Huyền thoại về dãy Hoành Sơn
Trần Lý Minh
Chuyện kể, cái thuở mặt đất còn hồng hoang, vạn vật đều biết nói, biết đi. Song các vật thể không thể ăn nói bát nháo, đi đứng lung tung vì có Nhà trời quản. Trời cai trị chúng sinh bằng việc thưởng, phạt rất nghiêm minh. Mỗi vật thể có công, ông ban cho một đặc ân- điều ước hợp lý do chúng tự chọn. Gia đình núi nọ lời ăn tiếng nói ngọt dịu, có công làm cây rừng tươi tốt, núi mọc cao thêm mấy mét, được Nhà trời tấm tắc khen.
Hoành Sơn Quan |
Từ đại ngàn ra biển, phong cảnh nên thơ. Vùng trung du mấp mô đồi núi thấp. Vùng duyên hải sông uốn cong dải lụa. Vùng cát trắng, cát vàng lưa thưa cây bụi, trải dài tít tắp. Phía đông triền cát là biển. Gia đình núi choán ngợp. Và ngất ngây say đắm. Trời và nước giao hòa chỗ đường kẻ chỉ mút mắt. Mây trắng lốp lang thang trôi. Mặt trời đổ nắng chói lòa. Biển phản lại triệu triệu ánh lấp lóa. Gió nồm mát rượi. Núi bố núi mẹ bước ra biển đón gió, con sóng liên hồi kỳ trận ập vào mơn man bàn chân. Lũ núi con nhảy ào xuống biển vùng vẫy.
Vui thú với vùng đất mới mênh mông sóng nước và gió, gia đình núi quên mất cái thời gian Nhà trời cho phép đi chơi. Họ định quay về với cộng đồng núi phía tây nhưng không thể. Nhà trời đã đính chân cha mẹ gia đình núi bên bờ biển, và cố định con cái họ luôn ngoài biển vì cái tội vi phạm thời gian. Chẳng hề chi. Gia đình núi nghĩ, nếu như họ trở lại chốn cũ, họ sẽ bị chìm trong tập đoàn núi hằng hà sa số ở phía tây. Ở đồng bằng, họ nổi lên như một thần tượng cao lớn hùng vĩ; và ở biển, họ sừng sững thi gan với sóng gió nên luôn luôn có muôn cặp mắt trầm trồ thán phục.
Đó chính là dãy Hoành Sơn muôn thuở. Từ Trường Sơn chạy dọc biên cương phía tây, dãy núi ngang rẽ ra hướng đông, bắt đầu bằng những dãy núi thấp, rời rạc, có chỗ chỉ là những triền đồi tương đối bằng địa. Cách biển chừng 20km, núi bất ngờ cao vút lên, và đạt độ cao đáng nể 1044m. Đây chính là đỉnh Tai Cối- núi cha. Từ đỉnh núi cha, núi chia một nhánh về hướng nam dài chừng 7km. Nhánh đi về biển hạ thấp độ cao một ít, kéo dài chừng 8km rồi lại cao vút lên đạt độ cao 996m. Đây chính là đỉnh Dầm- núi mẹ. Từ đỉnh núi mẹ, núi chia nhiều nhánh về hướng nam, hướng đông nam, hướng đông, hướng đông bắc và hướng bắc. Các con của núi, đứa đang đứng bên bờ biển, đứa tắm biển. Đó chính là những quả núi thấp rời hẳn ra khỏi dãy núi bố mẹ, và những hòn đảo lớn bé chơi vơi ngoài vùng biển thuộc hai tỉnh liền kề Hà Tĩnh - Quảng Bình.
Núi chia nhánh tạo ra các thung lũng lớn bé, từ đó sinh ra các con suối lớn bé tương ứng. Các con suối bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn được chia làm hai phần: phần thuộc triền núi rất dốc và phần từ chân núi đi về đồng bằng rất ít dốc. Phần suối dốc nước chảy qua các vách đá, tạo nên những cái thác cao chóng mặt. Nổi bật nhất có thác Tam Cấp của khe Ngọ Nậy trong thung lũng Đá Bạc. Ba bậc nước tạo thành chín cái thác từ độ cao 250m đổ xuống ồn ĩ ngày đêm. Phần suối bằng có những chỗ bằng đến mức, nước tạo thành một cái vực lặng lờ rất dài; điển hình là vực Dài của khe Đá Bàn (suối Bàn Thạch, lớn nhất trong dãy Hoành Sơn), có một cái vực dài ngót nghét 5km. Suối Bàn Thạch là nơi ghi dấu ấn của nhà thơ lỗi lạc Cao Bá Quát - người đã lãnh đạo nông dân vùng Mỹ Lương đứng lên khởi nghĩa, chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn thời vua Tự Đức năm 1853. Cùng với nhiều áng thơ bất hủ ca ngợi cảnh trí của Hoành Sơn- Đèo Ngang, tại đây ông sáng tác bài thơ tứ tuyệt chữ Hán Dục Bàn Thạch kính (Tắm ở khe Đá Bàn). Bài thơ được nhà thơ Hoá Dân dịch: Sáng lên Hoành Sơn trông/ Chiều xuống Bàn Thạch tắm/ Nhặt hòn đá mỗi nơi/ Núi sông không đầy nắm.
Các thung lũng lớn bé của Hoành Sơn, là nơi tàng trữ sản vật rừng nuôi sống bao thế hệ con người đi mở đất náu thân vào đấy. Dân quê nam Hoành Sơn gọi thung lũng bằng hung. Hung Rỏi có khe Cây Mộc trồng thuốc lá. Hung Bàn có suối Bàn Thạch trồng sắn. Hung Dầu có khe Chùa Thông trồng mía. Hung Đá Bạc có khe Ngọ Nậy trồng lạc. Hung Chè trồng chè… Đấy là sản phẩm hàng hoá tự thuở xưa, duy trì cho đến tận bây giờ mà người dân sinh sống ven dãy núi ngang mang về các chợ vùng Ròn mua bán, trao đổi.
Phần núi cao của Hoành Sơn chỉ kéo dài chừng 25km, nhưng độc đáo ở chỗ, phần để được gọi là non cao ấy lại nằm ngay ở đồng bằng sát với biển, và chắn ngang miền duyên hải như một bức tường thành sừng sững theo trục đông- tây. Cái địa lý hiểm yếu ấy là nơi bao lần chặn cơn khát mở mang cương vực của các tù trưởng, các ông vua, các vị chúa nắm quyền hành qua các thời đại về hai phía dãy Hoành Sơn. Theo cổ sử thì thuở xa xưa đã có các bộ lạc cổ sinh sống từ nam Hoành Sơn trở vào, và các bộ lạc này chưa thuộc quốc gia Việt cổ là nhà nước Văn Lang do các vua Hùng trị vì. Các bộ lạc này tập hợp nhau lại, dựng thành quốc gia Việt Thường. Không rõ thế nào, thời gian sau đó, quốc gia Việt Thường trở thành bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Thuở ấy, trên rừng Hoành Sơn và mở rộng ra là cả vùng núi Quảng Bình “… Có nhiều gỗ, tre, nứa, lá để làm nhà. Có quế, hồi, nấm hương và những cây thuốc, cây hương liệu. Có nhiều chim muông, cầm thú… kể cả hổ, báo, tê giác, voi rất nhiều, nhất là vùng Cửu Đức, Việt Thường, sau gọi là vùng Tượng Lâm, Tượng Quận…” (Sử cổ Trung Quốc. Tác giả Hoài Việt trích dẫn).
Năm 207 trước Công nguyên, ông vua ngụ cư Thục Phán có gốc gác phương Bắc lúc ấy đang trị vì dân ta (nước Âu Lạc), do chủ quan khinh địch, để cho nhà Triệu cũng thuộc phương Bắc đánh cho bỏ thành Cổ Loa mà chạy. Từ đó nước ta lọt vào ách thống trị của phong kiến Trung Quốc ngót một nghìn năm. Suốt một thời gian dài, Bộ Việt Thường (vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ) là thuộc trong một quận, một châu đặt dưới ách cai trị của nhà Triệu, nhà Tây Hán rồi đến nhà Đông Hán. “Năm 190, dưới sự lãnh đạo của một thủ lĩnh người Chăm là Khui Liên, nhân dân huyện Tượng Lâm nổi dậy khởi nghĩa, đánh chiếm quận Nhật Nam lập ra nước Lâm Ấp , nhà nước độc lập đầu tiên hình thành ở miền nam nước ta, thoát khỏi ách thống trị của các tập đoàn phong kiến phương Bắc (…) Quốc gia Lâm Ấp mở rộng ra phía bắc đến dãy Hoành Sơn…” (Quảng Bình- Non nước và lịch sử. Tác giả Nguyễn Tú). Sách Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu, ở mục An Nam bị lục, chi tiết về Hoành Sơn có ghi “Ở địa giới Hà Hoa (nay là Kỳ Anh, Hà Tĩnh) năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Hựu nhà Tấn, vua nước Lâm Ấp là Phạm Văn đánh lấy quận Nhật Nam”. Không chịu dừng lại ở đó, các đời vua của nước Lâm Ấp nhiều lượt vượt Hoành Sơn ra phía bắc chiếm đất, và cũng nhiều lần bị chính quyền đô hộ phương Bắc đánh bật trở lại, đẩy lùi sâu vào phía nam. Hai bên đánh qua đánh về hao binh tổn tướng chẳng ai được xơ múi gì, rốt cục, như Sách Tấn thư quyển 97 chép “Năm Vĩnh Hoà (347) nhà Tấn, vua Lâm Ấp là Phạm Văn đánh Nhật Nam, thông báo với thứ sử Giao Châu là Chu Phồn đòi lấy Hoành Sơn làm phân giới…”. Để phòng thủ biên cương, Phạm Văn lệnh cho xây một thành đá, theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 2 “Ở phía bắc huyện Bình Chính, trên một dải Hoành Sơn chất đá làm lũy, từ núi Ba Hy chạy ngang suốt biển. Tương truyền là do Phạm Văn ở Lâm Ấp đắp để làm đường phân giới Giao Châu- Lâm Ấp…”. Thế mới hay, dãy núi ngang sừng sững là thành trì vững chãi che chắn lãnh thổ. Quan trọng biết nhường nào!
Mộng bành trướng của các thế lực cầm quyền, nước nào cũng có và thời nào cũng có. Các vua của nước Lâm Ấp (sau này được đổi thành nước Hoàn Vương rồi nước Chiêm Thành) không ngớt vượt Hoành Sơn- Đèo Ngang xâm chiếm đất đai của người Việt, cho dù nước Việt lúc đang bị người phương Bắc đô hộ hay lúc đã độc lập. Các vua Chăm quấy phá, bành trướng chiếm đóng không được đất Việt, liền bị quân đội qua các triều vua nước Việt phản đòn. Năm 992 thời vua Lê Đại Hành, phụ quốc Ngô Tử An cho mở con đường bộ đầu tiên tại cửa Sót (tức cửa Nam Giới thuộc Hà Tĩnh) vượt đèo Ngang vào đến châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Theo Toàn thư bản kỷ quyển 1, thì số người mở đường thời đó là 3 vạn. Vì vậy, trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An có câu “Thạch thành Lâm Ấp trúc/ Lục lộ Tử An bình… (Nghĩa là: Thành đá Lâm Ấp xây/ đường bộ Tử An đắp).
Con đường bộ vượt đèo được lát đá thành từng bậc cả hai phía, nay vẫn còn nguyên. Trên đỉnh đèo năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua Minh Mạng cho xây cổng Hoành Sơn quan sừng sững, hướng mặt về phía bắc. Phía chân con đường bộ phía nam đèo, sát với đền thờ công chúa Liễu Hạnh. Con đường thiên lý vào nam ra bắc in dấu ấn qua bao thế kỷ, qua bao triều đại. Con đường không chỉ dành riêng cho khách bộ hành; mà với người buôn bán, với kẻ sĩ đi thi, kể cả quan lính đi trận; ai có việc qua đèo đều ghé vào miếu Bà Mẹ thắp hương khấn vái nhờ bà phù hộ an toàn, thuận lợi, may mắn trên mọi nẻo đường. Con đường đèo - đường nam chinh của các bậc vua quan, tướng lĩnh, binh lính của quốc gia Đại Việt kể từ ngày Ngô Tử An mở. Từ đó, Hoành Sơn không còn là biên giới chung của hai nước Chăm- Việt, do biên giới lùi dần về phương nam. Đất của vương quốc Chăm Pa mất dần, và mất hẳn. Quốc gia Chiêm Thành từng một thời hùng mạnh, có nền kinh tế, văn hoá phát triển rực rỡ bị xoá tên, người Chăm trở thành một bộ phận dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Dù Hoành Sơn không còn là đường biên, song các cuộc chiến ác liệt tranh chấp đất, bảo vệ đất vẫn luôn xảy ra ở đó và vùng phụ cận. Điển hình là vào giữa thế kỷ XVI, cái tham vọng tranh bá đồ vương, nạn cát cứ của các tập đoàn phong kiến nắm quyền hành nước ta, đã biến thành cuộc chiến chinh đầu rơi máu chảy. Mộng tranh bá đồ vương, ban đầu đơn giản chỉ là chuyện thù ghét và trả thù nhau trong gia đình. Sách Các triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng- Nhà xuất bản Thanh niên 1999- viết “Trịnh Kiểm là anh rể Nguyễn Hoàng, muốn thâu tóm quyền hành, nên phải loại bỏ uy thế của các người con Nguyễn Kim. Nguyễn Uông con trưởng bị hãm hại (chết); Nguyễn Hoàng đang bị ghen ghét (…) Nguyễn Hoàng tìm cách trả thù họ Trịnh, bèn sai người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì được tâu: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân. (Một dải núi Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời). Hoàng hiểu ra, nhờ chị gái là Ngọc Bảo (vợ của Kiểm) nói với Kiểm để Kiểm tâu với vua (Lê Anh Tông) cho Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá (…) Năm Mậu Ngọ 1558, Hoàng vượt Hoành Sơn vào nhậm chức, dựng dinh trại tại xã Ái Tử, huyện Đăng Xương (Triệu Phong, Quảng Trị)”. Đó chính là điểm khởi đầu cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh nồi da xáo thịt kéo dài hơn 200 năm.
Tương truyền, vùng đất hiểm yếu sát biển, bị kẹp giữa hai dãy núi cao của Hoành Sơn, phía bắc đèo Ngang (nay là xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là nơi lưu đày các tù nhân chiến tranh của họ Nguyễn mà họ Trịnh bắt được. Vì vậy mà dân ở đây mang tích cách ngang ngược. Cũng theo lời truyền miệng, phía nam đèo Ngang có những hũm đất lớn hình vuông được khoét sâu vào núi. Các cụ nói rằng đó chính là những cái hộc đong người (đong dân phu hoặc đong binh lính). Vì qua các triều đại, dân phu và binh lính được điều động đến đây nhiều vô kể. Từ thời Lê Hoàn, phụ quốc Ngô Tử An từng đưa tới 3 vạn dân mở đường. Sau này thực dân Pháp cho mở đường ô tô qua đèo, đưa đến số dân phu làm đường không ít. Trong cuộc chiến Trịnh- Nguyễn phân tranh, vùng đèo Ngang là nơi tập kết của quân đội họ Trịnh, và cũng có khi là của họ Nguyễn, tuỳ thuộc vào chiến trận xảy ra phía nam hoặc phía bắc Hoành Sơn. Các quan chỉ huy đếm lính không xuể, hoặc do tính toán chậm, hoặc do lười đếm; muốn đếm cho nhanh các vị liền nghĩ ra một mẹo: dùng một cái hộc lớn bằng đất đong quân lính hoặc dân phu như đong lương thực rời. Có khác chăng, cái vật được đong là con người, họ được lệnh nhảy vào hộc lèn chặt. Chỉ cần mất công đếm lượt đầu tiên. Các lượt khác cứ thế nhân lên.
Các cuộc kháng chiến sau này của nhân dân ta chống thực dân, đế quốc xâm lược để lại bao dấu ấn trên dãy núi ngang. Thời kỳ Pháp đánh chiếm kinh đô Huế tháng 7 năm 1885, có hai ông tú tài Trần Ngọc Điện và Phạm Thế Lộc; một ông người làng Di Luân, một ông làng Cảnh Dương, là những làng khoa bảng miền biển ven dãy Hoành Sơn; hưởng ứng chiếu Cần vương chống Pháp, hai ông dựng cờ nghĩa, chiêu tập nghĩa binh, lập căn cứ chống Pháp ngay trên vùng núi Hoành Sơn- Đèo Ngang. Nghĩa quân đã tiêu diệt được nhiều lính Pháp đóng quân trong vùng Ròn và lính đi càn. Có lúc, nghĩa quân chiếm lấy con đường độc đạo qua đèo Ngang, chặn đánh các đoàn vận chuyển hàng hoá, vũ khí của thực dân Pháp (lúc này vận tải hàng bằng sức người, sức ngựa vì chưa có ô tô và đường ô tô). Một sĩ quan Pháp tên là Gosselin từng đánh nhau với nghĩa quân của hai ông tú tài bên dãy Hoành Sơn, đã viết trong cuốn hồi ký Vương quốc An Nam “…Mỗi đoàn vận chuyển (hàng hoá, vũ khí qua đèo Ngang) phải có ít nhất 20 lính zouave (zu-a-vơ) hộ tống, nếu không sẽ bị (nghĩa quân) đánh bắt chặt đầu hoặc làm bị thương…”. Trong một trận đánh không cân sức dưới chân Hoành Sơn, ông tú Phạm Thế Lộc bị giặc bắt. Chúng nhốt ông vào cũi sắt đưa vào Đồng Hới. Khi nghỉ chân ở đồn Di Luân, em họ ông là Phạm Công Đạt rỉ tai với cậu con trai 10 tuổi về một âm mưu nhỏ. Nhân lúc bọn lính áp tải a-zu-vơ không để ý, cậu con trai đến bên cũi nhốt ông Lộc nhanh tay đưa cho ông một lọ dầu gió. Ông hiểu ý. Đến Đồng Hới, cầm quyền Pháp dụ ông hàng. Ông chẳng nói chẳng rằng, đập vỡ lọ dầu, dùng cạnh sắc rạch đứt động mạch cổ tuẫn tiết.