Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

VÌ SAO NGƯỜI VIỆT NAM COI THƯỜNG TRUNG QUỐC?

Xem  thêm bài: "Vì sao người VN không ghét người Mỹ".

Báo Trung Quốc phân tích:


VÌ SAO NGƯỜI VIỆT NAM COI THƯỜNG TRUNG QUỐC? 

3.4.2012, Tác giả:  august211
Người dịch:  Băng Tâm
Chúng ta luôn muốn biết xem người Mỹ, người Châu Âu nghĩ gì về mình. Nhưng, xưa nay chưa bao giờ chúng ta suy nghĩ cho nghiêm túc xem trong con mắt người Việt Nam hôm nay, hình ảnh Trung Quốc rốt cuộc là như thế nào? Trong con mắt của không ít người Việt Nam, người Trung Quốc là những kẻ lừa đảo dốt nát, kiêu ngạo, chế tạo ra những sản phẩm rác. Nói thế chắc hẳn rất nhiều người sẽ không dễ chịu, nhưng đó lại là sự thực. 
Cách đây không lâu,  tờ “Newsweek” của Mỹ có đăng bài “Người Việt Nam coi thường hàng Trung Quốc”, nhiều người đọc xong đã không suy ngẫm cho nghiêm túc xem vì sao đến ngay cả một nước “nhỏ” như Việt Nam  mà cũng đánh giá thấp sản phẩm của Trung Quốc, lại còn chửi bới bừa bãi là người Mỹ “phỉ báng” Trung Quốc. Sự thực là, người Việt Nam không chỉ coi thường các sản phẩm của Trung Quốc, mà còn rất không thích cả người Trung Quốc.
Mấy năm gần đây, cùng với sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng khốc liệt, người Trung Quốc tới khai thác thị trường Việt Nam như ong vỡ tổ, ai cũng muốn đem sản phẩm của mình vào bán cho Việt Nam, hoặc đầu tư lập nhà máy tại Việt Nam. Người Trung Quốc tới như nước triều lên, rồi cuối cùng cũng rút đi như nước triều xuống, số thực sự đứng vững được ở Việt Nam rất ít. Những người thất bại gãy cánh ra về luôn chỉ trích môi trường đầu tư của Việt Nam kém, người Việt Nam không coi trọng nguyên tắc kinh doanh…
Nhưng với cùng một môi trường đầu tư, thế mà người Hàn Quốc, người Đài Loan, người Nhật Bản, thậm chí cả người Âu-Mỹ có sự khác biệt với văn hóa Châu Á rất lớn, hàng năm vẫn vớ bẫm được ở Việt Nam. Người khác thành công được ở Việt Nam là vậy, vì sao người Trung Quốc lại thất bại tập thể tại Việt Nam? Tôi cho là nên để chính người Trung Quốc tự tìm ra nguyên nhân thất bại.

Thiếu hiểu biết và ngộ nhận về Việt Nam  
Sự nhận thức về Việt Nam của phần lớn người Trung Quốc vẫn chỉ dừng lại ở hơn 20 năm về trước, trong con mắt những người này,  Việt Nam là từ được dùng để nói về sự nghèo khổ, lạc hậu, hỗn loạn. Do thiếu hiểu biết về Việt Nam, nên một số người đã nhẹ dạ tin vào những lời truyền nhau viển vông về Việt Nam trên mạng.
Như có người đã đưa lên mạng bài “Tôi làm giàu ở Việt Nam”, viết cứ như thật: Đến Móng Cái, “tôi” tới quầy thu đổi ngoại tệ, đổi 3000 tệ được hơn 6 triệu đồng tiền Việt Nam, đựng đầy cả một bao gai, rồi vác đống tiền đó tới Hà Nội ăn chơi ở khách sạn mười mấy ngày. Khi về nước, con gái một lãnh đạo công an địa phương cứ một mực đòi lấy “tôi” theo về Trung Quốc. Bài viết này nói lung tung từ đầu chí cuối, đúng là 3000 tệ đổi được hơn 6 triệu đồng tiền Việt Nam thật, nhưng mệnh giá lớn nhất của tiền đồng là 500 nghìn đồng, 6 triệu đồng cũng chỉ có 12 tờ tiền mỏng, ngay cả có đổi thành tiền 10 nghìn đi nữa thì cũng mới chỉ có 600 tờ, đâu phải dùng đến bao gai mà đựng? Nhà trọ gia đình ở Hà Nội giá một đêm khoảng 200 nghìn đồng, 6 triệu chi tiêu dè sẻn thì có thể nán lại Hà Nội được khoảng mươi ngày, còn nếu vung tay thì chắc một đêm không đủ. Ngay như chuyện con gái một lãnh đạo công an đòi lấy anh ta cũng chỉ là lời lẽ dung tục thuần túy. Cả bài viết dớ dẩn, đầy dung tục này thế mà đã có rất nhiều người tin, thế mới biết phần lớn người Trung Quốc thiếu sự hiểu biết về Việt Nam đến thế nào.
Thực ra, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện “cải cách kinh tế” từ 21 năm trước, hiện nay đã trở thành một trong những thị trường mới nổi có nhiều kẻ nhòm ngó nhất trên thế giới, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đứng ở vị trí hàng đầu. Các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…, cả về thu nhập bình quân đầu người lẫn mức sống đều không thua kém gì so với các thành phố lớn của ta, với chỉ số tiêu dùng thậm chí còn vượt cả không ít các thành phố lớn của ta.        
Vẻ mặt của người mới phất khiến cho người Việt Nam khó chịu  
Phần lớn người Trung Quốc đều lộ vẻ khúm núm trước người Âu-Mỹ, nhưng khi tới Việt Nam lạc hậu hơn Trung Quốc một chút, liền lập tức đổi thành vẻ mặt của người mới phất. Họ phưỡn bụng, nói năng ồn ào, ra dáng giàu có. Năm 2004, một người bạn của tôi tới Việt Nam đầu tư, nói là đầu tư, chứ thực ra cũng chỉ là mở một công ty nhỏ ở Hà Nội với 10 triệu tệ. Anh ta tự cảm thấy mình rất giàu, suốt ngày khoe “ở Trung Quốc đi xe gì xe gì”. Mới đầu người Việt Nam không nói gì, rồi nói nhiều quá họ đâm ra khó chịu.
Về sau, khi được một nhân viên mời về nhà dùng cơm, anh ta không còn dám coi thường người Việt Nam nữa. Bố mẹ nhân viên này làm việc ở Bộ văn hóa Việt Nam, anh trai là phó giám đốc một nhà xuất bản, cả nhà sống trong một ngôi biệt thự 5 tầng, diện tích mỗi tầng hơn 50 m2, dưới nhà để xe có hai chiếc ô tô, một chiếc Mercedes-Benz, một chiếc Ford. Dĩ nhiên, đây là một ví dụ tương đối đặc biệt, nhưng ngay cả những người Việt Nam bình thường cũng không phải là nghèo như chúng ta tưởng tượng. Việt Nam thực hành chính sách người dân làm giàu, phần lớn người Việt Nam đều có nhà riêng, ít nhất cũng có một chiếc xe máy, đồ điện máy gia dụng cũng đầy đủ cả. Những gia đình như vậy tuy chưa thể gọi là giàu, nhưng cũng dứt khoát không thể nói là nghèo.
  Hàng Trung Quốc là từ dùng để gọi hàng đểu
   Việt Nam là một cường quốc xe máy, một nước hơn 80 triệu dân có tới 17 triệu chiếc xe máy. Doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam sớm nhất là Lifan mà đại diện là nhà máy chế tạo xe máy. Năm, sáu năm trước, đường to ngõ nhỏ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tràn ngập xe máy Trung Quốc, mười mấy nhà máy chế tạo xe máy của Trung Quốc giành giật thị trường tại đây. Những nhà máy này đến rất nhanh, đi lại còn nhanh hơn, đã mấy năm rồi, trên đường phố hiện giờ cơ bản đã không còn nhìn thấy chiếc xe máy mác Trung Quốc nào, ngoại trừ một số mác xe trong nước loại rẻ,  50% người Việt Nam dùng xe máy Honda, Yamaha, Suzuki.
   Vì sao xe máy Trung Quốc lại bại trận ở Việt Nam? Các doanh nghiệp xe máy Trung Quốc đi vào thị trường Việt Nam chắc chắn là với động cơ chiến lược chủ yếu vì cho rằng nền kinh tế Việt Nam vừa mới bắt đầu, không đuổi kịp được Trung Quốc, nên đã nghĩ ở một nước có nền kinh tế khá lạc hậu như vậy thì đưa đồ giá thấp vào thị trường là chiến lược tốt nhất. Giá thấp tất nhiên là không thể tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, lại cộng thêm sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp Trung Quốc, nên đã bắt đầu vấp phải trận Waterloo.
Nhìn lại xe máy Nhật Bản, vào Việt Nam gần như cùng lúc với doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng do biết chú trọng đến chất lượng nên tuy giá đắt hơn xe máy Trung Quốc từ mấy đến mười mấy lần, vẫn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Sản phẩm Trung Quốc bất luận là dáng vẻ bề ngoài hay sự cơ động, chất lượng tổng thể đều lạc hậu hơn nhiều so với xe máy Nhật Bản, vì thế mà rất nhiều cửa hàng được mở để chuyên bán xe Trung Quốc đã bị sập sạch. Đến cả một nước nhỏ như Việt Nam mà cũng mất niềm tin với chất lượng sản phẩm của Trung Quốc, chẳng lẽ điều này không đáng để chúng ta phải suy ngẫm sao?  
Nguồn:  bbs.city.tianya.cn
Bản tiếng Việt © Băng Tâm 2012
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét