Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Tái cơ cấu nền kinh tế, chi phí bao nhiêu?

Tái cơ cấu nền kinh tế, chi phí bao nhiêu?


Tái cơ cấu DNNN là một trong những nội dung trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế

(ĐTCK) Khi thảo luận Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để tổ chức thực hiện thành công đề án này, cần có câu trả lời rõ ràng: tốn bao nhiêu chi phí?
Theo Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mà Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 19/4, thì tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gồm: tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, mà trọng tâm là các NHTM; tái cơ cấu TTCK và các định chế tài chính; tái cơ cấu DNNN, đồng thời phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng DN dân doanh; tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành và dịch vụ phù hợp với các vùng…
Việc tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, TTCK và các định chế tài chính, theo Đề án là để loại bỏ các nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống tổ chức tín dụng, TTCK và nền kinh tế nói chung, đồng thời gia tăng năng lực trên tất cả các mặt, hiệu quả hoạt động của từng thành viên và của cả hệ thống. Qua đó làm cho hệ thống tổ chức tín dụng, TTCK thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng trung gian tài chính. Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và TTCK là nhiệm vụ đầu tiên phải thực hiện của quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục phân loại DNNN, xác định danh mục DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn, DN cổ phần hóa và đa dạng hóa sở hữu... Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn tại các DN đã cổ phần hóa ở các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần tiếp tục nắm giữ cổ phần hoặc cổ phần chi phối… Xác định sứ mệnh của các tập đoàn, tổng công ty, trong đó, buộc các DN này phải công khai các thông tin: mục tiêu hàng năm; danh mục dự án đầu tư…
Việc tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công được thực hiện theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội, bảo đảm cân đối ngân sách và khả năng trả nợ của nền kinh tế.
Chính phủ nhìn nhận, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiền đề để tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Vì vậy, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô luôn thuộc nhóm ưu tiên thực hiện để hỗ trợ và thúc đẩy các nội dung khác của tái cơ cấu kinh tế. Mục tiêu ưu tiên của quản lý kinh tế vĩ mô không chỉ là lạm phát thấp hợp lý, mà còn đảm bảo được lòng tin của thị trường và dân chúng đối với lạm phát kỳ vọng hợp lý.
Theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đề án chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu kinh tế, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian…, trong khi đây là điều hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện nguồn lực hạn chế cả về tài chính và nhân lực. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí…
Theo kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện nội dung Đề án để trình Chính phủ và Thủ tướng thông qua trong quý II/2012. Để thực hiện hiệu quả Đề án, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc theo dõi, giám sát thực hiện đề án này.
Tân Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét