(3) Tên cướp đỏ
1921 – 1931: lần thăng tiến của Mao
Tiến sỹ Ralf Berhorst
Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử “Trung Quốc của Mao Trạch Đông” do GEO EPOCHE xuất bản
Trong thời gian này, lần đầu tiên Mao quan tâm thật sự đến Chủ nghĩa Cộng sản. Cũng như nhiều trí thức khác, những người thuộc “Phong trào 4 tháng 5″, tính khiêm tốn vẻ ngoài của nước Cộng hòa Xô viết trẻ tuổi đã gây ấn tượng cho ông: chính phủ cách mạng dưới quyền của Lenin tuyên bố từ bỏ các vùng đất là tô địa cũ của Nga hoàng trong Trung Quốc.
Mao suy nghĩ liệu có nên học tiếng Nga, cân nhắc xem có di cư sang nước Nga Xô viết, nghiên cứu “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của Karl Marx và Friedrich Engels vừa mới được dịch sang tiếng Trung – và gặp Trần Độc Tú ở Thượng Hải, một trong những người phát hành tờ “Thanh Niên Mới”, trí thức Mácxít quan trọng nhất của Trung Quốc.
Trần có thời là trưởng khoa ở Đại học Bắc Kinh. Ông là một nhà đạo đức và cải cách dễ nổi giận. Sau những lần phản đối của ngày 4 tháng 5, ông bị bắt giam ba tháng vì đã yêu cầu toàn bộ các bộ trưởng theo Nhật phài từ chức cũng như yêu cầu tự do ngôn luận và quyền được tụ tập. Sau khi được trả tự do, Trần về Thượng Hải, nơi ông ấy thành lập một nhóm đầu tiên của những người xã hội trong tháng 8 năm 1920. Bây giờ ông muốn thành lập một Đảng Cộng sản.
Giảng viên đại học Trần Độc Tú là nhà tư tưởng của ĐCS và cũng là bí thư đầu tiên. Ảnh: GEO EPOCHE |
Ngược lại, Mao do dự và hoài nghi. Ông cho rằng một cuộc Cách mạng theo gương mẫu Nga vẫn còn là việc không thể được trong Trung Quốc; Lenin – Mao tin một cách sai lầm như thế – đã có thể dựa trên hàng triệu đảng viên. Con đường của những cải cách dân chủ vẫn còn có triển vọng nhiều hơn cho trung Quốc.
Nhưng rồi tinh thần khởi dậy chấm dứt trong Hồ Nam: viên thống đốc không ủng hộ phong trào độc lập nữa, vì các nhà hoạt động, trong đó có Mao, yêu cầu “dân chủ và Chủ nghĩa Xã hội”.
Chẳng bao lâu sau đấy, viên thống đốc bị một địch thủ lật đổ. Kể từ lúc đấy, nắm quyền lực trong Hồ Nam lại là một tư lệnh độc tài, đàn áp giới đối lập và làm tiêu tan tất cả mọi hy vọng biến đổi.
Trong tháng 12 năm 1920, Mao viết trong một bức thư gửi cho một người bạn: “Trên nguyên tắc, tôi ủng hộ ý tưởng dùng phương cách hòa bình để đạt đến hạnh phúc cho tất cả, nhưng tôi e rằng điều đấy không thể thực hiện được trong thực tế.”
Lịch sử đã chứng minh rằng không bao giờ mà một kẻ chuyên quyền lại tự nguyện rút lui, ông ấy khẳng định. Mao cho rằng đã đến lúc phải đi một con đường mới. Ông viết cho bạn ông, ông “rất tán thành việc sử dụng mô hình Nga để cải cách Trung Quốc”.
Trong tháng 1 năm 1921, khi các thành viên hợp tác xã sách của ông biểu quyết về đường hướng chính trị, Mao đã giơ tay mình lên cho Chủ nghĩa Bolshevik.
Với 27 tuổi, một nhà có tư tưởng tự do đã trở thành một người Cộng sản – nhưng là một tín đồ phi chính thống, người không hiểu nhiều về lý thuyết của Marx.
Đầu năm 1921, Trần Độc Tú gửi cho ông bản thảo chương trình cho một đảng cộng sản Trung Quốc. Cả Moscow cũng thúc giục thành lập một ĐCS.
“Quốc tế Cộng sản”, thành lập năm 1919 và do những người Bolshevik chiếm thế áp đảo, có trách nhiệm giúp các nhà cách mạng ở khắp nơi trên thế giới thành lập tổ chức và qua đó lan truyền đi ngọn lửa của sự nổi dậy càng xa càng tốt – cũng là để tạo đồng minh cho Liên bang Xô viết đang bị cô lập. Sứ giả của Quốc tế Cộng sản đã đến gặp Trần ở Thượng Hải và thúc giục ông ấy phải nhanh lên.
Mao và các nhà hoạt động khác của hợp tác xã sách đã tạo ấn tượng cho Trần nhiều đến mức ông ấy đã đưa Trường Sa vào trong danh sách của các thành phố mà trong đó các chi bộ Đảng cần phải được thành lập. Mao đã tự chứng tỏ mình có can đảm, nhiều năng lực và khéo ăn nói. Rõ ràng là người con trai nhà nông đấy đã khiến cho giới trí thức ở Bắc Kinh và Thượng Hải phải thích thú.
Phái viên của Quốc tế Cộng sản Hendricus Sneevliet. Ảnh: GEO EPOCHE |
Tháng 6 năm 1921, một phái viên của Quốc tế Cộng sản đến Thượng Hải, người Cộng sản Hà Lan Hendricus Sneevliet: một người có tác phong độc đoán và nhiều danh tính (trong chuyến đi bí mật của ông ấy, ông tự gọi mình là là “Maring” hay “Andresen”).
Sneevliet đã nhận 4000 bảng Anh từ Moscow mà lúc đến ông đã tiêu 2000 cho vợ mình và mất 600 vì một ngân hàng phá sản. Số tiền 1400 bảng Anh còn lại là vốn liếng khởi đầu để đốt lên ngọn lửa cách mạng trong Trung Quốc.
Các nhóm ở Thượng Hải và Bắc Kinh đã chuẩn bị kế hoạch cho hội nghị thành lập đảng cộng sản. Sneevliet, có một nhân viên của cơ quan tình báo quân đội Xô viết đi cùng, phối hợp các hoạt động; giấy mời được gửi đi – một trong những tờ đó là cho Mao ở Trường Sa.
Vào ngày 23 tháng 7 năm 1921, 13 đại biểu và cả hai phái viên kia gặp nhau lần đầu. Sneevliet chọn lớp học của một trường nữ làm nơi gặp gỡ bí mật, trường mà đã đóng cửa vì nghỉ hè. Người Hà Lan nắm quyền chỉ huy – khiến cho những người Trung Quốc rất tức giận, những người mà bây giờ biết rằng mình phải báo cáo thường xuyên cho người của Moscow này.
Trung thành với các chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Sneevliet thúc giục những người Trung Quốc đầu tiên hãy liên minh với giới trung lưu để tạo nên một cuộc cách mạng quốc gia. Nhưng đồng thời, những người đồng chí này cần phải xây dựng những nhóm công nhân để sau này có thể đánh bại được giai cấp tư sản.
Các đại biểu thảo luận một tuần dưới sự giám sát của ông ấy về đường lối và tổ chức đảng của họ. Vào ngày kế cuối, bất thình lình có một người lạ phá rối cuộc họp và giả vờ rằng mình đã vào nhầm cửa. Sneevliet nghi ngờ và giải tán cuộc gặp gỡ ngay lập tức. Chẳng bao lâu sau đó, một nhóm cảnh sát đi xe đến và lục soát tòa nhà – nhưng không có kết quả.
Nhóm người Trung Quốc quyết định gặp nhau trong ngày hôm sau đó ở ngoài thành phố và không có hai người nước ngoài: vì lo sợ rằng sự hiện diện của họ có thể khiến cho cơ quan nhà nước nghi ngờ. Vì thế mà họ đã đi đến Hồ Uyên ương và mướn một chiếc du thuyền.
Đầu tiên, Đảng Cộng sản chỉ nên hoạt động trong bí mật, giữ kín danh sách thành viên của mình. Một ủy ban trung ương ở Thượng Hải sẽ giám sát tài chính và công việc của Đảng; các đại biểu đã chọn Trần Độc Tú làm người đứng đầu tổ chức – mặc dù ông ấy không xuất hiện tại hội nghị – ông ấy làm việc cho thống đốc của Quảng Châu và có lẽ đã không thể bỏ rơi chức vụ của mình được.
Mao Trạch Đông trở về Trường Sa với nhiệm vụ thành lập một tổ chức Đảng ở đó. Ông hào hứng đặt mình dưới quyền lực của ĐCS. Sau những năm tìm kiếm, cuối cùng ông cũng đã tìm thấy sứ mệnh của mình. Ông xin thôi chức vụ hiệu trưởng và thành lập một “Đại học tự học”, một cơ sở ngụy trang để kết nạp thành viên mới (ông ấy còn xin được tài trợ từ chính quyền của tỉnh cho viện đào tạo này).
Sau khi thành lập ĐCS vào ngày 31 tháng 7 năm 1921 Mao trở về tỉnh. Ảnh: GEO EPOCHE |
Lúc đầu, việc kết nạp diễn tiến chậm chạp. Mao phải thuyết phục vợ ông là Dương Khai Tuệ, cả hai người em trai cũng như những người họ hàng khác từ làng quê của ông gia nhập Đảng. Thế nhưng trong vòng một năm, ông đã có thể trình ra 30 thành viên mới theo như yêu cầu của Trung ương Đảng.
Cũng đến từ Thượng Hải là chỉ thị, rằng Mao phải gây ảnh hưởng đến các công đoàn ở địa phương. Nền công nghiệp Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh trong các thập niên vừa qua. Công nhân trong các mỏ than, trong nhà máy thép và nhà máy nấu chì cũng như thợ xếp chữ, thợ in, công nhân xây dựng, công nhân điều khiển máy và công nhân đường sắt đã tập hợp lại trong các hội liên hiệp của họ từ lâu rồi.
Tháng 9 năm 1921, Mao đi sang An Nguyên ở bên cạnh, một vùng than đá rộng lớn mà ở đấy công nhân mỏ phải làm việc theo ca cho tới 15 tiếng đồng hồ. Ông thành lập những trường học ban đêm ở đó, và trong mùa Thu 1922, khi những người thợ mỏ ở An Nguyên đình công, Mao chỉ huy cuộc đình công từ trong hậu trường.
Với thành công: chủ mỏ phải tăng lương, áp dụng ngày làm việc tám giờ và tài trợ cho các trường học ban đêm. Một chiến thắng cho Mao, vì nhiều thợ mỏ đã gia nhập Đảng.
Vào đầu năm kế tiếp theo sau đó, công nhân tuyến đường sắt Vũ Hán – Bắc Kinh đình công và thể theo sự thúc giục của Đảng Cộng Sản đã thành lập một công đoàn. Thế nhưng lần này thì một tư lệnh đã dùng bạo lực để đập tan các cuộc phản kháng, có 35 công nhân chết.
Thất bại này khiến cho Moscow càng tin rằng cánh tả của Trung Quốc còn quá yếu để có thể dẫn đầu một phong trào cách mạng ở trong nước chống lại các tư lệnh vẫn còn thống trị ở trong nhiều vùng.
Ngay trong mùa Hè 1922, Bộ Chính trị, nhóm chỉ huy cốt lõi của ĐCS Xô viết, qua phái viên Sneevliet đã thúc đẩy tiến đến một mặt trận thống nhất giữa Đảng Dân tộc Chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên, Quốc Dân Đảng, và những người Cộng sản.
Đảng viên ĐCS cần phải đồng loạt gia nhập đảng của Tôn Dật Tiên. Trần Độc Tú phản đối, cả Mao cũng chống lại liên minh không cân xứng đấy.
Thế nhưng ĐCS Trung Quốc với cho tới lúc đấy là 195 đảng viên vẫn còn chưa đủ mạnh để tồn tại đơn độc (Quốc Dân Đảng có 50.000 người). Và nó phụ thuộc tài chính vào Quốc tế Cộng sản.
Học sinh của “Trường nữ sinh yêu nước” đang tuyên truyền cho những người Cộng sản. Ảnh: GEO EPOCHE |
Vì thế mà những người đồng chí đấy chịu khuất phục và gia nhập Quốc Dân Đảng như một “khối nội bộ”, ĐCS vẫn tiếp tục tồn tại; cả Mao cũng là đảng viên của Quốc Dân Đảng năm 1923.
Thêm vào đó, ông được bầu vào Ủy ban Trung ương, ủy ban lãnh đạo bao gồm chín người, cũng như được bổ nhiệm làm thư ký của ban thường vụ còn quan trọng hơn nữa, bao gồm năm cán bộ điều khiển công việc hàng ngày của Đảng.
Ý nghĩa của một mặt trận thống nhất tuy bị tranh cãi trong số những người cộng sản – thế nào đi nữa thì nó cũng có lợi cho Quốc Dân Đảng. Vì bây giờ Moscow trợ giúp đối tác liên minh mới của ĐCS với tiền bạc và vũ khí, những cái Tôn Dật Tiên đang hết sức cần cho lực lượng quân sự của ông ấy.
Đầu năm 1923, Quốc Dân Đảng thành công trong việc xây dựng một cơ sở lớn ở gần thành phố Quảng Đông trong miền nam Trung Quốc. Với tiền từ Moscow cũng như sự giúp đỡ của cố vấn Xô viết, Tôn Dật Tiên thành lập một học viện quân sự trên một hòn đảo ở giữa sông cách Quảng Đông tròn 15 kilômét: một lò đào tạo sỹ quan cho lực lượng quân đội tương lai của “Quân đội Cách mạng Quốc gia”. Liên bang Xô viết cung cấp súng máy, đại bác và máy bay.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét