yêu thích của đông đảo mọi người, và nó đã trở thành một ca khúc có giá trị nghệ thuật, làm phong phú thêm kho tàng ca khúc đấu tranh cách mạng của nhạc Việt.

Giờ đây, mỗi lần nghe lại chúng ta vẫn bồi hồi với những xúc cảm chân thành như tái hiện trước mắt một khung cảnh sinh động. Sau này, nhạc sĩ Xuân Hồng nói rằng: "Cả nhạc và lời, tất cả những gì vẽ ra trong bài hát, gần như tôi đã chép lại nguyên xi những cảnh, những người mà chính mắt tôi đã chứng kiến ở sóc Bom Bo"...

Lời bài hát:
Lửa bập bùng,
Tiếng chày khuya
Cắc cum cụp cum, cum cụp cum,
cum cụp cum, cắc cum cum cụp cum…

1. Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa,

Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya,
Bồng con ra võng để đòng đưa,
Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa.

2. Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ,

Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây,
Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay
Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày.
Lửa bập bùng,
Tiếng chày khuya cắc cum cum cụp cum.
Trong rừng đêm đuốc sáng lửa cháy lên bập bùng.
Cum cụp cum,
Đêm càng khuya tiếng vang càng xa,
Vang xa, tiếng nhịp chày ba.
Nhớ, nhớ ơn người chiến sĩ ngày đêm không nghỉ
Tìm diệt giặc Mỹ, giải phóng cho dân mình.

Nay, dẫu còn gian khổ, mồ hôi ta đổ,

Làm nương phá rẫy giữ lấy đất quê hương,
Người hậu phương tiếp lương gửi đạn.
Ta bên bạn là bạn bên mình,
Cùng đồng tình là giặc thua ta.
Tiếng nói ríu ra, lời ca trong vắt,
Nhìn trong đôi mắt đều thấy mỗi người
Một nụ cười tin chắc tương lai.

3. Tiếng cười vui đẩy lui đêm vắng vẻ,

Có ai đi về phía những hàng cây,
Mời vô đây cùng nghe khúc nhạc hay,
Khúc nhạc đêm nay dùng nhịp đệm bằng chày.

4. Đuốc gần tàn nhịp càng thêm rắn rỏi,

Bóng trăng lên vừa khỏi đỉnh đồi cây,
Người chưa ngơi đã sẵn có người thay,
Cối gạo vơi đi và rồi gạo lại đầy.

Đuốc gần tàn,

Tiếng chày khuya cắc cum cum cụp cum.
Trăng đã lên, trăng sáng, ngời sáng soi đời.
Pum pùm pum,
Tiếng chày như tiếng nhạc dồn dã,
Vui sao, giã thêm càng mau.

Ê! Tiếng gà đã gáy màn sương phủ xuống,

Mồ hôi pha lẫn đẫm ướt suốt đêm dài.

Ê! Tiếng chày chưa dứt mặt trời đã thức,

Đàn chim náo nức vỗ cánh tung bay lên.
Mừng một đêm giã thêm nhiều gạo,
Bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình,

Này là tình của người hậu phương.

Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng,
Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày
Về đường này thăm sóc Bom Bo…

Ê! Còn nhớ ngày xưa

Người dân Bom Bo cái bụng không no, khố chăn chẳng lành.
Ê! Được sống tự do
Cơm áo lành no, dân làng Bom bo, nhớ ơn giải phóng.
Nhớ ơn giải phóng dân mình.

Nay, dẫu còn gian khổ, mồ hôi ta đổ,

Làm nương phá rẫy giữ lấy đất quê hương,
Người hậu phương tiếp lương gửi đạn.
Ta bên bạn là bạn bên mình,
Cùng đồng tình là giặc thua ta.
Tiếng nói ríu ra, lời ca trong vắt,
Nhìn trong đôi mắt đều thấy mỗi người
Một nụ cười tin chắc tương lai.

Ê! Gạo giã chày tay,

Gạo mang trên vai để ngày mai đây túi anh có đầy.

Ê! Gạo trắng lại thơm,

Ngon lắm nồi cơm, thơm tình quân dân trắng trong tình nước.
Nhớ ơn giải phóng dân mình.

Ê! Tiếng chày chưa dứt mặt trời đã thức,

Đàn chim náo nức vỗ cánh tung bay lên.
Mừng một đêm giã thêm nhiều gạo,
Bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình,
Này là tình của người hậu phương.

Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng,

Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày
Về đường này thăm sóc Bom Bo…

Cắc cụp cum, cắc cụp cum cắc cum cum cụp cum,

cum cụp cum, vang chày khuya... 

Còn đâu tiếng chày trên sóc Bom Bo


Con dau tieng chay tren soc Bom Bo
Khu vực chợ trung tâm xã Bom Bo.
Mảnh đất Bom Bo đã đi vào huyền thoại lịch sử của dân tộc, với hình ảnh cối gạo chày tay trên căn cứ Nửa Lon. Người dân Bom Bo đã bao phen làm cho quân thù khiếp sợ. Hình ảnh ấy đã tạc nên khúc ca "Tiếng chày trên sóc Bom Bo..." nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng. Vậy mà hôm nay, du khách đến Bom Bo... - một Bom Bo, ồn ào, chật chội trong nhịp sống mới. Dường như hình ảnh tiếng chày trên sóc Bom Bo chỉ còn trong dĩ vãng...



Ngày ấy...


Trong số những già làng "bách niên giai lão..." còn bám trụ ở Bom Bo là Điểu Sen. Ông kể cho chúng tôi nghe về ngọn núi Yumbra (núi Ba ứRá) với những câu chuyện ly kỳ về thần Núi, thần Sông và tục cà răng của người Xtiêng sống quanh sườn núi tự ngàn xưa. Núi Yumbra có tự bao giờ chẳng rõ. Ông chỉ biết rằng: Người Xtiêng tổ tiên của ông sống ở đây rất lâu đời. Cái bụng của người Xtiêng trong như dòng suối. Lời hát êm như tiếng nước chảy róc rách. Người Xtiêng thích ăn muối thay cho cỏ tranh, thế nhưng người Pháp lại đem quân đến bắt người Xtiêng ta ra bố đồn Phước Bình và Đức Phong. Nghe theo tiếng gọi của BokHồ (Bác Hồ) đứng lên cướp chính quyền.

Hoà bình đo chẳng tày gang, Mỹ lại đến. Những năm 1960, Người Xtiêng ta nuôi giấu cán bộ để đuổi Mỹ. Ngày ấy, vừa đánh giặc, vừa trồng lúa, trồng bắp trên nương. Xứ uỷ Phước Long chọn sóc Bom Bo làm căn cứ phát triển cách mạng. Nhiều cán bộ của BokHồ gạo không đủ ăn, phải chia nhau một nửa lon gạo để nấu cháo.

Cái tên căn cứ "Nửa Lon..." trên sóc Bom Bo ra đời từ đó... Theo già làng Điểu Sen, dân số sóc Bom Bo lúc ấy ước chừng trên dưới 200 người. Chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Ơ thành hai cụm hơn 70 nóc nhà dọc theo bờ suối dọc vào sóc. Thế nhưng, người dân nơi đây cùng các chiến sĩ cách mạng đã làm cho quân thù nhiều phen bạt vía. Cay cú vì những thất bại trước một sóc người dân tộc, giặc Mỹ điên cuồng tìm cách trả thù. Tháng 3.1964, địch điều động Trung đoàn 5 biệt động quân, cùng Tiểu đoàn 52 Anh Cả Đỏ cùng với bọn biệt động quân - có xe tăng, máy bay yểm trợ - nhằm xoá sạch căn cứ Nửa Lon. Được tin, người dân Bom Bo cử đồng chí Điểu Krú phụ trách tiểu đội du kích có hơn 30 người, đã lừa cho địch vào thiên la địa võng những khe suối, bất ngờ xông ra đánh giáp lá cà.
Nhà văn hoá Bom Bo.
Địch thua, hàng chục tên bỏ mạng. Mùa khô năm sau, chúng bất ngờ đánh từ hướng Đặk Nhau và Đức Phong vào, với hàng nghìn tên địch hung hãn, có vũ khí tối tân cùng xe tăng thiết giáp; đồng chí Điểu Xinh lãnh đạo đội du kích chiến đấu kiên cường đến viên đạn cuối cùng.

Bị địch bắt và hành hình cùng với đồng chí Hồ Thanh Vân (cán bộ Huyện uỷ) tại đường 10. Hình ảnh một Bom Bo anh hùng trong lửa đạn với những tên đất, tên người. Trước những xúc cảm mạnh mẽ, anh Võ Hồng Sơn viết bài thơ "Ánh đuốc lồ ô trên căn cứ Nửa Lon..." mô tả hình ảnh ánh đuốc bập bùng và cối gạo chày tay của đồng bào cùng các chiến sĩ; sau này được nhạc sĩ Xuân Hồng phổ nhạc thành bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo"...
Bây giờ...
Từ ngã ba xã Minh Hưng vào Bom Bo chừng 13km là gặp chợ trung tâm. Nơi đây xưa kia là trung tâm căn cứ Nửa Lon. Một cảm giác mà bất cứ ai vào Bom Bo cũng phải ớn lạnh vì tốc độ phóng xe máy bạt mạng của những đám thanh niên choai choai. Một già làng ở chợ Bom Bo than vãn: "Không mấy khi không có tai nạn giao thông. Không có đường nhựa cũng buồn. Có rồi, cứ kiểu này thì số mạng của người đi đường có lẽ chỉ dựa vào sự hên xui của tạo hoá". Năm 2005, xã có 16 vụ tai nạn giao thông, làm chết và trọng thương 20 người. Có ai biết rằng, để có được 13km đường láng nhựa ấy năm 1998, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giúp đỡ không hoàn lại tỉnh Bình Phước với số vốn hơn 11 tỉ đồng.

Chợ Bom Bo ồn ào sôi động đến náo nhiệt. Mấy chục quán karaoke, Internet, thịt rừng, và hàng tạp hoá với 200 tiểu thương buôn bán thượng vàng hạ cám. Họ đã biến nơi đây thành một trung tâm thương mại kiểu phố rừng tạp pí lù. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thi: Hàng năm, xã thu từ các chợ trên 1 tỉ đồng tiền các loại thuế. Điều đó nói lên sức mua và bán ở đây phát triển đến mức nào. Khu đất chợ trung tâm xã Bom Bo trước kia là nơi trú ngụ của 8 hộ người Xtiêng; sau thấy người Kinh hỏi mua, họ bán và vào rừng ở. Người tứ phương đổ về buôn bán, phát triển thành chợ trung tâm.

Năm 1998, khi thành lập xã Bom Bo, dân số chỉ gần 5.000 nhân khẩu; chưa đầy 8 năm sau, đã vượt hơn con số 21.000 dân. Nếu làm phép chia đều thì bình quân mỗi năm, dân số của xã tăng lên trên 2.000 người. Thế là những cuộc hành trình phá rừng của dòng người di cư từ mọi phương, mở rộng lãnh địa buôn bán đất rừng trái phép đã làm đau đầu các nhà chức trách. Toàn xã Bom Bo có hơn 5 nghìn hộ thì có tới 2.366 hộ xâm canh trái phép trên đất lâm trường, với diện tích lấn chiếm hơn 6.182ha đất rừng.

Theo một thống kê mới nhất, trong năm 2005, toàn xã có trên 500 vụ mua bán đất. Chỉ riêng đất sang nhượng qua UBND xã chứng thực, có hơn 308.000m2 với hơn 4.000m2 đất thổ cư. Những cuộc mua bán đất ồ ạt, việc đổ xô đi lập vườn làm trang trại, mua bán sang nhượng lòng vòng kiếm lời đã khiến giá đất ở ngay trung tâm lên cao ngất ngưởng. Theo ông Phó Chủ tịch xã phụ trách khối kinh tế thì giá đất nơi đây vượt qua con số 100 triệu đồng/m đất mặt tiền.

Dân số phát triển với tốc độ cao đã làm đảo lộn nếp văn hoá - xã hội nơi đây. Tình trạng mại dâm hoạt động không còn là lạ lẫm ở ngay các phum sóc, nhất là vào mùa thời vụ thu hoạch điều của người dân. Không có tiền thì khách mua dâm trả bằng điều hạt. Theo Phó Chủ tịch xã Lê Văn Thi: "Chúng tôi vừa ra quân truy quét trong tháng tư này, bắt gọn 14 gái mại dâm hoạt động rất chuyên nghiệp ở ấp 4".

Bức tranh giáo dục của xã như chiếc áo quá chật khoác cho một thanh niên mới lớn. Toàn xã có 4.286 học sinh, theo học ở 5 trường học. Tình trạng thiếu thầy, thiếu lớp, thiếu nhà ở giáo viên như một căn bệnh di căn, tác động đến chất lượng dạy học. Năm 2005, số học sinh trung học phổ thông đỗ tốt nghiệp đứng hàng cuối của tỉnh, chỉ đạt 20%. Theo ông Lê Văn Xinh - Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh thì trường của ông thiếu tới 8 giáo viên, trong đó có 3 giáo viên toán.

Tình trạng này kéo dài nhiều năm, dẫn đến chất lượng phản ánh tương ứng với chất lượng thi tốt nghiệp năm vừa qua. Cơn lốc gia tăng dân số đột biến đã làm cho những hoạch định phát triển kinh tế - xã hội nơi đây dường như không có đích đến. Hàng loạt các chương trình, mục tiêu quốc gia, xoá đói giảm nghèo cũng như muối bỏ bể. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4 triệu đồng/ năm. Điện, nước, ngân hàng và viễn thông đã về hoạt động ngay trung tâm xã. Hiện xã vẫn còn 508 hộ, với 2.540 khẩu thuộc diện nghèo đứt bữa trong các mùa giáp hạt.

Nhà văn hoá Bom Bo đã được xây dựng từ ý tưởng của Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân trong dịp về thăm Bình Phước năm 1997. Khát vọng khôi phục lại hình ảnh tiếng chày tay giã gạo trong các đêm giao lưu trên sóc Bom Bo bắt nguồn từ đây. Người ta đã đổ hơn 2 tỉ đồng để xây dựng nhà văn hoá trên ngọn đồi trung tâm, nhưng sau 5 năm hoàn thành, nhà vẫn không bàn giao và sử dụng được bởi nhiều nguyên nhân "rất tế nhị...". Huyện lại buộc lòng xuất hầu bao hơn 700 triệu đồng xây kè chống xói lở, vì trước đó chính họ đào đất đi. Mới đây, huyện đã cố gắng bàn giao nhà văn hoá cho xã, nhưng bàn giao xong, nội thất đi mượn phải trả ngay, thế là nhà văn hoá lại thành nhà rỗng ruột, chờ kinh phí mới hoạt động được.

"...Chúng tôi nhất định sẽ xây dựng một làng nghề, tạo ra những sản phẩm mang nét đặc thù của vùng đất anh hùng này. Nhất định du khách về thăm Bom Bo sẽ hài lòng bởi các kỷ vật của quê hương cách mạng. Bom Bo không phải chỉ tiếng chày tay qua những đêm lễ hội, mà phải qua hình ảnh một làng nghề nhưng lại rất riêng...; nhưng quy hoạch ở đâu thì chúng tôi vẫn chưa bàn cụ thể..." - Phó Chủ tịch xã Lê Văn Thi quả quyết với chúng tôi như vậy.

Chia tay với Bom Bo trong cái nắng rát của mùa khô Nam Bộ; tiếng động cơ chát chúa của các loại xe, đan xen cùng tiếng náo nhiệt của chợ trung tâm tạo thành một không khí phố chợ nửa rừng, nửa phố. Những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi từ các nẻo đường đổ về chợ trung tâm, với những bao hạt điều cuối vụ trong cuộc mưu sinh hối hả. Xa rồi bóng hình những chiếc lu trên vai các bà mẹ Xtiêng và tiếng chày tay giã cối gạo nương trên sóc Bom Bo...
Đ.Dương (Lao Động)
Việt Báo (Theo_VnMedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét