Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Hội nhập khu vực và quyền lực chính trị của giới tinh hoa ở Đông Á

Hội nhập khu vực và quyền lực
chính trị của giới tinh hoa ở Đông Á
MRTOO chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Christian Wirth*,
East Asia Forum
Một số diễn biến gần đây đã phơi bày những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa kinh tế và chính trị trong quan hệ quốc tế của các nước Đông Á.
Một mặt, các cơ chế hợp tác ngày càng được củng cố, nhất là các cơ chế liên quan đến quản trị kinh tế khu vực. Điều đó được thấy rõ trong sự mở rộng của các hợp đồng hoán đổi tiền tệ như Sáng kiến Chiang Mai (Chiange Mai Initiative), trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 (bao gồm 10 nước thành viên ASEAN, và 3 đối tác là Trung quốc, Nhật bản và Hàn quốc), được cho là phản ứng chính yếu trong khu vực đối với cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu. Nó cũng có thể được thấy trong các động thái mới của cuộc đàm phán thương mại tự do, được phát triển sau khi chính quyền Tổng thống Obama nối lại đàm phán Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một nỗ lực làm sống lại các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc-Nhật-Nam Hàn, ASEAN+3, ASEAN+6, và các cuộc đàm phán thương mại tự do khác.

 

Cũng trong cùng thời điểm đó, Viên Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute) đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về giao dịch vũ khí toàn cầu, xuất bản vào tháng Ba vừa rồi. Họ đưa ra một kết quả hết sức kinh ngạc. Trong sự tăng trưởng 24% tổng khối lượng giao dịch vũ khí toàn cầu thì năm nước nhập khẩu vũ khí hạng trung lớn nhất từ năm 2007 đến năm 2011 gồm có: Ấn Độ, Nam Hàn, Trung Quốc và Singapore – tất cả đều ở Châu Á. Chiếu theo sự tồn tại của một số điểm nóng ở châu Á như eo biển Đài Loan hay vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triểu Tiên, và sự bất ổn an ninh trên biển thời gian gần đây thì xu hướng này cần được xem xét một cách thận trọng. Một sự kiện gần đây nữa là trong tháng 9 năm 2010, một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ gần vùng đảo Điếu Ngư đang có tranh chấp – đã cho thấy sự thiếu sót của việc tách biệt những nghiên cứu về kinh tế và chính trị trong phân tích tình hình khu vực. Hai vấn đề này không thể tách rời nhau nếu chúng ta muốn có sự hiểu biết tổng thể về những biến chuyển trong khu vực Đông Á.

Bình luận về những xu hướng này, những học giả hàng đầu cho rằng trật tự Châu Á – Thái Bình Dương thời hậu Đệ nhị Thế chiến sẽ không thể tiếp tục tồn tại và kêu gọi sự thành lập của “Liên minh Châu Á” nhằm tránh các cuộc xung đột hiện tại của các nước lớn. Theo trường phái này, những chiến lược ngăn chặn đơn giản là chưa đủ đối với các cường quốc mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Nước này cần phải được trao cho nhiều ‘không gian’ hơn – đó là một vai trò hợp pháp, được công nhận trong các mối quan hệ của khu vực châu Á Thái Bình Dương với quốc tế. Để làm được điều này thì cũng phải đòi hỏi Hoa Kỳ từ bỏ vị thế đứng đầu của mình trong khu vực này. 
Nhưng có một thiếu sót lớn trong khái niệm về cân bằng quyền lực này: kỷ nguyên của đường lối chính trị đối ngoại phong cách châu Ấu ở thế kỷ 19 đã kết thúc. Chính sách đối ngoại đã không còn được quyết định chỉ bởi một thiểu số tinh hoa của mỗi quốc gia. Niềm tin vào các nhà lãnh đạo hàng đầu, cho dù họ có ngồi trên vị trí lãnh đạo một thời gian dài, không đủ để làm nền tảng tốt cho những mối quan hệ quốc tế bền vững. Thay vào đó, việc quyết định chính sách ngoại giao phải đáp ứng được những đòi hỏi từ chính trị nội địa.
Sự mâu thuẫn giữa kinh tế với chính trị và căng thẳng giữa chính sách của nhóm đặc quyền với ý kiến công chúng hiển hiện rất rõ khi Bắc Kinh bằng con đường ngoại giao đã lôi kéo Nhật Bản vào cuộc tranh chấp trên biển Đông Hoa năm 2008. Trong sự kiện đó, nỗ lực của Trung Quốc trong việc chính thức hóa những thỏa thuận ngầm giữa các lãnh đạo cao cấp của hai nước trước đó – điển hình như lời kêu gọi của Đặng Tiểu Bình về việc “gác lại” những xung đột chính trị – cuối cùng đã thất bại. Đó không chỉ bởi quan điểm cứng rắn không khoan nhượng của Nhật. Nó còn đến từ sự phản đối của công chúng, từ cả các học giả Trung quốc và người dân về những yếu kém từ các lãnh đạo của Trung Quốc trước những đòi hỏi trong quan hệ đối ngoại.
Tương tự như các lời kêu gọi điều chỉnh cán cân quyền lực, những bài thuyết giảng của những người theo chủ nghĩa cục bộ, địa phương Châu Á lại có những bênh vực thiên lệch cho nhóm tinh hoa. Trong khi những người kêu gọi điều chỉnh cán cân quyền lực cho rằng chính sách đối ngoại có thể thực thi một cách ít nhiều độc lập với chính sách nội địa, thì những người cổ vũ chủ nghĩa châu Á cục bộ lại ngầm giả định rằng tăng trưởng kinh tế, được đẩy mạnh bằng tự do thương mại và các chính sách liên quan, sẽ gây ra hiệu ứng thấm nhập đủ mạnh để duy trì kết dính xã hội và từ đó làm hệ thống chính trị hiện thời trở nên chính danh hơn. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại với mức chênh lệch thu nhập lớn và những vấn đề về môi trường cũng như xã hội ở Đông Á, người ta phải đặt câu hỏi: Vậy thì cái gì thực tế đang hội nhập, ai là người đang hợp tác và họ hợp tác vì mục đích gì?
Công bằng mà nói, sự hợp tác và thống nhất trong khu vực châu Âu là sự sắp đặt của những nước lớn với mục đích tạo ra tính cạnh tranh và giàu mạnh về kinh tế từ bên trong. Nhưng với mục tiêu hiện tại được ưu tiên của các chính phủ Đông Á là phát triển kinh tế thì hoàn cảnh lịch sử trong sự hòa nhập của các nước châu Âu đầu thế kỷ 20 khác rất nhiều so với các nước Đông Á hiện tại.
Dân số và các trung tâm kinh tế chính trị của châu Á hiện nay tập trung chủ yếu ở một số trung tâm thành thị lớn, điều này là do kết quả của những chính sách phát triển trong quá khứ và hiện tại. Nó dẫn đến sự phân hóa chiều ngang trong xã hội giữa nông thôn và thành thị, và sự phân hóa theo chiều dọc giữa thiểu số người giàu có và số lượng ngày càng gia tăng những người nghèo khổ. Trung Quốc hiện có 240 triệu ‘lao động nhập cư’ là một ví dụ rõ ràng nhất cho điều này.
Câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo Đông Á là làm thế nào để duy trì lực kết dính trong xã hội của họ trong xu hướng hiện nay. Câu trả lời sẽ có những liên quan mật thiết cho việc thực thi chính sách đối ngoại và an ninh, và liên quan đến trật tự tương lai trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nếu những nhà lãnh đạo hiện tại vẫn chạy theo những lợi ích vật chất hay lo sợ sự “hỗn loạn”, bám vào những thói quen cũ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ còn tiếp diễn. Đó không phải là dự báo lạc quan cho tương lai của Đông Á cho dù tăng trưởng kinh tế có tiếp diễn ra như mong đợi.
Các nước Đông Á đang tiến lại gần với nhau hơn cả về kinh tế và xã hội là điều không phải bàn cãi. Thế nhưng để nắm bắt những tiến trình xã hội ẩn sâu bên trong những chính sách kinh tế và an ninh còn phụ thuộc vào những phân tích sâu hơn về tính chính danh của chính trị nội địa, đặc biệt là khi mức tăng trưởng về kinh tế tự nó chưa đủ để đảm bảo tính chính danh cho hệ thống chính trị.
* Christian Wirth là Nghiên cứu sinh tại Đại học Waseda và là Trợ giáo tại Đại học Sophia ở Tokyo.
© 2012 Bản tiếng Việt TCPT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét