Việt Nam với nhiệm kỳ mới của Obama
Những ai đang tìm kiếm ý nghĩa biểu tượng của thông báo về chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kì hai của Obama sẽ không bỏ lỡ một điều: châu Á sẽ được chú ý nhiều hơn.
Và rồi cuối cùng thì bầu cử Mỹ đã kết thúc. Ngày bầu cử đã qua và người dân Mỹ đã lựa chọn chính quyền của mình. Sau một mùa tranh cử ồn ào, chính quyền mới rốt cục không có gì thay đổi so với trước. Đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số ở Hạ viện. Đảng Dân chủ nắm được nhiều ghế hơn ở Thượng viện. Và Tổng thống Obama sẽ ngồi lại Nhà Trắng thêm bốn năm nữa. Hiếm có khi nào trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ, một chiến dịch tranh cử tốn kém và kéo dài như vậy lại không tạo ra được mấy thay đổi so với tình trạng hiện thời.
Ai đó có thể nhìn vào kết quả và kết luận rằng người dân Mỹ hài lòng với cách thức mà mọi việc đã diễn ra trên đất nước họ và quyết định trao cho ê-kíp cũ cơ hội tiếp tục. Nhưng thực tế có rất ít bằng chứng để đảm bảo cho kết luận này. Hàng loạt các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy người Mỹ không hài lòng với hướng đi của đất nước, bất bình với những gì mà Quốc hội đang thực hiện và hoài nghi sâu sắc về tổng thống.
Những gì mà kết quả cuộc bầu cử cho thấy không phải là sự ủng hộ áp đảo dành cho Tổng thống Obama, mà chỉ là người Mỹ chọn cách giữ nguyên trạng bởi không cảm thấy thuyết phục bởi lựa chọn thay thế mà Mitt Romney và Paul Ryan đưa ra.
Trong số những người lẽ ra phải đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử, chỉ có 30% bỏ phiếu cho Obama. Một tỷ lệ xấp xỉ khác bỏ phiếu cho Romney và hơn 40% không tham gia bỏ phiếu. Khó có thể nói đó là một sự ủng hộ rộng rãi cho Tổng thống và các chính sách của ông.
Ảnh: Guardian |
Vậy thì bây giờ sẽ là gì? Trong "thổ ngữ chính trị Mỹ", Obama hiện là một tổng thống "vịt què" (lame-duck). Hiến pháp Mỹ giới hạn tổng thống chỉ được tối đa hai nhiệm kỳ, Obama sẽ không thể tìm kiếm việc tái cử vào năm 2016.
Tình trạng "vịt què" mang đến nhiều thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Thách thức sẽ càng hiển hiện rõ ràng cho đến những ngày cuối nhiệm kỳ hai, khi các đối thủ của tổng thống biết rằng họ có thể chờ đợi tổng thống ra đi. Nếu họ không thích những chính sách mà ông đề xuất, họ sẽ có thể tìm cách trì hoãn nó cho đến khi một tổng thống mới nhận nhiệm sở. Những người Cộng hòa đã thực hiện rất hiệu quả chiến thuật này vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ 2 của Lyndon Johnson cũng như những người Dân chủ đã làm vào nhiệm kỳ cuối của Gerald Ford năm 1976.
Mặt khác, tình trạng "vịt què" có thể giải phóng cho tổng thống. Không cần phải lo lắng về việc cử tri sẽ phản ứng ra sao với các sáng kiến chính sách, một tổng thống trong nhiệm kỳ cuối là của mình có thể thực hiện các bước đi táo bạo hơn, chấp nhận nhiều rủi ro hơn là một tổng thống luôn phải lo lắng về việc tái đắc cử hay nguy cơ thất cử trước mắt. Trong một cuộc hội đàm hồi tháng 5/2012 với Dmitri Medvedev, Tổng thống Obama, vốn không biết cuộc nói chuyện đang bị ghi âm, đã thật thà nói với nhà lãnh đạo Nga: "Đây là cuộc bầu cử cuối cùng của tôi. Sau cuộc bầu cử này, tôi sẽ có nhiều không gian linh hoạt hơn". Có lẽ đây là một cách thức trung thực bất thường khi một tổng thống nói ra một sự thật mà ai cũng biết. Chắc chắn sẽ có nhiều không gian linh hoạt hơn khi mối quan ngại tái đắc cử không còn là một phần trong phương trình hoạch định chính sách.
Obama sẽ sử dụng "khả năng linh hoạt" này như thế nào?
Nhiều khả năng chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong các nỗ lực chính sách đối ngoại nơi mà Quốc hội, với những thành viên phải quan tâm đến khả năng tái cử - ít quyền tham gia vào. Chúng ta sẽ có ý niệm rõ ràng hơn về định hướng chính sách đối ngoại nhiệm kỳ hai của Obama vào vài tuần tới khi đội ngũ mới của ông được công bố. Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sẽ sớm ra đi. Việc những ai sẽ thay thế họ sẽ giúp chúng ta phán đoán được hướng tư duy của Obama. Tuy nhiên, một số triển vọng khác cũng đã xuất hiện.
Nhiều khả năng chính quyền mới sẽ có những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong các cuộc đối thoại với Iran về chương trình vũ khí hạt nhân. Đảng Cộng hòa đã chỉ trích Obama về việc ông sẵn sàng đàm phán với Iran. Nay ông không cần phải lo ngại về chỉ trích của Cộng hòa nữa. Một sự rò rỉ thông tin vài ngày trước cuộc bầu cử cho thấy nền tảng cho những cuộc đàm phán như vậy đã được khởi động.
Chúng ta cũng có thể trông đợi nhiệm kỳ hai của Obama sẽ chứng kiến sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Cho đến nay, nước Mỹ đã tiêu tốn ngân sách quốc phòng bằng hầu hết các nước khác trên thế giới gộp lại. Trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, một mức chi tiêu như vậy đã vượt quá năng lực. Ngày nào trong chiến dịch tranh cử, Romney cũng chỉ trích Obama về việc cắt giảm chi tiêu quân sự, nhưng người dân Mỹ không hề động lòng bởi lý lẽ công kích này.
Và chúng ta có thể mong chờ một sự quan tâm nhiều hơn đối với châu Á trong nhiệm kỳ hai này. Sau ngày bầu cử, Nhà Trắng đã ra thông báo về chuyến công du sắp tới của Tổng thống đến Myanamar, Campuchia và Thái Lan. Những ai đang tìm kiếm ý nghĩa biểu tượng của thông báo này sẽ không bỏ lỡ một điều: châu Á sẽ được chú ý nhiều hơn trong nhiệm kỳ hai.
Và, nếu Thượng nghị sỹ John Kerry được chỉ định làm Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ mới, như nhiều người đang trông đợi thì điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Kerry là một người bạn vong niên của Việt Nam, ông đã đến thăm đất nước này nhiều lần và hiểu rõ người dân cũng như lãnh đạo của Việt Nam.
Trong mối quan hệ với Việt Nam, cũng như với tất cả những nước khác trong một thế giới phức tạp, Hoa Kỳ sẽ đối mặt với những thách thức trong thời gian tới. Nhưng nước Mỹ đã có một nhà lãnh đạo giờ đã sành sỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, người luôn đề cao giá trị của ngoại giao và trên tất cả, sẽ tìm kiếm cách thức giải quyết bất đồng quốc tế thông qua đàm phán thay vì bằng vũ khí. Giờ là lúc để tiếp tục với sứ mệnh ấy.
GS Calvin Mackenzie (ĐH Colby, Hoa Kỳ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét