Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Tập trung sức mạnh quốc gia 'cứu' doanh nghiệp

TS Thiên hô hào phải làm cùng một lúc (thực ra toàn là mục tiêu) nhiều quá, càng đọc càng chán. Hôm qua thì đòi hạ lạm phát xuống dưới 6%, nay thì phải bằng mọi giá cứu doanh nghiệp (dĩ nhiên để cứu DN thì không thể đột ngột hạ tỷ lệ lạm phát về dưới 6% ngay trong năm nay được), rồi khẩn cấp tái cơ cấu, tăng lương, giảm thuế, hạ nhanh lãi suất... Khối thứ đang mâu thuẫn nhau.

Tập trung sức mạnh quốc gia 'cứu' doanh nghiệp

(VEF.VN) - Việt Nam cần tập trung sức mạnh kinh tế quốc gia để "cứu" doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giải cứu doanh nghiệp khỏi tình trạng đình đốn sản xuất, kinh doanh - TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị.

DN phá sản còn tăng mạnh
Từ đầu năm đến nay, nhiều chuyên gia cảnh báo về một bức tranh kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp đang nhuốm màu ảm đạm. Số DN giải thể, phá sản tăng nhanh, nguy cơ đình đốn sản xuất dần hiện hữu. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, cần bổ sung vào bức tranh đó một vài mảng màu kém tươi sáng khác. Đó là thực trạng khu vực doanh nghiệp đang phải chịu gánh nặng chi phí lãi vay và chi phí tài chính ngày một lớn do lãi suất cho vay quá cao. Mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam đang cao hơn các đối thủ cạnh tranh - một số nước trong khu vực - từ 2 đến 4 lần.
"Đây là một gánh nặng quá lớn, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam, vốn đang rất yếu" - báo cáo ông trình bày tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học Xã hội và VCCI tổ chức ngày 8-9/4, nêu rõ.
Ngoài ra, theo TS. Trần Đình Thiên, chi phí tài chính cao không những làm suy giảm lợi nhuận mà còn làm giảm khả năng hồi phục của khu vực doanh nghiệp. Nên lưu ý một đặc điểm rất nổi bật của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng dựa mạnh vào vốn, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương châm "tay không bắt giặc", kinh doanh dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng. Phương thức hoạt động theo kiểu "đánh mượn sức" này trở nên rất rủi ro khi nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay.


Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay luôn trong tình trạng âm. TS. Trần Đình Thiên nhận xét, đây thực sự là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Rõ ràng, khác với những năm trước, tình trạng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của nhiều doanh nghiệp suy giảm mạnh. Sau một thời gian dài nền kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi nghiêm trọng, làm cho doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng lại phải thận trọng hơn trong hoạt động cho vay.
Chính tình trạng nguy hiểm này, xét trong triển vọng ngắn hạn, TS. Trần Đình Thiên cho rằng chứa đựng xu hướng mang tính nguy cơ cao là số lượng doanh nghiệp bị phá sản và đóng cửa đang tăng lên. Điều đáng lưu ý ở đây là gia tốc tăng lên của số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Xu hướng này phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp vốn đã yếu thì hiện nay, đang tiếp tục giảm sút; khả năng cầm cự với lãi suất cao kém đi rõ rệt. Theo xu hướng đó, với đà giảm lãi suất rất chậm hiện nay, có thể dự đoán xu hướng tăng mạnh số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong các thời gian tới.

Kinh tế đình lạm: Tiến thoái lưỡng nan
Tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Thiên, khi đề cập đến sự giảm sút sức khỏe doanh nghiệp, điều quan trọng nhất chưa hẳn thể hiện ở số lượng doanh nghiệp phá sản hay đóng cửa. Đáng lo ngại hơn là tình trạng đa số doanh nghiệp đang phải cắt giảm công suất hoạt động với mức độ cắt giảm ngày càng tăng. Đây mới đích thực là phần chìm của tảng băng khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Rất tiếc là không có số liệu nào xác thực cho phép nhận diện chính xác trạng thái thực của tảng băng này. Song logic kinh tế cho phép xác nhận tình trạng "thật sự gay go" mà khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang lâm vào.
Hậu quả của tình trạng gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hay giảm công suất hoạt động là: i) mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 vừa được Quốc hội thông qua (6-6,5%) trở nên rất khó đạt; ii) số lao động thất nghiệp, mất việc hay thiếu việc làm tăng mạnh. Yếu tố này tiềm tàng làm giảm sút lòng tin xã hội vào triển vọng của nền kinh tế và gây bất ổn kinh tế - xã hội.
Kết cục của vòng xoáy tiến thoái lưỡng nan "đình - lạm" (lạm phát cao song hành với tăng trưởng đình đốn) - nguy cơ đáng lo ngại nhất đối với mọi chu trình tăng trưởng kinh tế ở mọi quốc gia, điều đã được cảnh báo cho Việt Nam ít nhất từ năm ngoái - hiện đang cản trở và kìm hãm mạnh mẽ quá trình phục hồi ổn định và tăng trưởng kinh tế của nước ta.
Để "phá vòng luẩn quẩn" đình - lạm nhằm tái lập ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của Việt Nam không dừng lại chủ yếu ở nhiệm vụ "kiềm chế lạm phát" mà phải bổ sung một cấu phần quan trọng khác với mức độ ưu tiên ngày càng cao. Đó là nhiệm vụ chống đình đốn kinh tế, tập trung sức để "cứu" khu vực doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, đóng cửa, ngưng hoạt động và thu hẹp kinh doanh.


Song, TS. Lê Đình Ấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, nhận xét, đứng trước nguy cơ đình lạm của nền kinh tế với những bất ổn tiềm ẩn, thì dư địa chính sách (cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa) của Việt Nam rất hạn chế.
Theo ông Ấn, để giải quyết mối nguy này, kinh tế Việt Nam đang đứng trước hai mâu thuẫn lớn: 1. Để kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng và cung tiền cần phải giữ ở mức thấp, nghĩa là tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong việc huy động vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh, nền kinh tế bị đình trệ, thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) sụt giảm, nợ xấu tăng cao do đó làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
2. Hiện nay, trần lãi suất huy động tuy đã giảm xuống 13% song lãi suất cho vay vẫn còn cao và chưa thể giảm ngay xuống mức thấp 10%, trong khi lạm phát đã có xu hướng giảm nhanh. Muốn giải quyết nghịch lý này, hạ mặt bằng lãi suất cao để thúc đẩy sản xuất và cầu tiêu dùng thì lại phải giải quyết vấn đề thanh khoản và có thể phải nới rộng cung tiền và tín dụng. Điều này sẽ gây sức ép lên lạm phát vốn luôn sẵn sàng bùng phát trở lại.
Như vậy, theo TS. Lê Đình Ân, có thể thấy khó có khả năng lãi suất giảm sâu trong điều kiện hiện nay khi chưa xử lý được vấn đề thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng như nợ xấu nói riêng và nền tảng vĩ mô nói chung. Trong khi đó, lãi suất quá cao lại ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư của khu vực tư nhân cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu cải thiện cấu trúc đầu tư của Chính phủ nhằm giảm đầu tư từ khu vực nhà nước và tăng đầu tư tư nhân.

Cứu DN: Trông vào đâu?
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP dự báo giảm và dư địa chính sách bị thu hẹp đáng kể, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2012 có tính chất đặc biệt khó khăn. Muốn vượt qua nó thành công, chắc chắn phải dùng đến các giải pháp đặc biệt, phải có tư duy đột phá mạnh.
TS Trần Đình Thiên khuyến nghị, về cấp độ ưu tiên, thực tiễn nhiều năm cho thấy để đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay (thực tế vẫn đang trong xu hướng khó khăn hơn), không thể không ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu Nhưng để quá trình tái cơ cấu có thể diễn ra, cần ổn định nền kinh tế để tái lập lòng tin thị trường, lòng tin xã hội. Đây phải là hai mục tiêu - nhiệm vụ ưu tiên cao nhất.
Tương ứng, mục tiêu tăng trưởng đương nhiên không phải là mục tiêu ưu tiên - nhưng không phải là "không ưu tiên" ở cấp độ "thông thường" như mấy năm nay mà phải là "không ưu tiên" với lập trường kiên định.
Để làm được điều này, trong năm 2012, cần gạt bỏ triệt để căn bệnh "nghiện" thành tích tốc độ tăng trưởng. Chính phủ và cả hệ thống chính trị cần coi trọng hơn hệ thống đánh giá năng lực và thưởng phạt căn cứ vào thành tích chống lạm phát và khôi phục lòng tin.
Trước hết, theo TS. Trần Đình Thiên, phải bắt tay ngay vào hành động tái cơ cấu thực sự ba lĩnh vực ưu tiên (đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại, khu vực doanh nghiệp nhà nước). Ngoài ra, còn phải tiến hành cải cách hệ thống lương trong khu vực nhà nước ở mức sớm nhất có thể; khẩn trương cải cách hệ thống ngân sách; đẩy mạnh việc thay đổi Luật Đất đai...
Hơn nữa, cần tập trung sức mạnh kinh tế quốc gia để "cứu" doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giải cứu doanh nghiệp khỏi tình trạng đình đốn sản xuất - kinh doanh.
Phần trách nhiệm chính trong công cuộc này phải trao cho chính sách tài khóa với các nội dung cụ thể: giảm thuế doanh nghiệp từ mức 25% xuống 20%, miễn hoặc giảm đáng kể các loại thuế khác (ví dụ các loại thuế nhập khẩu) thay vì "hoãn nộp thuế"; tránh không áp dụng tùy tiện các loại phí, gây ra tình trạng "loạn phí", ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin xã hội, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Đồng thời, phải có phương thức và lộ trình tích cực để hạ nhanh lãi suất chứ không thể theo lộ trình tuần tự chậm chạp (mỗi quý giảm 1% lãi suất), vừa không cứu được doanh nghiệp, vừa gây ra những kỳ vọng không phù hợp về lãi suất, dẫn đến chỗ lựa chọn hành động gây méo mó, làm chệch mục tiêu chính sách là cứu doanh nghiệp trên nền tảng kiềm chế lạm phát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét