Ông Allan Metcalf viết nguyên một cuốn sách về OK. Ông nói OK không chỉ là một từ vĩ đại, nó còn là một từ quan trọng, một sản phẩm thành công nhất mà người Mỹ đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Nó còn bao gồm triết lý sống và cách suy nghĩ của người Mỹ.

Ông nói cái hay của nó là chỉ vỏn vẹn hai mẫu tự mà vừa đẹp, vừa đơn giản, vừa tiết kiệm. Nó còn mang tính thực dụng của người Mỹ. Nó không hàm ý mọi chuyện đều hoàn hảo, vượt mức mong đợi, mà chỉ mang tính trung lập, có người còn gọi là ba phải.

Khi có ai hỏi bạn có khỏe không, bạn trả lời tôi OK, như vậy không có nghĩa là bạn khỏe như voi và cũng không có nghĩa là bạn đang bệnh liệt giường.

Có nhiều giai thoại về xuất xứ của OK, ở đây chỉ xin kể ba giai thoại.


Thứ nhất, từ này bắt đầu do một trò đùa. Ngày 23 tháng 3 năm 1839, một tờ báo ở Boston dùng từ này đầu tiên, và giải thích rằng “ok” là viết tắt của “all correct,” mọi thứ đều chính xác. Nhưng tại sao lại chính xác khi “o” không bắt đầu cho “all” và “k" không bắt đầu cho “correct?” Do đó, ngay từ đầu, những gì gọi là chính xác cũng chưa hẳn là chính xác, mà chỉ là OK.

Thứ hai, một năm sau đó, 1840, ông Martin Van Buren ra tranh cử tổng thống lần nữa. Ông này vốn xuất thân từ khu Kinderhook của New York. Những người ủng hộ ông tái tranh cử gọi ông là lão già ở Kinderhook - Old Kinderhook - và nhiều nơi trên nước Mỹ lập ra những nhóm ủng hộ ông, lấy tên là OK Club. Thế là cái từ này gây ồn ào trở lại.

Thứ ba, người ta đồn rằng Tổng thống Andrew Jackson, lãnh đạo Hoa Kỳ từ 1829 đến 1837 thường hay phê “OK” vào các văn thư trình lên ông để tỏ ý chấp thuận. Trong vòng 20 năm sau đó, các vị lãnh đạo trong các ngành nghề khác bắt chước lối phê này để ra điều mình cũng làm như tổng thống. Tác giả Allan Metcalf nói sự thực Tổng thống Andrew Jackson không hề phê “OK” vào các văn thư, nhưng tin đồn đó đã tạo ra một phong trào và giúp biến từ này thành một từ thông dụng.

Tác giả Allan Metcalf vẫn còn dạy môn Anh ngữ tại trường cao đẳng MacMurray ở thành phố Jacksonville, tiểu bang Illinois. Ông còn là Tổng thư ký lâu năm của hội các nhà Phương ngữ Hoa Kỳ.

Ông vẫn cố vận động để cả nước Mỹ xem ngày 23 tháng 3 là ngày ‘OK Day’ để kỷ niệm ngày từ này xuất hiện đầu tiên.

Ông nói ngoài ông ra còn một người nữa, Thomas Harris, cũng viết
một quyển sách có tựa 'I'm OK -- You're OK.' Theo ông, sách này phản ánh tâm lý yêu chuộng tự do của người Mỹ:

"'I'm OK' có nghĩa là tôi có thể làm những gì tôi muốn. 'You're OK' có nghĩa là bạn có thể làm những gì bạn muốn. Có thể là chúng ta không làm giống nhau, nhưng như vậy cũng OK.”