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường ô tô qua đèo Ngang là trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt của địch. Biết bao chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân quân địa phương đã chiến đấu hy sinh bảo vệ mặt đường, bảo vệ từng chiếc cầu- về sau là những cái cầu tạm hoặc khúc ngầm trên con đường đèo. Con đường phía nam đèo (thuộc Quảng Bình), có một cái cầu ngắn nằm ở khúc cua gấp, sâu trong hõm núi của thung lũng đèo Ngang, dân địa phương đặt tên là cầu Ngoẹo. Thật là kỳ lạ, cầu Ngoẹo có thể là cái cầu duy nhất trong mọi con đường ô tô trên đất lửa Quảng Bình, vẫn trơ trơ trước ba ngàn ngày bom đạn. Không có cách nào để tàu bay, tàu thuỷ Mỹ loại bỏ được chiếc cầu này. Từ bom tấn, bom tạ, bom sát thương, tên lửa không đối đất do tàu bay trên trời dội xuống; đại bác hạng nặng từ tàu thủy ngoài khơi câu vào; và sau này, năm 1972 có thêm tên lửa cùng bom được dẫn đường bằng la- ze với độ chính xác tới từng đề- xi- mét. Hàng trăm tấn bom đạn đế quốc Mỹ ném vào đây, nhưng cầu vẫn vậy. Đây quả là một bí ẩn và một thách thức ghê gớm đối với nền khoa học quân sự tối tân bậc nhất thế giới của Lầu Năm Góc ngày ấy. Đến nỗi, dân địa phương xã Quảng Đông kể rằng: về nửa cuối của những ngày bom đạn trong chiến tranh phá hoại, có nhiều người đã dùng cầu Ngoẹo để trú bom(!?) trong trường hợp người đó đang trên con đường đèo, bỗng có máy bay Mỹ ập tới.
Đỉnh núi cao nhất của Hoành Sơn- đỉnh Tai Cối đã phối hợp với dân quân địa phương xã Quảng Hợp diệt một máy bay F.4 - “Con ma” của không lực Huê Kỳ. “Con ma” dính đạn, cố lết ra biển nhưng đỉnh Tai Cối cao quá, trong khi viên phi công không điều khiển nổi tàu bay bị thương. Kết cục, chiếc tàu bay đâm vào đỉnh núi hoá ra ma, trong khi chỉ cần nó bay cao lên chừng 50m nữa là thoát. Một đỉnh núi khác thuộc nhánh về phía nam, và cách đỉnh Tai Cối 6km, đó là đỉnh Động Nứa cao 897m. Đỉnh núi này tự mình diệt một F.105 “Thần sấm” của Mỹ, loại máy bay có tốc độ vượt hàng rào âm thanh (hơn 1300 km/h). Lũ quạ sắt thường bay rất thấp, với tốc độ rất cao, từ biển vào để thị uy đối phương dưới mặt đất. Vào một ngày bị sương mù che khuất, quen thói như thế, “Thần sấm” lao vào đỉnh Động Nứa rồi nổ tung phát ra một tiếng như sấm. “Yêng hùng bầu trời xanh” không tài nào xử lý kịp, dù được trang bị hệ thống ra đa cực kỳ hiện đại.
Hoành Sơn- Đèo Ngang không chỉ là nhân chứng lịch sử lâu dài trọn vẹn trong các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước, mà còn nguồn cảm hứng kỳ diệu không cùng đối với kẻ sĩ, với các bậc quân vương, lãnh tụ, chính khách của mọi thời đại có dịp đi qua hoặc lưu trú một thời gian. Chưa ai có thể thống kê chính xác có bao nhiêu văn nghệ sĩ, sáng tác bao nhiêu tác phẩm thơ, văn, nhạc, hoạ, điêu khắc… về dãy núi ngang huyền thoại. Nguồn cảm hứng là mãi mãi.
Không chỉ trong văn hoá nghệ thuật, nguồn cảm hứng vươn sang cả lĩnh vực kinh tế. Vùng non cao nước biếc có những mũi đất, những hòn đảo gần đất liền, ở hai phía Hoành Sơn của hai tỉnh liền kề Quảng Bình- Hà Tĩnh, đang hình thành hai khu kinh tế- cảng biển nước sâu, với tiềm năng không thua kém bất cứ một khu kinh tế nào trong đất nước./.
(Bài của Trần Lý Minh gửi cho Người Ba Đồn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét