Zhang Xiaoming
ĐẶNG TIỂU BÌNH VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TRUNG QUỐC ĐI ĐÊN CHIẾN TRANH VỚI VIỆT NAM
Ngô Bắc dịch
***
Lời Người Dịch:
“Chiến dịch 1979, ít nhất đối với Quân Đội Giải Phóng của Nhân Dân Trung Quốc, là một sự thất bại. Trung Quốc đã phóng ra cuộc tấn công của nó trong một nỗ lực để buộc Việt Nam phải rút lui khỏi Căm Bốt. Trung Quốc đã rút lui khỏi Việt Nam hôm 16 Tháng Ba, 1979, nhưng Việt Nam đã không rời Căm Bốt mãi cho đến năm 1989.” ….
“Cuộc chiến tranh theo học thuyết họ Mao chưa dứt, nhưng phía Trung Quốc đã học được một bài học quan trọng.”
Trên đây là phần kết luận chắc nịch của Edward C. ODow’d, một tác giả hàng đầu về Chiến Tranh Biên Giới Trung Quốc – Việt Nam Năm 1979, chủ đề của loạt bài nghiên cứu dưới đây về biến cố quan trọng diễn ra 33 năm trước. Đối chiếu với bài học lịch sử lâu dài của đất nước, rõ ràng vấn đề sinh tử của dân tộc Việt Nam hiện nay là phải tìm mọi cách đê duy trì được sự độc lập và vẹn toàn lãnh thố, đồng thời thoát ra khỏi sự lệ thuộc ngoại giao và quân sự đáng tủi hổ đối với Trung Quốc.
Chủ Đề: CHIẾN TRANH TRUNG QUỐC – VIỆT NAM 1979
4, Nicolas Khoo, Hồi Kết Cuộc Của Một Tình Hữu Nghị Khổng Thể Bị Hủy Diệt: Sự Tái Xuất Hiện Của Sô Viết và Sự Châm Dứt Liên Minh Trung Quốc – Việt Nam, 1975-1979 (“The End of An Indestructible Friendship: Soviet Resurgence and The Termination of the Sino – Vietnamese Alliance, 1975-1979”), trong quyển Collateral Damage: Sino – Soviet Rivalry and the Termination of The Sino – Vietnamese Alliance, Columbia University Press, 2011, 103-136.
5. Alexander Woodside, Chủ Nghĩa Dân Tộc và Sự Nghèo Đói Trong Sự Tan Vỡ Các Quan Hệ Trung Quốc Việt Nam (“Nationalism and Poverty in the Breakdown of Sino-Vietnamese relations”), Pacific Affairs 52 (Fall 1979)
6. Herbert S. Yee, Chiến Tranh Biên Giới Trung-Việt: Các Động Lực, Tính Toán và Chiến Lược Của Trung Quốc (“The Sino-Vietnamese Border War: China’s Motives, Calculations and Strategies”), China Report 16, no. 1 (1980), 15-32
7 & 8. Edward C. ODow’d, Chiến Dịch 1979; và Trận Đánh Lạng Sơn, Tháng Hai-Tháng Ba 1979 (Chapter 4: The 1979 Campaign, 45-73; Chapter 5: The Battle of Lạng Sơn, February-March 1979, 75-88), trong quyên Chinese Military Strategy In The Third Indochina War, Routledge: London and New York, 2007
9. John M. Peppers, Chiến Lược Trong Sự Xung Đột Cấp Vùng: Một Trường Hợp Nghiên Cứu Về Trung Quốc Trong Cuộc Xung Đột Đông Dương Thứ Ba Năm 1979 (Strategy In Regional Conflict: A Case Study of China In The Third Indochina Conflict of 1979), U.S. Army War College, Carlisle Barracks, 2001.
10. Chen C. King, Chiến Tranh của Trung Quốc Đánh Việt Nam: Một Sự Phân Tích Quân Sự (“China’s War Against Vietnam: A Military Analysis”), Journal of East Asian Affairs, no. 1 (1983): 233-63.
11. Harlan W. Jenks, Cuộc Chiến Tranh ‘Trừng Phạt’ của Trung Hoa Dành Cho Việt Nam: Một Lượng Định Quân Sự (“China’s ‘Punitive’ War on Vietnam: A Military Assessment”, Asian Survey 14, no. 8 (1979): 801-15.
12. William J. Duiker, “Tìm Hiểu Cuộc Chiến Tranh Trung Quốc – Việt Nam (“Understanding the Sino-Vietnamese War”), Problems of Communism, 38, no. 6 (1989): 84-88.
13. Dennis Duncanson, Chiến Tranh Việt Nam của Trung Quốc: Các Yêu Cầu Chiến Lược Mới và Cũ (“China’s Vietnam War: New and Old Strategic Imperatives”), The World Today, 35, no. 6 (1979): 241-48
14. Douglas E. Pike, Cộng Sản Đấu Cộng Sản Tại Đông Nam Á (“Communism vs Communism in Southeast Asia), International Security, Vol. 4, No. 1 (Summer, 1979), từ trang 20.
15. Zhang Xiaoming, Chiến Tranh Năm 1979 Của Trung Quốc Với Việt Nam: Một Sự Tái Thẩm Định, (“China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”), The China Quarterly, các trang 851-874
16. Daniel Tretiak, Chiến Tranh Việt Nam Của Trung Quốc: Các Hậu Quả (“China’s Vietnam War and Its Consequences”), The China Quarterly 80 (1979): 740-67.
17. James Mulvenon, Các Giới Hạn Của Ngoại Giao Cưỡng Bức: Cuộc Chiến Tranh Biên Giới Trung Quốc – Việt Nam Năm 1979 (The Limits of Coercive Diplomacy: The 1979 Sino-Vietnamese Border War), Journal of Northeast Asian Studies; Fall 95, Vol. 14 Issue 3, từ trang 68, 21trang.
18. Henry J. Kenny, Các Nhận Thức Của Việt Nam Về Cuộc Chiến Tranh Năm 1979 Với Trung Quốc (“Vietnamese Perceptions of the 1979 War with China”), trong quyển Chinese Warfighting: The PLA Experience since 1949, các trang 217-241, đồng biên tập bởi Mark A. Ryan, David Michael Frakelstein, Michael A. McDevitt.
19. Phụ Lục: Các tài liệu của Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng của Trung Quốc về Chiến Tranh Trung Quốc – Việt Nam năm 1979: Các báo cáo và kiểm điểm của 13 đơn vị quân đội Trung Quốc đã tham gia vào Chiến Dịch 1979 xâm lăng Việt Nam.
Các bài nghiên cứu quan trọng khác sẽ được cập nhật khi cần thiết.
***
Trong suốt Thời Chiến Tranh Lạnh, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (People’s Repub;lic of China: PRC: viết tắt trong tiếng Việt là CHNDTQ) có can dự vào hai cuộc động binh trên quy mô lớn – một tại Triều Tiên chống lại Hoa Kỳ từ Tháng Mười 1950 đến Tháng Bẩy 1953, và cuộc hành quân kia để đánh Việt Nam trong măm 1979. Đáng tiếc, tại Trung Quốc cuộc chiến tranh với Việt Nam là một lịch sử bị lãng quên. Biến cố hiếm khi được thảo luận trong truyền thông, và các học giả tại Trung Hoa bị ngăn cấm không được nghiên cứu về nó. Cho đến giữa thập niên 1970, Trung Quốc và Việt Nam đã từng là các đồng minh thân thiết trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Như thế, tại sao CHNDTQ đã quyết định vào cuối năm 1978 đi đên chiến tranh với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN, trong Anh ngữ là Socialist Republic of Vietnam: SRV)? Các nguồn tin Trung Quốc chính thức đã đưa ra câu trả lời không thỏa đáng cho câu hỏi này. Các lý do khởi thủy của Bắc Kinh bao gồm “các giấc mơ đế quốc” bá quyền của Hà Nội tại Đông Nam Á, sự vi phạm các biên giới của Trung Quốc và sự xâm nhập sau đó vào lãnh thổ Trung Quốc; sự ngược đãi người gốc Hoa sinh sống tại Việt Nam; và sự mật thiết của Việt Nam với Liên Bang Sô Viết, nước mà vào khi đó đang mở rộng khu vực ảnh hưởng của nó vào Đông Nam Á. 1 Các quan sát viên đương thời cũng như nhiều cuộc nghiên cứu sau này tuyên bố rằng các mục đích thực sự của Bắc Kinh là để đổi hướng áp lực quân sự của Hà Nội ra khỏi Căm Bốt và buộc chân các lực lượng của Việt Nam tại một mặt trận thứ nhì. 2 Các quan sát viên khác tranh luận rằng sự sử dụng lực lượng quân sự của Bắc Kinh chống lại Việt Nam là một mưu toan làm mất uy tín của Liên Bang Sô Viết như là một đồng minh đáng tin cậy, để đáp lại sự hợp tác của Việt Nam với sự bao vây của Sô Viết quanh Trung Quốc từ Đông Nam Á. 3
Quyết định của Trung Quốc để phát động chiến tranh trên Việt Nam được uốn nắn một phần bởi mối quan hệ đang trở nên tồi tệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội, bởi liên minh mới của Việt Nam với Liên Bang Sô Viết, và bởi chính sách bá quyền cấp miền của CHXHCNVN, nhưng nó cũng phát sinh từ sự gắng sức của CHNDTQ để cải thiện vị thế chiến lược của nó trên thế giới trong khi cũng đẩy mạnh một chương trình hoạt động trong nước nhằm cải cách kinh tế. Ba biến cố đã xẩy ra tại Bắc Kinh trong Tháng Mười Hai 1978 cũng tác động quan trọng trên quyết định của Trung Quốc đi đến chiến tranh: sự tái thăng tiến của Đặng Tiểu Bình lên giới lãnh đạo cao nhất tại Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba của Ủy Ban Trung Ương Thứ Mười Một của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ: Chinese Communist Party: CCP), việc chấp nhận của Bắc Kinh về sự cải cách kinh tế như là ưu tiên quốc gia hàng đầu, và sự bình thường hóa mối quan hệ của Trung Quốc với Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Họ Đặng, viên kiến trúc sư chính của chiến lược quốc gia của Trung Quốc ngay trong thời hậu Mao, đã đóng một vai trò chi phối trong quyết định của Trung Quốc nhằm tấn công Việt Nam. Giới học thuật hiên nay thừa nhận vai trò của họ Đặng trong quyết định đi đên chiến tranh của Trung Quốc, nhưng các sự giải thích về quyết định lại biến đổi một cách lớn lao.
Tác giả Gerald Segal trong sự phân tích năm 1985 của ông tin tưởng rằng chính trị trong giới lãnh đạo đóng một vai trò nhỏ trong quyết định của Trung Quốc và rằng các sự bất đồng ở cấp cao, nếu có, đã không ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc. 4 Tác giả King Chen đã đưa ra một lập luận trái ngược rằng quyết định đã được đưa ra sau ‘các cuộc tranh luận kéo dài, nhiều lần” tại Hội Nghị Công Tác Trung Ương hồi cuối năm 1978 và rằng kiểu lãnh đạo của họ Đặng đã là “một thành phần không thể thiếu được trong việc thuyết phục” Bộ Chính Trị ĐCSTQ vốn bị phân hóa sâu xa đi đến việc đồng ý với quyết định. 5 Một cuộc nghiên cứu tương đối gần đây của tác giả Andrew Scobell tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự Trung Quốc bị phân hóa giữa các kẻ ủng hộ và người chống đối lại hành động quân sự chống Việt Nam và rằng sự cấu tạo quyết định về chiến tranh đã là một phần của cuộc đấu tranh kế vị trong chính trị thời hậu-Mao. 6
Cuộc nghiên cứu quyết định của Trung Quốc để tấn công Việt Nam bị ngăn trở bởi thiếu sự dẫn chứng bằng tài liệu Trung Quốc, nhưng khoảng trống này được bù đắp bởi khối lượng gia tăng các tài liệu có nguồn gốc bằng Hán tự, đặc biệt các hồi ký của các sĩ quan quân đội cao cấp, cũng như các tài liệu Hoa Kỳ được giải mật. 7 Trong bài viết này, tôi thảo luận trước tiên làm sao mà một đề nghị bởi Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (QĐGPNDTQ, tiếng Anh là People’s Liberation Army, viết tắt là PLA) để dùng vũ lực trong việc giải quyết các vụ tranh chấp biên giới với Việt Nam tiến triển thành một quyết định phóng ra một cuộc xâm lăng có quy mô rộng lớn. Sau đó tôi khảo sát các yếu tố quốc nội và quốc tế đã ảnh hưởng đến tư tưởng chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt của họ Đặng, và đã định hình quyết định đi đến chiến tranh. Các yếu tố này bao gồm sự thúc đẩy mới của Bắc Kinh cho các cải cách kinh tế và sự mở cửa của nó ra thế giới bên ngoài, các chính sách của Việt Nam chống lại Trung Quốc, sự xâm lăng của CHXHCHVN vào Căm Bốt, và liên minh Sô Viết – Việt Nam. Họ Đăng dường như tin rằng sự hợp tác chiến lược của Sô Viết – Việt Nam là một mối đe dọa cho nền an ninh của Trung Quốc. Ông đã hy vọng rằng các quan hệ được bình thường hóa với Hoa Kỳ sẽ không chỉ cải thiện vị thế chiến lược của CHNDTQ và thuận lợi cho sự sự cách kinh tế với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, ông còn ước định là một cuộc tấn công của Trung Quốc vào một đồng minh của Sô Viết sẽ thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ rằng các quyền lợi của Hoa Kỳ và Trung Quốc thì trùng hợp với nhau. Chiến thắng chính trị của họ Đặng tại Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba ĐCSTQ đã củng cố vị thế của ông tại Trung Quốc và đã ngăn cản bất kỳ ai thách đố quyết định của ông về điều mà sau rốt biến thành một cuộc chiến tranh nhiều chết chóc và hao tốn. Không giống như các cuộc thảo luận diễn ra trước khi có sự tham gia của Trung Quốc vào Chiến Tranh Triều Tiên, đã không có các sự tranh luận nghiêm trọng về quyết định của Bắc Kinh đi đến chiến tranh với Việt Nam được diễn ra ở các cấp cao. 8 Tuy nhiên, cuộc đấu tranh quyền lực tiếp diễn trong giới lãnh đạo đảng đã ảnh hưởng đến quyết định.
SỰ ĐÁP ỨNG CỦA TRUNG QUỐC VỚI
CÁC BIẾN CỐ TẠI BIÊN GIỚI
Sau chiến thắng quân sự của Bắc Việt trên Nam Việt năm 1975, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ ngày càng quan ngại về chính sách ngoại giao của Hà Nội. Phía Trung Quốc trở nên lo âu về ảnh hưởng của Sô Viết tại Đông Dương khi Hà Nội tiến gần đến Mạc Tư Khoa hơn bao giờ hết để có viện trợ cụ thể và các sự ràng buộc ý thức hệ. 9 Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng bực tức bởi các nỗ lực của Hà Nội để trui rèn các quan hệ đặc biệt với Lào và Căm Bốt, nước kể sau này nằm dưới áp lực quân sự gia tăng từ Việt Nam. 10 Có lẽ điều quan trọng hơn cả, Bắc Kinh và Hà Nội đã đụng độ trên các vấn đề lãnh thổ. Trong quá khứ, Trung Hoa đã xăm lăng Việt Nam nhiều lần để đạt tới sự thống trị trong vùng mà không thủ đắc đất đai. Việt Nam, về phần mình, chưa hề bao giờ thách đố các sự tuyên xác lãnh thổ của Trung Hoa. Tình trạng này bắt đầu thay đổi sau năm 1975 khi các cuộc tranh chấp biên giới với Việt Nam trở nên một vấn đề quan trọng cho Bộ Tổng Tham Mưu QĐGPNDTQ. QĐGPNDTQ đã ra lệnh hai tỉnh biên giới và các chỉ huy quân sự cấp tỉnh và miền phải ổn định tình trạng biên giới. 11 Bất kể các lời tuyên bố của Bắc Kinh mong muốn giải quyết các tranh chấp biên giới một cách hòa bình, bạo động tại biên giới đã bùng lên trong năm 1978.
Về mặt lịch sử, các cuộc tranh chấp lãnh thổ đã từng là nguyên do thông thường nhất cho các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia. 12 Tuy thế, quyết định của CHNDTQ để tấn công Việt Nam được kết bện với các yếu tố khác. Chuyển động khởi thủy của Trung Quốc đi đến chiến tranh xảy ra khi Bộ Tổng Tham Mưu QĐGPNTQ đáp ứng với các biến cố biên giới gia tăng giữa các sự cãi cọ về người gốc Hoa tại CHXHCNVN hồi giữa năm 1978. Vào ngày 12 Tháng Tám, nhân viên vũ trang Việt Nam đã phóng ra một cuộc tấn công bất ngờ vào một toán tuần cảnh biên giới Trung Quốc gần Hữu Nghị (Youyi) Quan trong tỉnh Quảng Tây. Hai tuần sau đó, tại cùng khu vực, hơn 200 binh sĩ Việt Nam đã chiếm cứ một đỉnh núi phía Trung Quốc bên kia biên giới và đã củng cố các vị trí trên đỉnh đồi của họ với nhiều binh sĩ hơn nữa. 13 Các viên chức CHNDTQ tuyên bố rằng các cuộc đụng độ ở biên giới đã gia tăng từ 752 vụ trong năm 1977 lên đến 1,100 vụ trong năm 1978. 14 Quy mô của các biến cố cũng đã gia tăng. Cho đến Tháng Tám 1978, phần lớn các cuộc đụng độ thì nhỏ và liên can đến ít sự tổn thất. Các biến cố trong Tháng Tám trở nên dữ dội và nhiều tổn thất, cho thấy sự can dự của một quân số đông hơn về phía Việt Nam. Với tất cả các dấu hiệu cộng lại, các cuộc đụng độ biên giới leo thang đã là sự kiện khích động đầu tiên khiến các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh cứu xét đến việc sử dụng lực lựong quân sự chống lại Việt Nam.
Trong Tháng chín 1978 Bộ Tổng Tham Mưu đã tổ chức một phiên họp tại Bắc Kinh về “cách thức đối phó với việc lãnh thổ của chúng ta bị chiếm cứ bởi các lực lượng Việt Nam”. Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Zhang Caiqian chủ tọa phiên họp với các sĩ quan tham mưu từ các Quân Khu Quảng Châu và Côn Minh cũng như các sĩ quan từ các Cục Hành Quân và Cục Tình Báo của Bộ Tổng Tham Mưu. Mở đầu, họ Zhang đã ghi nhận rằng Bộ Tổng Tham Mưu đã phải khuyến cáo các nhà lãnh đạo ĐCSTQ về cách thức đối phó với sự ngược đãi của Hà Nội đối với người gốc Hoa tại Việt Nam và các sự khiêu khích gia tăng bởi các binh sĩ an ninh và quân sự Việt Nam dọc biên giới Trung Quốc – Việt Nam. 15 Ông đã đề cập đến một loạt các biến cố trong mùa hè 1978. Vào ngày 8 Tháng Bẩy, Tổng Cục Chính Trị của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (QĐNDVN) đã ra lệnh các binh sĩ theo đuổi một “chiến lược tấn công” chống lại Trung Quốc và phóng ra “cuộc tấn công và phản công trong phạm vị và vượt quá vùng biên giới”. 16 Hai tuần sau đó, phiên họp khoáng đại thứ tư của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xác định chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ là “kẻ thù trường kỳ” nhưng gán cho Trung Quốc là “kẻ thù nguy hiểm và gần cận nhất” và một địch thủ mới trong tương lai”. Cùng lúc, một khu quân sự mới đã được thành lập tại vùng tây bắc Việt Nam dọc theo Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. 17 Bộ Tổng Tham Mưu QĐGPNDTQ đã nhận thức một sự tương quan mật chặt chẽ giữa sự thù nghịch mới của Hà Nội với sự căng thăng biên giới gia tăng. Giới học thuật hiện nay mô tả vấn đề biên giới như “khung cảnh cho sự đối đầu hơn là một vấn đề tranh chấp nghiêm trọng”, 18 nhưng từ một quan điểm Trung Quốc, vấn đề biên giới là điểm khởi phát cho việc dự liệu một cuộc tấn công vào Việt Nam. 19
Kể từ khi QĐGPNDTQ được thành lập, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã biểu lộ một khuynh hướng sử dụng lực lượng quân sự trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước khác. QĐGPNDTQ đã được sử dụng để ủng hộ các sự tuyên xác chủ quyền chống lại Ấn Độ trong năm 1962 và Liên Bang Sô Viết trong năm 1969. Bộ Tổng Tham Mưu QĐGPNDTQ đã tiếp tục truyền thống này khi đề nghị một cuộc hành quân chống lại một trung đoàn Việt Nam tại Trùng Khánh, một huyện biên giới giáp ranh với Tỉnh Quảng Tây. Đề nghị của Bộ Tổng Tham Mưu được thiết kế một cách thận trọng để tránh sự leo thang, có thể đe dọa đến tiến bộ kinh tế của CHNDTQ. Zhou Deli, tham mưu trưởng của Quân Khu Quảng Châu, sau này nhớ lại rằng Bộ Tổng Tham Mưu tin tưởng rằng vị trí biệt lập của Trùng Khánh sẽ cho phép QĐGPNDTQ cắt đứt tiền đồn Việt Nam ra khỏi bất kỳ sự tăng viện nào và dễ dàng xóa bỏ nó. Sau một ngày duyệt xét tình báo về các viễn ảnh của một cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt và thảo luận tình hình tổng quát, đa số các tham dự viên kết luận rằng vấn đề đương thời với CHXHCNVN không phải chỉ là vấn đề biên giới không thôi, và rằng bất kỳ hành vi quân sự nào phải có một tác động quan trọng trên Việt Nam và tình hình tại Đông Nam Á. Họ đã khuyến cáo một cuộc tấn kích vào một đơn vị quân đội Việt Nam chính quy tại một khu vực địa dư rộng lớn hơn. Bất kể việc kết thúc mà không có bất kỳ quyết định cụ thể nào, phiên họp đã ấn định âm hưởng cho cuộc chiến tranh sau rốt của Trung Quốc đánh Việt Nam, liên kết kế hoạch tấn công với các hành động của chính CHXHCNVN tại Đông Nam Á.20
Không may, không có nguồn tin Trung Quốc nào được phát ra để giải thích cách thức mà Bộ Tổng Tham Mưu QĐGPNTQ đã sửa đổi kế hoạch chiến tranh của nó trong các tháng kế tiêp. Rõ ràng, các viên chức tại Bắc Kinh đã quan ngại rằng các viên chỉ huy QĐGPNDTQ địa phương có thể trở nên quá hung hăng trong việc đáp ứng với các biên cố biên giới gia tăng và sẽ làm phương hại đến việc hoạch định chiến tranh của trung ương. Vào ngày 21 Tháng Mười Một, Quân Ủy Trung Ương (QUTƯ) của ĐCSTQ đã ra lệnh cho các bộ chỉ huy quân khu chấp hành chiến lược chính yếu, chống lại chính sách bá quyền của Sô Viết trong khi đảm trách các biến cố biên giới và đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị biên giới phải bám chặt lấy phương châm “chọn trận địa đúng, dựa vào lợi thế của ta, và với sự kiềm chế” (youli, youli, youjie), chỉ đánh sau khi địch đã tấn công. 21 Hai ngày sau đó, Bộ Tổng Tham Mưu đã triệu tập một phiên họp khác để thảo luận một lược đồ mới cho chiến tranh. Cứu xét đến các khuyến cáo trước đây, Bộ Tổng Tham Mưu đã mở rộng khuôn khổ và thời khoảng của các cuộc hành quân, nhắm vào việc triệt hạ một hay hai sư đoàn Việt Nam chính quy trong một cuộc hành quân từ ba đến năm ngày gần biên giới. 22 Một số tham dự viên tin tưởng rằng các cuộc hành quân này không tiến đủ xa bởi chúng vẫn còn bị giới hạn vào một khu vực hẻo lánh và không đặt ra một sự đe dọa trực tiếp với Hà Nội. Tuy nhiên, họ không nêu ý kiến chống đối, để tùy theo sự phán đoán của các chỉ huy thượng tầng. Bộ Tổng Tham Mưu đã ra lệnh cho các Quân Khu Côn Minh và Quảng Châu thực hiện chiến dịch và đã chấp thuận sự di chuyển các lực lượng trừ bị chiến lược của QĐGPNDTQ, hai quân đoàn của các Quân Khu Thành Đô và Vũ Hán, để tăng cường cho các mặt trận Quảng Tây và Vân Nam. 23 Sau đó, kế hoạch chiến tranh đã bị thay đổi một cách đáng kể để đáp ứng với cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt. Nhưng sự kiện rằng Bộ Tổng Tham Mưu QĐGPNDTQ đã hoạch định một chiến dịch quân sự quan trọng ngay cả trước khi các lực lượng Việt Nam vượt qua sông Mekong cho ta thấy rằng ít nhất từ khởi thủy, chiến tranh có chủ định để buộc Việt Nam phải thỏa hiệp với các đòi hỏi của Trung Quốc về các cuộc tranh chấp biên giới và sự trục xuất các người gốc Hoa.
SỰ QUAY TRỞ LẠI TRUNG TÂM QUYỀN LỰC
CỦA HỌ ĐẶNG
Bởi Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn kế hoạch chiến tranh ra sao? Một diễn văn bởi Tổng Bí Thư QUTU, Geng Biao, hôm 16 Tháng Một 1979 đã chiếu rọi ánh sáng vào các quyết nghị của Trung Quốc về cách thức đối phó với cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt. Trong Tháng Mười Một 1978, Wang Dongxing, phó chủ tịch ĐCSTQ, và Su Zhenghua, chính ủy thứ nhất của hải quân và ủy viên Bộ Chính Trị, đề nghị rằng các binh sĩ Trung Quốc hay một phân đội hải quân biệt phái sẽ được gửi sang Căm Bốt. Xu Shiyou, tư lệnh Quân Khu Quảng Châu, yêu cầu được phép tấn công Việt Nam từ tỉnh Quảng Tây. 24 Geng Biao báo cáo rằng sau khi cứu xét kỹ lưỡng, các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ đã bác bỏ tất cả các sự khuyến cáo này. 25 Tác giả King Chen tranh luận rằng Geng Biao, kẻ rõ ràng hay biết là QĐGPNDTQ đã sẵn dàn binh dọc biên giới, đã cố ý che dấu các kế hoạch quân sự của bắc Kinh. 26 Báo cáo của Geng Biao cũng không tiết lộ vai trò của Đặng Tiểu Bình trong sự cấu tạo quyết định bởi ông đã củng cố được quyền lực trong khi ảnh hưởng chính trị của họ Wang và họ Su đang mất đi vào lúc đó. 27 Quyết định khởi thủy của CHNDTQ trên Việt Nam trùng hợp với một hiệp mới của cuộc đấu tranh quyền lực bên trong ĐCSTQ.
Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ đảng kỳ cựu và chính khách của Trung Quốc, đã tái xuất hiện trên đấu trường chính trị Trung Quốc hồi Tháng Bẩy 1977 với tư cách phó chủ tịch ĐCSTQ, phó chủ tích QUTƯ, phó thủ tướng, và Tổng Tham Mưu Trưởng QĐGPNDTQ. Sự phục hồi của họ Đặng không có nghĩa tự nguyên thủy rằng ông có một thẩm quyền áp đảo ttrong ĐCSTQ. Hoa Quốc Phong, với tư cách chủ tịch của ĐCSTQ lẫn QUTƯ, được phụ tá bởi Wang Dongxing, phó chủ tịch ĐCSTQ, vẫn kiểm soát các công việc của nhà nước và đảng, và tiếp tục thi hành nhiều ý tưởng và chính sách của Mao Trạch Đông, nhà lãnh Trung Quốc quá cố. 28 Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) vẫn phụ trách QUTƯ. Họ Đặng, kẻ mới quay trở lại chức vụ cao cấp, tình nguyện đảm trách về khoa học và giáo dục, các lãnh vực bị xem là kém quan trọng hơn các công việc quân sự và đảng vụ. 29 Từ Tháng Tám 1977 đến Tháng Mười Hai 1978, cuộc tranh đấu quyền lực giữa họ Hoa và họ Đặng đã gia tăng cường độ. 30 Với tư cách Tổng Tham Mưu Trưởng QĐGPNDTQ, họ Đặng đã hay biết rất rõ việc lập kế hoạch chiến tranh, nhưng ông xem ra không chắc chắn là liệu một cuộc tấn công vào Việt Nam có được ủng hộ bởi toàn thể Bộ Chính Trị CHNDTQ hay không. Hơn nữa, họ Đặng cần cứu xét các mục đích mà QĐGPNDTQ sẽ tìm cách đạt được xuyên qua hành động quân sự hơn là chỉ để trừng phạt Việt Nam. Trong một cuộc thăm viếng Singapore hồi đầu Tháng Mười Một 1978, khi trả lời sự dò hỏi của Thủ Tướng Lý Quang Diệu là liệu Trung Quốc có dùng sức mạnh để chống lại các lực lượng Việt Nam tại Căm Bốt hay không, họ Đặng tỏ vẻ lưỡng lự. Trong một dịp, ông ta có nói với họ Lý rằng Trung Quốc sẽ trừng trị Việt Nam, nhưng ở một lúc khác, ông chỉ đáp, “điều đó còn tùy thuộc [Việt Nam]”. 31
Cán cân chính trị nghiêng về phía họ Đặng không lâu sau khi ông trở lại Bắc Kinh. Từ 10 Tháng Mười Một đến 15 Tháng Mười Hai, Hội Nghị Công Tác Trung Ương được tổ chức với các lãnh đạo của các tỉnh, quân khu, chính quyền và đảng ủy trung ương, và các bộ phận quân sự trong thành phần tham dự. Nghị trình nguyên thủy chỉ tập trung vào các vấn đề nội địa – các chính sách kinh tế và phát triển nông nghiệp cho năm 1979 và 1980 – và đã không bao gồm tình hình Đông Dương, trái với điều mà tác giả King Chen đã xác định trước đây. 32 Phiên họp đã đi sang một khúc ngoặt khi Trần Vân (Chen Yun), một nhà hoạch định kinh tế cho họ Mao, đưa ra một bài diễn văn hôm 12 Tháng Mười Một nhấn mạnh rằng họ phải bàn thảo đến các di sản của Cuộc Cách Mạng Văn Hoa trước tiên. Chương trình nghị sự từ đó đổi hướng đến sự phục hồi các cán bộ đảng cao cấp là những người đã bị ngược đãi trong suốt Cuộc Cách Mạng Văn Hóa và nhằm phê bình sự liên minh của họ Hoa-họ Wang về việc tiếp tục theo đuổi một đường lối ý thức hệ cực tả. Phiên họp đã kết thúc với sự triệu tập Phiên Họp Khoáng Đại của Đại Hội Đảng lần Thứ 11, trong đó Trần Vân trở thành một phó chủ tịch ĐCSTQ, củng cố cho vị thế chính trị của Đặng Tiểu Bình. Với sự thay đổi bàu không khí chính trị tại Bắc Kinh, họ Đặng dần dần đã trở thành nhà cấu tạo quyết định vượt trội tại Trung Quốc. 33
Một trong các quyết định then chốt đầu tiên của họ Đặng, được loan báo tại Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba, là việc chuyển đổi mục tiêu ưu tiên quốc gia của Trung Quốc đến sự canh tân hóa kinh tế và một sự mở cửa ra thế giới bên ngoài. 34 Theo chương trình này, Hoa Kỳ được xem là nguồn cội chính của các ý tưởng và kỹ thuật tiên tiến và tấm gương đáng được ưa chuộng nhất. Một cựu thứ trưởng ngoại giao CHNDTQ, Zhang Wenjin, nhớ lại rằng họ Đặng tin tưởng là nếu Trung Quốc chỉ mở cửa với các nước khác ngoài Hoa Kỳ, chính sách mới sẽ vô ích. 35 Vào Tháng Mười Hai 1978, Bắc Kinh đã mời nhiều tổ hợp Hoa Kỳ quan trọng đến trợ giúp việc phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dầu hỏa, và các kỹ nghệ nặng khác tại Trung Quốc. Các vấn đề chính sách ngoại giao đã không được bao gồm trong chương trình nghị sự của Hội Nghị Công Tác Trung Ương hay Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba, nhưng một sự kết hợp của chính trị nội bộ với mối quan hệ đang xấu đi của CHNDTQ với Việt Nam (được biểu thị bởi liên minh mới của CHXHCNVN với Liên Bang Sô Viết) đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo ĐCSTQ sắp xếp một phiên họp đặc biệt về sự thiết lập các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. 36 Yếu tố Hoa Kỳ đã đóng một vai trò đáng kể trong tư tưởng chiến lược của Trung Quốc ngay trước khi có cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam.
YẾU TỐ SÔ VIẾT
Cuộc nghiên cứu của tác giả Qiang Zhai về các quan hệ của Trung Hoa với Bắc Việt Nam trước Tháng Tư 1975 ghi nhận rằng khác với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đó, họ Đặng đã không có bất kỳ sự ràng buộc cá nhân sâu đậm” nào với người Việt Nam”. Vào cuối 1978, họ Đặng, bị tổn thương nhiều bởi điều ông nhìn như sự thách đố của Hà Nội đối với các quyền lợi của Bắc Kinh đến nỗi ông ta đã không “ngần ngại để phát động một cuộc chiến tranh nhằm dạy cho Việt Nam một bài học”. 37 Trong năm 1979, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng tố cáo họ Đặng đã từng chống đối các quyền lợi của Việt Nam ngay trong khi có Cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Lê Duẩn tuyên bố rằng họ Đặng đã không chỉ cố gắng để thuyết phục phía Bắc Việt hãy làm nhẹ bớt cuộc cách mạng tại miền nam, mà can ngăn Bắc Việt đừng tiếp nhận viện trợ của Sô Viết, đặt điều này thành một điều kiện cho sự viện trợ liên tục của Trung Quốc. 38
Tổng cộng, Trung Quốc đã cung cấp cho Hà Nội sự trợ giúp trị giá 20 tỷ trong hai thập niên, nhiều hơn bất kỳ một nước nào đã cung cấp. 39 Khi các viên chức Việt Nam khởi sự cưỡng bách hồi hương các người gốc Hoa tại miền bắc Việt Nam và xâm lấn vào lãnh thổ Trung Quốc dọc biên giới, nhiều người Trung Quốc lấy làm tức giận bởi điều mà họ nhìn như sự vô ơn của Hà Nội đối với sự trợ giúp và hy sinh của Trung Quốc. Trung Quốc đã chứng kiến một triều sóng giận dữ của công chúng chống lại Việt Nam, được khích động bởi sự tuyên truyền chính thức. 40 Các kẻ đã từng trợ giúp phe Công Sản Việt Nam trong các cuộc chiến tranh của họ chống lại Pháp và Hoa Kỳ đặc biệt cảm thấy bị phản bội và hăm hở để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Phó Thủ Tướng Lý Tiên Niệm đã hình dung các hành vi quân sự của Trung Quốc như “một cái tát vào mặt [của Việt Nam] để cảnh cáo và trừng phạt họ”. 41 Đặng Tiểu Bình không khác gì. Sự bực tức của ông ta về thái độ “vô ơn” của Việt Nam có thể được truy tìm ngược về giữa thập niên 1960. 42 Mặc dù sự thù hận giữa Trung Quốc và Việt Nam đã gia tăng cường độ vào cuối thập niên 1970, họ Đặng ngày càng trở nên xung động, có lần còn gọi Việt Nam là wangbadan (dịch theo từng chữ là “trứng của con rùa” nhưng có thể thông dịch là “đồ chó đẻ: son of a bitch”) trước mặt một nhà lãnh đạo ngoại quốc. 43 Như tác giả Raymond Aron đã vạch ra, trong một tình trạng ở đó “các ý định thù nghịch [hiện hữu] ở cả hai bên, sự giận dữ và thù ghét [nhiều phần] phát sinh”. 44 Điều mà họ Đặng nhìn như “sự xấc láo” của Việt Nam, cùng với các sự đụng độ biên giới gia tăng, và cuộc tỵ nạn đang tiếp diễn của cư dân gốc Hoa, đã làm phát sinh “sự giận dữ và thù hận tại Bắc Kinh, tạo sự thuận lợi cho sự cứu xét các giải pháp quân sự. Sự sử dụng lực lượng quân sự cũng phù hợp với tư tưởng chiến lược của nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc.
Sau khi trở lại quyền hành, các quan điểm chính sách ngoại giao của họ Đặng khởi thủy vẫn còn nằm dưới ảnh hưởng của tư tưởng chiến lược của Mao Trạch Đông, vốn nhìn sự bành trướng toàn cầu của Sô Viết và lực lượng quân sự Sô viết như mối đe dọa chính cho hòa bình. Bất kể nỗ lực của Mạc Tư Khoa để hòa giải với Trung Hoa trong năm 1977 và 1978, các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối không chịu tin tưởng Liên Bang Sô Viết bởi mối thù hận lâu dài giữa hai nước. 45 Liên Bang Sô Viết tiếp tục một sự tăng cường quân sự quan trọng gần Trung Quốc và thường xuyên thực hiện các cuộc thao diễn quân sự với đạn thật trong cuộc xung đột vũ trang bị khích động tại các biên giới. 46 Khởi đi hồi đầu thập niên 1970, họ Mao đã theo đuổi chiến lược một “hoành tuyến: horizontal line” (yitiaoxian), hay dàn thành hàng ngang toàn cầu, có nghĩa, một tuyến phòng thủ chiến lược chống lại Liên Bang Sô Viết kéo dài từ Nhật Bản sang đến Âu Châu rồi đến Hoa Kỳ. Căn bản chiến lược “hoành tuyến” của họ Mao là một sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn đã không đáp ứng với chiều hướng này trong một phương cách mà Bắc Kinh đã kỳ vọng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng Hoa Kỳ vẫn còn quan tâm chính yếu đến một chính sách hòa hoãn đối với Liên Bang Sô Viết. 47
Sự thất vọng của Trung Quốc kéo dài cho đến những năm khởi đầu của nhiệm kỳ tổng thống của ông Jimmy Carter, kẻ đã đảm nhận chức vụ với việc hứa hẹn đặt sự hòa hoãn Hoa Kỳ - Sô Viết vào một ưu tiên cao hơn. Họ Đặng không ưa thích chính sách của Hoa Kỳ tìm cách làm giảm bớt sự căng thẳng quốc tế qua các cuộc thương thảo. Vào ngày 27 Tháng Chín 1977, ông gặp gỡ ông George H. W. Bush, cựu giám đốc văn phòng liên lạc Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, và đã chỉ trích các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ với Liên Bang Sô Viết là đã không ngăn cản Liên Bang Sô Viết khỏi việc giành đoạt được sự đồng đẳng (parity). 48 Vài tháng sau, nhà lãnh đạo Trung Hoa đã lập lại lời chỉ trích với Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của ông Carter, trong cuộc thăm viếng của ông Brzezinski tại Bắc Kinh trong Tháng Năm 1978. Họ Đặng đã cảnh cáo người khách về các ý định của Sô Viết, mà ông nói là nham hiểm đối với Hoa Kỳ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không tin tưởng rằng các hiệp ước hay sự hợp tác với Liên Bang Sô Viết sẽ ngăn cản được sự bành trướng của Sô Viết. Tuy nhiên, Brzezinski đã nghĩ rằng chính sách của Trung Quốc chỉ có tính chất “mỹ từ”. Họ Đặng không đồng ý, giải thích rằng Trung Quốc đã làm những gì nằm trong năng lực của nó. 49 Thật khó để biết chắc rằng liệu sự trao đổi này đã có một ảnh hưởng tâm lý nào trên họ Đặng hay không, nhưng ông ta sau đó thừa nhận rằng ông không muốn các nước khác nhận thức Trung Hoa là yếu ớt trong việc đối đầu với liên minh Sô Viết – Việt Nam. 50 Hành động quân sự Trung Quốc được ước định để chứng tỏ rằng Bắc Kinh sẽ không chỉ nói suông nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ thống nhất trong việc chống lại sự xâm lược của Sô Viết. 51
Trong Tháng Mười Một, nhiều sự phát triển đã gây ra sự lo ngại hơn nữa tại Bắc Kinh. Trước tiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc âu lo về sự bình thường hóa hay cải thiện các quan hệ khả dĩ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Vào ngày 3 Tháng Mười Một, Lý Tiên Niệm, biểu lộ sự bất mãn trong một cuộc đàm thoại với Bộ Trưởng Năng Lượng Hoa Kỳ, ông James Schlesinger, có nói rằng các ràng buộc chặt chẽ hơn với CHXHCNVN sẽ không lôi kéo Việt Nam ra khỏi Liên Bang Sô Viết. 52 Phía Trung Quốc rõ ràng lo lắng hơn trước trong việc gia tốc các cuộc thương thảo với Hoa Kỳ về sự thiết lập các quan hệ ngoại giao, đã cho phục hồi các cuộc đàm phán vốn bị ngưng lại hồi đầu Tháng Bẩy 1978. Thứ nhì, sự củng cố các liên hệ quân sự của Sô Viết với Việt Nam sau khi có sự ký kết Bản Hiệp Ước Hòa Bình [sic Hợp Tác] và Hữu Nghị giữa Sô Viết – Việt Nam hôm 3 Tháng Mười Một đã khuấy động sự hoảng hốt tại Bắc Kinh. Phía Trung Quốc giả định rằng Liên Bang Sô Viết đã ủng hộ cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt và sự khích động các căng thẳng tại biên giới phía nam Trung Quốc. 53 Đối với CHNDTQ, Việt Nam đã trở thành một mối đe dọa quân sự nghiêm trọng phụ lực thêm cho sự đe dọa của Sô Viết từ phía bắc. Trung Quốc cần đi tìm một sự cân bằng chiến lược xuyên qua hành động quân sự để đối đầu với “chủ nghĩa bá quyền cấp vùng” của Việt Nam.
Vào ngày 7 Tháng Mười Hai, QUTƯ nhóm họp trong nhiều tiếng đồng hồ và đã quyết định phóng ra một cuộc chiến tranh hạn chế để “hoàn kích” (đánh lại Việt Nam). 54 Một số tham dự phiên họp đã biểu lộ sự quan ngại rằng Liên Bang Sô Viết có thể đáp ứng bằng một cuộc tấn công trả đũa từ phía bắc, buộc Trung Quốc phải chiến đấu một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận. Sự phân tích tình báo của Bộ Tổng Tham Mưu QĐGPNDTQ cho thấy rằng Liên Bang Sô Viết sẽ có ba sự lựa chọn quân sự để đáp ứng với sự xâm lăng: (1) một sự xâm nhập vũ trang trên quy mô lớn bao gồm một cuộc tấn công trực tiếp vào Bắc Kinh; (2) xúi dục các kể di cư thuộc dân tộc ít người có vũ trang tấn công các tiền đồn của Trung Quốc tại Tân Cương và Nội Mông; và (3) sử dụng các cuộc chạm súng nhỏ để hỗ trợ các căng thẳng biên giới giữa hai nước. Mặc dù 54 Sư Đoàn của Sô Viết được bố trí dọc biên giới với Trung Quốc và Mông Cổ, Bộ Tổng Tham Mưu QĐGPNDTQ đã ước tính rằng hai phần ba các sư đoàn này thì thiếu quân số và thiếu trang bị, và rằng Liên Bang Sô Viết đã không có đủ số binh sĩ để phóng ra một sự can thiệp quân sự với quy mô to lớn tại Trung Quốc. Bất kỳ sự can thiệp nào của Sô Viết sẽ buộc Mạc Tư Khoa không chỉ di chuyển một quân số lớn lao ra khỏi Âu Châu, mà còn đặt chính an ninh quốc gia của Sô Viết vào sự rủi ro vĩ đại, bởi một sự đáp ứng khả hữu từ Hoa Kỳ. Liên Bang Sô Viết không thể tấn công Trung Quốc từ phía bắc mà không cứu xét đến khía cạnh này. 55 Vào ngày 8 Tháng Mười Hai, QUTƯ ra lệnh cho các Quân Khu Quảng Châu và Côn Minh phải sẵn sàng cho hành động quân sự đánh Việt Nam vào ngày 10 Tháng Một 1979. 56
SỰ BÌNH THƯỜNG HÓA CÁC QUAN HỆ
TRUNG QUỐC – HOA KỲ
Trong khi các lực lượng của QĐGPNDTQ chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã quyết định “đẩy nhanh nhịp tiến” của các cuộc thương thảo về việc bình thường hóa các quan hệ với Hoa Kỳ, nhận định rằng “điều đó sẽ có lợi cho chúng ta”. 57 Zhu Qizhen, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ sau này nhớ lại rằng điểm vướng mắc chính là “việc bán các vũ khí [của Hoa Kỳ] cho Đài Loan” và rằng “nếu chúng ta cứ khăng khăng rằng Hoa Kỳ phải ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, chúng ta có thể mất cơ hội để thiết lập các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ”. 58 Ông ta đã không giải thích tại sao sự thiết lập các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lại quá quan yếu đối với Trung Quốc vào Tháng Mười Hai 1978. Các sử gia lịch sử đảng Trung Quốc xác nhận rằng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã phải nắm lấy cơ may để đưa ra một quyết định bởi họ đang hoạch định một cuộc chiến tranh hạn chế chống Việt Nam và đã quyết định tập trung công tác của đảng vào sự xây dựng và hiện đại hóa kinh tế. 59 Nhưng các sử gia này không cung cấp bất kỳ chi tiết nào. Một điều rõ ràng từ các nguồn tin Trung Quốc khả ứng và từ các tài liệu văn khố Hoa Kỳ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhất là họ Đặng, đã cứu xét mọi biến cố như một tổng thể.
Tháng Mười Một 1978 đã là một thời điểm quan yếu trong trong lịch sử bình thường hóa các quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ khi cả đôi bên bày tỏ ý định muốn đạt tới một thỏa ước vào cuối năm. Họ Đặng đảm nhận vai trò thủ lĩnh cổ vũ cho sự thiết lập các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Tại một phiên họp của Bộ Chính Trị ĐCSTQ hôm 2 Tháng Mười Một, ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao thăm dò các ý định của Hoa Kỳ về việc bình thường hoa. “Chúng ta phải gia tốc sự bình thường hóa các quan hệ với Hoa Kỳ về mặt kinh tế”, họ Đặng nêu nhận xét. 60 Trong khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh với các quan khách Mỹ rằng sự bình thường hóa các quan hệ với CHNDTQ “sẽ làm nhiều điều cho an ninh của Hoa Kỳ hơn bất kỳ số lượng các hiệp ước kiểm soát vũ khí nào được ký kết với Mạc Tư Khoa”. 61 Tại một phiên họp đặc biệt hôm 27 Tháng Mười Một, họ Đặng nhấn mạnh “tầm quan trọng là không để mất cơ hội” cho các quan hệ được bình thường hóa và đã đưa ra các chỉ thị cho kỳ thương thảo sắp đến. 62 Ông rõ ràng đã quyết đoán trong đầu ở thời điểm này ngay dù một số vấn đề gây bực bội vẫn chưa được giải quyết. Vào đầu Tháng Mười Hai, họ Đặng có nói với các nhà lãnh đạo đảng tại một số tỉnh và các tư lệnh của nhiều quân khu rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ thiết lập các quan hệ ngoại giao vào ngày 1 Tháng Một 1979. Ông ta không muốn nhìn thấy phía Hoa Kỳ “vểnh đuôi của họ lên” (qiaoweiba) và do đó sẽ không can dự trực tiếp vào các cuộc thương thảo cho đến khi Hội Nghị Công Tác Trung Ương được chấm dứt. 63
Điểm tranh nghị chính vẫn là vấn đề các vụ bán vũ khí Hoa Kỳ cho Đài Loan sau khi các quan hệ với Trung Quốc được bình thường hóa. Phía Trung Quốc hiểu từ lời tuyên bố mạnh mẽ của Tổng Thống Carter với Chai Zemin, giám đốc Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn, trong Tháng Chín 1978 rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp cho Đài Loan các khí giới phòng thủ. 64 Vào ngày 4 Tháng Mười Hai, nhà thương thuyết Trung Quốc biểu lộ “sự kháng nghị mạnh mé” của CHNDTQ về điểm này. Các viên chức Hoa Kỳ tin tưởng rằng sự phản kháng này chỉ liên quan đến vấn đề bán vũ khí và rằng phía Trung Quốc sẽ không tìm cách để ngăn cản sự bình thường hóa các quan hệ. 65 Sự tin tưởng này sớm tạo ra sự nhầm lẫn tại Hoa Thịnh Đốn cũng như tại Bắc Kinh.
Trong Tháng Mười Một, các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đã cố gắng để xác định cách thức nhằm kết thúc các điều khoản chung cuộc của thỏa ước về sự thiết lập các quan hệ ngoại giao. Các viên chức Trung Quốc cao cấp, về phần họ, có ý định loại trừ các lực lượng cực tả tại Hội Nghị Công Tác Trung Ương, và chính họ Đặng đang nghiền ngẫm các sự chỉ đạo chính sách sẽ thúc đẩy cho sự cải cách kinh tế và một sự mở cửa ra thế giới”. 66 Hồi đầu Tháng Mười Hai, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng ký một mệnh lệnh để động viên các lực lượng của QĐGPNDTQ cho một cuộc tấn công Việt Nam. 67 Với bối cảnh của các biến cố này, họ Đặng tự mình đảm nhận các cuộc thương thảo, đã tổ chức bốn cuộc đàm phán với Leonard Woodcock, giám đốc văn phòng liên lạc Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, từ 13 đến 15 Tháng Mười Hai 1978. Theo các báo cáo về các cuộc thảo luận của Woodcock, họ Đặng đã không đưa ra dấu hiệu rằng ông ta sẽ chấp nhận các vụ bán vũ khí Hoa Kỳ cho Đài Loan. Khi ông Woodcock tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ ‘kiềm chế việc bán vũ khí cho Đài Loan” sau khi Hiệp Ước Phòng Thủ Hoa Kỳ-Đài Loan trở thành vô hiệu lực trong năm 1979, họ Đặng giả định một cách sai lầm rằng điều đó có nghĩa Hoa Kỳ sẽ không bao giờ lại bán các vũ khí cho Đài Loan nữa. 68
Vào lúc sắp sửa công bố thỏa ước bình thường hóa, họ Đắng khám phá rằng Hoa Kỳ có ý định tiếp tục bán các vũ khí cho Đài Loan sau khi các quan hệ được thiết lập với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ nhưng đồng ý chấp nhận các khuyến cáo của nhà thương thuyết Hoa Kỳ rằng cả hai bên có thể “tiếp tục thảo luận vấn đề này sau này, không để ảnh hưởng đến sự công bố bản thông cáo chung (communiqué)”. 69 Các học giả Trung Quốc tranh luận rằng quyết định của họ Đặng để không “lý sự” về vấn đề bán vũ khí thì phù hợp với các mục tiêu đối nội và chiến lược của ông. 70 Các sự chuẩn bị của QĐGPNDTQ cho một cuộc xâm lăng Việt Nam được thiết kế một phần để phát huy chiến lược “dàn hàng ngang” của họ Đặng nhằm chống lại chủ nghĩa bành trướng của Sô Viết. Li Shenzhi, cố vấn chính sach ngoại giao của họ Đặng, đã giải thích sau này rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn cuộc tấn công vào một đồng minh của Sô Viết như là “một chuyển động sinh tử” để chứng tỏ các quyền lợi quốc gia của Trung Quốc thì phù hợp với các quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ. 71 Từ quan điểm của Bắc Kinh, sự thiết lập các quan hệ ngoại giao vào ngày 1 Tháng Một 1979 với Hoa Thịnh Đốn đã làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu có lợi cho Trung Quốc. 72
ĐẶNG TIỂU BÌNH ĐƯA RA MỘT QUYẾT ĐỊNH
Một số học giả tuyên bố rằng ít nhà lãnh đạo Trung Quốc chống đối quyết định tấn công Việt Nam, nhưng họ bất đồng về các nhà lãnh đạo nào và về hình thức nào mà sự chống đối đã khoác lấy. 73 Các văn khố Trung Quốc về vấn đề này không tiếp cận được, và các ấn phẩm Trung Quốc hiện có đưa ra ít manh mối. Trong năm 1978, ngoài họ Hoa, Đặng, Chen, và Wang, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thần thế khác bao gồm Thống Chế Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) và Lý Tiên Niệm (Li Xiannian) cũng như các Thống Chế Xu Xiangqian và Nie Rongzhen, những người đã là phó chủ tich của QUTƯ. Không may, các tài liệu và tiểu sử công bố về cuộc đời của họ không đề cập đến các vai trò mà họ Diệp, họ Lý, và họ Nie đã đóng giữ trong cuộc chiến tranh của Trung Hoa đánh Việt Nam, mặc dù tất cả họ đều từng có một binh nghiệp lâu dài với QĐGPNDTQ. 74 Trong các cuộc phỏng vấn với các ký giả ngoại quốc, họ Lý là một kẻ ủng hộ chiến tranh to miệng. 75 Nhưng một số các nhà cách mạng kỳ cựu khác không thoải mái với sự thay đổi quyết liệt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Các tác giả của quyển tiểu sử Thống Chế họ Xu cho thấy rằng viên bộ trưởng quốc phòng chống đối sự xếp hàng trong chiến lược dàn hàng ngang cùng với Hoa Kỳ. 76 Thông Chế họ Diệp, về phần mình, được nói đã phản đối quyết định của họ Đặng về việc sử dụng lực lượng quân sự đánh CHXHCNVN. 77 Do đó, họ Diệp đã du hành đến Thượng Hải và đã không tham dự phiên họp mở rộng của Bộ Chính Trị ĐCSTQ Tối Hôm Cuối Năm, khi đề nghị chiến tranh của họ Đặng được sắp xếp để đưa ra thảo luận. 78
Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba của ĐCSTQ đã đặt họ Đặng như nhân vật thứ ba trong số các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đứng sau họ Hoa, nhà lãnh đạo trên danh nghĩa của đảng, và họ Diệp, đã già lão và chuyển giao các trách nhiệm quân sự của ông cho họ Đặng. Sau khi họ Mao, Chu Ân Lai, và Chu Đức (Zhu De) đều chết đi, họ Đặng, giống như các Thống Chế Bành Đức Hoài (Peng Dehuai) và Lâm Bưu (Lin Biao) trước đây, được nhìn bởi các sĩ quan QĐGPNDTQ như vị tổng tư lệnh. 79 Ngay họ Diệp có lần đã nhìn nhận rằng họ Đặng đã không chỉ là một lão soái (lao shuai) (thông chế già) mà còn là “kẻ đứng hàng đầu của các lão soái: foreman of old marshals”. 80 Thâm niên và tư thế uy tín của họ Đặng trong ĐCSTQ và quân đội có nghĩa rằng các quyết định của ông như kiến trúc sư trưởng cho cuộc xâm lăng vào Việt Nam nhiều phần không bị thách đố. Họ Diệp chia sẻ các quan điểm chiến lược của họ Đặng và cất tiếng ủng hộ của Trung Quốc cho Căm Bốt với cùng ngôn từ được sử dụng bởi chính phủ Trung Quốc. 81 Sự chống đối của họ Xu về chiến lược nhất tuyến không nhận được sự ủng hộ, và ông ta sau rốt đã tán đồng quyết định chiến tranh và tham dự vào việc hoạch định chiến tranh. Hơn nữa, sự kiểm soát của họ Đặng trên Bộ Tổng Tham Mưu QĐGPNDTQ cung cấp cho ông một phương tiện thuận tiện cho việc hoạch định quân sự, mà ông đã thúc đẩy xuyên qua QUTƯ một tháng trước khi giới lãnh đạo trung ương ĐCSTQ đưa ra một quyết định chính thức. 82
Bất kể quyền lực và uy tín của mình trong đảng, họ Đặng vẫn cần phải thuyết phục các đồng sự về lý do tại sao Trung Quốc phải sử dụng vũ lực chống lại Việt Nam. Ông đã đưa ra ba lý do:
Trước nhất, cuộc đấu tranh phản bá quyền quốc tế hiện thời chống lại Liên Bang Sô Viết đang bị suy yếu bởi Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu đều sợ không dám phát động một cuộc chiến tranh. Dõi nhìn cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt và các sự khiêu khích dọc theo biên giới Trung Quốc, chính CHNDTQ phải lãnh vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh. “Cuộc hoàn kích tự vệ: self-defense counterattack”, họ Đặng lập luận, được nhắm không chỉ vào một cuộc tranh chấp biên giới mà vào tình trạng rộng lớn hơn tại Đông Nam Á và ngay cả trên toàn thể thế giới.
Thứ nhì, họ Đặng nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần một môi trường an toàn, đáng tin cậy cho chương trình bốn hiện đại hóa của nó. CHNDTQ không thể tự để mình bị đe dọa bởi Liên Bang Sô Viết ở phía bắc và Việt Nam ở phía nam, sẽ “ép chúng ta ở giữa”. Trung Quốc, ông tin tưởng, cần phải lột trần sự rỗng tuếch trong lời khoa trương của Việt Nam là “quyền lực quân sự mạnh thứ ba trên thế giới” và “luôn luôn chiến thắng”. Nếu Trung Quốc không chịu hành động, họ Đặng tuyên bố, nó sẽ chỉ tiếp sức cho sự xâm lược của Việt Nam và có thể khuyến khích Liên Bang Sô Viết tiến vào tự phương bắc. Cuộc hoàn kích của Trung Quốc chính vì thế cũng sẽ gửi một lời cảnh cáo đến Liên Bang Sô Viết.
Thứ ba, họ Đặng lập luận rằng bởi QĐGPNDTQ đã không tham dự một cuộc chiến tranh nào trong ba mươi năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể “đoan chắc rằng quân đội của chúng ta vẫn còn đủ giỏi giang”. Ông đồng ý với quyết định gần đây của QUTƯ để gia tăng sự huấn luyện nhưng tin tưởng rằng sự chiến đấu thực sự sẽ còn có lợi nhiều hơn nữa. Họ Đặng lo sợ về tiếng tăm của QĐGPN DTQ, bị thương tổn nhiều trong các năm gần đây do hậu quả của Cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Ông tin rằng một cuộc chiến tranh thành công đánh Việt Nam sẽ giúp tái lập tiếng tăm của QĐGPNDTQ và cung cấp nhiều sĩ quan với kinh nghiệm chiến tranh hơn. 83
Tại một phiên họp mở rộng của Bộ Chính Trị ĐCSTQ hôm 31 Tháng Mười Hai 1978, họ Đặng chính thức đề nghị một cuộc chiến tranh trừng phạt đánh Việt Nam. 84 Rõ ràng bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt, các tham dự viên khác đã không chỉ chấp nhận đề nghị của họ Đặng về các cuộc tấn công vào Lạng Sơn, Cao Bằng, và Lào Cai, mà còn đưa ra nhiều sự thay đổi cho kế hoạch chiến tranh nguyên thủy bằng việc bao gồm một sự bố trí hai quân đoàn bổ túc để tấn công Điện Biên Phủ từ Mengla, Vân Nam, xuyên qua Lào hầu đặt ra một sự đe dọa trực tiếp hơn vào Hà Nội. Bộ Chính Trị cũng đã quyết định kéo dài các cuộc hành quân từ mười lăm ngày thành hai mươi ngày nhằm tiêu diệt từ ba đến năm sư đoàn Việt Nam. 85 Tổng hợp mọi dấu hiệu chỉ dẫn, các tham dự viên, kể cả Hoa Quốc Phong, đã nhất trí ủng họ đề nghị của họ Đặng. 86 Tại phiên họp, họ Đặng đã chỉ định Xu Shiyou chỉ huy các cuộc hành quân từ Quảng Tây ở phía đông và và Yang Dezhi (tư lệnh Quân Khu Vũ Hán) chỉ huy các cuộc hành quân từ Vân Nam bên cánh tây, gạt qua một bên Wang Bicheng, tư lệnh Quân Khu Côn Minh. 87
Lý do của sự thay đổi cấp chỉ huy tại Vân Nam thì không được tiết lộ. 88 Sau khi trở lại quyền hành, họ Đặng ngày càng trở nên lo âu về phẩm chất chính trị của QĐGPNDTQ, đặc biệt về lòng trung thành của các sĩ quan quân đội cao cấp. Các cuộc thanh trừng chính trị kể từ cuối thập niên 1950 và mười năm của Cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976) đã gieo rắc sự phân hóa trong hàng ngũ các vị tướng lĩnh già và đã khiến nhiều người nuôi dường sự bất mãn đối với các kẻ khác. Từ 20 Tháng Mười Hai 1978 đến 3 Tháng Một 1979 một phiên họp mở rộng của QUTƯ được tham dự bởi các sĩ quan cao cấp từ ba tổng hành dinh và từ mọi binh chủng và các quân khu bị phân hóa vào sự chua chát, khi các tham dự viên đã trao đổi các sự tố cáo gay gắt. Thống Chế họ Xu đã không giữ được phiên họp trong trật tự, và họ Đặng đã kết thúc phiên họp mà không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào. 89 Một tham dự viên – Zhang Sheng, một sĩ quan của Bộ Tổng Tham Mưu và là con của Tướng Zhang Aiping, một lãnh đạo quân đội cao cấp của QĐGPNDTQ – sau này lập luận rằng nếu không phải vì có cuộc chiến tranh với Việt Nam vài tuần lễ sau đó, sự rối loạn giữa các sĩ quan quân đội cao cấp có thể còn kéo dài. QĐGPNDTQ trong năm 1979 rõ ràng không phải là lực lượng quân sự có năng lực đã từng chiến đấu trong Chiến Tranh Triều Tiên và trong các cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ và Liên Bang Sô Viết. Họ Zhang tuyên bố rằng họ Đặng có lẽ đã dùng cuộc chiến tranh đánh Việt Nam để tái khẳng định sự kiểm soát trên quân đội. 90
Một loạt các sự thay đổi trong giới lãnh đạo QĐGPNDTQ hồi đầu thập niên 1980 thoat nhìn có thể làm liên tưởng rằng cuộc chiến tranh 1979 với Việt Nam đã gợi hứng cho sự tái tổ chức này, nhưng trong thực tế sự thu xếp gọn ghẽ QĐGPNDTQ và hệ thống chỉ huy của nó đã được cứu xét kỹ lưỡng trước khi có chiến tranh. Kết quả gây sững sờ của QĐGPNDTQ trong cuộc chiến chỉ xác nhận nhu cầu cho các sự thay đổi toàn bộ. 91 Sự tái tổ chức sau này không liên hệ đến sự thay đổi cấp chỉ huy vào lúc sắp sửa có chiến tranh, khi họ Đặng gửi hai phó tổng tham mưu đến Côn Minh để giám sát sự di chuyển và chuẩn bị chiến tranh. 92 Tại Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ định hai phụ tá, Yang Yung và Wang Shangrong, để phối hợp các hoạt động quân sự của hai quân khu, sẽ thi hành các sứ mệnh của họ một cách độc lập. 93
Ngay dù họ Đặng ngày càng được nhìn như vị lãnh đạo tối cao giống như họ Mao, ông vẫn phải tham khảo với các đồng sự cao cấp đáng tin cậy trước khi đưa ra một quyết định. Họ mang nặng trong đầu nhiều bất trắc then chốt – rằng Liên Bang Sô Viết sẽ phóng ra một cuộc tấn công trả đũa vào Trung Quốc; rằng Hoa Kỳ sẽ tìm cách trục lợi từ tình hình; rằng công luận thế giới sẽ kết án CHNDTQ; và rằng cuộc chiến tranh với Việt Nam sẽ cản trở nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm canh tân hóa kinh tế. 94 Họ Đặng đã mời một trong những đồng sự thân cận nhất của ông, Trần Vân (Chen Yun) cân nhắc các lợi điểm và bất lợi của một cuộc chiến tranh với Việt Nam. Sau khi nghiền ngẫm vấn đề, họ Trần đã không chỉ đưa ra sự hậu thuẫn trọn ven của ông mà còn gióng lên một âm điệu vững tin. 95 Ông hiển nhiên đã góp phần thuyết phục họ Đặng rằng một hành động quân sự ngắn gọn hạn chế, tự vệ chống lại Việt Nam sẽ không khiêu khích sự can thiệp của Mạc Tư Khoa và sẽ có ít tác động trên sự cải cách kinh tế trong nước.
Để ngăn chặn tình hình vượt khỏi sự kiểm soát, Bộ Chính Trị ĐCSTQ kế đó đã quyết định bất kể kết quả sẽ đạt được ra sao trên chiến trường, sau khi đã chiếm đoạt được hai tỉnh lỵ Việt Nam dọc biên giới – Lạng Sơn và Cao Bằng – các lực lượng QĐGPNDTQ sẽ ngừng cuộc tiến công của chúng, giải giới khỏi sự giao tranh, và rút lui. 96 Triển vọng một cuộc chiến tranh ngắn được thiết kế để xoa dịu các sự lo ngại và triệt hạ sự chống đối trong nước. Tuy thế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể hạ thấp sự cảnh giác của họ, và họ đã cho các binh sĩ thuộc các quân khu phía bắc và tây bắc gia tăng sự ứng chiến đối với các cuộc tấn kích khả hữu của Sô Viết. Họ cũng nhấn mạnh rằng nếu các lực lượng Sô Viết xâm lăng, binh sĩ Trung Quốc phải “kiên cường giữ vững phòng tuyên trong khi không được tạo ra ấn tượng của sự yếu kém”. 97
Phiên họp Đêm Cuối Năm đã trì hoàn việc ấn định thời biểu của hoạt động quân sự. Một số nhà phân tích Tây Phương lập luận rằng CHNDTQ vẫn còn bị kiềm chế bởi các sự quan ngại về phản ứng quốc tế và rằng các chuyến du hành đã được xếp lịch của họ Đặng tới Hoa Kỳ và Nhật Bản được chủ định là để “trắc nghiệm triều sóng”. 98 Trong thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại chính yếu về việc liệu các lực lượng của họ có đủ thời giờ để thực hiện các sự chuẩn bị thích đáng cho cuộc xâm lăng hay không. Các mệnh lệnh khởi đầu cho Quảng Châu và Côn Minh rằng “mọi đơn vị phải đến được các vị trí đã chỉ định của chúng vào ngày 10 Tháng Một 1979 và tức thời hoàn tất các sự chuẩn bị chiến đấu”. 99 Tuy nhiên, các binh sĩ Trung Quốc đã không tham dự vào bất kỳ cuộc chiến nào từ 1969, và nhiều người trong họ không thể hiểu được việc tiến tới chiến tranh chống lại một đồng minh truyền thông và một quốc lân cận nhỏ bé. 100 Không lâu sau phiên họp Đêm Cuối Năm, họ Đặng đã phái Yang Yong, phó tổng tham muu, Wei Guoping, chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị, và Zhang Zhen, chủ nhiệm Tổng Cục Tiếp Vận (Hậu Cần), đi thanh tra sự ứng chiến của các binh sĩ tại Vân Nam và Quảng Tây.
Kinh hoảng vì sự thiếu các sự chuẩn bị, họ Zhang tức thời khuyến cáo việc trì hoãn chiến tranh trong một tháng. Ông sau này nhớ lại rằng QUTƯ đã đồng ý triển hạn hành động quân sự cho đến giữa Tháng Hai 1979. 101 Vào ngày 22 Tháng Một họ Đặng gặp gỡ tại nhà với các nhà lãnh đạo chính của QUTƯ: Xu Xiangqian, Nie Rongzhen, và Geng Biao. Yang đã báo cáo về chuyến du hành gần đó của ông ta đến mặt trận và đưa ra các đề nghị cho cuộc chiến tranh. 102 Hầu như chắc chắn rằng tại buổi họp này các nhà lãnh đạo Trung Hoa đã không chỉ tái xác định quyết định chiến tranh, mà còn quyết định đình chỉ kế hoạch tấn công Việt Nam từ Vân Nam xuyên qua Lào. Các lực lượng Việt Nam đã sẵn chiếm cứ bộ phận quan trọng của Căm Bốt vào khoảng giữa Tháng Một, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ không tin tưởng rằng một cuộc tấn công của QĐGPNDTQ từ phương bắc lại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các cuộc hành quân của Hà Nội tại phương nam. Hai ngày sau đó, Bộ Tổng Tham Mưu triệu tập tham mưu trưởng của Quân Khu Quảng Châu lên Bắc Kinh để thẩm duyệt chung cuộc kế hoạch chiến tranh, chuyển chỉ thị của họ Đặng rằng các binh sĩ phải sẵn sàng vào ngày 15 Tháng Hai 1979 để tiến hành sứ mệnh của họ nhằm loại trừ các lực lượng đối phương tại Lạng Sơn và Cao Bằng. Để trợ giúp cho hoạt động, hai quân đoàn bổ túc được tháo gỡ từ kế hoạch xâm lăng bị từ bỏ ở miền tây bắc được di chuyển đên tăng viện cho các cuộc tấn công từ Quảng Tây. Các tham dự viên trong phiên họp đã đặt tên cho hoạt động sắp diễn ra là một cuộc “hoàn kích tự vệ chống lại Việt Nam”. 103
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét