Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

(5) Tên cướp đỏ (hết)

(5) Tên cướp đỏ (hết)


Trung Quốc của Mao Trạch Đông
 Trung Quốc của Mao Trạch Đông
1921 – 1931: lần thăng tiến của Mao

Tiến sỹ Ralf Berhorst
Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử “Trung Quốc của Mao Trạch Đông” do GEO EPOCHE xuất bản
Trong lúc đấy, Tưởng Giới Thạch cùng với đồng minh của ông ấy đã chiếm được Bắc Kinh; tháng 10 năm 1928, ông tuyên bố thành lập chính phủ riêng ở Nam Kinh – một thành phố lớn cách Bắc Kinh 900 kilômét về phía Nam được ông ấy tuyên bố là thủ đô mới của Trung Quốc. Ngay sau đấy, ông cho 25.000 quân lính hành quân về Tỉnh Cương Sơn; giữa tháng 1 Mao phải rút chạy khỏi dãy núi. Với gần 3000 chiến binh, ông ấy trốn thoát về phía Đông vào vùng ranh giới giữa hai tỉnh Phúc Kiến và Giang Tây, nơi ông chiếm lấy một thành phố và lấy đó làm cơ sở hoạt động mới cho mình.
Trong thời gian này, thanh thế của ông trong giới lãnh đạo ĐCS đã được cải thiện nhiều vì các thành công về quân sự của ông ấy. Giới lãnh đạo ĐCS hy vọng họ có thể sử dụng được đội quân của Mao để tấn công các thành phố lớn hơn. Ngoài những việc khác, Mao phải tấn công Trường Sa, thành phố mà Khai Tuệ vợ ông vẫn còn sống ở đấy với ba người con.

Cuộc bao vây Trường Sa – mà trong thời gian đó Mao không có liên lạc với Khai Tuệ – thất bại sau chỉ vài tuần; người Cộng sản rút lui. Khi một tướng của Quốc Dân Đảng biết được rằng vợ của người lãnh đạo du kích quân nổi tiếng sống trong Trường Sa, ông ấy cho người bắt Dương Khai Tuệ vào ngày 24 tháng 10 năm 1930. Bà có thể được tự do nếu như chịu công khai từ bỏ Mao.
Vẫn còn yêu chồng, Khai Tuệ từ chối.
Ba tuần sau đấy, bà bị trói dẫn đi trên đường phố của Trường Sa và bị bắn chết. Tướng Quốc Dân Đảng cho chặt đầu xác chết và bêu đầu của Khai Tuệ ở một cổng thành như một chiến công. Các người con được bạn bè bí mật mang về Thượng Hải đưa vào trong một trại trẻ mồ côi.
Khi Mao, người lại rút lui về tỉnh Giang Tây, hay tin về cuộc hành quyết, ông đã tỏ lòng thương tiếc. “Tôi có chết đến một trăm lần thì cũng không thể nào bù đắp được” cho cái chết của Khai Tuệ, ông ấy viết trong một bức thư.
Vào thời gian này, Mao cuối cùng cũng đã bước qua ranh giới của bạo lực không khoan nhượng. Với tư cách là người chỉ huy quân sự, trong mùa Xuân năm 1930 ông ra lệnh bắt đầu chia lại ruộng đất ở Giang Tây. Thế nhưng lãnh đạo Đảng ở địa phương chống lại kế hoạch của ông ấy.
Điều đấy là đủ để khiến cho họ trở thành những kẻ thù trong mắt ông. Ông quả quyết rằng Đảng Cộng sản ở Giang Tây đã bị địa chủ, nông dân giàu có và người của Quốc Dân Đảng thâm nhập. Họ phải được thanh trừng và “Bolshevik hóa”.
Ảnh hưởng của ông đã đủ để lập một ủy ban đặc biệt ở Giang Tây. Mao cho xử tử những người chống ông như là những kẻ “phản cách mạng”, hàng trăm đảng viên bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Lần đầu tiên, ông ấy đã phá bỏ điều cấm kỵ, giết chết đồng chí. Và cho tới lúc đó, ông cũng đã đủ vô lương tâm để che đậy cuộc đấu tranh giành quyền lực này bằng những khái niệm của hệ tư tưởng.
Mao Trạch Đông
Vào ngày 7 tháng 11 năm 1931, Mao (thứ hai từ phải sang) và những người cùng chí hướng đã tuyên bố thành lập một nhà nước Cộng sản ở Giang Tây. Ảnh: GEO EPOCHE
Con người có tư tưởng tự do từ Hồ Nam đã đi qua một đoạn đường dài. Vào lúc đầu, ông từ chối mọi hình thức bạo lực, rồi đối với ông, nó ngày càng mang tính hợp pháp hơn trong cuộc đấu tranh chống lại những người đàn áp. Trong năm trước đó, ông còn ra chỉ thị rằng sự khủng bố chỉ được phép hướng đến những kẻ thù giai cấp. Nhưng bây giờ, ông luôn dịch chuyển mới ranh giới giữa bạn và thù.
Và vì thế mà những cuộc hành quyết do Mao ra lệnh chỉ là lần khởi đầu của một sự cuồng nhiệt tự hủy hoại, kéo dài nhiều tháng liền và ngày càng tăng lên, cái cũng lan sang cả Hồng Quân: chẳng bao lâu sau đấy, mỗi một đại đội đều truy tìm những kẻ phản bội trong hàng ngũ của mình. Chỉ trong một tuần duy nhất, 2000 sỹ quan và quân lính của một đội quân tiền phương đã bị bắn chết, trong số 4400 người bị cáo buộc có liên quan đến những kẻ phản cách mạng dưới áp lực của các cuộc hỏi cung.
Trong thành phố Phúc Điền, các ủy ban đã điều tra bằng cách tra tấn ép buộc những người bị cho là phản cách mạng phải nhận tội: tay sai đắc lực đã trói tay họ lại, đánh họ bằng gậy tre hay đốt cho họ bị bỏng. Hay họ dùng đinh đóng tay của những người phạm tội xuống bàn và đẩy những mảnh tre nhọn vào dưới móng tay.
Không biết được con số chính xác của các nạn nhân cuộc “thanh trừng” này, có lẽ là hàng chục nghìn người đã chết trong những tháng đó. Mao thúc đẩy người của ông tiến hành giết người và đã nhiều lần bảo vệ họ– biết rõ rằng ông hy sinh những người vô tội để chiếm lấy quyền lực.
Cả giới lãnh đạo Đảng cũng chấp thuận tra tấn và giết người.
Về một mặt hẳn là từ nỗi lo sợ “khủng bố trắng”: vì tay sai của Tưởng Giới Thạch truy lùng người Cộng sản trong thành phố; dân quân của các tư lệnh đánh đuổi họ ra khỏi thôn quê, đốt cháy những làng mà họ nghi là có người Cộng sản ở trong đó. Và quân đội Quốc Dân Đảng cố gắng bao vây Hồng Quân.
Trước bối cảnh đấy, nhiều cấp cao trong Đảng cho là lời quả quyết của Mao cũng đáng tin cậy, rằng những người có thiện cảm với Quốc Dân Đảng đã thâm nhập vào trong Đảng.
Về mặt khác, dưới ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản, quan điểm của Stalin ngày càng thắng thế trong ĐCS Trung Quốc, rằng bất kỳ người đồng chí nào mà hoài nghi mệnh lệnh của Đảng thì cũng phải được xem như là kẻ thù.
Vì thế mà các cuộc thanh trừng cứ tiếp tục diễn ra. Nhất là khi mối đe dọa từ quân đội của Tưởng Giới Thạch giữ cho nỗi lo sợ hoang tưởng luôn luôn hiện diện. Phải khéo léo lắm Mao mới có thể luôn trốn thoát được những cuộc tấn công của Quốc Dân Đảng.
Mùa Thu 1931, thế lực áp đảo dường như trở nên quá mạnh. Nhưng rồi ngày 18 tháng 9 năm 1931, quân đội Nhật bất ngờ tiến quân vào Mãn Châu, tỉnh giàu nguyên liệu ở miền Bắc của Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch rút các lực lượng của mình về để bảo vệ vùng biên giới đó.
Những người Cộng sản được cứu thoát.
VÀO NGÀY 7 THÁNG 11 NĂM 1931 – ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười – ĐCS Trung Quốc thành lập quốc gia riêng ở Giang Tây. 600 cán bộ Đảng tập họp lại trong một gian sảnh đẹp được trang hoàng bằng biểu ngữ ở giữa một khu rừng nhỏ đầy cây long não lâu năm. Các đơn vị của Hồng Quân diễu binh, pháo hoa được đốt.
Mao long trọng tuyên bố: “Từ bây giờ trở đi có hai quốc gia hoàn toàn khác nhau trên lãnh thổ Trung Quốc. Một quốc gia là cái được gọi là Cộng hòa Trung Hoa, công cụ của Chủ nghĩa Đế quốc. Quốc gia khi là Cộng hòa Xô viết Trung Hoa, quốc gia của số đông công nhân, nông dân, quân nhân và người lao động bị bóc lột và đàn áp.”
Xô viết Giang Tây bao gồm một vùng đất với gần sáu triệu người dân. Mao Trạch Đông được bổ nhiệm làm sếp của chính phủ quốc gia lâm thời.
Mười năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập, người thầy giáo dạy Sử kín đáo đấy đã thăng tiến lên cao. Tuy ông vẫn còn đứng dưới giới lãnh đạo Đảng ở Thượng Hải – thế nhưng trong Vương quốc Đỏ của Giang Tây, lần đầu tiên những người dưới quyền đã xun xoe gọi ông khác đi: là “Mao Chủ tịch”.
Ông sẽ giữ danh hiệu đấy cho đến khi qua đời.
Tiến sĩ Ralf Berhorst
Phan Ba dịch
Giới thiệu tài liệu: Jonathan Spence, “Mao”, nhà xuất bản Claasen: tiểu sử được thuật lại một cách dễ hiểu và chứa đựng nhiều thông tin từ ngòi bút của một trong những nhà Hán học nổi tiếng nhất thời chúng ta. Hung Chang & Jon Halliday, “Mao”, Panteon: một trong những mô tả mới nhất, nhưng cũng bị tranh cãi nhiều nhất về con người của ông chủ tịch vĩ đại. Các tranh luận mà quyển sách này đã gây ra trên khắp thế giới được Gregor Benton & Lin Chun tập trung lại trong quyển “Was Mao Really a Monster? The academic response to Chang and Halliyday’s Mao: The Unknown Story”, Routledge.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét