Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Lưu vực sông Mê kông, địa bàn thách đố của Hoa Kỳ

Lưu vực sông Mê kông, địa bàn thách đố của Hoa Kỳ

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long & VN 2020 Mekong Group
Ngô Thế Vinh 


Tại Hội Nghị ASEAN diễn ra tại Phuket, Thái Lan 07-2009 Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã khẳng định “Hoa Kỳ trở lại khu vực Đông Nam Á”
“Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á. Tổng Thống Obama và tôi tin rằng khu vực này là thiết yếu cho tiến trình toàn cầu, cho hòa bình và thịnh vượng và chúng tôi mở rộng cam kết với các thành viên thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á trên mọi thách đố trong tương lai.” Ngoại trưởng Hillary Clinton, ASEAN Summit 07/ 28/ 2009
“Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có một cam kết chiến lược và nghĩa vụ tinh thần nhằm bảo vệ sức khỏe và an sinh của cư dân sống phụ thuộc vào con Sông Mekong với nguồn tài nguyên và nếp sống của họ.” Thượng nghị sĩ Jim Webb’s Press Releases12/ 08/ 2011
SỰ TRỞ LẠI MUỘN MÀNG CỦA HOA KỲ
Sau Chiến Tranh Việt Nam, sự vắng bóng của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á đã để lại một khoảng trống về địa dư chánh trị, và đây cũng chính là vận hội để một Trung Quốc với tham vọng mau chóng lấp đầy. Với sức bành trướng của Trung Quốc từ kinh tế tới quân sự ngày càng đè nặng trên 5 quốc gia trong lưu vực sông Mekong, cộng thêm với những động thái hung hãn của Bắc Kinh nhằm “Tây Tạng Hóa vùng Biển Đông/Tibetization of South China Sea”, nói theo ngôn từ rất tượng hình của B.A. Hamzak, thuộc Viện Hàng hải Mã Lai (Malaysian Institute of Maritime Affairs), đang trực tiếp đe dọa tới những quyền lợi thiết thân của chính nước Mỹ, đã đến lúc chánh quyền Tổng thống Obama không thể không quan tâm tới sự thách đố của Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất thế giới đang nhanh chóng vươn lên như một siêu cường cả về kinh tế lẫn quân sự. Bắc Kinh không chỉ cạnh tranh ráo riết mà còn với tham vọng vượt qua Mỹ trong thập niên tới của thế kỷ này. Nguy hiểm hơn nữa, nói theo ngôn từ của Jane Perlez, báo New York Times, đó là một “cạnh tranh mất-còn (zero-sum game).” [9] Do đó, một chiến lược trở lại với khu vực Đông Nam Á của Hoa Kỳ là một tiến trình tất yếu chứ không phải là ngẫu nhiên.

Hoa Kỳ là một trong những nước tài trợ cho Ủy Hội Sông Mekong, đồng thời cũng đã từng viện trợ cho các quốc gia Mekong, lại có tiếng nói đầy quyền uy trên các tổ chức ngân hàng lớn của thế giới như World Bank (WB) và Asian Development bank (ADB) … với tư thế đó cùng với hành động tích cực dấn thân, Hoa Kỳ hy vọng có thể tìm lại thế đứng, với “vai trò đối trọng” hạn chế được phần nào sức bành trướng của Trung Quốc trong lưu vực.
KHỞI ĐẦU TỪ HÀNH PHÁP
Từ Hội nghị ASEAN [Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á], ngày 23-07-2009, theo yêu cầu của Mỹ đã có thêm một cuộc họp bên lề của Ngoại trưởng 5 nước: phía Mỹ là Hillary Rodham Clinton, cùng với 4 Ngoại trưởng vùng Hạ Lưu Sông Mekong bao gồm có Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam tại Phuket, Thái Lan. Đại diện cho Việt Nam lúc đó là Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm kiêm Phó Thủ tướng.
Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vùng Hạ Lưu Sông Mekong (Lower Mekong Basin) và mỗi quốc gia đối với Hoa Kỳ, cùng với cam kết hỗ trợ nhằm thăng tiến hòa bình và thịnh vượng cho khu vực ASEAN như một toàn thể. Ngoại trưởng 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ với các quốc gia Hạ Lưu trong những lãnh vực có ý nghĩa hỗ tương nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong vùng.
Tiếp theo đó là một tuyên cáo, liên quan tới những vấn đề quan tâm chung, đặc biệt là trong các lãnh vực Môi trường, Y tế, Giáo dục, và Phát triển Hạ tầng (infrastructure development) trong khu vực.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ mối quan tâm về ảnh hưởng tác hại từ những con đập đối với “An Ninh Lương Thực” trong vùng, trong đó phải kể tới tầm quan trọng của nguồn cá sông Mekong là nguồn protein chính đối với cư dân trong lưu vực.
Tưởng cũng nên nói thêm, chính Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đã và đang xây chuỗi 15 con đập thủy điện dòng chính sông trên khúc sông Lancang-Mekong thượng nguồn, và còn sở hữu thêm 4 dự án đập dòng chính trong số 11 dự án Hạ Lưu sông Mekong.
Ngoại trưởng 5 nước đã thảo luận về các lãnh vực bao gồm biến đổi khí hậu và làm thế nào để đáp ứng có hiệu quả; phòng chống bệnh truyền nhiễm; mở rộng ứng dụng kỹ thuật cho giáo dục và đặc biệt quan tâm đến vùng nông thôn; cũng như phát triển hạ tầng.Các Ngoại trưởng đã xét duyệt những nỗ lực đang tiến hành, và đồng ý mở ra những lãnh vực hợp tác mới; và đặc biệt hoan nghênh sáng kiến “Kết Nghĩa Giữa Hai Ủy Hội Sông Mekong và Sông Mississippi (Sister-River Partnership)” nhằm chia xẻ kinh nghiệm chuyên môn trong các lãnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, đương đầu với lũ lụt và hạn hán, khai thác thủy điện và lượng giá ảnh hưởng, quản lý nguồn nước và quan tâm tới an ninh lương thực.
Với Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong (Lower Mekong Initiative, LMI) của Ngoại trưởng Hillary Clinton, mục đích là tạo thuận và phối hợp cách ứng xử với những thách đố trong phát triển của toàn vùng qua các hội nghị trao đổi thông tin kỹ thuật, những cuộc hội thảo huấn luyện, và những những thăm viếng khảo sát,. Các quốc gia Mekong đều bày tỏ thái độ tích cực đón nhận Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong.
Với 22 triệu MK dự chi cho các chương trình môi sinh của 4 quốc gia Hạ Lưu sông Mekong; một phần ngân khoản ấy cũng được sử dụng cho việc “Kết Nghĩa giữa hai Ủy Hội Sông Mekong và Mississippi” nhằm thăng tiến quản lý nguồn nước xuyên quốc gia (trans-boundary water resources), qua kinh nghiệm từ Lưu vực Sông Mississippi. Số tiền ấy cũng được dùng qua cơ quan USAID (US Agency for International Development) cho việc nghiên cứu ảnh hưởng thay đổi khí hậu trên nguồn nước, an ninh lương thực và trên cuộc sống cư dân trong lưu vực.
Theo Aviva Imhof, Giám Đốc truyền thông của Mạng Lưới Sông Quốc Tế (International River Network) thì qua Cơ Quan Khảo Sát Địa Chất Mỹ (US Geological Survey / USGS), Hoa Kỳ có thể đóng góp phần hỗ trợ kỹ thuật trong việc thu thập dữ kiện về thủy văn/ hydrology, sinh thái, lưu lượng phù sa và phẩm chất nước với bảo đảm rằng những thông tin ấy cũng được phổ biến rộng rãi tới quần chúng. [2]
Sáng kiến LMI được xem là có phần nào ảnh hưởng tới động lực phát triển trong lưu vực/ regional dynamics, và gây sự chú ý tới những vấn đề địa chánh trị đang bị thử thách.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng đã tiến tới thành lập một “Nhóm Bạn Mekong (Friends of the Mekong)” hợp tác song phương với các cơ quan tài trợ như ADB và WB. Như vậy, LMI đã bước đầu kết hợp cả hai “quyền lực mềm và khôn ngoan”. [3]
Cho dù thực chất ban đầu còn là chưa đáng kể, nhưng dấu hiệu tái cam kết của Mỹ với các quốc gia Mekong và ASEAN đã bắt đầu khiến Trung Quốc đã phải quan tâm nhiều hơn tới các cộng đồng cư dân và các chánh phủ hạ lưu sông Mekong. Gần đây, Trung Quốc đồng ý chia xẻ phần “thông tin vận hành / operational data” nhiều hơn với Ủy Hội Sông Mekong và cũng rất tượng trưng,cho phép một số viên chức tới thăm 2 con đập Tiểu Loan/ Xiaowan [ 4,200 MW] và Cảnh Hồng/ Jinhong [1,350 MW] trong số những con đập thủy điện dòng chính thượng nguồn đang hoạt động thuộc tỉnh Vân Nam.
TỚI GIỚI LẬP PHÁP HOA KỲ
Cùng với tiếng nói bên Hành Pháp, đã có sự cộng hưởng của cả giới Lập Pháp nhất là từ Thượng viện Hoa Kỳ. Thượng Nghị Sĩ Jim Webb với tư cách là chủ tịch Tiểu Ban Đông Á và Thái Bình Dương Sự vụ của Thượng viện (Senate East Asian and Pacific Affairs Subcommittee), đã rất năng động từ nhiều năm nhằm ngăn ngừa những tổn hại không thể đảo nghịch về môi trường (irreversible damages) do hậu quả của các đập thủy điện trên sông Mekong.
Là Thượng Nghị SĩDân Chủtiểu bang Virginia từ 2006, tốt nghiệp Học viện Hải Quân 1968, từng phục vụ trong đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam tới 1972 với nhiều thành tích và huy chương. Sau đó là một luật sư, thời chính quyền Tổng Thống Reagan, ông từng là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, sau đó là Bộ Trưởng Hải Quân. Jim Webb còn là tác giả của 9 cuốn sách, đoạt giải Emmy về báo chí, là một nhà làm phim. Ông nói được tiếng Việt. Jim Webb là một tiếng nói rất năng động, được báo Washingtonian Magazine bầu chọn là một “Ngôi Sao Đang Lên/ Rising Star” tại Thượng viện Hoa Kỳ. 

Hình II_ Thủ Tướng Hun Sen tiếp Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, 19/ 08/ 2009 trong chuyến du hành qua 5 quốc gia Đông Nam Á. Nguồn: Office of Senator Jim Webb

Năm 2009, TNS Webb đã thực hiện chuyến du hành 2 tuần qua 5 quốc gia Đông Nam Á để khảo sát các dự án phát triển sông Mekong và các phương thức xử dụng nước xuyên lưu vực. Ông cũng vận động lôi kéo được nhiều viên chức ngoại giao Hoa Kỳ, các chánh trị gia hoạch định chánh sách, các chuyên gia môi trường và giới học giả quan tâm tới những nguy cơ phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái của của con Sông Mekong và tầm quan trọng của Sông Mekong đối với phát triển kinh tế và xã hội của vùng Đông Nam Á.
Ngày 12/08/2012, Ủy Hội Sông Mekong thông báo về quyết định từ Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng tại Siem Reap là hoãn xây con đập Xayaburi, cũng là con đập dòng chính đầu tiên thuộc Lưu Vực Dưới Sông Mekong, bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, với lý do để có thêm thời gian nghiên cứu về tác hại môi trường của con đập. Ngay cùng ngày, từ thủ đô Washington, TNS Jim Webb đã phát biểu “Đây là bước quan trọng hướng tới một chánh sách trách nhiệm (responsible policy) nhằm bảo vệ những điều kiện kinh tế và môi trường cho hơn 60 triệu cư dân trong lưu vực.” TNS Webb tiếp: “Những nỗ lực của MRC để duy trì sự ổn định môi trường và kinh tế của vùng Hạ Lưu Mekong chứng tỏ ước muốn tôn trọng quyền hạn về nguồn nước của các quốc gia trong lưu vực và đồng thời cũng quan tâm tới “những tiêu chuẩn chính đáng về môi trường (proper environment standards)” khi đánh giá những dự án xây đập thủy điện.” [4]
Trước đó, TNS Jim Webb cũng đã tổ chức một buổi điều trần ngày 23 tháng 09, 2010 trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện với đề tài: “Thách Đố về Nước và An Ninh Khu Vực Đông Nam Á”ngoài tiếng nói của Joseph YunPhụ tá Thứ Trưởng Ngoại giao đặc trách Đông Nam Á/ Deputy Assistant Secretary of State for Southeast Asia phía Hành pháp, còn có những tiếng nói thẩm quyền và uy tín từ các tổ chức Phi Chánh phủ NGOs như Richard Cronin [The Stimson Center], Aviva Imhof [International Rivers Network], Dekila Chungyalpa [Greater Mekong ProgramWorld Wildlife Fund for Nature] [1]
Ủy Ban Ngoại giao Thượng viện sau đó đã chuẩn thuận nghị quyết của TNS Webb kêu gọi các đại diện Hoa Kỳ nơi các ngân hàng phát triển đa quốc cần tuân thủ triệt để/ strict adherence “những tiêu chuẩn quốc tế về môi trường” trong bất cứ một tài trợ ngân sách nào cho dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Nghị quyết này như một hỗ trợ cho MRC tuân hành theo thủ tục “tham khảo trước / prior consultation process” cho mỗi dự án xây đập và đồng thời cũng kêu gọi cả Miến Điện và Trung Quốc gia tăng hợp tác với MRC.
Nghị quyết ấy cũng kêu gọi hoãn xây các con đập dòng chính sông Mekong đồng thời thuyết phục chánh quyền Tổng Thống Obama tăng thêm ngân sách cho Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong / LMI, hỗ trợ cho “các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở” và tìm giải pháp bền vững thay thế cho các dự án đập thủy điện dòng chính Mekong.
Trong một lá thơ gửi Ngoại trưởng Hillary Clinton vào ngày 27 tháng 10, 2010, TSN Webb đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao tiến xa hơn nữa trong tăng cường hợp tác và thăng tiến phát triển bền vững đối với các dự án đập thủy điện dòng chính Sông Mekong.
TNS Webb phát biểu: “Là một thành viên tài trợ cho MRC, Hoa Kỳ chuẩn bị xem xét việc rút lại ngân khoản đóng góp nếu như các chương trình về con đập không đạt được tiêu chuẩn môi trường được quốc tế chấp nhận.” Và ông đề nghị Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu lên các vấn đề ở mọi cập bậc, vói tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm cả Thái Lan và Trung Quốc – là hai quốc gia tài trợ chính cho các dự án đập dòng chính Hạ Lưu Mekong.
“Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có một cam kết chiến lược và nghĩa vụ tinh thần / strategic and moral obligation nhằm bảo vệ sức khỏe và an sinh của cư dân sống phụ thuộc vào con sông Mekong cùng với nguồn tài nguyên và nếp sống của họ.” [5]
Người viết thấy cần ghi chú thêm ở đây là ngân khoản Hoa Kỳ đóng góp hàng năm cho MRC không phải là lớn so với các quốc gia khác, hơn thế nữa phải thấy rằng MRC không có chức năng của một cơ quan điều hợp / regulatory agency, ngoài khả năng tích lũy những hiểu biết và có kỹ thuật để hỗ trợ và tham vấn các quốc gia thành viên.
Toàn văn bản Nghị quyết 227 của Thượng viện [thông qua 07/07/2011], và được đồng bảo trợ của các TNS John Kerry, Massachusetts, Chủ tịch Ủy ban Ngoại Giao Thượng Viện, TNS Richard Lugar, Indiana và TNS James Inhofe, Oklahomavới toàn văn bản nội dung như sau [6]:
Mekong là con sông dài thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy suốt 3 ngàn dặm qua Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Khúc Sông Mekong Hạ Lưu là nguồn nước ngọt, nguồn thực phẩm và cơ hội kinh tế cho hơn 60 triệu dân lưu vực.
Sự đa dạng sinh học của sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, với khoảng 1,500 chủng loại cá trong số đó có hơn 1/3 thuộc loại di ngư/ migratory fish, ngược dòng Mekong và các phụ lưu trong chu kỳ sinh sản và tăng trưởng; đa số thuộc loại cá đánh bắt trao đổi thương mại.
Sông Mekong cũng là cái nôi của 2 quốc gia xuất cảng gạo lớn nhất là Thái Lan và Việt Nam [Ghi chú của người viết: vựa lúa của Thái Lan chủ yếu phụ thuộc vào đồng bằng châu thổ sông Chao Phraya chứ không phải sông Mekong]và là vựa cá nước ngọt lớn nhất với 4 triệu tấn mỗi năm trị giá lên tới 9 tỉ MK và cũng chiếm tới 80% lượng protein động vật của cư dân lưu vực.
Trung Quốc đã và đang xây 15 con đập trên dòng chính Mekong thượng lưu; Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam cũng đang hoạch định xây hoặc tài trợ cho 11 con đập dòng chính trên khúc sông Mekong hạ lưu. Các cuộc nghiên cứu khoa học đã rất quan tâm tới ảnh hưởng tác hại của các con đập dòng chính trên dòng chảy, nguồn cá và sinh vật hoang dã.
MRC là một tổ chức bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam qua một Hiệp Định Hợp Tác Phát Triển Bền Vững được ký kết tại Chiang Rai tháng 04, 1995 với thỏa thuận hợp tác quản lý con sông Mekong, phát triển theo hướng bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.
Mọi thành viên MRC cùng đồng ý “bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường, đặc biệt với lượng và phẩm chất nước, hệ sinh thái nước, và sự cân bằng sinh thái của toàn con sông, do phát triển và xử dụng các nguồn nước Lưu vực Sông Mekong.” [Điều 7, Mekong Agreement 1995]
MRC đã bảo trợ cho công trình Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược (Strategic Environment Assessment) đối với dự án các con đập dòng chính hạ lưu sông Mekong, và đã đi tới kết luận là các con đập có thể gây hậu quả nghiêm trọng về môi sinh bất khả phục hồi, cùng với những tổn thất lâu dài về tính đa dạng sinh học và sự lành mạnh của toàn hệ sinh thái sông Mekong.
Những thay đổi ấy có thể đe dọa tới “An Ninh Lương Thực” trong vùng, ngăn chặn nguồn di ngư, gây tổn thất trên tính đa dạng sinh học, giảm dòng chảy phù sa, gia tăng nạn nhiễm mặn, giảm lượng nông phẩm, và gây bất ổn cho các nhánh sông rạch và cả gây xạt lở vùng cận duyên Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Hoa Kỳ có những quyền lợi đáng kể cả về kinh tế và chiến lược trong lưu vực sông Mekong và những quyền lợi ấy có thể bị đe dọa nếu như việc xây những con đập dòng chính ấy có thể gây bất ổn chánh trị trong vùng/ region’s political stability at risk.
Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong / LMI do Bộ Ngoại Giao Mỹ khởi xướng vào tháng 7, 2009 liên kết 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam trong những “vấn đề an ninh về nước/ water securities issues”, xây dựng tiềm năng vùng, và tạo thuận cho hợp tác đa phương trong vấn đề quản trị hữu hiệu các nguồn nước.
Tài trợ cho Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong khởi đầu chú tâm tới tới ba trụ (pillars): môi trường, y tế và giáo dục — riêng trụ thứ 4, cơ sở hạ tầng thì hầu như bỏ ngỏ và không có ngân khoản. Trong khi cơ sở hạ tầng là yếu tố thiết yếu thăng tiến khả năng điều hợp việc xây dựng các công trình thủy điện trong vùng.
Ngày 22 tháng 9, 2010, Lào gửi tới MRC dự án đập Xayaburi để dược xét duyệt/ review; đây là con đập hạ lưu đầu tiên trong chuỗi 9 con đập dòng chính trong lãnh thổ Lào [Ghi chú của người viết: 2 con đập kia là Stung Treng và Sambor trong lãnh thổ Cam Bốt].
Ngày 19 tháng 4 năm 2011, các đại diện Ủy Ban Liên Hợp (Joint Committee MRC) họp để thảo luận về dự án đập Xayaburi đã không đạt được sự đồng thuận nhưng cũng đồng ý với nhau rằng quyết định sẽ được hoãn lại cho tới kỳ họp cấp Bộ trưởng của 4 nước sắp tới.
Ngày 8 tháng 5, 2011, chánh phủ Lào đồng ý tạm hoãn công trình Xayaburi với kế hoạch khảo sát thêm về lượng giá môi trường (environmental assessment), nhằm đáp ứng mối quan tâm của các quốc gia láng giềng. 

Hình III _ Hội Nghị Thượng đỉnh ASEAN17/ 11/ 2011 tại Bali, Indonesia, với chủ đề “Cộng Đồng ASEAN trong Cộng Đồng Thế Giới”:Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đứng cạnh Tổng Thống Obama Hoa Kỳ nhưng mỗi người đang nhìn về một hướng. Nguồn:Photo Reuters

Từ những dữ kiện trên, Thượng Viện Hoa Kỳ:
kêu gọi chánh phủ Mỹ nhận định rõ sự khác biệt hoàn cảnh giữa các quốc gia ven sông Mekong, bao gồm các khía cạnh năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, và đồng thời hỗ trợ cho nền tảng phát triển hiệu quả (cost-effective) đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo khó.
kêu gọi các đại diện của Hoa Kỳ trong các ngân hàng phát triển đa quốc gia vận dụng tiếng nói và quyền đầu phiếu đề chống lại việc hỗ trợ tài chính cho các dự án đập thủy điện dòng chính Mekong nếu chưa được phối hợp đầy đủ trong phạm vi vùng và có thể gây những tác hại đáng kể về môi trường, đời sông cư dân, và phát triển kinh tế ven sông và trong lưu vực.
khuyến khích Hoa Kỳ gia tăng cam kết với các quốc gia Mekong qua Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong / LMI và gia tăng hỗ trợ “năng lượng và an ninh nước” thuộc vùng Đông Nam Á.
kêu gọi chánh phủ Hoa Kỳ lãnh đạo Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong / LMI quan tâm nhiều hơn tới khả năng xây dựng các dự án về năng lượng và cơ sở hạ tầng nước.
hoan nghênh quyết định của chánh phủ Lào tạm hoãn xây công trình đập Xaburi để đáp lại mối quan tâm của các quốc gia lân bang.
hỗ trợ hoãn xây chuỗi các con đập dòng chính Mekong cho tới khi các cuộc lượng giá môi sinh hoàn chỉnh, đồng thời với kế hoạch điều hợp đa phương được hoàn tất.
kêu gọi mọi quốc gia ven sông Mekong, bao gồm cả Trung Quốc tôn trọng quyền của các quốc gia khác trong lưu vực và cần quan tâm tới bất cứ sự bất đồng hay mối e ngại nào đối với các dự án đập sông Mekong.
khuyến khích các thành viên của MRC tôn trọng thủ tục “tham vấn trước/ prior consultation” qua tiến trình xây đập trải vớicác giai đoạn như: Thủ tục Thông báo (Procedures for Notification), Tham vấn trước (Prior Consultation), Chuẩn thuận (Agreement).
Kêu gọi các chánh phủ Miến Điện và Trung Quốc cải thiện hợp tác với MRC, chia xẻ thông tin về lưu lượng nước và tham dự vào các tiến trình quyết định trong vùng (regional decision-making processes), trong phát triển và xử dụng sông Mekong. Và:
hỗ trợ các quốc gia hạ lưu Mekong thu thập dữ kiện và phân tích ảnh hưởng các dự án phát triển dọc theo sông Mekong.
MỘT KHỞI ĐẦU RẤT TƯỢNG TRƯNG CỦA HOA KỲ
Sự trở lại khu vực Đông Nam Á của Hoa Kỳ qua Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong / LMI, còn mang tính cách rất tượng trưng với một ngân khoản đầu tư chưa tương xứng so với tầm vóc của chánh sách và nhu cầu của các quốc gia trong lưu vực. Lại càng chưa thể nói là có khả năng “đối trọng” đối với áp lực bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, khi mà Bắc Kinh đang ở thế thượng phong trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong (Greater Mekong Subregion) so với Hoa Kỳ trong nhiều lãnh vực:
_ TQ có một địa dư tiếp cận, sở hữu một nửa chiều dài con sông Lancang-Mekong chảy xuyên suốt qua 6 quốc gia thay vì là cả một khoảng cách đại dương.
_ TQ đang và sẽ sở hữu thêm những con đập dòng chính khổng lồ trên thượng nguồn khiến con sông Mekong trở “thành tháp nước và nhà máy điện” của Trung Quốc.[8]
_ TQ đã và đang mở rộng những đặc khu kinh tế SEZs (Special Economic Zones) “Made in China” trong lưu vực [ Lào, Cam Bốt, Việt Nam] với nhân lực tài lực và các hạ tầng cơ sở có khả năng bám trụ lâu dài.
_ TQ có một lực lượng quân sự được quyền ngang nhiên tuần tra trên sông Mekong bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc từ tháng 12, 2011 nhằm bảo vệ an ninh và những đặc quyền kinh tế. [7]
_ TQ đang tận khai thác tình trạng phân hóa khối ASEAN và các quốc gia Mekong, điển hình là sự rạn vỡ của ba nước Đông Dương với Cam Bốt và tiếp theo là Lào đang tách rời Việt Nam đi dần vào quỹ đạo của Bắc Kinh.
_ TQ có một nguồn tiền gần như vô hạn, là chủ nợ của Hoa Kỳ, và dư khả năng để tài trợ cho các công trình cơ sở hạ tầng và cả những con đập hạ lưu sông Mekong.
Ngay cả chưa nói tới nguồn tiền từ Trung Quốc, khai thác thủy điện sông Mekong nay có phần dễ dàng hơn nhiều khi mà số vốn đầu tư có thể đến từ những ngân hàng thương mại địa phương [như Thái Lan, Mã Lai, Việt Nam…] thay vì như trước đây phải được tài trợ từ các tổ chức tài chánh quốc tế lớn mà Mỹ rất có ảnh hưởng như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu.
Thiếu thực chất (short on substance) là thực trạng hiện nay của Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong. Các viên chức Hoa Kỳ từ Hành Pháp tới Lập Pháp thì đã nói nhiều về cam kết với vai trò mở rộng của Hoa Kỳ trong Lưu Vực Sông Mekong nhưng “tổng số đầu tư thì chưa đáng kể” để có thể hỗ trợ cho các cuộc nghiên cứu về lượng giá ảnh hưởng tích lũy của các dự án đập trên dòng chính sông Mekong. Dĩ nhiên, có một cái giá tương xứng phải trả để Hoa Kỳ có thể trở lại khu vực Đông Nam Á với thế mạnh và có khả năng đối trọng với Trung Quốc.
Trong bài kế tiếp, người viết sẽ bàn về những bước triển khai và hiện thực của Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong cùng với những đề xuất.
NGÔ THẾ VINH
California, 11/04/2012
THAM KHẢO:
1/ Challenge to Water and Security in Southeast Asia; U.S. Senate Committee on Foreign Relations; Presiding:Senator Webb, Thursday, September 23, 2010; http://www.foreign.senate.gov/hearings/hearing/?id=4c2fd291-5056-a032-52fd-414f26c49704
2/ Testimony of Aviva Imhof, Campaign Director, International Rivers Before the Senate Committee on “Challenge to Water and Security in Southeast Asia”, Sept 23, 2010 http://foreign.senate.gov/imo/media/doc/Imhof.pdf
3/ Mekong, Tipping Point: Hydropower Dams, Human Security and Regional Stability; Richard Cronin, Timothy Hamlin; The Henry Stimson Center 2010; www.stimson.org
4/ Press Releases: Senator Webb: Mekong River Commission Announcement on Xayaburi Dam “Important Step Toward Responsible Policy”; December 8, 2011; http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/2011-12-08-02.cfm
5/ Sen. Webb Calls on Sec. Clinton to Strengthen Cooperation to Avert Crisis in Mekong River Region of Southeast Asia.Says U.S. should consider withdrawing funding for Mekong River Commission if environmental standards are not met. http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/10-27-2010-02.cfm.
6/ In The Senate of The United Stated,; The full text of S.Res. 227 (as passed July 7, 2011), (Mr. Webb, Mr. Inhofe, and Mr. Lugar) A resolution calling for the protection of the Mekong River Basin and increased United States support for delaying the construction of mainstream dams along the Mekong River.
7/ Mekong River Patrols in Full Swing but Challenges Remain
Publication: China Brief Volume: 12 Issue: 4
February 21, 2012; By: Ian Storey
8/ The Damming of the Mekong:
Major Blow to an Epic River; Yale Environment 360by fred pearce, June 16, 2009
http://e360.yale.edu/feature/the_damming_of_the_mekong_major_blow_to_an_epic_river/2162/
9/ China Sees U.S. as Competitor and Declining Power, Insider Says; By Jane Perlez, April 2, 2012; http://www.nytimes.com/2012/04/03/world/asia/chinese-insider-offers-rare-glimpse-of-us-china-frictions.html?_r=1&hp
Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét